Chuyện một bức thư tỏ tình hồi giữa thế kỷ XX

Bức thư viết trên trang giấy đen của cuốn sổ tay nhỏ (khổ 10,5cm x 15,5cm), nét chữ mực tím ngay ngắn, dễ đọc, nội dung được chia thành các mục và đánh số 1, 2, 3 – phản ánh “tính nghề nghiệp” của một thầy giáo dạy toán. Đó là bức thư của thầy giáo Phạm Văn Hoàn gửi cho cô học trò Nguyễn Thị Lý 63 năm trước.

Năm 1947, sau khi tốt nghiệp xuất sắc lớp Toán học đại cương do GS Nguyễn Thúc Hào phụ trách ở Nghệ An, thầy Phạm Văn Hoàn được phân công về dạy tại trường Trung học kháng chiến Đào Giã ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Năm 1950, thầy Hoàn chuyển sang dạy ở trường Sư phạm trung cấp Trung ương tại Chợ Ngọc, Yên Bình, Tuyên Quang và gặp cô học trò Nguyễn Thị Lý ở đây.

Thời kỳ ấy, thầy Hoàn có bí danh là Ninh, còn nữ sinh Lý là Tâm. Trong nhật ký của thầy Hoàn có ghi lại: Ninh gặp Tâm lần đầu tiên vào một buổi tối mùa hạ năm 1950, trong một buổi thảo luận chính trị về chủ nghĩa dân chủ mới. Ninh còn nhớ mãi, suốt cả buổi Tâm ấp úng phát biểu được dăm ba ý kiến. Hai người chưa có dịp làm quen thì thầy Hoàn phải đi công tác, rồi thầy trở về vào đúng lúc giặc Pháp tấn công cách trường vài cây số. Thầy kể: Ninh nhớ mãi những buổi trốn Tây trên đồi, mấy anh em chia nhau từng cái kẹo vừng… Ninh thán phục hai chị em bé bỏng mới tí tuổi đầu đã gặp nhiều khó khăn… Ninh cũng bắt đầu để ý đến hai chị em từ đấy, và như thầy tự giãi bày: Tâm ăn mặc giản dị, thương yêu em . Cô học trò đã gây cho thầy ấn tượng về sự chăm học, cố gắng học: Ninh nhớ mãi tối nào cả nhà đi xem kịch vắng, riêng Tâm một mình lủi thủi ngồi học. Ninh thấy mến lạ và tranh đấu bản thân đánh bạo đến hỏi thăm Tâm mấy câu. Thầy bạo dạn mơ mộng:Giá Tâm là người bạn đời của Ninh thì cũng hay đấy nhỉ!, nhưng rồi vội xua ngay ý nghĩ đó, vì thầy đã từng một lần thất bại trong tình yêu.

Khi làm bí thư chi đoàn của trường, thầy Hoàn chú ý hơn đến cô học trò Nguyễn Thị Lý, một trong những học sinh được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc đợt đầu tiên ở trường. Cô luôn hăng hái, nhiệt tình, có những buổi sớm tinh sương nhiều người còn chưa ngủ dậy, cô đã cùng bạn đi mua sắn để chuẩn bị cho hội nghị chi đoàn. Điều đó khiến thầy Hoàn càng thêm cảm mến, quan tâm đặc biệt đến cô học trò sống giản dị, chân thật và có đức hy sinh vì tập thể. Bà Lý còn nhớ: Có lần, tôi bị sốt rét, ông mang một chục quả trứng gà đến thăm nhưng lại bảo là Phúc (cô bạn ở cùng phòng với tôi) nhờ mua hộ, dù vậy tôi vẫn biết anh Hoàn dành sự quan tâm cho mình. Dù vậy, thầy vẫn giấu kín tình cảm ấy trong lòng.

Năm 1951, trường Sư phạm trung cấp Trung ương chuyển sang khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc. Trước sự kiện đó, sau một đêm không ngủ, thầy đã "đánh bạo" viết thư bày tỏ tình cảm: Hè sắp tới, chúng ta sắp sửa phải tạm biệt trong ít lâu. Anh cảm thấy lo lo và hơi buồn cho nên anh đánh bạo viết thư gửi em mấy dòng.

                                                                                                 

Trang thư tỏ tình của PGS.TS Phạm Văn Hoàn, năm 1951

Bức thư được kẹp trong cuốn sách Vật lý đưa cho cô Lý mượn trong buổi sinh hoạt cuối cùng của lớp trước khi chuyển sang Trung Quốc. Cô Lý rất bất ngờ khi mở sách ra thấy thư của thầy Hoàn, cô chưa dám đọc ngay. Buổi tối về phòng, cô kể với cô bạn thân về việc thầy Hoàn gửi thư; chờ các bạn đi ngủ cả rồi hai người mới trùm chăn và soi đèn pin cùng đọc thư. Cô Lý thực sự cảm động trước tình cảm của người thầy và cũng là người anh mà cô kính trọng, yêu mến một cách đặc biệt so với các thầy cô giáo khác. Trong thư thầy bày tỏ: Anh yêu em vì em cũng sẵn một tâm hồn giản dị và chân thật như anh… vì em biết hy sinh cá nhân mình cho những người thân yêu, cho đoàn thể… anh yêu cái ý nhị, cái dịu dàng của em.Một điều thú vị là thầy Hoàn còn gửi kèm theo cả bản tự thuật về bản thân và những bức thư của các chị em trong gia đình gửi cho thầy từ năm 1948-1951, đồng thời thầy cũng gửi cả lá thư của người con gái mà thầy đã gặp trước kia, để cô Lý hiểu thêm về mình. Vài hôm sau, thầy hẹn gặp cô Lý ở ven cánh rừng gần trường. Bà Lý nhớ lại: Khi đó thi cử xong, anh hẹn tôi ở ven rừng để hỏi ý kiến quyết định của tôi. Đi qua một vũng nước, anh đưa tay đón tôi mà người cứ run lên ngượng ngùng. Cảm động trước tình cảm chân thành của thầy, cô Lý đã nhận lời. Sau đó, chi đoàn trường Sư phạm trung cấp Trung ương đã tổ chức “lễ ra mắt” cho hai người vào ngày 14-6-1951. Buổi liên hoan diễn ra đơn giản với hai món đặc sản của núi rừng Tuyên Quang là sắn và chuối luộc. Cũng hôm ấy, thầy Hoàn viết lên bảng câu thơ bằng tiếng Pháp để tặng người yêu: Dans la foule, une âme que j'adore; Qui m'a bien comprise et qui m'a répondue! (“Trong đám đông, có một tâm hồn làm tôi rất yêu thương; Tâm hồn ấy đã rất thấu hiểu tôi và đã trả lời yêu tôi rồi! ”).

Tại Nam Ninh – Trung Quốc, cô Lý tiếp tục học ngành khoa học tự nhiên của trường Sư phạm trung cấp Trung ương. Sự tiến bộ của cô làm cho tình yêu của hai người ngày càng gắn bó và cũng là nguồn động viên thầy Hoàn trong công tác. Đến năm 1954, sau khi cô Lý tốt nghiệp, hai người dự định làm lễ cưới. Khu học xá Nam Ninh có quy định không cho phép cán bộ và học sinh trong trường được yêu và kết hôn với nhau. Nhưng riêng trường hợp này, nhờ có sự bảo lãnh của ông Võ Thuần Nho, Giám đốc khu học xá, nên đám cưới được tổ chức. Ngày 17-2-1954, hôn lễ diễn ra đơn giản với bánh kẹo do các anh chị em trong khu học xá chuẩn bị giúp và ông Võ Thuần Nho thay mặt họ hàng hai bên làm chủ hôn. Hôm ấy, chú rể mặc kiểu Tôn Trung Sơn, cô dâu để tóc ngắn. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè trong khu học xá đã đến chung vui và chúc phúc cho hai người. Trong nhật ký, thầy Hoàn bộc bạch: Dù ngày hôm nay không có mặt của người thân trong gia đình nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì được sự săn sóc của Đảng, chính quyền, tập thể hết sức chu đáo và tỉ mỉ. Tôi cảm thấy tình cảm đó thật rộng rãi hơn gia đình nhiều. Quà mừng cho đôi tân hôn là những cuốn sổ tay và bút cùng với lời chúc hạnh phúc, trong đó có lời chúc của bà Nghiêm Chưởng Châu (về sau là Thứ trưởng Bộ Giáo dục): Tình cảm bền chặt, thắm thiết hơn, thương yêu bạn bè, đồng chí, quần chúng để chiến đấu cho lý tưởng hạnh phúc ngày mai của dân ta, của nhân loại.

Sau khi kết hôn, trong cuộc sống gia đình riêng, hai người luôn đặt ra những mục tiêu phấn đấu và giao ước thi đua để cùng nhau tiến bộ. Thầy Hoàn ghi cả vào nhật ký: Giao ước thi đua: Lý: Công tác chuyên môn: Học và soạn bài cho hết học kỳ 1, làm giáo án chu đáo, khẩn trương. Công tác chủ nhiệm: nắm được lý lịch, tư tưởng chung của các em. Hoàn: Công tác chuyên môn: Đi sâu vào phương pháp trực quan, phương pháp sư phạm, nắm được tên học sinh của một nửa lớp 8, chu đáo. Cả hai đều vui, phấn khởi, có kế hoạch giúp đỡ nhau thực hiện giao ước. Mỗi khi đọc được những câu chuyện, bài thơ về tấm gương người tốt, việc tốt, thầy Hoàn thường chép lại để cả hai vợ chồng cùng đọc và học tập. Nhân kỷ niệm hai tháng ngày cưới, thầy ghi lại câu chuyện về hai đồng chí Lépéchinki và Olya Lépéchinkaia để noi gương: Gương yêu nhau, gương chiến đấu, gương phục vụ Đảng, gương nghiên cứu khoa học của đồng chí Lépéchinki và đồng chí Olya Lépéchinkaia nhất định phải làm cho Hoàn – Lý suy nghĩ và cố gắng noi theo.

Trong hơn 40 năm yêu và chung sống với ông Hoàn, bà Lý rất hạnh phúc bởi ông luôn dành cho bà tình yêu chân thành và sự quan tâm chăm sóc. Bà Lý chia sẻ: Cuộc đời thật sự may mắn là tôi gặp được và làm vợ ông Hoàn. Dù chỉ sống với ông một năm, một tháng, một ngày, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến người đàn ông khác vì đối với tôi như thế là mãn nguyện và hạnh phúc. Ông Hoàn biết yêu thương gia đình, vợ con, lo cho mọi người hơn lo cho mình. Tình yêu, hạnh phúc của hai ông bà luôn là hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè và đồng nghiệp. Trong cuốn hồi ký Nhớ Bạn của ông Nguyễn Lương Ngọc, nguyên Phó hiệu trưởng trường Sư phạm trung cấp Trung ương, có đoạn viết: Sau này anh Hoàn và chị Lý đã thành đôi vợ chồng hạnh phúc. Anh giúp chị học hành, chị giúp anh đảm đang việc gia đình. Tôi chưa từng thấy cặp nào xứng đôi và hòa thuận như thế.

Năm 1989, PGS.TS Phạm Văn Hoàn đã về thế giới bên kia sau một cơn bạo bệnh. Bà Nguyễn Thị Lý trân trọng lưu giữ từng kỷ vật của chồng, trong đó có bức thư tỏ tình từ năm 1951. Chúng tôi – những nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, thật may mắn được nghe bà kể lại câu chuyện tình yêu trên đây của hai ông bà và được nhận những kỷ vật đã từng gắn bó với PGS.TS Phạm Văn Hoàn mà bà trao tặng cho Trung tâm.

 

Giang Thị Nhung