Cuốn sổ “hai trong một” thời tuổi 20

Anh Vũ Tuấn Anh, con trai của GS.TSKH Vũ Ngọc Hải cho biết, bố anh là người ít nói, ít chia sẻ nên anh chỉ biết về tuổi trẻ của ông qua lời kể của những người bạn học cùng bố. Đến khi tự tay soạn tài liệu của bố để trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, anh mới biết có cuốn sổ nhỏ chan chứa kỷ niệm của bố mình.

Giáo sư Vũ Ngọc Hải sinh ra trong một gia đình viên chức tại đường Hàng Tiện, thành phố Nam Định. Cụ thân sinh là Vũ Văn Liêm, giáo viên dạy Tiểu học. Khi toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946), cậu bé Vũ Ngọc Hải theo bố tản cư vào Thanh Hóa rồi đi học Tiểu học ở trường Sư phạm thực hành[1] nơi bố công tác. Đầu năm 1953, cậu thi đỗ và vào học lớp 5 tại trường Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền[2]. Năm sau, cậu về Hà Nam học lớp 6 ở trường Phổ thông Cù Chính Lan[3]. Đến giữa năm 1955, trường Cù Chính Lan sáp nhập với các trường Nguyễn Quốc Trị, Hoa Lư, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trường Tộ thành trường Phổ thông Liên khu III. Năm học đầu tiên 1955-1956, trường đặt tại thôn Kiều Sáo, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, sau đó tập trung về trường Cải cách ruộng đất của Liên khu III tại thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Vũ Ngọc Hải học tại đây và tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ đào tạo 10 năm vào cuối năm 1958. Lứa học sinh ra trường năm đó có một số người được cử đi học ở Liên Xô và Đông Âu, trong đó có Vũ Ngọc Hải. Sau một năm học tiếng Nga tại trường Ngoại ngữ ở Hà Nội, mùa hè năm 1959 anh về Hà Nam vui mừng chia tay gia đình và các bạn trước khi lên đường sang Liên Xô. Để lưu giữ kỷ niệm tình bạn, các bạn cùng học ở trường Ngoại ngữ và ở Hà Nam đã viết lưu bút cho anh. Cuốn sổ đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Cuốn sổ nhỏ (13x18cm) đã mất bìa, hai trang đầu dành cho hai bức ký họa chì chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ V.I. Lênin. Sau đó là hai phần: lưu bút của các bạn học và nhật ký của anh trong những ngày đầu sang Liên Xô.

Hai bức vẽ chân dung trong cuốn sổ

Phần thứ nhất với 34 trang là lưu bút của 10 người bạn. Tất cả đều khẳng định tình bạn đẹp đẽ, nhắc lại một số kỉ niệm khó quên và nói về đức tính, tính cách của Vũ Ngọc Hải. Đọc những dòng lưu bút, có thể thấy chàng trai Vũ Ngọc Hải đã không ngừng cố gắng học tập tốt, giúp đỡ bạn bè, sống hòa đồng, được các bạn dành cho những tình cảm thân thiện, quý mến. Một người bạn học tiếng Nga là Đinh Công Quý (quê ở Châu Thành, Cần Thơ) viết: Nhớ lại mới hôm nào Hải mang ba lô đến trường còn mơ hồ xa lạ với tiếng Nga, nay Hải đã lớn lên nhiều, có một kiến thức cơ bản để bắt đầu vào nghiên cứu khoa học và kỹ thuật ở Liên Xô. Anh mong Hải cố gắng nắm được và phát triển kiến thức đã thu được ở đây qua một thời gian lao động khá khó nhọc (tr. 3). Hay bạn Trần Thị Tâm Bắc cùng quê và cùng học thời phổ thông gợi nhớ về những kỷ niệm: Hải ạ, chúng mình sống với nhau kể ra thì cũng mấy năm rồi đấy, mấy năm qua kể từ những ngày chúng mình còn bé tí… Mấy năm ấy đã ghi lại biết bao kỉ niệm, kỉ niệm vui vẻ hồn nhiên của những ngày thơ ấu, kỉ niệm sâu sắc của những ngày cùng phấn đấu tiến lên đoàn và giờ đây là kỉ niệm của những buổi đầu tiên chập chững bước vào cuộc sống (tr. 4-5). Viết vội cho bạn trong đêm khuya để hôm sau bạn lên đường, Lê Thị Uyển tâm sự: Hải, thực ra Hải là người bạn trai rất đáng học tập. Tình bạn giữa hai đứa cộng với tình đồng chí đã giúp Uyển nhiều, tiếp cho Uyển thêm nhiều nghị lực vượt qua được nhiều khó khăn, Uyển chân thành cảm ơn Hải (tr. 23-24). Cùng chung lý tưởng tuổi trẻ phấn đấu vì đất nước, bạn Chu Quang Tâm bày tỏ suy nghĩ: Tâm rất yêu cuộc sống chúng ta đương sống, vì nếu không có Đảng thì không hiểu rằng cuộc đời của Tâm, cả Hải nữa và biết bao thanh niên khác đi đến đâu rồi… Tâm hứa sẽ đem hết nhiệt tình đóng góp cho xã hội, cuộc sống tươi đẹp (tr. 16).

Chúng tôi may mắn gặp PGS.TS Trần Đình Ngạn[4], bạn học thân thiết với GS Vũ Ngọc Hải từ hồi lớp 6, một trong những người đã để lại lưu bút trong cuốn sổ này. Đọc những dòng tâm tình đã viết từ hơn nửa thế kỷ trước cho Hải (cách gọi thân mật của PGS Trần Đình Ngạn với GS Vũ Ngọc Hải), ông Ngạn xúc động cho biết: Chúng tôi viết lại những tâm tư tình cảm của mình vì nghĩ rằng sau khi chia tay, mỗi người chọn một con đường, mỗi người một số phận, và chẳng biết khi nào gặp lại[5]. Trong lưu bút, ông Ngạn viết: Bảy năm sau gặp nhau chắc rằng trong mỗi chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi trong cuộc đời. Ngạn cũng như Hải, chúng ta đều mong rằng những thay đổi đó đều thể hiện sự tiến bộ không ngừng của mỗi chúng ta. Xa Hải, Ngạn rất nhớ Hải, mong Hải tiến bộ nhiều. Gửi Hải một ngàn chiếc hôn vào chính má (tr. 14).

Phó giáo sư Trần Đình Ngạn kể, thời học sinh, ông và bạn Vũ Ngọc Hải gắn bó với nhau không chỉ ở những buổi học trên lớp mà còn có kỉ niệm cùng đá bóng, cùng học nhóm. Đôi bạn Hải – Ngạn và khoảng 5-7 bạn nữa thường trải chiếu ngồi dưới gốc cây hay trên bờ ao để cùng truy bài. Có những buổi học về tư tưởng chính trị, về Đảng, giai cấp công nhân…, dù hồi ấy còn nhỏ nhưng ai ai cũng tự tìm hiểu, tham khảo tài liệu rồi trao đổi với nhau sôi nổi. Phó giáo sư Trần Đình Ngạn nhớ lại: Thời của chúng tôi, tình bạn trong sáng, không vụ lợi, không ganh tỵ, chỉ nghĩ đến đất nước, mình vì mọi người, vì bạn bè và cùng động viên nhau học tốt. Chúng tôi cùng khổ, cùng đói, cùng ăn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cách suy nghĩ, cách phấn đấu[6]. Theo thông tin của một bạn học lớn tuổi hơn là PGS.TS Trần Thị Băng Thanh: Hồi đó, Vũ Ngọc Hải tích cực tham gia phong trào thiếu nhi, sau đó là hoạt động đoàn rất sôi nổi[7].
 

Từ trái: Trần Đình Ngạn, Nguyễn Văn Nhân, Vũ Ngọc Hải, chụp khi tốt nghiệp phổ thông, tháng 12-1958,

(Ảnh do PGS.TS Trần Đình Ngạn lưu giữ)

Dưới mỗi trang lưu bút, người viết thường để lại tên, tuổi, ngày vào Đoàn, vào Đội và cả địa chỉ của mình. Phó giáo sư Trần Đình Ngạn giải thích, đó là vì ai cũng nghĩ sau khi chia tay rồi không biết bao giờ mới gặp lại, ghi lại thông tin như vậy để nhớ về nhau. Thế hệ ông coi việc vào Đội, vào Đoàn là niềm vinh dự lớn, nếu không được đứng trong hàng ngũ Đội, Đoàn thì không có gì để tự hào và thậm chí bị coi là không thuộc lực lượng tiên phong của đất nước. Giáo sư Vũ Ngọc Hải đã đi xa khỏi thế giới này từ năm 2013, nên chúng tôi không được biết tâm trạng của ông khi đón nhận những tình cảm chân thành và trong sáng của các bạn để lại trong cuốn sổ. Chắc chắn rằng, ông rất hạnh phúc với hành trang đặc biệt khi lên đường sang Liên Xô học tập, đó là niềm tin và hi vọng của các bạn.

Phần thứ hai trong cuốn sổ, chiếm khoảng 2/3 số trang, ghi lại cuộc hành trình sang Liên Xô và những ngày tháng mới sang nước bạn của sinh viên Vũ Ngọc Hải. Theo dòng nhật ký, anh lên đường vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 1-8-1960 và ghi tỉ mỉ về chuyến đi bằng tàu hỏa dài 12.300km từ Hà Nội đến Moskva[8]. Trước khi tàu rời khỏi địa phận Việt Nam, anh Cố nuốt thêm cảnh đẹp của tổ quốc vào lòng và thấy đất nước đẹp quá, trông chỗ nào cũng thấy yêu, cũng thấy nhớ (tr. 36). Hai tuần sau, vào hồi 9 giờ sáng ngày 14-8-1960, tàu tới Moskva. Cảm nhận đầu tiên về nước bạn được anh bộc lộ trong nhật ký: Thành phố đẹp quá, tàu dừng lại ga, các sinh viên Việt Nam, Liên Xô đã học ở MTK (Mạc Tư Khoa) ra đón rất là vui mừng. 4 chiếc máy quay phim thi nhau quay cảnh sinh viên Việt Nam tới Liên Xô học tập (tr. 52).

Thông tin viết trong nhật ký cũng cho biết, những ngày chờ phân công về cơ sở đào tạo, Vũ Ngọc Hải cùng nhóm lưu học sinh Việt Nam mới sang được bố trí ở tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Anh cùng các bạn đi tham quan Hồng trường, điện Kremlin, xem triển lãm thành tựu kinh tế của Liên Xô và chụp ảnh kỷ niệm. Ngày 18-8-1960, Vũ Ngọc Hải nhận được thông báo vào học ở trường Địa chất – Thăm dò Moskva. Ngay hôm sau, anh tạm biệt các bạn và tới trường.

Những ngày đầu ở trường Địa chất – Thăm dò Moskva, trong khi chờ lịch học, Vũ Ngọc Hải tiếp tục gặp gỡ bạn bè, đi tham quan, viết thư cho người thân và bạn học cũ ở Việt Nam. Anh vừa nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ và quyết tâm học tập thật tốt để trở về góp phần xây dựng đất nước, vừa kịch liệt phê phán những tư tưởng “lệch lạc”. Một lần, sau khi nói chuyện với một sinh viên Liên Xô, anh ghi lại tâm trạng trong nhật ký: Một thanh niên chỉ nghĩ đến yêu đương là hèn kém, con người Việt Nam không thể thế được. Tắt đèn đi ngủ mà lòng vẫn bực bội, chỉ tiếc rằng tiếng Nga chưa sõi nên kém phần tác dụng trong cuộc tranh luận với anh ta, một sinh viên chưa tiến bộ (ngày 28-8-1960) (tr. 63-64).
 

Một trang nhật ký trong cuốn sổ

Ngày 30-8-1960, Vũ Ngọc Hải tham dự buổi gặp mặt sinh viên mới, mặc dù có ấn tượng tốt về sự vui vẻ của các thầy, nhưng đây lại là thử thách đầu tiên vì anh nghe các thầy nói mà không hiểu được nhiều. Sau đó là buổi sát hạch trình độ tiếng Nga: Cuộc kiểm tra trái hẳn với dự đoán của mình, nó rất dễ dàng, chẳng bằng mình nói chuyện ở nhà với sinh viên Nga (tr. 67). Một ngày trước khi bắt đầu học, mà Vũ Ngọc Hải coi là chuẩn bị bước vào trận tuyến, các sinh viên Việt Nam họp mặt tổ chức nấu ăn để liên hoan, cũng là để chào đón ngày Quốc khánh sắp tới của dân tộc. Mùng 1-9-1960, sinh viên Vũ Ngọc Hải chính thức bước vào năm học đầu tiên, bất ngờ nhà trường tổ chức thi sát hạch môn toán, và anh khá dễ dàng vượt qua cả 7 câu hỏi.

Những sinh viên xa gia đình, xa đất nước luôn trong trạng thái nhớ nhung, mong ngóng tin tức từ quê nhà. Trong ngày Quốc khánh 2-9, Vũ Ngọc Hải dành gần 4 trang giấy để viết về cảm xúc của mình và gọi Tổ quốc bằng “mẹ” rất thân thương: Hôm nay, trong ngày sinh nhật mẹ, con phải ở xa mẹ! nhưng lúc nào con cũng hướng về mẹ, mẹ đã cho con đi học ở đất nước tiên tiến, mẹ chăm sóc tới con từng li từng tí… Có những lúc trong lòng con trào lên tình thương của mẹ, con nhớ mẹ vô cùng, chỉ mong sao chóng tiếp thu được kiến thức để trở về với mẹ. Mẹ hãy tin tưởng vào con, đứa con xa mẹ nhưng luôn hướng về mẹ mà học tập và tu dưỡng (tr. 73-74). Và mỗi ngày nỗi nhớ nhung cứ bao trùm và quấn chặt lấy mình, nhớ ôi là nhớ, nhớ không thể nào dứt được (tr. 77). Nỗi nhớ đó được tiếp diễn những ngày sau đó và còn được thể hiện bằng việc mong chờ thư nhà, thư bạn. Ngày 9-9-1960, ông bộc bạch sự chờ mong: Tại sao thư vẫn không đến! Liên, Tâm, Uyển, các bạn sao không gửi sang. Giang, Nhân, Ngạn tình hình thế nào? Ngạn có thi đỗ vào trường y được hay không? Vẫn chờ thư (tr. 92). Rồi nỗi mong ngóng ấy được thỏa lòng vào ngày 13-9-1960: Tối nay ra hòm thư lục 3 lần, lần thứ 3 nhận được thư của bố. Trời, sướng sao mà sướng. Lá thư chính mà mong đợi bao ngày hôm nay đã đến. Trong thư bố dặn rất kỹ càng về ăn ở học tập… Con nguyện sẽ làm đúng như lời bố dặn, luôn chăm sóc con từng li, từng tí một, hiện tại và tương lai (tr. 96).

Bên cạnh nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, những trang nhật ký còn thể hiện quyết tâm học tốt, anh cũng tự kiểm điểm bản thân khi không hoàn thành được nhiệm vụ duy nhất cần hoàn thành bấy giờ là học tập. Nhật ký ngày 6-9-1960 cho biết anh đi học muộn và vào nhầm lớp, đồng thời gặp khó khăn vì trình độ tiếng Nga còn hạn chế: Khi giờ học bắt đầu, hôm nay chính thức nghe bài giảng bằng tiếng Nga một cách thực sự, giờ trắc lượng dễ nghe, sang giờ lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô nghe khó quá, bà giáo giảng nhanh, mình ghi không được và tự bản thân thấy bất lực. Bực + đói đâm ra nắm bài không vững. Cần kiểm điểm lại thái độ học tập nhiều (tr. 86).

Sinh viên Vũ Ngọc Hải quan niệm nhật ký là người bạn của mình, nó có thể giúp mình sống một cách đúng đắn (tr.87). Nhưng có những ngày bận học nên anh không có thời gian để viết nhật ký. Có lẽ cũng vì vậy mà cuốn sổ này dừng viết kể từ sau ngày 16-9-1960. Sau 5 năm học tại Liên Xô, nhờ kết quả học tập tốt nên sinh viên Vũ Ngọc Hải được ở lại trường Địa chất – Thăm dò Moskva làm nghiên cứu sinh. Cuối năm 1969, anh bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và khi về nước anh không quên đem theo cuốn sổ nhỏ này.

Sau nhiều lần chuyển nhà, có những thời kỳ gia đình GS Vũ Ngọc Hải ở trong ngôi nhà ẩm thấp, chật chội, nhưng ông vẫn giữ gìn cuốn sổ vừa lưu niệm vừa nhật ký ở tuổi 20 của mình. Cuốn sổ này đã gắn bó sâu sắc với thời sinh viên – thời mới chập chững mở cánh cửa bước vào sự nghiệp nghiên cứu địa chất của GS Vũ Ngọc Hải. Cuốn sổ cũng chứa đựng tình bạn trong sáng, tươi đẹp và phản ánh lý tưởng, ý chí của thế hệ thanh niên miền Bắc nước ta những năm 60 của thế kỷ trước. Thật xúc động và khâm phục khi đọc cuốn sổ này!

Bích Hạnh – Lê Thị Hằng
 

________________________

* GS.TSKH Vũ Ngọc Hải (1940-2013), chuyên ngành Địa chất, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất, trường ĐH Mỏ – Địa chất, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[1] Trường Sư phạm Sơ cấp mở trường Sư phạm thực hành để các giáo sinh thực tập giảng dạy.

[2] Trường Nguyễn Thượng Hiền đào tạo cả cấp 2 và cấp 3, khi đó trường ở làng Ngò (nay là làng Đồng Chí), xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

[3] Trường Cù Chính Lan đào tạo cả cấp 2 và cấp 3, đóng ở Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam.

[4] PGS.TS Trần Đình Ngạn từng là Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103.

[5] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Trần Đình Ngạn, 15-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Trần Đình Ngạn, 15-8-2017, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 18-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh từng là Phó trường phòng Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

[8] Khi giới thiệu cuốn sổ với chúng tôi, đọc đến đoạn này, anh Vũ Tuấn Anh tủm tỉm cười, bởi ngay từ lúc đó bố anh đã thể hiện là một nhà khoa học với tư duy chính xác về mặt địa lý.