Trong những hiện vật mà PGS.TS Lý Hòa đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi rất chú ý đến đôi dép của ông, bởi nó khác thường: một đế cao 15cm và một đế chỉ cao 2cm. Với sự tò mò, thắc mắc, chúng tôi bị cuốn hút vào câu chuyện cảm động về những ngày tháng vượt lên số phận của ông.
PGS.TS Lý Hòa sinh năm 1930 tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Mới 16 tuổi, ông đã tham gia dạy bình dân học vụ, tham gia hoạt động du kích trong xã, sau đó công tác ở Ủy ban kháng chiến cấp xã, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền vận động nhân dân chống phá âm mưu bình định của địch. Với khả năng làm công tác dân vận, ông được Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Đặng Văn Quế (Mười Quế) và Huyện đội trưởng Cai Lậy Đặng Văn Tỷ (Ba Tỷ) phân công về hoạt động tại xã địch hậu trắng Mỹ Long[1]. Tại đây, Lý Hòa làm cán bộ “tứ diện”- kiêm bốn nhiệm vụ (dân, quân, chính, đảng): Bí thư chi bộ, Xã đội trưởng, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và phụ trách Mặt trận Việt minh. Trong hơn một năm, ông đã xây dựng lại chi bộ Đảng, tổ chức nhân dân theo mạng lưới cách mạng vùng địch hậu và làm tốt công tác ngụy vận.
Được nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện và giúp đỡ, Lý Hòa đã vận động, thuyết phục được ba binh sỹ ngụy làm cơ sở cung cấp thông tin về địch cho cách mạng. Ba binh sỹ này đồng ý làm nội ứng cho bộ đội tấn công tiểu khu quân sự Mỹ Long. Trận đánh nổ ra ngày 7-10-1953, diễn ra nhanh gọn trong khoảng 5 phút, địch bị tấn công bất ngờ và chỉ kịp bắn được một viên đạn. Trớ trêu thay, viên đạn ấy lại trúng đùi trái của Lý Hòa. Vết thương trở nên nguy kịch hơn vì gây phồng động mạch, một vấn đề nan y thời ấy. Lý Hòa được đưa ngay ra miền Bắc bằng trực thăng, trong đoàn 16 người đầu tiên tập kết năm 1954. Ông phải điều trị suốt 5 năm với 38 tháng bất động, 16 lần mổ, qua 7 quân y viện từ Nam ra Bắc. Lần phẫu thuật thứ 16, tại Bệnh viện Việt – Xô, Lý Hòa may mắn được một giáo sư Liên Xô giỏi về chuyên khoa tim mạch tham gia kíp mổ. Ông trông chờ nhiều ở lần mổ này, ca phẫu thuật có ý nghĩa định đoạt cuộc đời ông, cho nên tâm thế ông sẵn sàng và tràn đầy hy vọng khi lên bàn mổ[2]. Ca mổ diễn ra trong bốn tiếng đồng hồ và khi tỉnh dậy ông được báo tin kết quả thành công tốt đẹp. Lúc đó lòng tôi rực lên một niềm vui lạ thường[3].Trong suốt quá trình điều trị, trải qua những lần chuyển viện, mỗi khi trái gió trở trời, phải chịu những cơn đau đớn hành hạ khiến ông nhiều lần mệt mỏi và tưởng chừng như không thể vững tâm để tiếp tục đương đầu với thương tật. Nhưng bằng niềm tin yêu cuộc sống, ông đã vượt qua mọi đau đớn, vượt qua chính bản thân mình. Đặc biệt, trong thời gian nằm trên giường bệnh, ông còn tranh thủ tự học thêm các môn toán, lý, hóa, sinh. Cuối tháng 10-1958, Lý Hòa ra viện và xuất ngũ với tình trạng sức khỏe hạng D, thương binh loại 2/6 (nay là 2/4).
Ông tiếp tục học và thi đỗ vào trường Bổ túc văn hóa công nông trung ương, rồi tốt nghiệp loại giỏi. Sau đó, ông tốt nghiệp loại ưu khoa Vật lý, trường Đại học tổng hợp Hà Nội (khóa 1959-1963) và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Vật lý từ năm 1963 đến 1975. Ông được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và năm 1969 đã bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là TS) về Toán – Lý. Về nước, tiếp tục công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã viết và giảng 5 giáo trình chuyên ngành về vật lý và hóa học; ông cũng tham gia các đề tài nghiên cứu, đã có 15 công trình được công bố trên tập san khoa học và trong các hội nghị khoa học. Đặc biệt, ông tham gia đề tài “G-H” nghiên cứu cách chống bom laser của không quân Mỹ, góp phần đảm bảo giao thông ở miền Bắc trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kết quả đề tài được đánh giá là “khoa học, đại chúng, tiết kiệm”[4], tập thể tham gia đề tài được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đến tháng 5-1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được triệu tập cùng nhóm cán bộ khoa học kỹ thuật trở về tiếp quản những cơ sở trọng yếu ở Sài Gòn. Tháng 4-1977, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1990. Cũng trong thời gian này, ông được bầu làm Bí thư Đảng bộ khối Đại học – Cao đẳng – Trung học chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh.
Đôi dép gắn bó hơn 10 năm với PGS.TS Lý Hòa
Trở thành thương binh, việc đi lại của ông khó khăn và phải sử dụng gậy để hỗ trợ. Do chân trái bị thương tật nên chiếc dép trái của ông phải làm đế cao đến 15cm. Ông tìm nơi thiết kế giày dép cho những trường hợp đặc biệt để đặt đóng đôi dép này. Cẩn thận lau chùi đôi dép trước khi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông nhớ lại: Đó là vào những năm 80, do công việc đòi hỏi ông phải thường xuyên đi lại, ông cần có một đôi giầy để dùng khi đi nước ngoài và một đôi dép để đi trong nước cho thoải mái. Tiền đóng giày và dép do nhà nước trợ cấp.
Đôi dép được ông đặt đóng năm 1985 tại một cửa hiệu nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh. Trong trí nhớ của ông, chủ cửa hiệu là một người có tấm lòng từ thiện, đóng dép cho ông rất cẩn thận. Họ làm khuôn bằng gỗ rồi mới đóng, độn đế cao bằng mút, mặt dưới đế dép dán cao su có khía để chống trơn trượt. Đôi dép có quai da màu đen, đế chân trái cao 15cm, còn bên chân phải cao 2cm, dài 25cm và rộng 9cm. Đôi dép đặc biệt này đã giúp ông thuận tiện và tự tin hơn trong di chuyển.
Đôi dép gắn bó với PGS.TS Lý Hòa trong suốt thời gian làm Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và quá trình ông hoạt động ở Đảng bộ khối. Từ cán bộ chuyên môn chuyển sang làm quản lý một trường đại học lớn, lại là người có quan điểm «làm nghề nào phải tinh thông nghề đó», ông dành thời gian thích hợp tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong quá trình hoạt động miệt mài, không kể thời gian, ông và các đồng nghiệp đã nhanh chóng xây dựng nhà trường ổn định và phát triển, được ngành, địa phương, xã hội quan tâm và đánh giá tốt. Năm 1988, trường của ông được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh trọng trách quản lý trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ Bí thư Đảng bộ khối cũng nặng nề, bởi phải bao quát khoảng 30 cơ sở Đảng, có lúc đến 35 cơ sở. Song, với ông, trong hơn 10 năm hoạt động bận rộn và thường xuyên phải đi công tác xa nhà, đó là những năm tháng tươi đẹp và hạnh phúc.
Mặc dù phải chịu đôi chân không lành lặn do vết thương chiến tranh để lại, phải vượt qua bao khó khăn bởi thương tật từ khi còn trẻ, PGS.TS Lý Hòa vẫn luôn lạc quan, yêu đời, phấn đấu rèn luyện bản thân. Hàng ngày, ông tập thể dục đều đặn, kết hợp với vật lý trị liệu, rồi tự tập cử động để phục hồi chức năng của khớp xương chân, giúp đôi chân linh hoạt hơn.
Tiếp nhận đôi dép đặc biệt đã gắn bó với PGS.TS Lý Hòa trong suốt thời gian dài, chúng tôi hiểu được câu chuyện cảm động về một nhà khoa học đầy nghị lực. Ông đã vượt lên chính mình và vượt qua hoàn cảnh để tiến bước trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống đời thường.
Thùy Trang – Nguyễn Thành
____________________
[1] Xã địch hậu trắng Mỹ Long (ở liên xã II Cai Lậy), trước 1951 là một vùng du kích kháng chiến mạnh.
[2] Lý Hòa, Hồi ký Để mãi là chiến sĩ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
[3] Lý Hòa, Hồi ký Để mãi là chiến sĩ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
[4] Lý Hòa, Hồi ký Để mãi là chiến sĩ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.