Một cái Tết đáng nhớ ở thủy điện Sông Hinh

Ngày 25-1-1998 (tức 28 tháng Chạp), TS Thái Phụng Nê – khi đó là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp đang chuẩn bị nghỉ Tết thì nghe tin đập giữ nước của thủy điện Sông Hinh gặp sự cố. Ông vội đến Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư để nghe báo cáo tình hình. Thủy điện sông Hinh được khởi công xây dựng năm 1993 bằng nguồn viện trợ ODA của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (viết tắt là CIDA) dưới sự thiết kế của Công ty khảo sát thiết kế xây dựng điện I (viết tắt là PECC1). Nguyên nhân sự cố là do bên thiết kế cải tiến kỹ thuật, thay màng chống thấm ở giữa đập bằng tấm thép cắm sâu xuống dưới chân đập. Nếu thành công thì đây trở thành sáng kiến hay nhưng do áp lực nước trong hồ lớn đã đẩy tấm thép xô đi khiến đất đá trên đập bị trụt xuống dưới và trôi về hạ lưu. Dự đoán tình hình có thể xấu đi, theo phân công của Bộ Công nghiệp, TS Thái Phụng Nê bay ngay vào Nha Trang, ô tô đón ông lên thẳng công trường. Trên đường đi, ông gọi điện cho Ban quản lý công trường lập tức triệu tập các chỉ huy công trường chuẩn bị báo cáo tình hình. Đồng thời, ông báo cáo tình hình lên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Nắm được tình hình, ông Lộc thông báo cho ông Nguyễn Khắc Kiên – Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sông Đà đang xây dựng trên công trường thủy điện Yaly[1], điều khoảng 20 xe gồm: máy xúc, máy ủi, máy đầm… đi ngay trong đêm xuống viện trợ cho thủy điện Sông Hinh.

TS Thái Phụng Nê, tháng 11-2020

Tới công trường lúc 23 giờ đêm 28 Tết, Ban chỉ huy công trường báo cáo tình hình và phương án khắc phục sự cố với Thứ trưởng Thái Phụng Nê. Biện pháp khắc phục là đào kênh dẫn nước theo hướng khác giúp giảm áp lực lên thân đập, đồng thời lấy đất đá đào kênh bồi lên phần đập đang rò nước. TS Thái Phụng Nê chia sẻ: Do kinh phí là của CIDA viện trợ nên thiết kế cũng phải được phía họ chấp thuận. Nếu phương án đào kênh giải quyết sự cố chưa được duyệt thì bên thi công chưa được đào[2]. Trong suốt quá trình họp, bàn thảo có chuyên gia của CIDA tham dự, tuy không nói gì nhưng ông cảm nhận thấy tâm trạng họ rất lo lắng. Ông Nê chỉ đạo: Từ bây giờ, mọi vấn đề trên công trường, từ chương trình, tiến độ, xử lý  thế nào phải có kế hoạch cụ thể, và phải được tôi thông qua. Toàn bộ lực lượng phải khẩn trương làm ngay, năm nay không nghỉ Tết. Tan họp, ông gặp riêng chuyên gia của CIDA trao đổi: Tình hình hiện tại anh đã rõ, anh giúp chúng tôi liên hệ với lãnh đạo của CIDA xem thiết kế đã được duyệt chưa. Nếu được duyệt thì báo cho tôi biết để trên cơ sở chúng tôi tiến hành đào kênh sự cố.

Sáng sớm 29 Tết, vị chuyên gia CIDA báo cho biết là thiết kế đã được duyệt, đồng thời lực lượng máy chuyên dụng của công trường thủy điện Yaly vừa kịp xuống viện trợ công trường. Ông Thái Phụng Nê chỉ đạo lực lượng máy móc ngay lập tức tập trung đào kênh tháo nước. Đất đá đào phải chở nhanh đến phía thượng lưu đổ, áp đảo sức chảy của dòng nước, tránh xói thân đập. Công ty Cổ phần và đầu tư xây dựng 24 (viết tắt là Công ty 24), đơn vị xây dựng thủy điện Sông Hinh đã kết hợp với lực lượng viện trợ của Tổng công ty Sông Đà hoạt động hết công suất nên tình hình dần được kiểm soát. Tuy nhiên, việc đào kênh sự cố sẽ ảnh hưởng đến ba hộ dân sinh sống cạnh đó nên ông Nê đến gặp Bí thư huyện ủy Sông Hinh là Ba Săn (người Ê đê) giúp giải phóng mặt bằng ngay trong buổi sáng. Việc bồi thường và di dời phải giải quyết ngay trong ngày 29 Tết. Ngày 30 Tết, kênh sự cố đã hoàn thành, việc ngăn nước rò rỉ ở thân đập thủy điện Sông Hinh được kiểm soát, ông Nê thở phào nhẹ nhõm bởi nếu vỡ đập thì hậu quả không thể lường hết được.

Ông Trần Văn Hải – Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện khi đó đang bù đầu, chạy ngược xuôi lo đôn đốc công việc thì vợ đến thăm. Ông Nê liền hỏi: Ở nhà chuẩn bị Tết đến đâu rồi mà có thời giờ lên đây. Vợ ông Hải nói: Anh nhà cháu bận công việc trên đây nên cháu mang bánh lên cho anh ăn Tết với mọi người. Việc này khiến ông Nê suy nghĩ cảnh anh em làm việc vất vả cả năm, chỉ mong đến Tết về sum vầy bên gia đình mà nay vì công việc vẫn phải ở lại đây. Đến 18 giờ chiều 30 Tết, ông quyết định cho công nhân ca 1 và ca 3 nghỉ về nhà ăn Tết trước, ca 2 (làm việc từ 14 giờ chiều đến 22 giờ đêm) sẽ nghỉ sau. Đúng 13 giờ chiều Mùng 1 Tết, tất cả lực lượng phải có mặt trên công trường để tiếp tục công việc, đảm bảo tiến độ tốt nhất. Ông tâm sự: Muốn cán bộ làm việc tốt thì phải nghĩ đến những tâm tư, nguyện vọng thiết tha của anh em. Có như thế mọi việc mới thuận lợi và suôn sẻ. Ông Nê rời khỏi công trường lúc 22 giờ đêm, để về nhà đón giao thừa ở thị xã Tuy Hòa, Phú Yên, cách công trường khoảng 40 cây số. Trên đường về, ông vào chúc Tết Chủ tịch tỉnh Phú Yên Nguyễn Văn Hữu. Trò chuyện một lúc thì ông Hữu hỏi: Tình hình xử lý đập của thủy điện Sông Hinh thế nào anh, kiểm soát được chưa?. Ông Nê hứa sẽ xử lý được sự cố và đảm bảo cho anh em về Tết. Gần giao thừa, ông về tới nhà kịp thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ. Đã hơn 40 năm kể từ ngày ra Bắc tập kết năm 1954, đây là Tết đầu tiên ông đón giao thừa ở quê nhà. Nghe tin ông về, họ hàng, con cháu đến chúc Tết và liên hoan rất vui vẻ, đầm ấm. 

Đúng 11 giờ trưa ngày 28-1-1998 (tức Mùng 1 Tết), ô tô đến đón TS Thái Phụng Nê trở lại công trường thủy điện Sông Hinh. Đến nơi, anh em công nhân đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị bắt tay vào công việc, mọi người trò chuyện rôm rả về việc đón Tết vừa qua. Ông thầm vui vì đã tạo điều kiện linh hoạt cho mọi người được đón Tết bên gia đình. Đúng 13 giờ ngày Mùng 1 Tết  mọi người bắt đầu làm việc với tinh thần và quyết tâm cao nên tiến độ công việc được đẩy lên nhanh chóng. Chiều mùng 3 Tết, nước không chảy qua thân đập nữa, nhiệm vụ của ông hoàn thành. Ngày 31-1-1998 (tức mùng 4 Tết), TS Thái Phụng Nê ra Hà Nội báo cáo tình hình với lãnh đạo Bộ việc giải quyết sự cố vừa qua. Công trình thủy điện Sông Hinh tiếp tục được xây dựng đến năm 2001 thì hoàn thành với công suất 70 MW. Công trình thủy điện này đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện cho tỉnh Phú Yên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, câu chuyện về cái Tết  trên thủy điện Sông Hinh mà TS Thái Phụng Nê trực tiếp điều hành xử lý, nay đã đi vào dĩ vãng hơn 20 năm, nhưng trong ông vẫn đọng lại nhiều kỷ niệm khó quên. Ông tâm niệm: Mọi việc phải cố gắng giữ cân bằng, vừa giải quyết nhiệm vụ cấp bách công việc nhưng phải thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của mọi người để linh hoạt giải quyết. Có như vậy thì công việc mới trôi chảy, thành công.

Ngô Văn Hiển


* TS Thái Phụng Nê, sinh năm 1936, chuyên ngành Điện lực, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng.

[1] Thuộc tỉnh Gia Lai.

[2] Tài liệu ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 19-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các trích dẫn trong bài lấy từ nguồn này.