Chuyện của “nhà báo sinh viên” Hà Minh Đức

        Tháng 10- 1954, khi thủ đô Hà Nội vừa giải phóng, rời quê nhà Thanh Hóa, chàng thanh niên Hà Minh Đức ra Hà Nội, dự thi và trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm. Là sinh viên khoa Văn, ngoài giờ học trên lớp, Hà Minh Đức tham gia viết báo, phụ trách mảng báo chí tuyên truyền của tờ báo tường trường Đại học Sư phạm khi đó.

Phong trào sinh viên trong các trường đại học, dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam[1] hoạt động khá sôi nổi. Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam do ông Lê Quang Toàn[2] là Chủ tịch, trực thuộc Liên đoàn thanh niên Việt Nam[3]. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội Lê Quang Toàn, Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam đã tập hợp được một đội ngũ bao gồm nhiều sinh viên của các trường đại học lớn ở Hà Nội: trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa, Đại học Nông – Lâm, Đại học Y dược khoa…

Chàng sinh viên Hà Minh Đức khi ấy 21 tuổi, không chỉ hăng hái tham gia hoạt động của trường mà còn tích cực tham gia Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam. Trong hoạt động của Hội Liên hiệp sinh viên,  một tờ báo in tipô, được coi là cơ quan ngôn luận của Hội mang tên Sinh viên Việt Nam ra đời năm 1956, có trụ sở là một căn phòng nhỏ nằm trong văn phòng Hội Liên hiệp sinh viên. Ban biên tập của báo Sinh viên Việt Nam khi ấy quy tụ những gương mặt nổi bật của các trường đại học, mỗi trường đại học thường có 1-2 đại diện. Trường Đại học Y dược khoa có Nguyễn Kim Đính, Phạm Huy Tiến – học ở Pháp, giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, giỏi vẽ, chịu trách nhiệm trình bày cho tờ báo. Ông Nguyễn Bao – sinh viên trường Đại học Tổng hợp, ngành Sư phạm Văn đảm nhiệm vai trò viết bài, biên tập, chuẩn bị bài cho các số báo. Hà Minh Đức lấy bút danh Minh Thông – một cách đặt tên vui vui theo tên một nhà sư trong sách Phật, đảm nhiệm vai trò Thư ký tòa soạn. Tham gia viết báo còn có một số sinh viên ngành toán, ngành dược như Nguyễn Văn Đạo, Vũ Ngọc Thúy, Nguyễn Khai Trí…

Thẻ nhà báo của GS Hà Minh Đức, 1957

Tờ Sinh viên Việt Nam ra hàng tháng, mỗi kỳ in 1000 bản mỗi số gồm 32 trang, khổ 19x27cm. Vì là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam nên được nhà nước trợ cấp 4 hào/ một tờ, tổng số in 1000  bản, mỗi kỳ hết 400 đồng. Thư ký tòa soạn Hà Minh Đức trực tiếp lo việc liên hệ, in ấn với nhà in báo Nhân dân. Tờ sinh viên Việt Nam được trình bày tương đối đẹp so với báo chí đương thời. Ban biên tập chúng tôi phân công nhau biên tập, lên market, mi trang, viết bài. Tôi tham gia viết nhiều thể loại: ký, truyện ngắn, xã luận, tin tức…Có những số báo, bài tôi viết chiếm 1/3 nội dung[4]

Lấy sinh viên là đối tượng trung tâm, báo Sinh viên Việt Nam có nhiệm vụ phản ánh hoạt động của Hội Sinh viên các trường đại học, giới thiệu các hoạt động văn nghệ, các tác phẩm văn học, thơ, truyện ngắn… theo tinh thần, phương hướng hoạt động của Hội Sinh viên. Chúng tôi phê phán tờ Đất mới, phê phán phong trào sinh viên Hungary, phê phán vấn đề tha hóa trong triết học, đăng thơ của Nguyễn Bao, Hà Nhật, đăng truyện ngắn Làm thầy (bút danh Minh Thông); Nhớ từ Hà Nội (bút danh Hà Minh Đức); giới thiệu tác phẩm của Tự lực văn đoàn, đặc biệt là truyện ngắn của Thạch Lam; phóng sự Tết của cán bộ miền Nam… Một số thầy giáo của các trường đại học cũng tham gia viết bài cho báo như GS Hồ Đắc Di (trường Đại học Y dược khoa) ; GS Hoàng Xuân Nhị (trường Đại học Tổng hợp)…[5] Giáo sư Hà Minh Đức nhớ lại: Thực tế có nhiều vấn đề phức tạp đặt ra. Tôi nhớ có một lần mấy bạn sinh viên viết một bài báo có tên “11 đồng”[6] gửi cho báo Sinh viên Việt Nam, với nội dung liệt kê tất cả những chi dùng cần thiết trong một tháng và thấy 11 đồng không đủ để trang trải cho những chi phí cần thiết và anh ta mang bài viết đó lên Ban giám đốc trường cộng với một xâu mấy miếng thịt nhỏ đem phơi khô. Đây là một cử chỉ không mang tính xây dựng nên tôi không cho đăng[7].

Là tờ báo của sinh viên, nên Sinh viên Việt Nam được trình bày tương đối đẹp so với báo chí thời kỳ đó. Thư ký tòa soạn Hà Minh Đức đến nhà in một tuần một lần vào những ngày ra báo, và có mối quan hệ rất thân thiết với các cán bộ phụ trách ở nhà in. Với mục đích gây hiệu quả và sự hấp dẫn cho tờ báo Sinh viên, ông tận dụng sử dụng lại những bản kẽm mà nhà in đã dùng in những hình ảnh để quảng cáo nhiều bộ phim, như Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41… của điện ảnh Liên Xô lúc bấy giờ. Không chỉ là sợi dây gắn kết phong trào sinh viên của các trường đại học, tờ Sinh viên Việt Nam còn trở thành một trong những ấn phẩm được Sở Báo chí Trung ương chọn gửi ra nước ngoài. Hội Những người viết báo Việt Nam[8] chấp nhận tờ Sinh viên Việt Nam như một thành viên hoạt động, và Hà Minh Đức được cấp thẻ nhà báo.

Hiện nay, GS Hà Minh Đức còn giữ được tấm thẻ nhà báo do Sở Báo chí Trung ương  – Giám đốc Trần Minh Tước cấp ngày 28.12.1957 và có thời hạn 1 năm, đến ngày 31.12.1958, và đây là tấm thẻ duy nhất ông còn giữ được trong suốt mấy năm hoạt động báo chí sinh viên của mình. Tấm thẻ nhà báo như một tấm giấy thông hành giúp cho chàng thanh niên Hà Minh Đức thay thế thẻ thư viện, thẻ sinh viên mỗi khi cần đến thư viện đọc sách, đồng thời có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên thời kỳ bấy giờ. Ngoài phạm vi trường học, anh được tham gia các hoạt động báo chí với tư cách đại diện cho tờ Sinh viên Việt Nam, tham gia các cuộc hội thảo về báo chí, những buổi đón tiếp các đoàn ngoại giao. Nay đã ở tuổi ngoại bát tuần, GS Hà Minh Đức vẫn còn nhớ như in những buổi đứng trong hàng ngũ những người làm công tác báo chí đón tiếp Thủ tướng Chu Ân Lai, đứng trên lễ đài phụ tham dự diễu binh mừng ngày Quốc khánh, ngày Quốc tế lao động, hay những chuyến theo đoàn nhà báo Việt Nam vào Nghệ An, Hà Tĩnh chúc Tết các đơn vị bộ đội. Những chuyến đi như thế góp phần bồi đắp lên một Hà Minh Đức yêu nghề, nhiều vốn sống, khai thác, sưu tầm được nhiều tư liệu, để rồi sau này, ông như con tằm rút ruột nhả tơ.

Đến tháng 5-1958, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Hoạt động thanh niên, sinh viên đã chuyển sang một giai đoạn mới, cùng với sự ra đời của báo Tiền phong. Tờ báo Sinh viên Việt Nam đã kết thúc sứ mệnh của mình với số báo cuối cùng chào mừng thành công của Đại hội. Lúc này, Hà Minh Đức đã ra trường, trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1990, sau hơn 30 năm giảng dạy và đảm nhiệm cương Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, GS Hà Minh Đức nhận quyết định của Ban giám hiệu nhà trường làm Chủ nhiệm khoa Báo chí vừa mới thành lập. Năm năm sau – năm 1995, ông được giao thêm trọng trách Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1995- 2003). Nhiều người cho rằng, nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm khoa Báo chí là bước ngoặt đưa ông “lấn sân” sang lĩnh vực Báo chí. Nhưng thực tế, GS Hà Minh Đức đã dành tình yêu cho lĩnh vực này từ những năm 50 của thế kỷ trước, với cương vị Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam – cơ quan ngôn luận đầu tiên của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam.

Nguyễn Thị Hiên

 


[1] Nay là Hội Sinh viên Việt Nam.

[2] Sau là Giáo sư, quyền Hiệu trưởng trường Đại họcDược Hà Nội (1978-1983).

[3] Liên đoàn Thanh niên Việt Nam do ông Hoàng Minh Chính là Tổng đoàn trưởng (1948-1950).

[4] Tài liệu ghi âm GS Hà Minh Đức, ngày 19 -6-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Tài liệu ghi âm GS Hà Minh Đức, ngày 19 – 6-2021, đã dẫn.

[6] Số tiền học bổng nhà nước cấp cho sinh viên đại học khi đó.

[7] Hồi ký Hà Minh Đức: Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật. Nxb. Văn học, 2020.

[8] Từ ngày 17/4/1959 mới đổi thành Tên Hội nhà báo Việt Nam).