Thái Bình – nơi tình yêu bắt đầu
Khoảng năm 1920, quê hương Bát Tràng[1], huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh của GS Trần Văn Hà xảy ra tình trạng sạt lở đất, nhiều gia đình phải tản cư đi nơi khác. Gia đình ông cũng tản cư đi nhiều nơi. Năm 1922, Trần Văn Hà chào đời khi gia đình đang sống ở huyện Hà Cối[2], tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian sau, cả gia đình chuyển về thành phố Nam Định sinh sống. Trần Văn Hà lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, bố mẹ. Khi ông 12 tuổi, đỗ đầu trong kỳ thi lấy bằng Tiểu học Yếu lược cũng là lúc mẹ sinh thêm em gái. Do cuộc sống khó khăn, bố mẹ quyết định gửi Hà cho ông cậu Tùng – em trai mẹ nhận làm con nuôi. Ông Tùng là giáo viên, sống cùng vợ con ở thị xã Thái Bình.
Mảnh đất Thái Bình chính là nơi giúp Trần Văn Hà nên duyên cùng Nguyễn Thị Hinh. Chính là nơi nảy sinh tình yêu của bố mẹ tôi[3], như ThS Trần Việt Thắng – con trai thứ hai của GS Hà chia sẻ.
Trong thời gian sống ở nhà ông cậu, bên cạnh việc kèm các em con cậu học, Trần Văn Hà vẫn dành thời gian ôn luyện và thi đỗ trường Thành Chung Thái Bình[4]. Tại đây, ông cùng 5 người bạn gồm các ông: Trần Quảng Vận[5] (Trần Lâm), Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Hữu Bản và hai anh em Hải – Sản lập nhóm chơi chung và gọi là “Tâm giao, Lục vị”.
Tên thánh của bà Hinh là Maria Thiên Hương nên mọi người đều gọi bà là Thiên Hương. Giữa năm 1938, Thiên Hương và chị gái Thiên Hoan được bố mẹ xin chuyển từ trường Saint Charles ở Hà Nội về trường Thành chung Thái Bình. Thiên Hương học lớp đệ Nhị niên (tương đương lớp 7 hiện nay). Lần đầu thấy Thiên Hương xinh đẹp trong tà áo dài tham gia buổi lễ khai giảng, Trần Văn Hà đã đem lòng cảm mến. Dù vậy, chàng trai trẻ chưa đủ dũng cảm tiến lên trò chuyện với Thiên Hương. Ông từng viết trong hồi ký: Thuở ấy, Maria Thiên Hương đẹp như Đức bà Maria. Nàng được các bạn đồng môn suy tôn là hoa hậu số một của phố Thành Nam[6].[7]
Một hôm, nhóm “Tâm giao, Lục vị” đang đá cầu ở sân trường thì ông Hải la lên: Người đẹp chúng mày ơi![8] rồi chỉ về hướng hai chị em Thiên Hoan, Thiên Hương đang đứng cách đó không xa. Từ đó, cả sáu chàng thanh niên đều thầm yêu mến vẻ đẹp của Thiên Hương. Ông Hải kể rằng hai chị em đang thuê nhà cạnh nhà mình. Từ đó, chủ nhật hàng tuần khi học nhóm ở nhà Hải, ngoài Trần Văn Hà thì năm bạn đều leo lên tường ngắm trộm Thiên Hương. Trần Văn Hà dùng cách riêng của mình là mỗi buổi sáng đi học sớm 10 phút rồi đứng ở gần cổng trường để ngắm Thiên Hương khi cô đi qua.
Một thời gian sau, hai chị em Thiên Hương chuyển sang thuê phòng của ông đại lý rượu Vân Điện. Thuở đó, Thái Bình có hai đại lý rượu lớn nằm đối diện nhau là Vạn Vân và Vân Điện. Đại lý Vạn Vân là do anh trai cả của Trần Văn Hà mở và ông thường sang phụ chị dâu bán hàng. Từ khi biết hai chị em chuyển sang đó, ông không đi học sớm nữa mà đúng 7h giờ sẽ đi cùng và ngắm Thiên Hương từ phía bên kia đường. Ông cứ âm thầm như vậy chờ cơ hội trò chuyện trực tiếp với người trong lòng.
Rồi cơ hội cũng đến! Một hôm, Trần Văn Hà đang phụ chị bán rượu thì Thiên Hương sang mời ông mua vé đi chợ phiên Kermesse để gây quỹ ủng hộ người dân Nghệ Tĩnh sau bão lụt. Ông không hề suy nghĩ mà lấy 20 xu trong tổng 22 xu tiết kiệm của mình để mua vé. Nhân cơ hội đó, Trần Văn Hà tự giới thiệu tên và cho biết mình đang học ở trường Thành Chung. Thiên Hương rất ngạc nhiên bởi đây chính là bạn học Trần Văn Hà mà cô thầm ngưỡng mộ mỗi khi xem bảng điểm ở trường bởi ông thường có thành tích trong top đầu toàn trường. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, Trần Văn Hà và Thiên Hương thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, chia sẻ về việc học tập.
Năm 1939, Trần Văn Hà tốt nghiệp trường Thành Chung Thái Bình, thi đỗ vào Ban Tú tài trường Bưởi. Ông lên Hà Nội nhập học nhưng vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với Thiên Hương, rồi hai người yêu nhau từ lúc nào không hay. Ông tích cực tham gia Phong trào học sinh yêu nước trường Bưởi, là Đội trưởng Đội Nguyễn Trường Tộ của Đoàn Rồng. Năm 1941, sau khi tốt nghiệp, Trần Văn Hà thi đỗ hai trường: Đại học Y khoa và Dược khoa Đông Dương; Cao đẳng Thú y Đông Dương. Từ thuở nhỏ, Trần Văn Hà đã ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, đứng trước hai cơ hội học tập – trường Thú y chỉ học trong 4 năm, học bổng 25 đồng/tháng thay vì 7 năm ở trường Y và phải đóng phí 6 đồng/tháng, ông lưỡng lự chọn trường một phần vì suy nghĩ không muốn để Thiên Hương phải đợi ông quá lâu. Và rồi ông quyết định học trường Cao đẳng Thú y Đông Dương. Thời gian này, ông tiếp tục hoạt động cách mạng với cương vị Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Việt Nam (1943) và tham gia Mặt trận Việt Minh (1944).
Qua nhiều lần trò chuyện, Trần Văn Hà cảm nhận được giữa mình và người yêu vẫn có rào cản do sự khác biệt tôn giáo. Gia đình bà theo đạo Thiên chúa còn gia đình ông theo đạo Phật. Dù Thiên Hương từng băn khoăn về sự khác biệt lương – giáo nhưng Trần Văn Hà luôn dặn người yêu hãy tin tưởng mình, mọi vấn đề đều sẽ có cách giải quyết. Tin vào tình cảm của bạn trai, Thiên Hương từ chối mọi lời tỏ tình của một số thanh niên nhà giàu ở địa phương.
Với quyết tâm cưới được Thiên Hương, trong thời gian học trường Cao đẳng Thú y Đông Dương, Trần Văn Hà đã tham gia một câu lạc bộ của những người theo đạo Thiên chúa và bắt đầu học Kinh thánh. Mỗi tuần, ông đều đặn đến nhà thờ 2 buổi để nghe cha Cras – dòng Chúa cứu thế giảng đạo. Thậm chí, có thời gian, mỗi dịp cuối tuần ông lại về thành phố
GS Trần Văn Hà bên người bạn đời Nguyễn Thị Hinh – Thiên Hương
Năm 1945, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y Đông Dương, Trần Văn Hà vẫn tích cực tham gia cách mạng, trong đó có cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ngay sau khi cách mạng thành công, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà thông tin Tràng Tiền Hà Nội. Lúc này, Thiên Hương cũng vừa tốt nghiệp trường Thành Chung Thái Bình. Vì vậy, Trần Văn Hà ngỏ lời kết hôn và được Thiên Hương cùng gia đình chấp thuận.
Người thư ký đặc biệt
Ngày 22-2-1946, đám cưới của Trần Văn Hà và Thiên Hương được tổ chức tại Nhà thờ lớn Nam Định. Trong hồi ký, bố tôi kể: Ngày cưới nhà tôi thuê 30 chiếc xe tay, có 30 thanh niên mặc đồng phục áo cộc trắng, quần xà cạp đỏ để đi đón dâu. Mặc dù mẹ tôi không muốn tham dự đám cưới ở nhà thờ nhưng vì thương con trai nên vẫn đến[9], ThS Thắng chia sẻ.
Sau đám cưới, Thiên Hương về sống cùng bố mẹ chồng, Trần Văn Hà tiếp tục lên Hà Nội làm việc. ThS Trần Việt Thắng từng được nghe bà kể về những ngày làm dâu: Thời gian đầu, vì mặc cảm khác biệt tôn giáo nên mẹ chồng nàng dâu còn xa cách. Thuở con gái, mẹ tôi không thường xuyên làm việc nhà nên còn khá vụng về. Một hôm, mẹ bê nồi canh từ dưới bếp lên nhà mà lỡ làm rơi, vỡ cả chiếc nồi bằng đất nung. Ông nội thì hỏi han, quan tâm mẹ có bị bỏng hay không nhưng bà nội không nói gì nên mẹ rất lo lắng. Tuy vậy, sau một thời gian chung sống, hai mẹ con hiểu nhau và trở nên thân thiết hơn[10].
Khoảng mấy tháng sau, ông Trần Văn Hà biết Đài tiếng nói Việt Nam cần tuyển một phát thanh viên biết nói tiếng Pháp, có trình độ Thành chung trở lên, nên đã giới thiệu vợ mình với người phụ trách là ông Trần Lâm. Được ông Trần Lâm nhận lời, ông Hà đón vợ lên Hà Nội đi làm việc. Hai vợ chồng thuê nhà ở phố Quán Sứ và bắt đầu cuộc sống riêng đúng nghĩa.
Ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến bùng bổ. Ngay sau đó, hai ông bà theo cơ quan sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. ông Trần Văn Hà chuyển từ Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Hà Nội sang làm Phó trưởng đoàn chính phủ động viên kháng chiến ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định… Trưởng đoàn là linh mục Phạm Bá Trực, sau đó là Bộ trưởng Bộ Lao động[11] Nguyễn Văn Tạo. Đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích đường lối kháng chiến, cứu dân cứu nước đối với các cha cố, giáo dân. Do Đài tiếng nói Việt
Từ thời điểm này, bà Thiên Hương trở thành thư ký đắc lực cho chồng. Bà thường đánh máy các văn bản tài liệu mà chồng cần sử dụng khi đi tuyên truyền ở các địa phương. ThS Thắng chia sẻ: Khi bố tôi định viết gì đó, thay vì tự làm thì bố lại đọc cho mẹ tôi đánh máy. Ngay cả khi bố tôi trở thành Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mẹ cũng thường xuyên đánh máy cho bố, đặc biệt là các tài liệu sử dụng tiếng Pháp[12]. Năm 1975, khi vào miền Nam tiếp quản một số cơ sở sản xuất, nghiên cứu về chăn nuôi, ông Trần Văn Hà đã mua một chiếc máy đánh chữ riêng cho vợ.
Bà Thiên Hương đánh máy bài giảng cho chồng, 1992
Năm 1983, ông Trần Văn Hà được mời tham dự hội thảo quốc tế về “Phát triển nông thôn tổng hợp” tại nước Cộng hòa Guine-Bissau, do Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật của các nước sử dụng tiếng Pháp (ACCT) tổ chức. Bài tham luận của ông Trần Văn Hà thu hút sự quan tâm của các thành viên tham gia hội thảo. Ban tổ chức thấy vấn đề ông trình bày phù hợp với các nước phát triển nông nghiệp nên mời ông tham chủ tịch đoàn điều hành buổi hội thảo. Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của nước Cộng hòa Dân chủ
Dựa theo yêu cầu của Bộ Đại học Congo, ông Trần Văn Hà tiến hành biên soạn bài giảng của mình bằng tiếng Pháp và bà Thiên Hương phụ trách đánh máy. Từ thuở nhỏ, bà đã theo học một bà sơ người Pháp nên tiếng Pháp rất thành thạo. ThS Trần Việt Thắng cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng lưu giữ phần bài giảng này, nhưng sau đó qua các lần chuyển nhà, bị thất lạc nhiều, nay chỉ còn một số ít[15].
Ngoài việc đánh máy, bà còn chuẩn bị mọi tư trang cho ông trong mỗi đợt đi công tác. Bà chuẩn bị đầy đủ quần áo, thuốc và viết ra một tờ giấy list các đồ dùng mang theo để ông biết trong túi có đồ gì. Bởi vậy, có lần ThS Thắng nghe bố kể về việc bị các đồng nghiệp trêu: Ông Hà đi công tác chỉ biết mỗi con lợn, mọi thứ đều được vợ lo hết[16]. Trong ký ức của con trai Trần Việt Thắng, GS Trần Văn Hà thường xuyên đi công tác, mọi việc gia đình đều do mẹ quán xuyến. Vào khoảng năm 1962, ông Trần Văn Hà đang là Vụ phó Vụ Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp nhưng vẫn xung phong về Hải Dương tìm phương án phát triển hoạt động chăn nuôi lợn ở địa phương.
Trân quý, biết ơn sự yêu thương, chăm sóc của vợ, GS Trần Văn Hà cũng luôn quan tâm, lo lắng cho bà. Mỗi dịp sinh nhật bà, ông luôn tự đi mua một bó hoa hồng tặng vợ. Đó là loài hoa bà yêu thích, đôi khi ông tìm mua được hoa hồng tím, màu của sự thủy chung khiến bà càng vui hơn. Rồi bà mắc căn bệnh Alzheimer (2004), dần quên đi những ký ức và mọi người xung quanh. GS Trần Văn Hà không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của vợ mà còn đọc sách cho bà nghe, cùng bà xem lại những bức ảnh kỷ niệm để gợi nhớ ký ức trong bà…
Năm 2011, bà bỏ ông ra đi. Sáu năm sau, ông theo bà, mãi mãi. Nay vợ chồng ông bà có thể đã gặp nhau trên Thiên đường, nhưng câu chuyện tình yêu của ông bà vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức từng thành viên trong gia đình. ThS Thắng vẫn ghi nhớ từng lời của bố: Bố mẹ chưa từng giận nhau, cãi nhau một phút nào. Bí quyết là yêu thương nhau, trước là tình, sau là nghĩa, một sự nhịn là chín sự lành[17]. Biết là vậy nhưng để có được sự hòa thuận, yêu thương như ông bà thật không dễ dàng!
Lê Thị Lợi
____________________
* GS Trần Văn Hà, chuyên ngành Chăn nuôi, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp.
[1] Nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
[2] Nay là thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
[3] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.
[5] Ông Trần Lâm sau là Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt
[6] Là Phố cổ Nam Định.
[7] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[8] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[9] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[10] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[11] Nay là Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.
[12] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[13] Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[14] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 27-8-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[15] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 27-8-2019, đã dẫn.
[16] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.
[17] Tài liệu ghi âm ThS Trần Việt Thắng – con trai GS Trần Văn Hà, ngày 12-6-2021, đã dẫn.