Tờ giấy khen phát buổi tối ở nhà dân

Đó là năm 1953, sau khi tốt nghiệp ban Toán – Lý ở trường Khoa học cơ bản[1], Vũ Đình Lai về công tác tại Nha Giao thông, thuộc Bộ Giao thông công chính, đóng tại Sơn Dương, Tuyên Quang. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn có tính quyết định, Nha Giao thông thành lập ba đoàn khảo sát đường để chuẩn bị cho chiến dịch Đông xuân 1953-1954: Đoàn 1 và Đoàn 2 khảo sát ở khu vực Việt Bắc, còn Đoàn 3 khảo sát ở Tây Bắc.

Vũ Đình Lai được phân về Đoàn 3, tên gọi chính thức là “Đoàn nghiên cứu đường sá V”. Đoàn này chịu trách nhiệm tại các đoạn Phù Yên – Vạn Yên, Vạn Yên – Xồm Lồm và Mộc Châu – Pa Háng. Tuyến Phù Yên đi Xồm Lồm qua sông Đà là tuyến mở mới, để thông xe từ Việt Bắc xuống Liên khu III, Liên khu IV và sang Thượng Lào. Nhiệm vụ nặng nề như vậy, nhưng cả đoàn chỉ có vài ba chục người, do kỹ sư Nguyễn Đình Hiền (thường gọi theo bí danh là Nguyễn Đình) làm Đoàn trưởng và ông Quang Sơn làm Đoàn phó. Bên cạnh một số cán bộ chuyên môn của Nha Giao thông, những cán bộ kỹ thuật đã công tác lâu năm như kỹ sư Trần Luân, Lê Đình Hòe, cũng có những người mới được đào tạo ở trường Khoa học cơ bản và cùng lớp với Vũ Đình Lai như Vũ Bội Kiếm, Nguyễn Xuân Liên, Bùi Mạnh Sán. Ngoài ra, còn có những học sinh trường Cao đẳng Giao thông công chính tạm rời trường để phục vụ công tác đột xuất.

Trong khi ba bạn Kiếm, Liên và Sán được phân công vào các nhóm thăm dò đường thì Vũ Đình Lai nhận nhiệm vụ về phòng Kỹ thuật. Công việc cụ thể ở phòng này là nhận số liệu và bản vẽ từ những người khảo sát rồi tiến hành lên trắc dọc, trắc ngang[2], vẽ bình đồ, tính toán khối lượng. GS Lai cho biết, ngoài sự hướng dẫn nhiệt tình của Trưởng phòng Trần Luân, ông mượn được của kỹ sư Nguyễn Đình Hiền quyển sách Cours de chemin de fer (Giáo trình đường sắt) để học thêm. Ông còn nhớ: Cuốn sách có đầy đủ từ những khái niệm về đo đạc, địa chất cho đến cầu, đường sắt… Tôi tranh thủ đọc, đặc biệt học những nội dung mình đang trực tiếp thực hiện ở hiện trường đo đạc khảo sát[3].

Chỉ trong khoảng một tháng, Vũ Đình Lai đã thuần thục mọi công việc của phòng, trừ việc vạch đường đỏ thiết kế cao độ tuyến thì Trưởng phòng Trần Luân phụ trách. Ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn có sáng kiến để tính toán số liệu nhanh gấp 3 lần. Vì vậy, Trưởng phòng Trần Luân tín nhiệm đến mức mỗi khi đi vắng thường giao cho ông phụ trách phòng.

Nhớ lại thời kỳ công tác ở phòng Kỹ thuật hồi ấy, GS Vũ Đình Lai kể: Đối với tôi, thật thú vị khi làm những công việc này. Trắc đạc, nói cho cùng, là môn hình học dựng hình không phải trên giấy mà trên đất và với quy mô lớn. Nắm tốt môn hình học, hình họa và có các dụng cụ, ở đây là máy đo, thì không còn gì khó khăn nữa. Đọc sách thì dễ nhưng đụng tới máy móc thì hơi khó, vì không ai cho phép chúng tôi chưa biết gì về đo đạc mà lại đụng vào máy. Tôi còn nhớ, một lần trên công trường, nhân ngày chủ nhật đến chơi với anh em, tôi đứng cạnh mấy chiếc kinh vĩ, vừa sờ tay vào một tí thì ông Huấn đội trưởng khảo sát đã nhắc nhở: “Thôi các ông ơi, biết gì mà sờ vào!”. Máy móc thời đó quý hiếm lắm!.

Khi khảo sát xong ở đoạn Phù Yên – Vạn Yên cũng là lúc Ban chỉ huy đoàn khảo sát quyết định thành lập nhóm chỉnh lý lộ tuyến. Nhóm này phải đi ngược lại Phù Yên khoảng 20 cây số, để chỉnh lý lại một số đoạn tuyến theo bản vẽ, nhằm giảm bớt khối lượng đào đắp cho những đoạn tuyến đó, mà tất cả phải thể hiện trên bình đồ. Nhóm gồm hai cán bộ trắc đạc là ông Sửu – một người nhiều kinh nghiệm và ông Vũ Bội Kiếm, một cán bộ kỹ thuật là Vũ Đình Lai, ngoài ra có một số công nhân đi cùng. Ông Lai được Trưởng đoàn Nguyễn Đình Hiền giao cho làm trưởng nhóm. Ông Hiền còn trực tiếp nhờ ông Sửu giúp đỡ ông Lai, chuyện này GS Lai vẫn nhớ như in: Buổi chiều trước ngày khởi hành ra hiện trường, bác Hiền nhờ anh Sửu hướng dẫn tôi tìm hiểu và thực hành máy trắc đạc. Vì đã đọc sách nắm được các bộ phận cơ và quang của máy nên tôi tiếp thu khá nhanh cách sử dụng, tuy chưa thể thành thạo.

Ba cán bộ ngày ngày miệt mài trắc đạc và dùng các cọc tiêu để cắm tuyến, xác định các vị trí cho con đường. Buổi đầu tiên ra hiện trường, nhóm chưa có kinh nghiệm nên cả một ngày chỉ cắm được một đoạn đường cong, nhưng dần dần họ rút kinh nghiệm nên công việc tiến triển, ngày nào cũng có báo cáo số liệu gửi về phòng Kỹ thuật.

Thời gian này, Pháp tăng cường lực lượng quân sự lên Điện Biên Phủ. Có lần, khi ông Lai đang đứng giữa đám cây chó đẻ và mải đo một đoạn đường vòng thì bất chợt máy bay Pháp xuất hiện trên đầu. Gió từ cánh quạt máy bay làm đổ rạp cỏ cây, ông bẻ vội mấy ngọn chó đẻ phủ lên chiếc máy đo để ngụy trang rồi đứng im để tránh bị phát hiện. May là quân Pháp trên máy bay đã phát hiện điều gì khả nghi ở phía bờ suối nên chúng bắn xối xả xuống đó rồi bay đi.

Đoàn khảo sát 3 đặt trụ sở ở gần suối Tấc. Bà con ở đây toàn là người Thái. Trưởng bản bố trí cho cán bộ và dân công ở nhờ nhà dân, khoảng 3 đến 5 người ở một nhà. Đoàn cử 1 dân công làm cấp dưỡng và 1 cán bộ phụ trách công việc hành chính. Ông Vũ Đình Lai cho biết, tiền lương của ông khi đó được quy ra gạo, mỗi tháng khoảng 48kg. Hàng ngày, mọi người phải đăng ký lượng gạo ăn của mình để nấu, ông thường đăng ký 6 lạng cho 2 bữa trưa và tối. Như vậy, mỗi tháng ông phải nộp 18 cân gạo, số còn lại được quy đổi ra tiền, khoảng 3 hào một cân. Ở đây, gạo nếp là lương thực chính, còn thức ăn chủ yếu là hái rau rừng, thỉnh thoảng mới có cá khô. Gạo nếp Tây Bắc hạt nhỏ, thơm, dẻo, không dính như nếp dưới xuôi. Ông Lai có lần được ông Quang Sơn tặng một thỏi mìn nhỏ. Ông đưa thỏi mìn cho dân công để họ đánh cá cải thiện bữa ăn. Cá suối Tấc nhiều nổi tiếng, nên chỉ một thỏi mìn ấy đã đem về cho đoàn khảo sát tới vài gánh cá.

Đầu tháng 1-1954, nhóm chỉnh lý lộ tuyến hoàn thành việc thăm dò, khảo sát, lập hồ sơ khối lượng thi công và gửi cho công trường phụ trách đoạn Phù Yên – Vạn Yên. Mồng 4-1, ông Nguyễn Đình Hiền tổ chức họp tổng kết Đoàn 3 trước khi chuyển sang khảo sát đoạn từ Mộc Châu đi Pa Háng ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Đến nay, GS Vũ Đình Lai vẫn nhớ buổi họp đó: Chúng tôi họp vào buổi tối, trong một nhà sàn của người dân tộc Thái. Nhà dựng bằng tre ở giữa núi rừng Tây Bắc. Ghế ngồi cũng được làm từ thân cây tre ghép lại. Bác Hiền tổng kết kinh nghiệm rồi bất ngờ gọi vài người có thành tích làm việc tốt lên để phát giấy khen. Trong số những người được khen hôm ấy có tôi.

Tờ giấy khen của GS.TS Vũ Đình Lai được tặng năm 1954

T giấy khen có kích thước 19,5cm x 15cm, viết bằng mực tím trên mẫu đánh máy chữ, có đóng dấu của Đoàn 3 và chữ ký của Trưởng đoàn. Tờ giấy nay đã ố, rách mép dưới, quăn góc trái bên trên, nhưng nét mực vẫn sáng rõ. Đây là tờ giấy khen đầu tiên GS Vũ Đình Lai được tặng thưởng trong quá trình công tác, lại là vật chứng về thời kỳ mới ra trường và được đi tham gia khảo sát đường ở Tây Bắc để phục vụ kháng chiến, vì thế ông coi nó là một kỷ vật quý và lưu giữ cẩn thận suốt 65 năm qua. Năm 2019, khi trao tặng tờ giấy khen cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Vũ Đình Lai tâm sự như có ý nhấn mạnh giá trị tinh thần đặc biệt đó: Vì là tờ giấy khen đầu tiên nhận được kể từ khi công tác nên tôi rất trân trọng. Tôi coi nó như lời nhắc nhở bản thân luôn phải cố gắng hết mình với những nhiệm vụ được giao, dù công việc khó đến đâu thì chỉ cần chăm chỉ tìm tòi sẽ vượt qua.

Trước khi kết thúc câu chuyện quanh tờ giấy khen này, GS Vũ Đình Lai chia sẻ thêm: Tôi chỉ ở Tây Bắc một năm, một năm mới ra trường, tâm hồn còn tươi rói, nhiệt huyết chứa chan, say sưa với công việc, góp phần mình xây dựng những con đường chiến lược phục vụ chiến dịch Điện Biên lịch sử. Một năm ấy để lại nhiều kỷ niệm êm đềm cùng những người bạn công tác mà cho tới ngày nay, gần bảy chục năm rồi, người còn người mất, nhưng chúng tôi hàng năm vẫn gặp mặt nhau để hàn huyên chuyện cũ. Nhớ những đêm vui xòe không biết chán với những cô gái trong bản, nhớ những cơn sốt rét ác tính dữ dội – sản phẩm đặc trưng của miền “rừng thiêng nước độc”.

Hoàng Thị Kim Phượng

___________________________

[1] Trường Khoa học cơ bản chỉ đào tạo một khóa (1951-1953) và có hai ban: ban Toán – Lý và ban Hóa – Vạn.

[2] Trắc dọc là mặt cắt qua đường tim của công trình, trắc ngang là mặt cắt vuông góc với trắc dọc, cả hai đều thể hiện cao độ, kích thước của các yếu tố công trình.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Vũ Đình Lai, 14-12-2016, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN. Tất cả lời kể của GS Vũ Đình Lai trong bài đều trích từ tài liệu này.