Bệnh nhân ấy tên là Dương Thị Bắc, ở thôn Đinh Lê, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cô bị mắc căn bệnh dính gấp khớp háng bên phải, được GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân khám và giúp đỡ từ năm 2001. Để đáp lại công ơn của người thầy thuốc, cô đã tặng ông món quà do chính tay mình làm: đôi khăn mùi xoa, một chiếc vỏ gối đơn và một chiếc vỏ gối đôi. Khăn mùi xoa hình vuông (36cm x 36cm), các mép đều lượn hình vẩy cá và có kim tuyến, một góc khăn có thêu bông hoa. Hai chiếc vỏ gối đều có hình chữ nhật và được thêu trang trí khá công phu. Chiếc vỏ gối đơn thêu hình đôi chim bồ câu ở giữa, bên trên là dòng chữ “Cuộc sống yêu thương”, phía dưới thêu hoa; còn chiếc vỏ gối đôi, ở giữa thêu chữ “Song hỷ”(chữ Hán), phía trên có hình đôi chim bồ câu, hai góc trên bố trí chữ "Giữ chọn” và “Thủy chung", hai góc dưới trang trí hoa văn. Bằng những vật kỷ niệm bình dị này, nữ bệnh nhân Bắc muốn thể hiện tình cảm chân thành đối với ân nhân của mình – thầy thuốc Nguyễn Văn Nhân.
GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân là chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ông đã khám vàchữa thành công cho nhiều bệnh nhân bị khuyết tật do di chứng bại liệt và bẩm sinh, trong đó có nhiều bệnh nhân nghèo ở các vùng nông thôn. Sau khi nghỉ hưu, ông hợp tác cùng Hội chữ thập đỏ, tham gia chương trình khám chữa bệnh và phẫu thuật cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam ở các địa phương. Từ những thành công có ý nghĩa lớn lao của ông, ngày 22-10-2000, chương trình phát thanh Nhân đạo của Đài Tiếng nói Việt Nam đã kể câu chuyện về người Thầy thuốc Nhân dân – GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân.
Tấm lòng của một thầy thuốc nhiều năm gắn bó với những người khuyết tật đã giúp ông thấu hiểu sâu sắc mặc cảm của họ.Trong câu chuyện hôm ấy, GS Nhân chia sẻ: Bệnh nhân nam cũng như nữ, tôi quan tâm gần như nhau. Nhưng với bệnh nhân nữ bao giờ cũng có đôi chút ưu tiên, vì tôi hiểu: nam có tật một tý cũng lấy được vợ,nhưng nếu là bệnh nhân nữ, một tật nhỏ là không có hạnh phúc gia đình. Nên trong điều trị cho các cháu có tật nguyền như thế, ít nhiều tôi có ưu tiên cho các cháu nữ. Vì thế, có cháu ở rất xa, tôi đã dành thời gian, công phu điều trị, vì thực tâm thương cháu là phận nữ[1].
Nghe câu chuyện trong chương trình phát thanh ấy, bệnh nhân Dương Thị Bắc biết tới GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, khiến cô có một tia hy vọng về đôi chân bệnh tật của mình. Cô viết thư gửi GS Nhân để nhờ ông khám và điều trị. Trong bức thư đầu tiên gửi ngày 30-10-2000,cô kể lại tỉ mỉ diễn biến căn bệnh, những nỗi đau dằn vặt về thể xác và tinh thần mà cô phải chịu đựng trong suốt 20 năm: Cháu sinh năm 1969, cháu bị sưng các khớp ở hai chân, chỉ học hết cấp I là bị bệnh nặng không bước nổi tới trường… Mỗi bước đi cháu phải chống tay xuống đầu gối đi khòm vậy, khớp háng chân phải bị cứng khớp. Cháu không đứng thẳng lên được, nên bên mông đó bị lép… Gia đình nghèo nhưng bố mẹ cháu đã cố gắng cứu chữa cho cháu ở các bệnh viện tỉnh, cũng như thầy lang.Bố mẹ không quản ngại, nghe ai nói thuốc nào hay cũng tìm đến. Chỉ có bệnh viện ngoại tỉnh là chưa đến được vì điều kiện quá khó khăn[2].
GS Nguyễn Văn Nhân nhận được rất nhiều thư của bệnh nhân và ông luôn trả lời tỉ mỉ, chân tình, đồng thời lưu vào hồ sơ của từng bệnh nhân. Với trường hợp cô Dương Thị Bắc cũng vậy, ông viết thư trả lời, thông báo về khả năng chữa bệnh, kinh phí, thời gian hẹn ra Hà Nội khám bệnh. Tháng 3-2001, bệnh nhân Bắc được người nhà đưa đến gặp GS Nhân. Ông kết luận cô bị viêm đa khớp, dính gấp khớp háng phải, nhưng ở Việt Nam khi ấy không có khả năng phẫu thuật thành công, chỉ có thể chữa trị ở nước ngoài. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ đã qua đời, cô ở cùng người cha đã 75 tuổi, không thể có được kinh phí ra nước ngoài chữa bệnh, nên cô chỉ biết kìm nén nỗi buồn và thầm nhủ cần cố gắng tự vươn lên để sống. Hàng ngày, cô miệt mài thêu những món quà lưu niệm để lấy 5000 đồng/ngày tiền công trang trải cho những sinh hoạt tối thiểu. Khách hàng của cô chủ yếu chỉ là những người thân và bạn bè.
Đôi khăn mùi xoa và hai chiếc vỏ gối
Mặc dù bất lực trước bệnh tật của mình, nhưng bệnh nhân Bắc vẫn biết ơn GS Nhân. Đặc biệt, ông là người đã chia sẻ, làm nguôi đi những mặc cảm bệnh tật trong cô. Cô quyết định tự tay làm quà kỷ niệm để tặng vợ chồng ông. Đến ngày 18-4-2001, cô thêu xong hai chiếc khăn tay và một chiếc vỏ gối đơn, còn chiếc vỏ gối đôi thì ngày 11-5-2001 mới xong. Trong thư, cô vui vẻ kể: Chiếc gối đôi cháu làm trong hai tuần mới xong, người lành lặn thì làm nhanh hơn… Sản phẩm đó cháu làm bằng thêu tay chứ không phải bằng máy. Thêu tay bền, đẹp và kỹ thuật hơn máy. Vì thế nó làm lâu thời gian hơn máy rất nhiều[3]. Đôi khăn mùi xoa và hai chiếc vỏ gối thêu tay này là món quà của cô gửi tặng vợ chồng GS Nhân năm 2001.
Chính từ mấy món quà đó, GS Nhân biết được tay nghề thêu của bệnh nhân Dương Thị Bắc. Ông gửi thư và muốn biết những mong muốn của cô để có thể giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả, ông cũng khuyên cô tìm chỗ để truyền dạy hoặc làm nghề thêu cao cấp. Một lần nữa bệnh nhân Bắc như được tiếp thêm sức sống, bởi lời khuyên của GS Nhân có tác dụng giúp cô hướng đến một chân trời mới. Trong lá thư hồi âm, cô giãi bày hai điều ấp ủ của mình:thứ nhất, trong hoàn cảnh ước mơ đôi chân đi lại dễ dàng không còn hy vọng nữa, cô muốn được vào một cơ sở nào đó để làm việc và có thể dạy nghề thêu, muốn làm việc ở cơ sở của người khuyết tật ở Hà Nội để được hòa nhập với cộng đồng; thứ hai, cô muốn có một chiếc xe lăn để thuận tiện cho việc đi lại.
GS Nhân đã trao đổi về hai mong muốn của nữ bệnh nhân Bắc với Trung ương Hội chữ thập đỏ để tìm khả năng giúp đỡ. Sau đó, ngày giáp tết năm 2003, cô Bắc được nhận quà của Trung ương Hội chữ thập đỏ, đó là một chiếc xe lăn. Vô cùng bất ngờ và sung sướng, cô viết thư kể lại với GS Nhân: Cháu được Trung ương Hội về tận nhà tặng quà. Cháu bất ngờ và cảm động vô cùng. Một cô trong Hội còn động viên cháu: Từ khi biết cháu, các cô chú ở Trung ương Hội luôn theo sát và chú ý đến cháu, nay mới chỉ giúp cháu được một xe lăn để cháu thuận tiện lúc di chuyển, còn công việc thì nơi cô không giúp được vì nơi cô chỉ nhận đào tạo nghề chứ không có nơi làm nghề. Việc này cấp tỉnh, huyện sẽ giúp cháu (hoàn cảnh của cháu rất xứng đáng được giúp đỡ)[4]. GS Nhân còn giới thiệu để cơ sở may và in hoa ở Hà Nam nhận cô vào làm việc. Nhưng vì cô muốn phát huy kỹ năng nghề thêu của mình nên đã không theo đuổi nghề mới ở cơ sở sản xuất này.
Bệnh nhân Dương Thị Bắc nhận xe lăn của Trung ương Hội chữ thập đỏ
Bệnh nhân Bắc biết tự vươn lên để chống chọi với số phận, không sợ khó khăn gian khổ, nhưng chỉ sợ một sự thật buồn mỗi khi bắt gặp ánh mắt mọi người nhìn cô khác lạ, không có sự đồng cảm. Bởi thế, cô vô cùng hạnh phúc khi gặp được GS Nhân: Bác đã chia sẻ với cháu nỗi buồn lớn nhất của cháu. Cháu cảm ơn tấm lòng ấm áp của bác nhiều lắm[5]. Cô thường xuyên viết thư cho GS Nhân để hỏi thăm gia đình ông và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Với cô, GS Nhân không chỉ là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, mà còn là một bác sĩ tâm lý: những lời khuyên của ông chân thành như của một người cha dành cho con gái.
Đối với GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, việc khám chữa bệnh và sự quan tâm giúp đỡ những bệnh nhân nghèo là điều phải làm của người làm nghề thầy thuốc. Với tâm niệm mình là người chịu ơn và chính bệnh nhân mới là những ân nhân của mình, ông chia sẻ: Trong nghề của chúng tôi không có bệnh nhân thì chẳng có kiến thức, chẳng có kinh nghiệm, chẳng có công trình, chẳng có bằng cấp gì cả! Những tấm bằng, những học hàm, học vị mà chúng tôi có được chính là từ những đóng góp thầm lặng, bằng những sự chịu đựng đau đớn, đôi khi cả những thiệt thòi của chính những bệnh nhân trong nghề của chúng tôi. Bệnh nhân vừa là người chịu ơn (tôi dùng lời của chính người bệnh) vừa là người (ban ơn) cho chúng tôi[6]. Bệnh nhân Dương Thị Bắc chỉ là một trong nhiều bệnh nhân được GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân khám và theo dõi điều trị. Nhưng mỗi bệnh nhân đều để lại trong ông những tình cảm sâu đậm, ông dành cho họ tình người của một thầy thuốc đầy trách nhiệm và lương tâm cao cả. Tình thương người bệnh đã khiến cho ông không có lúc nào được nghỉ ngơi. Theo lời kể của vợ ông là bà Bùi Thị Bích Liên: Lương thì có hạn, thỉnh thoảng lại lấy vài trăm cho bệnh nhân lấy tiền ra kiểm tra, rồi lại cho tiền để bệnh nhân về hay cho tiền để bệnh nhân mua đôi giày chỉnh hình, rồi rửa film, rửa ảnh…Cứ bệnh nhân nào cần đến là lao đi, lấy tiền đi tàu xe. Nay ông ấy đi Phú Thọ, mai ông ấy đi Đồng Hới để chữa bệnh … Ba lô cứ sẵn ở đầu giường, người bệnh cứ ới ngoài cửa là chạy đi luôn[7].
Quà tặng của bệnh nhân Dương Thị Bắc, đôi khăn mùi xoa làm bằng vải cotton và hai chiếc vỏ gối bằng vải gấm, được GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân gấp gọn và giữ gìn cẩn thận trong gần một chục năm. Năm 2010, ông trao tặng những kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Giờ đây, ông đã đi xa khỏi thế giới này, nhưng món quà kỷ niệm kể trên vẫn còn mãi với thời gian, để kể về tấm lòng cao cả của một người thầy thuốc tận tâm với nghề, với bệnh nhân.
Nguyễn Thị Thành
___________________
[2]. Thư của bệnh nhân Dương Thị Bắc gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, 30-10-2000.
[3]. Thư của bệnh nhân Dương Thị Bắc gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, 29-4-2001.
[4]. Thư của bệnh nhân Dương Thị Bắc gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, 1-5-2003.
[5]. Thư của bệnh nhân Dương Thị Bắc gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, 1-3-2002.
[6]. GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, "Bài phát biểu theo đề cương yêu cầu", tọa đàm nhân ngày Chữ thập đỏ Việt Nam, Hà Nội, 27-10-2001.
[7]. Chương trình phát thanh Nhân đạo, Đài Tiếng nói Việt Nam, 22-10-2000.