Kỳ I. Thác Bà reo gọi điện sông Đà
Sau khi miền Bắc được giải phóng năm 1954, vấn đề thủy lợi rất được Chính phủ quan tâm, đặc biệt là trị thủy sông Hồng bởi trận đói lịch sử năm 1945 có nguyên nhân từ việc vỡ đê sông Hồng. Năm 1961, một cơ quan chuyên trách nghiên cứu vấn đề này được thành lập là Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng1 ra đời do Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn phụ trách. Nhiệm vụ chính nhất là nghiên cứu phương án khai thác kết hợp trị thủy sông Hồng, trong đó, vấn đề trị thủy là ưu tiên số một. Năm 1971, lịch sử lặp lại khi nước sông Hồng dâng cao gây vỡ đê nhiều đoạn ở đồng bằng Bắc Bộ, Chính phủ phải cho một tàu chở đá nằm trên cầu Long Biên bởi lo sợ lũ cuốn trôi cầu. Trước tình hình đó càng thôi thúc Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và xây dựng thủy điện Hòa Bình.
Ngày 2-9-1971, nhân dịp kỷ niệm 26 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mũi khoan đầu tiên được khởi động tại đồi Ba Vành ở Hòa Bình, mở đầu công tác khảo sát, chuẩn bị cho một công trình thế kỷ. Theo điều tra, nghiên cứu, vào những năm 40, Sở địa chất Đông Dương2 tiến hành khảo sát các tuyến tiềm năng có thể chế ngự dòng sông Đà hung dữ trên vùng hạ lưu. Đầu tiên, họ cho khoan và khảo sát ở vị trí xây đập Hòa Bình ngày nay, nhưng khi khoan sâu xuống dưới thấy lớp phù sa kèm đá cuội, sỏi dày tầm 60 mét. Do chưa biết xử lý nền đập thế nào nên các kỹ sư người Pháp chuyển lên nghiên cứu vị trí Chợ Bờ cách 15km so với vị trí cũ (nơi này nay đã nằm dưới lòng hồ Hòa Bình) bởi nơi đây có Thác Bờ3. Tuy nhiên, khi khoan vượt qua lớp đá 15 mét, thì bên dưới vẫn là lớp phù sa, cát sỏi. Tiếp tục ngược lên thượng lưu thêm 20 km nữa đến cửa suối Rút (xã Phúc Sạn, Mai Châu, Hòa Bình), là một nhánh bên hữu ngạn chảy vào sông Đà. Người Pháp tiếp tục khoan khảo sát và kết quả vẫn thấy lòng sông là phù sa. Cuối cùng, họ kết luận: Sông Đà bất trị. Nghĩa là vào thời điểm đó thì thế giới chưa có giải pháp xử lý lớp phù sa dày để xây dựng nền đập.
Khảo sát và lập luận chứng kinh tế
Ngày 5-10-1971, Nhà máy thủy điện Thác Bà ở huyện Yên Bình, Yên Bái sau 7 năm xây dựng đã làm lễ khánh thành và phát điện tổ máy số I với công suất 36MW trong không khí hân hoan của hàng vạn cán bộ, chuyên viên kỹ thuật. Là Trưởng ban kiến thiết thủy điện Thác Bà, TS Thái Phụng Nê được Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Phan Mỹ mời lên trao đổi: Bây giờ công trình thủy điện Thác Bà cơ bản đã xong, anh về giúp Bộ chuẩn bị xây dựng thủy điện Hòa Bình4. Theo yêu cầu của Bộ, đầu tháng 11-1971, ông Nê về Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó phòng Thủy công 2, do TS Nguyễn Đình Tranh5 làm Trưởng phòng, thuộc Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng. Nhiệm vụ của phòng là nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị số liệu về thủy văn, địa chất, địa hình, kinh tế, dân sinh… liên quan đến sông Hồng để cung cấp cho chuyên gia Liên Xô, theo Thỏa thuận liên Chính phủ Việt – Xô, được ký kết ngày 22 tháng 10 năm 1970, để bắt đầu công tác thiết kế chung. Theo TS Thái Phụng Nê: Nghiên cứu kinh tế dân sinh vì phải lo cuộc sống của người dân trong lòng hồ khi di dời, xem xét sau khi có công trình thì đời sống nhân dân vùng hạ lưu sẽ ảnh hưởng như thế nào. Thấy những vấn đề nào xảy ra, phải có biện pháp phòng tránh…6. Tuy nhiên, việc khảo sát và lập luận chứng kinh tế cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình không phải điều dễ dàng, cần rất nhiều tư liệu về địa chất, trắc đạc, địa hình… trong đó tài liệu thủy văn là yếu tố đầu tiên. Với bề dầy kinh nghiệm làm thủy điện, phía chuyên gia Liên Xô yêu cầu Việt Nam phải có tài liệu thủy văn trong 40 năm trên cơ sở tổng hợp các trạm đo đạc quan trắc trên nhiều tuyến của sông Hồng theo từng thời kỳ. Tính đến năm 1971, tài liệu chúng ta có chỉ là 10 năm (từ năm 1961) do Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp, tới năm 1980 thêm tài liệu 10 năm nữa. Trong khi trên thế giới, khi xây dựng thủy điện, các quốc gia thường được thừa hưởng tài liệu từ các chế độ trước, còn Việt Nam trong điều kiện chiến tranh nên nhiều tài liệu quan trắc bị thiếu sót, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh.
Một vấn đề nữa là tài liệu về địa chất, để khảo sát, khoan đào thăm dò phần nền và vai đập. Trên thế giới đã có 2 công trình xây trên nền cát sỏi và phù sa, trong đó, có Nhà máy thủy điện Aswan ở Ai Cập, do Liên Xô thiết kế xây dựng trên nền phù sa và cát sâu 170 mét. Các chuyên gia Liên Xô xử lý nền chống thấm bằng cách tạo màng chống thấm trong lớp phù sa, gắn kết chặt chẽ để nước không thể thấm được. TS Thái Phụng Nê cho biết: Thành phần quan trọng nhất của màng chống thấm là một chất dung dịch bền vững được tạo từ vữa đất sét có nhiều hạt Bentonite7 trộn với xi măng, ngoài ra còn có dung dịch vữa pha thêm kính lỏng hoặc bột nhôm8. Nhờ có kinh nghiệm đó, Liên Xô đã giúp Việt Nam thiết kế, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật thủy điện Hòa Bình. Nhưng khi phê duyệt báo cáo luận chứng kinh tế kỹ thuật thì phát hiện còn tồn tại vấn đề qua trọng là chưa nghiên cứu chọn tuyến đập tối ưu. Trước đây, khi làm thủy điện Thác Bà, Liên Xô đã giúp Việt Nam lập quy hoạch các tuyến đập, từ đó chọn ra tuyến tối ưu là Thác Bà trên sông Chảy.
Chọn tuyến
Khi đề xuất lập luận chứng kinh tế kỹ thuật với phía Liên Xô, Chính phủ Việt Nam chỉ đề nghị nghiên cứu tuyến đập Hòa Bình (vị trí ngày nay). Còn theo quy phạm làm thủy điện của Liên Xô, khi xây dựng một công trình thủy điện cần có quy hoạch bậc thang của dòng sông, tức là trả lời câu hỏi: Liệu sau này có bậc thang nào trên sông Đà cạnh tranh với tuyến đập thủy điện Hòa Bình không, và nên xây ở đâu trước đảm bảo kinh tế kỹ thuật nhất. Do đó, Hội đồng khoa học của Viện Thiết kế thủy công Moskva yêu cầu làm rõ quy hoạch bậc thang sông Đà.
Đoàn Việt Nam cùng chuyên gia Viện Thiết kế thủy công Baku, thành phố Baku, Azerbaijan, tháng 4-1975. Từ trái: TS Thái Phụng Nê (thứ 3), TS Lê Quang Diện (thứ 6) |
Vị trí xây dựng thủy điện Hòa Bình được Chính phủ xác định từ đầu, nếu phải tiến hành nghiên cứu và khảo sát bậc thang thì tiến độ xây dựng thủy điện Hòa Bình sẽ bị chậm lại ít nhất vài năm. Đầu tháng 4-1975, ông Hà Kế Tấn – Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình thủy lợi thủy điện trên sông Đà cử một đoàn cán bộ, trong đó có TS Thái Phụng Nê và TS Lê Quang Diện sang Liên Xô trao đổi việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu thêm 5 tuyến đập nữa trên đoạn hạ lưu, tiếp thu ý kiến chọn tuyến của Viện Thiết kế thủy công Baku và ý kiến đề xuất của Viện Thiết kế thủy công Moskva. Khi đó, Viện Thiết kế thủy công Baku, thuộc Viện Thiết kế thủy công Moskva, được giao lập luận chứng kinh tế kỹ thuật thủy điện Hòa Bình và lập bổ sung thiết kế chọn tuyến. Viện Thiết kế thủy công Moskva đóng vai trò thẩm định. Lúc đó, có hai ý kiến trái ngược nhau về vị trí xây đập. Viện Thiết kế Thủy công Baku chọn tuyến Hòa Bình trên, cách đập bây giờ theo đường chim bay là 6 km, với lý do tuyến Hòa Bình dưới vai đập có nhiều hang động đá vôi, nếu xây dựng hồ chứa ở đó sẽ bị thấm nước, xây dựng đập trên nền phù sa đó không đảm bảo an toàn.
Ngày 30-4-1975, sau khi nhận được ý kiến của phía Baku, đoàn công tác Việt Nam ra sân bay để bay về thủ đô Moskva, Viện trưởng Viện Thiết kế thủy công Baku Basovski, từng sang Việt Nam giúp đỡ xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà ra tiễn và báo tin: Xin thông báo cho đồng chí, thành phố Sài Gòn đã được giải phóng9. Mọi người trong đoàn đều mừng rỡ không nói lên lời, với riêng TS Thái Phụng Nê, ông cảm thấy mình hạnh phúc nhất, bởi 21 năm xa quê hương, giờ sẽ được trở về thăm gia đình ở Phú Yên. Về tới Đại Sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva, mọi người đang hò reo tưng bừng và xem tivi quay cảnh thủ đô Hà Nội đông nườm nượp người tràn ra đường để tận hưởng không khí chiến thắng.
Ngày hôm sau, mọi người chuẩn bị vé tàu về nước thì nhận được điện khẩn của ông Hà Kế Tấn yêu cầu hai ông Thái Phụng Nê và Lê Quang Diện tiếp tục ở lại tìm gặp lãnh đạo Viện Thiết kế thủy công Moskva, xin tài liệu và ý kiến chọn tuyến đập Hòa Bình. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, hai ông đến Viện Thiết kế gặp GS Malưsev để xin tài liệu và ý kiến thì chưa nhận được câu trả lời. Họ khuyên ông về Đại sứ quán chờ, cứ vài hôm gọi điện đến Viện Thiết kế hỏi tình hình thì đều nhận được phản hồi là chưa có kết quả. Nửa tháng sau, Viện Thiết kế thông báo mời hai ông lên gặp và trao đổi, ông Nê rất mừng. Cùng tiếp với ông Malưsev có học trò là ông Vasilev, chủ nhiệm thiết kế thủy điện Hòa Bình. GS Malưsev nói: Người Baku thì chọn tuyến trên, còn chúng tôi chọn tuyến dưới. Ông Nê hỏi: Xin Giáo sư cho thêm ý kiến về ưu điểm và hạn chế của chọn tuyến hiện tại. GS Malưsev nói: Thứ nhất là về kinh tế, tuyến Hòa Bình dưới là kinh tế nhất vì việc vận chuyển các thiết bị vật tư xây dựng bằng đường thủy sẽ gần và thuận tiện hơn. Điểm này ông Nê thấy hợp lý. Thứ hai, các chuyên gia Baku còn ít kinh nghiệm thực tế để xử lý nước thấm qua đá vôi. Ở Hòa Bình dưới phía vai trái đập là núi đá vôi với hệ thống hang động rất phức tạp, nhưng nếu nghiên cứu kỹ sẽ chọn được vị trí không có hoặc ít hang hốc. Chúng tôi sẽ có cách xử lý. Chúng tôi hứa làm được10. (Sau này, nhờ thủy điện Hòa Bình được xây dựng trước đã giúp vận chuyển các thiết bị quá trọng, quá trường lên xây dựng các đập thủy điện tuyến trên như: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng… một cách thuận lợi).
Nhận được câu trả lời của phía Liên Xô, hai ông liền vội trở về nước báo cáo Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn. Hơn 1 tuần sau, khoảng cuối tháng 5-1975, ông Tấn gọi ông Nê lên gặp và nói: Bộ Chính trị đang họp trong thành phố Sài Gòn, một trong những chương trình của kỳ họp lần này là nghe báo cáo việc chọn tuyến xây dựng thủy điện Hòa Bình. Anh về khẩn trương chuẩn bị, ngày mai anh cùng tôi vào Sài Gòn báo cáo11. Ông đang thắc mắc đi bằng cách gì cho kịp cuộc họp thì ông Tấn nói: Anh yên tâm, sáng sớm mai ra sân bay Gia Lâm rồi bay vào Sài Gòn12. Ông Nê hỏi tiếp: Ăn uống thế nào anh ?
– Cứ mang theo tem phiếu với suất cơm sáu hào13 – ông Tấn đáp.
Sáng hôm sau, chuyến bay quân sự từ Gia Lâm chở một đoàn khoảng 30 người, trong đó có ông Hà Kế Tấn và Thái Phụng Nê vào Sài Gòn. Xuống sân bay, một chiếc xe ô tô hãng Honda đã chờ sẵn đón ông Hà Kế Tấn và ông Nê đưa về trụ sở của Trung ương Cục miền Nam ở thành phố Sài Gòn với sự bảo vệ nghiêm ngặt. Việc chuẩn bị cuộc họp rất khẩn trương, ông Nê thấy lúng túng. Bản báo cáo viết tay của ông Nê dài hàng chục trang được đưa đi đánh máy, in thành 30 bản để trình Bộ Chính trị. Thành phần cuộc họp gồm có Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị… dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Bản báo cáo được trình bày khoảng 30 phút, nhiều ý kiến đưa ra hỏi ông Nê và ông Hà Kế Tấn: Tại sao Viện Thiết kế thủy công Moskva chọn tuyến Hòa Bình dưới? về vấn đề đá vôi giải quyết thế nào để không thấm nước…14. Ông Nê phải báo cáo lại ý kiến của các chuyên gia Liên Xô đưa ra. Do trong buổi họp còn bàn việc hợp tác với Liên Xô trong việc khai thác dầu khí ở Nam Côn Sơn nên các vấn đề được thảo luận rất nhanh. Sau khi nghe giải đáp các thắc mắc, Tổng Bí thư Lê Duẩn kết luận: Đúng, chúng ta chọn tuyến đập Hòa Bình15 . Theo TS Thái Phụng Nê: Đưa ra tuyến đập Hòa Bình mà phía Việt Nam đã kiến nghị chứ không phải tuyến đập Hòa Bình dưới do Viện Thủy công Moskva đề xuất16. Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã điện cho đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu – Đại sứ Việt Nam, có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ Liên Xô rằng Việt Nam chọn tuyến Hòa Bình.
Sau nhiệm vụ báo cáo, ông Tấn và ông Nê được đi tham quan thành phố Vũng Tàu và cảng Cam Ranh ở Nha Trang, Khánh Hòa. Lúc đến Nha Trang, ông Tấn nói: Tôi biết anh nóng ruột về thăm quê, anh không cần thăm cảng Cam Ranh nữa17. Trước đó, khi ghé thăm Nhà máy thủy điện Đa Nhim ở Ninh Thuận, ông Nê gặp được ông Vũ Hiền (nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy thủy điện Thác Bà) được cử vào làm cố vấn và tiếp quản Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Do quen biết nhau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà (1964-1971) nên hai người trò chuyện rất thân tình. Trước lúc chia tay, ông Nê nói: Tôi về nhà thế nào cũng cần tiền, nhưng trong người không có đồng nào. Anh có tiền cho tôi vay một ít18. Ông Vũ Hiền lục túi áo rồi đưa cho ông Nê: Tôi chỉ có bấy nhiêu thôi, đưa cho anh hết19. Chỗ đó vào khoảng 500 đồng tiền miền Nam. Nhờ có tiền, ông Nê ra bắt xe đò về Tuy Hòa, Phú Yên và mua 1 gói kẹo làm quà cho các cháu. Khi xe tới Đèo Cả, nhìn về quê mình, ông vô cùng xúc động, những ký ức của ngày xa quê 21 năm về trước bỗng ùa về. Ông tự nhủ trong lòng: Đây quê hương ta đó, vẫn cánh đồng ruộng năm nào20.
Khi đến thị xã Tuy Hòa, ông xuống xe rồi đi bộ 8 km để về nhà. Đến xóm Ghềnh Đá, ông không đi đường chính mà băng qua đồng ruộng về nhà ở thôn Mỹ Hòa21. Trên những cánh đồng, mọi người đang cấy lúa, họ lạ lẫm nhìn ông bởi tác phong đúng một anh cán bộ miền Bắc mặc áo kaki, chân đi dép nhựa Tiền Phong, đầu đội mũ cối. Đến đầu làng, hàng tre xanh vẫn còn đó, làng xóm mấy chục năm không thay đổi, ông rẽ ngõ thứ 3 thì đến nhà. Trước khi ra Bắc tập kết, nhà được xây bằng tường tốc xi, lợp mái gianh, nhưng nay nhà đã làm tường gạch, lợp ngói. TS Thái Phụng Nê cho biết: Nhà mới xây lại không lâu do nhà cũ bị cháy do trúng pháo năm 196922. Một cậu thanh niên đang quét sơn cửa sổ – cháu trai Thái Phụng Cầu (con anh cả Thái Phụng Kỳ) vội reo to: Chú Năm về23. Nghe tiếng gọi, bố ông là cụ Thái Mâu đang nằm trong nhà liền bật dậy, chạy ra. Cả nhà đoàn tụ, ai cũng mừng. Hơn một tiếng sau, làng xóm biết ông Nê về liền kéo đến hỏi thăm, trong nhà hết chỗ, mọi người ngồi cả ngoài sân. Những câu chuyện kéo dài đến đêm vẫn chưa dứt. Trưa hôm sau, ông ăn vội bát cơm rồi ra bắt xe đò xuống thành phố Nha Trang. Lúc này, ông Hà Kế Tấn cũng đang ở dinh Bảo Đại, Nha Trang chờ, rồi hai người cùng vào Sài Gòn.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị về việc xây dựng Thủy điện Hòa Bình ở vị trí tuyến Hòa Bình, các chuyên gia thủy lợi cùng cơ quan quản lý đã tập trung ngay nghiên cứu và tiếp tục cung cấp tài liệu cơ bản cho Viện Thiết kế Moskva. Từ đó, các chuyên gia Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng thiết kế kỹ thuật cho thủy điện Hòa Bình. Năm 1978, ông Hà Kế Tấn thôi giữ chức Trưởng ban Quản lý xây dựng công trình thủy lợi thủy điện trên sông Đà, ông Phạm Khai – Thứ trưởng Bộ Điện và Than24 được giao làm Giám đốc Ban quản lý công trình thủy điện Hòa Bình. Ông Thái Phụng Nê làm Phó Giám đốc trực tiếp quản lý ở công trường. Tổng Công ty xây dựng sông Đà do Thứ trưởng Bộ Xây dựng là ông Phan Ngọc Tường25 làm Tổng giám đốc phụ trách xây dựng. Ban quản lý bắt đầu cho xây dựng khu phụ trợ công trường, giải phóng mặt bằng xây dựng kho tàng, vật liệu và khu nhà ở. Do đường bộ không đáp ứng được việc chuyên chở máy móc, trang thiết bị trọng tải lớn, có những máy biến áp nặng 80 tấn, ô tô không thể chuyên chở được nên phải xây dựng cảng vật tư, vận chuyển trang thiết bị bằng đường sông. Cả công trường hừng hực khí thế, chuẩn bị tâm thế cho việc khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
(Đón xem: Kỳ II. Phương án nào cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình)
Ngô Văn Hiển
_____________________
[1] Tháng 9-1959, Ban Bí thư ra chỉ thị số 164-CT/TW về vấn đề khai thác và trị thủy sông Hồng do ông Hà Kế Tấn phụ trách. Đến ngày 16-1-1961, Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng được thành lập.
[2] Sở Địa chất Đông Dương được thành lập năm 1898, Sau năm 1945 đổi thành Sở Địa chất Việt
[3] Nơi có thác thường xây dựng được thủy điện bởi dưới đó là nền đá.
[4] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê, ngày 1-7-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Sau là Thứ trưởng Bộ Điện và Than (nay là Bộ Công thương).
[6] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 3-3-2020, đã dẫn
[7] Tham khảo thêm nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Bentonit.
[8] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 3-3-2020, đã dẫn
[9] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[10] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[11] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[12] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[13] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[14] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[15] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[16] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[17] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 3-3-2020, đã dẫn.
[18] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[19] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[20] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[21] Xã Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa, Phú Yên.
[22] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[23] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 28-5-2020, đã dẫn.
[24] Bộ Điện và Than thành lập năm 1969 trên cơ sở tách từ Bộ Công nghiệp. Đến năm 1981 thì giải thể thành 2 là Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than.
[25] Sau này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.