Hành trình nghiên cứu bệnh ung thư máu

Thời gian công tác ở chiến trường B (1966-1972), BS Phan Thị Phi Phi đã phải tạm gác lại công việc nghiên cứu về sinh lý bệnh, miễn dịch học và huyết học. Cho đến khi trở lại miền Bắc tiếp tục công tác tại bộ môn Sinh lý bệnh, trường ĐH Y Hà Nội, bà mới có điều kiện đi sâu nghiên cứu về những vấn đề mà bà dự định, ấp ủ từ trước đó.

Từ nghiên cứu thực nghiệm

Năm 1974, BS Phan Thị Phi Phi được cử đi làm luận án phó tiến sĩ tại trường Đại học Y Sofia, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria. Ban đầu, bà hầu như chưa có sự chuẩn bị gì, nên tự xác định sẽ nghiên cứu về các bệnh lý lâu dài và tập trung vào ung thư – vấn đề mà bà ấp ủ nghiên cứu từ gần 10 năm trước. Bà cho biết: Tâm nguyện của tôi là làm về ung thư. Trong ung thư, các ung thư khác phải chọc tế bào sinh thiết, rất khó xin mẫu, chỉ có ung thư máu là thuận lợi nhất. Vì có quy định số mẫu nhất định mới làm được luận án chứ không thể chỉ có 5-10 mẫu[1]. Từ đó, bà đi sâu nghiên cứu về ung thư máu. Bà cho biết, vấn đề này trước đó đã có người nghiên cứu, nhưng chưa ai chuyên sâu 1 bệnh, 1 nhóm bệnh. Do thực hiện đề tài ở Bulgaria nên chủ yếu bà cộng tác với thầy hướng dẫn, đồng nghiệp và cán bộ nhân viên tại đó.

Tại trường Đại học Y Sofia, theo phân công của nhà trường, thầy hướng dẫn của NCS Phan Thị Phi Phi là GS.VS Serafimov Dimitrov[2] – Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Sofia, nên NCS Phi Phi được về Viện Huyết học làm luận án. Do vậy, bà vừa làm việc ở bộ môn của trường, vừa làm việc ở Viện.

Thầy hướng dẫn gợi ý vài vấn đề liên quan đến ung thu máu để bà lựa chọn đề tài luận án. Sau khi tìm hiểu điều kiện thực tế, bà chọn đề tài "Vai trò của đại thực bào và lympho bào trong ung thư máu thực nghiệm" (thực nghiệm ở chuột). Nghiên cứu sinh Phi Phi trao đổi, xin ý kiến về phương hướng nghiên cứu với thầy hướng dẫn, các kỹ thuật viên sẽ giúp đi lấy mẫu và làm một số thực nghiệm, còn lại bà tự mình thực hiện. Khi có kết quả, thầy hướng dẫn xem và phân tích kết quả cùng bà. Bà cho biết: Không ai hướng dẫn thật cụ thể. Khi trao đổi ý kiến thì mình lĩnh hội, rồi làm, kết quả họ phân tích lại. Quá trình ấy tôi độc lập thực hiện[3]. Hàng ngày, bà miệt mài nghiên cứu tài liệu, làm thí nghiệm và xử lý số liệu, nhiều hôm ở lại phòng thí nghiệm đến 10h đêm. Giữa trời mùa đông tuyết rơi, bà uống vội tách cà phê nóng ở cổng viện, rồi lên xe bus về ký túc xá và khi ấy mới bắt đầu cơm nước, tắm giặt.

NCS Phi Phi làm luận án trong điều kiện rất thuận lợi, được giúp đỡ của tất cả các cán bộ nhân viên trong Viện cũng như bộ môn và cung cấp đầy đủ súc vật thí nghiệm, hóa chất, các biện pháp thực hiện… Bà chỉ cần đưa danh sách thiết bị cần có vào kế hoạch là được labo cung cấp. Nhận được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người, BS Phi Phi cảm thấy áy náy, như bà tâm sự: Bấy giờ chúng tôi nghèo lắm, không có quà đắt tiền, chỉ tặng họ chiếc vòng tay, vòng cổ bằng xương hay chiếc lược…[4].

Sau 2 năm rưỡi nghiên cứu, làm thực nghiệm trên chujột,  với những kết quả thu được, bà bắt tay vào viết luận án. Bà mất 6 tháng để hoàn thành việc viết và sửa chữa bản thảo. Khi có bản bản thảo cuối cùng, dù không dư giả tiền bạc, nhưng do bà không có máy chữ, máy của Viện thì bận nên bà phải thuê đánh máy. Khi đó, nhân viên kỹ thuật có nhận đánh máy để kiếm thêm thu nhập, nên bà đã thuê họ làm. Họ cũng không có máy riêng, mà phải lén dùng máy cơ quan sau giờ làm việc. Bà không nhớ giá cụ thể, chỉ nhớ là thời gian này tất cả tiền học bổng (70 Leva/tháng) phải tập trung cho chuyện làm luận án, bởi tốn kém nhiều khoản, từ đánh máy, in ấn đến tiền đi taxi để gửi luận án tới nhiều nơi trong thành phố. Bà tâm sự: Tiền in ấn tốn kém lắm, mình thì nghèo, nghèo chết đi được![5].

Theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án, công trình nghiên cứu này có ý nghĩa đáng kể về mặt ý thuyết, chứng minh đại thực bào cũng có vai trò miễn dịch trong chống ung thư máu. Bà cho biết, trước đó người ta đã biết rằng lympho có tác dụng miễn dịch chống ung thư máu, nhưng nghiên cứu của bà mới chứng minh được đại thực bào cũng có đặc tính ấy. Do vậy, kết quả của luận án có thể ứng dụng trong điều trị, bằng việc tăng cường chức năng của đại thực bào.

Đến ứng dụng lâm sàng

Sau khi bảo vệ thành công đề tài phó tiến sĩ về nghiên cứu ung thư máu trên thực nghiệm, thầy hướng dẫn – GS.VS Serafimov Dimitrov gợi ý PTS Phan Thị Phi Phi tiếp tục nghiên cứu trên lâm sàng, hướng tới làm luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học). Do vậy, khi về nước năm 1977, PTS. BS Phan Thị Phi Phi không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, soạn giáo án, giảng dạy… của bộ môn Sinh lý bệnh (từ năm 1980 là Sinh lý bệnh – Miễn dịch) và tham gia giảng dạy tại một số trường ở Huế, Hải Phòng, Cần Thơ, Sài Gòn, Thái Nguyên… mà còn tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về ung thư máu ở người. Vì thế bà khá vất vả!

Bà đã được một số bạn bè công tác ở các bệnh viện như BS Đào VăChinh (Bệnh viện Bạch Mai), BS Nguyễn Công Khanh (Bệnh viện Nhi)… giúp đỡ để thực hiện đề tài. Họ lo khâu chẩn đoán lâm sàng, tức là tìm ra các dấu ấn kinh điển, cung cấp thông tin bệnh nhân, còn bà lấy máu về làm xét nghiệm, tìm thêm các dấu ấn mới. Giai đoạn này chưa có dấu ấn về sinh học phân tử.

Bên cạnh đó, tại bộ môn Sinh lý bệnh, ba kỹ thuật viên Trương Mộng Trang, Chu Thị Tuyết, Tạ Thị Mến[6] có nhiệm vụ phụ giúp bà nhiều công việc và đi lấy mẫu làm thí nghiệm. Đồng thời, bà được các đồng nghiệp là Trần Thị Chính, Phan Thu Anh cộng tác và giúp đỡ rất nhiều. Bà hướng dẫn kỹ thuật, họ thực hiện kỹ thuật đó trên các mẫu bệnh phẩm, rồi xử lý số liệu. Do vậy, nhiều khi bà không có mặt ở cơ quan thì công việc vẫn trôi chảy.

 

 

GS.TSKH Phan Thị Phi Phi

Cuối thập niên 1970, các nhà nghiên cứu trong nước chưa công bố nghiên cứu nào về vấn đề này, vì vậy bà phải tham khảo tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp. Do vậy, sau 7 năm về nước, bà đã có tương đối nhiều tư liệu cho luận án. Với những nghiên cứu này, bà đã công bố một số bài nghiên cứu, như: "Những vấn đề cơ bản của miễn dịch học các bệnh u ác tính", tạp chí Nội khoa, số 3/1981; "Hoạt tính tiêu protein (proteolytic) của dịch nổi các mẫu cấy bạch cầu đa nhân và đại thực bào", tạp chí Nội khoa, số 4/1981; "Kết quả đầu tiên về phản ứng bì với kháng nguyên leukemia cấp ở bệnh nhân leukemia", tạp chí Y học thực hành, số 1/1982; tài liệu giảng dạy "Các chất có tiềm năng chống ung thư", trường ĐH Y Hà Nội, 1982…

Ngày 5-12-1983, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội ra quyết định số 432/YK-QĐ về việc cử PTS Phan Thị Phi Phi đi thực tập sinh cao cấp ở Bulgaria trong thời gian 2 năm, kể từ tháng 12-1983. Vì đã chuẩn bị tương đối đủ tư liệu, các thí nghiệm được tiến hành đầy đủ với các bảng biểu phân tích số liệu cụ thể, nên khi trở lại Bulgaria, trong điều kiện đầy đủ hơn, bà chỉ mất 2 năm đã hoàn thành và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. PTS Phan Thị Phi Phi chọn đề tài "Các dấu ấn miễn dịch sinh học để góp phần chẩn đoán và tiên lượng bệnh ung thư máu ở người" cho luận án tiến sĩ của mình.

Bấy giờ, GS.VS Serafimov Dimitrov đã về hưu, Viện trưởng kế nhiệm là bạn học cùng PTS Phan Thị Phi Phi từ khi làm luận án phó tiến sĩ, bởi vậy bà tiếp tục nhận được giúp đỡ tận tình của họ. Mọi nhu cầu trong công việc của bà đều được đáp ứng và còn có hai kỹ thuật viên tập trung phụ giúp bà làm thực nghiệm. Những kết quả nghiên cứu của bà đã làm ở Việt Nam đều được GS.VS Serafimov Dimitrov yêu cầu làm lại thực nghiệm để kiểm tra và tất cả đều chính xác. Bà cho biết: nguyên nhân là do khi ở trong nước tôi không làm một mình, mà có cả một tập thể cùng kiểm soát, giám sát, và không thể bịa được kết quả[7].

Ngày 26-3-1986, tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở Sophia đã diễn ra lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS Phan Thị Phi Phi, với rất đông bạn bè, đồng nghiệp người Việt Nam và quốc tế đến dự. Luận án của NCS Phan Thị Phi Phi được đánh giá tốt và bà xứng đáng nhận học vị tiến sĩ. Cho đến thời điểm ấy, bà là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu các receptor bề mặt của các tế bào miễn dịch. GS Phan Thị Phi Phi chia sẻ: Trước đó, người ta mới chỉ làm một khối tế bào lớn, còn những cái râu ria xung quanh chưa có ai làm. Tôi làm những receptor bề mặt có gắn với phối tử. Receptor là một protein trên bề mặt, có khả năng hút các chất hợp với nó về thành những phối tử có chức năng. Những nghiên cứu ấy có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh, tiên lượng bệnh[8].

Bà cho biết: Nghiên cứu về miễn dịch trong ung thư máu có mục đích là dùng những dấu ấn miễn dịch để chẩn đoán và tiên lượng bệnh trong điều trị bệnh. Ung thư máu ở người gồm nhiều loại: ung thư tủy cấp, mãn; ung thư lympho cấp, mãn; ung thư tế bào diệt tự nhiên (Natural killer cells, hay còn gọi là tế bào NK) cấp, mãn; ung thư hồng cầu cấp, mãn… Nghiên cứu của bà đã tìm ra biến động của các dấu ấn miễn dịch trong ung thư máu cấp và mãn tính, tức là các dấu ấn rất đặc hiệu. Để phân biệt cấp và mãn thì tây y có dấu hiệu phân biệt nhưng chưa chi tiết, bà đi sâu hơn, tìm ra các dấu ấn miễn dịch của các loại ung thư máu. Đồng thời, bà là người đầu tiên tìm ra và nghiên cứu dấu hiệu của ung thư tế bào diệt tự nhiên ở trẻ em và người lớn, các dấu hiệu để chẩn đoán, tiên lượng, và sự phát triển thành ung thư của tế bào này (tức là một loại ung thư máu). Tế bào ung thư máu này nằm xung quanh tế bào miễn dịch, nó ăn dần và phá vỡ hết tế bào miễn dịch.

Do bà làm thực nghiệm trên máu người bệnh, nên luận án có nhiều đóng góp cho lâm sàng, trong việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bệnh chính xác hơn. Tức là chỉ rõ tình trạng bệnh, trường hợp nào tiên lượng xấu, trường hợp nào còn kéo dài được, và cách điều trị trong mỗi trường hợp…

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, bà tiếp tục nghiên cứu về ung thư máu và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án về vấn đề này. Một phần đóng góp của bà thể hiện ở các công trình như: "Phản ứng miễn dịch tế bào invivo với kháng nguyên đặc hiệu lơxemi ở bệnh nhân lơxemi cấp", tạp chí Nội khoa, số 1/1987; "Tế bào diệt tự nhiên (natural killer cells)”, tạp chí Nội khoa, số 1/1988; "Miễn dịch học các tế báo ác tính", tạp chí Y học thực hành, số 6/1988…; sách "Nhận dạng tế bào máu – Miễn dịch", Nxb. Y học, 1989…

Dù không có điều kiện làm nghiên cứu trong khoảng gần 6 năm ở chiến trường B, nhưng bằng tình yêu, sự quyết tâm nỗ lực đã giúp GS Phan Thị Phi Phi vượt qua mọi khó khăn khi trở lại. Những thành công mà GS Phan Thị Phi Phi đạt được trong hướng nghiên cứu về ung thư máu thật đáng trân trọng. Nó đã tạo tiền đề cho những nghiên cứu của các đồng nghiệp sau này, giúp việc chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn, cũng như điều trị trúng đích hơn.

Lê Thị Hằng

_______________________

 GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, chuyên ngành Y học, nguyên Giám đốc Bệnh viện I, Liên khu V; nguyên phó chủ nhiệm Bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, Trưởng labo Trung tâm Y Sinh học, Trường Đại học Y Hà Nội.

[1] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] GS.VS Serafimov Dimitrov – chuyên ngành Huyết học, được đào tạo ở Leningrad, từng là thành viên bộ môn Miễn dịch của trường ĐH Y Sofia.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, đã dẫn.

[6] Ba người này làm cùng bà Phi Phi từ năm 1977 đến khi bà nghỉ hưu, họ đều trở thành kỹ thuật viên cao cấp, đến nay vẫn rất thân thiết với bà.

[7] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, 17-8-2020, đã dẫn.