Bản sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam (1958) với GS.TS Đỗ Ánh*

Trong buổi gặp gỡ cuối cùng với GS.TS Đỗ Ánh ngày 26-12-2013, chúng tôi được nghe ông say sưa kể lại quá trình tham gia xây dựng Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc để tổng quát về loại hình đất, điều kiện sinh vật, khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nông nghiệp. Có lẽ, ông nhớ nhiều đến công việc này bởi nó đánh dấu sự bắt đầu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông. Và cũng từ đây, nhiều công trình nghiên cứu khác của Đỗ Ánh đã ra đời.

Mở đầu câu chuyện, GS.TS Đỗ Ánh khẳng định: Vào thời điểm những năm sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, việc xây dựng sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc là vấn đề rất được Bộ Nông lâm quan tâm, bởi trên thực tế đất là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, không chỉ trong sản xuất mà còn trong đời sống con người[1]. Đối với ngành nông nghiệp, việc nghiên cứu nguồn gốc, tính chất, thành phần thổ nhưỡng là để đưa ra phương hướng cụ thể sử dụng đất một cách hợp lý.

Trong bản thảo Nghiên cứu đất ở Việt Nam, GS.TS Đỗ Ánh viết: Từ cuối thế kỷ XIX, Pháp đã chú trọng nghiên cứu về đất ở Việt Nam và thành lập một số tổ chức như Phòng Phân tích Nông nghiệp và kỹ nghệ Sài Gòn (1889), Nhóm khảo sát Pavie (1890), Nha Canh nông thương mại Đông Dương (1898), Nha Canh nông Nam kỳ (1899)[2]... Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước ta chủ trương xây dựng hệ thống cơ quan quản lý đất đai trong chế độ mới, với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ sở hữu ruộng đất và thu thuế điền thổ. Vấn đề tổ chức đo đạc đất, lập bản đồ thổ nhưỡng được coi là cấp thiết và được đẩy mạnh nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội.

Đến năm 1957, Viện Viện Khảo cứu trồng trọt được Bộ Nông lâm giao nhiệm vụ khảo sát xây dựng Sơ đồ thổ nhưỡng cho các tỉnh miền Bắc. Tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp tại trường Đại học Kinh tế quốc gia Tashkent và về nước năm 1958, Đỗ Ánh được Viện Khảo cứu trồng trọt cử tham gia nghiên cứu xây dựng sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc cùng với Vũ Ngọc Tuyên, Tôn Thất Chiểu, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Dũng, Lê Thành Bá.

Hân hoan bước vào nghiên cứu đầu tay, KS Đỗ Ánh đã tích cực cùng nhóm nghiên cứu bắt tay vào công việc phân loại đất ở miền Bắc. Ông V. M. Fridland – một chuyên gia đầu ngành về Thổ nhưỡng của Liên Xô, được Bộ Nông lâm nước ta mời hướng dẫn trực tiếp cho công trình này. Việc nghiên cứu được thực hiện trong vòng 4 năm (1958-1962), và kết quả nghiên cứu được tổng hợp bằng tiếng Nga.

Nội dung cuốn sách trên phần nào lý giải cho quá trình xây dựng Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam – tỷ lệ 1/1.000.000, 1958

Ngay trong năm 1958, KS Đỗ Ánh cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát lấy mẫu đất trên khắp miền Bắc để nghiên cứu các điều kiện hình thành thổ nhưỡng. Cuộc hành trình với tổng chiều dài đường đi hơn 10.000km ấy đã thu thập được những số liệu quan trọng. Sau một số chuyến khảo sát ban đầu, đồng thời với việc nghiên cứu các mẫu đất, nhóm cũng tổ chức những điểm nghiên cứu tại chỗ ở một số nơi, để tìm hiểu về chế độ nhiệt và nước trong đất.

Cuối năm 1958, để có sự so sánh về thổ nhưỡng, hai thành viên trong nhóm là KS Vũ Ngọc Tuyên, KS Tôn Thất Chiểu và GS Lý Khánh Quỳ (trưởng bộ môn Hóa học Thổ nhưỡng của Viện Thổ nhưỡng, thuộc Viện khoa học Trung Quốc) đi khảo sát đất ở miền Nam Trung Quốc trong vòng một tháng. Chuyến đi nhằm so sánh, điều chỉnh, tìm ra điểm tương đồng trong bảng phân loại đất và thổ nhưỡng của hai nước. Các kết quả sau đợt nghiên cứu được nhóm công trình tổng hợp lại và xây dựng Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam theo tỷ lệ 1/1.000.000.

GS.TS Đỗ Ánh còn nhớ, cuối năm 1958, trong cái lạnh cắt da của mùa đông, ông phải lội nước và đào sâu 2m để lấy mẫu đất tại Hoa Lư, Ninh Bình. Tại mỗi một huyện, nhóm phải tập hợp nhiều mẫu đất ở nhiều địa hình khác nhau. Dù khó khăn, nhưng dưới sự hướng dẫn tận tình và cởi mở của chuyên gia V. M. Fridland cùng với sự quyết tâm của các thành viên, nên cả nhóm luôn đoàn kết và cố gắng làm việc.

Từ năm 1959-1960, nhóm tác giả tiếp tục đi khảo sát nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, có thêm các kỹ sư của Bộ Nông lâm tham gia như Phạm Gia Tu, Trần Khải, Cao Liêm, Nguyễn Ngọc Bình… Công việc trong thời gian này là khảo sát vẽ bản đồ đất với tỷ lệ lớn ở một số vùng, bắt đầu nghiên cứu chế độ nhiệt và nước của đất ở các điểm mới, bố trí nhiều thí nghiệm chuyên đề ngoài đồng ruộng cũng như trong phòng.

Nhớ lại thời kỳ đi thực địa, GS.TS Đỗ Ánh không quên cái đói, cái lạnh của vùng Tây Bắc: Mấy anh em chúng tôi, trên lưng lúc nào cũng có 13kg gạo và các đồ dùng cá nhân thiết yếu. Đến vùng dân cư có ngựa, được bà con cho mượn di chuyển thì nhàn hơn. Do toàn cán bộ nam nên việc phải ăn cơm độn sắn, độn khoai chưa chín là điều thường xuyên[3]. Ông cũng không quên vị cay đậm đà của loại rượu nút lá chuối khô do bà con nông dân vùng Hưng Yên, Hải Dương biếu tặng, rồi cảm giác đói cồn cào và vị chát trong những bữa cơm ăn với lá sắn.

Cuối năm 1962, dưới sự hướng dẫn của V. M. Fridland nhóm nghiên cứu đã hoàn thành việc chỉnh lý thuyết minh các tài liệu và số liệu thu thập được tập hợp thành cuốn Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm. Đến năm 1973 cuốn sách được ông Lê Thành Bá dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt. Cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin cần thiết về độ phì nhiêu đất, thấy được hệ thống tài nguyên đất miền Bắc nước ta, mà còn chú thích một cách đầy đủ nhất cho sơ đồ thổ nhưỡng nói trên.

                                                                                                                 

Bản thảo Nghiên cứu đất ở Việt Nam của KS Đỗ Ánh và

bức chân dung ông tự vẽ mình trong giờ giải lao tại Cao Bằng, 1958

Về những chuyến đi này, chuyên gia V. M. Fridland cũng khẳng định: Sở dĩ hoàn thành được cả khối lượng công việc khảo sát ngoài trời lớn như vậy là nhờ đồng chí Nghiêm Xuân Yêm (Bộ trưởng Bộ Nông lâm) rất quan tâm đến công tác nghiên cứu đất. Cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Lê Duy Thước (Giám đốc Viện Khảo cứu trồng trọt, sau làm Phó Giám đốc Học viện Nông lâm) và sự quan tâm của đồng chí Ngô Văn Hoàng (Phó quản đốc Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới)[4]. Ngoài ra, GS.TS Đỗ Ánh cho rằng, nhóm còn nhận sự giúp đỡ của các cán bộ phòng Phân tích hóa học, Viện Trồng trọt (sau này là Học viện Nông lâm) do đồng chí Phạm Tám phụ trách và nhóm Đồ bản do đồng chí Nguyễn Văn Khôi đảm nhiệm.

Để hoàn thiện được số liệu, nhóm tác giả đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô: tiến hành phân tích số liệu tại phòng Phân tích hóa học của bộ môn Địa lý và vẽ bản đồ đất, thuộc Viện Thổ nhưỡng Dokursaev, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia V. Đ. Motsalova và Z. X. Karaeva; các nghiên cứu về nhiệt đất được nhóm thực hiện tại phòng thí nghiệm Khoáng đất, do GS N. I. Gorbunov hướng dẫn; còn nghiên cứu chất hữu cơ đất được tiến hành tại phòng thí nghiệm Sinh hóa đất, do nữ GS M. M. Konanova hướng dẫn.

Theo GS Lê Duy Thước, việc xây dựng được Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000 đã đánh dấu một bước đột phá của lĩnh vực thổ nhưỡng nông hóa ở Việt Nam. Từ đó làm cơ sở cho những bản đồ thổ nhưỡng mới tỉ lệ lớn hơn, như bản đồ tỉnh Hà Đông (tỷ lệ 1/50.000); các nông trường vùng Phủ Quỳ, Tây Hiếu, Nghệ An (tỷ lệ 1/25.000); nông trường Thắng Lợi, Thanh Hóa (tỷ lệ 1/10.000); Học viện Nông lâm Hà Nội, Trại chè Phú Hộ (tỷ lệ 1/5.000)… Và từ năm 1962-1972, một cao trào điều tra xây dựng bản đồ thổ nhưỡng ở các tỉnh diễn ra dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của phòng Thổ nhưỡng, Vụ Quản lý ruộng đất (Bộ Nông nghiệp)[5].

Riêng với GS.TS Đỗ Ánh, từ những kết quả đạt được trong việc nghiên cứu và xây dựng Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam, ông tập hợp lại và biên soạn phần Độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cây trồng trong cuốn Đất Việt Nam (Nxb. Nông nghiệp, 2000). Không dừng ở đó, đến năm 2005, ông lại cho ra đời cuốn Độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cây trồng (Nxb. Nông nghiệp) để phục vụ những bạn đọc quan tâm nghiên cứu về thổ nhưỡng.

Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, các tỉnh thành trong cả nước đã xây dựng được bản đồ thổ nhưỡng tỉ lệ lớn hơn, dựa trên sơ đồ mà nhóm tác giả xây dựng thành công năm 1958. GS.TS Đỗ Ánh đã lưu giữ được bản Sơ đồ thổ nhưỡng miền Bắc Việt Nam và ông đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tên sơ đồ được ông Nguyễn Thành Bá viết bằng bút máy mực đen ở phía trên. Góc dưới bên phải có ghi tên các tác giả: “Đỗ Ánh, Vũ Ngọc Tuyên, Tôn Thất Chiểu, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Dũng, Lê Thành Bá xây dựng dưới sự hướng dẫn của V. M. Fridland năm 1958”.

Bản sơ đồ đã bị ố, ngả sang màu vàng, có nếp gấp tư ở giữa giấy, lề phải có nhiều vết gấp; 4 góc đều có vết thủng dài khoảng 2cm. Kèm theo sơ đồ là bản thảo Nghiên cứu đất ở Việt Nam cùng bức ký họa chân dung do GS.TS Đỗ Ánh tự vẽ mình trong giờ nghỉ giải lao tại Cao Bằng, và bản in năm 1973 cuốn Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm. Tất cả đều đã nhuốm màu thời gian, có các vết rách, thủng và ố. Đó là những tài liệu – hiện vật cuối cùng của GS.TS Đỗ Ánh đã tin tưởng trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vào cuối năm 2013.

Nguyễn Thị Loan

_______________________

* GS.TS Đỗ Ánh (1928-2014) là nhà khoa học thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, ông từng là Phó viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Trung ương, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp II, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp.

[1] Phỏng vấn, ghi hình GS.TS Đỗ Ánh, ngày 26-12-2013.

[2] Bản thảo Nghiên cứu đất ở Việt Nam của kỹ sư Đỗ Ánh,1958, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học ViệtNam.

[3] Phỏng vấn, ghi hình GS.TS Đỗ Ánh, ngày 26-12-2013.

[4] Lời tựa của V. M. Fridland trong cuốn sách Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1973, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Bản thuyết minh Bản đồ đất miền Bắc Việt Nam của GS Lê Duy Thước – Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, 1980, tài liệu lưu tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.