Tập ghi chép về bê tông cản xạ

Một buổi trưa thứ bảy tháng 11-1973, PTS Nguyễn Mạnh Kiểm cùng hai ông Nguyễn Trọng Quyển[1] và ông Nguyễn Văn San[2] ngồi trên chiếc chuyên cơ bay sang Liên Xô, do đồng chí Phùng Thế Tài[3] phái đi, mà lòng như lửa đốt. Chuyến đi lần ấy, các ông có một nhiệm vụ đặc biệt: nhờ nước bạn kiểm tra mức độ phóng xạ trong các loại vật liệu dùng cho công trình xây dựng Lăng Bác.

* *
*

Sau hiệp định Paris (tháng 1-1973), miền Bắc trở lại thanh bình, công việc xây dựng Lăng Bác được xúc tiến. Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo và Đảng đoàn Bộ Kiến trúc quyết định giao cho PTS Nguyễn Mạnh Kiểm[4] đặc trách lo việc tổ chức và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng trong việc phục vụ xây dựng Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. Công việc chính là nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm tra kỹ thuật, nhằm xác định chất lượng nguyên vật liệu xây dựng từ các nguồn khác nhau, để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng cao cho toàn bộ công trình.

Nhớ lại tâm trạng khi nhận nhiệm vụ lúc đó, GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm cho biết: Tôi rất xúc động, tự hào và vinh dự vì công trình lăng Bác là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử trọng đại, có tầm vóc khoa học kĩ thuật tiên tiến và hiện đại nhất nước ta, nơi tôn thờ và lưu giữ thi hài Bác lâu dài. Tôi hiểu rất rõ đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề, phức tạp, vượt quá khả năng và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia xây dựng công trình đặc biệt quan trọng này[5].

Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Mạnh Kiểm họp lãnh đạo Viện cùng cán bộ, nhân viên kĩ thuật của Viện để truyền đạt, quán triệt yêu cầu công tác và tìm các giải pháp thực hiện hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Một phòng thí nghiệm của Viện được thành lập, gọi là phòng thí nghiệm 75808, gồm những cán bộ và công nhân kỹ thuật có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực chuyên môn giỏi theo chuyên ngành, trực tiếp bám sát hiện trường thi công, xí nghiệp sản xuất và những nơi khai thác nguyên vật liệu, để làm thí nghiệm, kiểm tra, lựa chọn, đánh giá chất lượng. Để chuẩn bị cho ngày khởi công, các vật liệu tốt nhất từ khắp nơi được chuyển về Ba Đình: cát Kim Bôi (Hòa Bình), cát Thanh Xuyên (Thái Nguyên), đá Hoàng Thi – Thác Bà (Yên Bái), đá cuội Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), đá nhồi Thanh Hóa… Bộ Kiến trúc và Ban chỉ huy công trường 75808 cũng huy động các thiết bị cơ khí như cần cẩu, xe tải, xe ben, máy nổ, máy xúc… để sẵn sàng phục vụ công trường. Không khí chuẩn bị nhân lực và vật tư thiết bị ở các địa phương đưa về Hà Nội rất khẩn trương.

Ngày 2-9-1973, Lăng Bác chính thức khởi công xây dựng và theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đến ngày 2-9-1975 sẽ khánh thành.

Nhưng một sự việc ngoài mong đợi đã xảy ra. Ngày 17-9-1973, chỉ sau 15 ngày thi công bê tông lót móng, cả công trường xây dựng bàng hoàng, nhất là các cán bộ lãnh đạo và chuyên môn, khi nghe tin chuyên gia khoáng sản và vật liệu xây dựng sau khi phân tích hóa lý đã phát hiện trong đá granit Hoàng Thi – Thác Bà có phóng xạ. Cả công trường xôn xao: Phóng xạ? Có thật không? Thế thì nguy rồi! Nhưng ở mức độ nào? Ai trả lời được? Ai xác định được?[6]. Tất cả mọi việc phải ngừng lại. Các nhà khoa học về vật liệu đá xây dựng cùng các chuyên gia vật lý phóng xạ đã tổ chức hội thảo, bàn bạc. Tuy nhiên, ở nước ta lúc ấy không có máy móc hiện đại để có thể kiểm nghiệm và sớm xác minh, kết luận chính xác được.

Đồng chí Đỗ Mười là Trưởng ban phụ trách công việc xây dựng Lăng đã báo cáo Chính phủ để đề nghị Liên Xô giúp đỡ. Theo đó, Việt Nam cử nhóm chuyên gia khoa học kỹ thuật vật liệu xây dựng và khoáng sản hiếm mang các mẫu vật liệu xây dựng Lăng sang Liên Xô gấp, để nhờ bạn phân tích, đánh giá tỉ lệ chất phóng xạ và cho kết luận về ảnh hưởng đến việc bảo quản thi hài Bác.

Nhóm chuyên gia gồm ông Nguyễn Mạnh Kiểm, ông Nguyễn Trọng Quyển và ông Nguyễn Văn San được cử đi. Các ông phải đem theo nhiều mẫu đá, mẫu cát và cả mẫu bê tông. Tất cả các nguồn đá dự kiến sử dụng cho công trình Lăng đều cần được kiểm nghiệm. Mỗi thứ vật liệu đem theo từ 5-10kg. Do đó, theo lệnh của đồng chí Đỗ Mười, những nơi có đá được dự kiến khai thác để xây dựng Lăng đều phải lấy mẫu theo yêu cầu và chuyển ra ga xe lửa gần nhất để đưa về Hà Nội, kịp cho đoàn mang đi.

Ông Nguyễn Mạnh Kiểm lên danh sách tài liệu và mẫu đá mang sang Liên Xô và lập đề cương làm việc, báo cáo với đồng chí Phùng Thế Tài ngay trong buổi tối trước ngày lên đường. Trong đề cương, ông nêu rõ yêu cầu công việc cần làm tại Liên Xô: xác định các nguyên tố phóng xạ, xác định thành phần thạch học của các mẫu đá, tìm hiểu quy định kỹ thuật và thu thập tài liệu liên quan đến hàm lượng tối thiểu cho phép đối với các nguyên tố phóng xạ trong vật liệu xây dựng, các biện pháp phòng hộ và khắc phục[7]. Đồng thời, ông cũng dự kiến gửi mẫu phân tích đến ba cơ quan chuyên môn ở Liên Xô: Viện Hàn lâm Y học, Viện Khoáng sản hiếm, Viện nghiên cứu hạt nhân Đupna.

Đúng 10 giờ sáng hôm lên đường đi Liên Xô, các ông sang Gia Lâm để lên máy bay. Trong thư của ông Trịnh Tam Tỉnh – Viện trưởng Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng gửi động viên ông Nguyễn Mạnh Kiểm trước khi đi có viết: Chúc đồng chí đi may mắn. Bảo chị cần gì thì bảo bé Sáu bảo tôi, hay chị viết cho tôi qua ai đó cũng được. Yên trí đi nhé. Chúc các đồng chí vui khỏe[8].

Hành trình trên chuyến bay hôm ấy vẫn in đậm mãi trong tâm trí của GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm: máy bay cất cánh lúc 12h15 trưa ngày 10-11-1973, 13h15 đến Vientiane (Lào), 14h15 rời Vientiane; 17h đến Rangoun (Myanmar), 18h rời Rangoun; 2h45 đến Bombay (Ấn Độ), 23h45 rời Bombay; sáng ngày 11-11-1973, sau 5 tiếng bay thì đến Tasken (Uzơbêkistan). Sau khi nghỉ ngơi và ăn sáng, đoàn tiếp tục bay và đến Mátxcơva lúc 10 giờ sáng. Vừa đến Mátxcơva, các ông làm việc với Đại sứ Việt Nam, trao thư của đồng chí Đỗ Mười, rồi được bố trí ăn tại Thương vụ của Đại sứ quán. Các ông nhanh chóng trình bày công việc với Tổng cục Kỹ thuật của Liên Xô và được gợi ý gửi thêm mẫu cho cả Viện Y học vũ trụ. Về phòng, Nguyễn Mạnh Kiểm bắt tay ngay vào việc chia mẫu, đánh số và gửi đi. Riêng với Viện nghiên cứu hạt nhân Đupna, ngày 14-11-1973 ông Nguyễn Văn Hiệu[9] đến Sứ quán nhận mẫu về để làm thí nghiệm và Viện có kết quả trả lời sớm nhất. Tuy vậy, vẫn chưa thể có kết luận, vì còn phải chờ kết quả của ba Viện nữa, đặc biệt là Viện Y học vũ trụ.

Tháng 11, nước Nga đã vào mùa đông. Mặc dù khung cảnh đẹp của mùa đông nước Nga và bao bạn bè mời tới thăm, nhưng các ông không có tâm trạng du ngoạn, chỉ chờ đợi và chờ đợi, bởi câu hỏi lớn chưa được giải đáp khiến ai cũng bận tâm: có phóng xạ thực hay không? nếu có thì mức độ đến đâu? Một tuần trôi qua. Rồi đến cuối tuần thứ hai, khi các Viện đều thông báo rằng với lượng phóng xạ như thế, kể cả gấp đôi thì cũng không ảnh hưởng đến thi hài, các ông mới thở phào như trút được gánh nặng. Ông Nguyễn Mạnh Kiểm tức tốc gửi tất cả hồ sơ cho Sứ quán để báo tin về nước bằng con đường nhanh nhất. Mọi người ở nhà nhận được tin tốt lành đó, reo lên vui mừng và lại khẩn trương tiếp tục công việc cho kịp tiến độ.

* *
*

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Nguyễn Mạnh Kiểm ở lại Liên Xô thêm hai tuần, ông muốn đi sâu tìm hiểu về bê tông bảo vệ phóng xạ và sự hủy hoại của bê tông khi chịu phóng xạ, loại phóng xạ thứ cấp gây ra tình trạng tự bị phá hoại. Sinh viên Cao Duy Tiến[10] của trường Đại học Xây dựng (MIXI) thường đến chơi với ông. Anh Tiến cho biết: trong trường có khoa Công trình đặc biệt do Trung tướng Kômarôpki làm Trưởng khoa. Qua giới thiệu của anh Tiến, ông Nguyễn Mạnh Kiểm mượn đọc được một số tài liệu ở thư viện trường. Đây là những tài liệu mật của Liên Xô nên ông không được photocopy hay chụp ảnh, chỉ được ghi chép lại.

Trang đầu trong tập ghi chép của PTS Nguyễn Manh Kiểm

Trong gần hai tuần, ông chỉ đến thư viện để đọc và hì hụi ghi chép. Có lần, ông cũng định đem tài liệu đi photo nhưng nhân viên an ninh nói không được phép, nên từ đó chỉ chăm chú ghi chép và cố gắng ghi chép được càng nhiều càng tốt. Ông sử dụng cả tập tài liệu liên quan đến Hội Chữ thập đỏ quốc tế, dùng mặt sau của 35 trang giấy khổ A4 ấy và thêm 22 trang giấy trắng để ghi chép. Nét bút mực xanh ngay ngắn thẳng hàng, nhiều chỗ gạch chân bằng bút đỏ của ông thể hiện sự tỉ mỉ trong khi khai thác những tài liệu quý của nước bạn. Ông đã ghi chép được nhiều nội dung quan trọng: ảnh hưởng của bức xạ đối với tính chất vật lí kĩ thuật của bê tông và chất dẻo, ảnh hưởng đối với Plasmacc, một số vật liệu dùng làm bê tông bảo vệ phóng xạ, những yêu cầu chung đối với vật liệu ngăn phóng xạ bảo vệ môi sinh… Có những chỗ, ông đánh dấu và viết “important!” bằng mực đỏ ngay trên đầu trang. Tài liệu đều bằng tiếng Nga, nên chỗ nào dịch sang tiếng Việt được thì ông dịch, chỗ nào không dịch được thì ông chép nguyên văn.

Ngày 30-11-1973, các ông lên tàu hỏa để trở về Việt Nam và ngày 15-12-1973 về đến Hà Nội. Hai ngày sau, ông Nguyễn Mạnh Kiểm báo cáo kết quả công việc với đồng chí Phùng Thế Tài. Đồng chí Tài tuyên dương, hoan nghênh tinh thần của đoàn và ông Nguyễn Mạnh Kiểm đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau chuyến đi này, ông tổng hợp những ghi chép tại Liên Xô, làm thành Bản thu hoạch một số hiểu biết cơ bản về bê tông phòng tia phóng xạ, in ra làm tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng Lăng. Ông cho biết: Đây là những tài liệu tuyệt mật lúc đó[11].

PTS Nguyễn Mạnh Kiểm (hàng cuối, thứ tư từ trái) và các đồng nghiệp ở
Viện
Thí nghiệm vật liệu xây dựng khi tham gia xây dựng Lăng Bác, khoảng năm 1974

Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Kiểm còn tham gia nghiên cứu để sản xuất xi măng mác cao và tìm đá đỏ làm lá cờ trong Lăng. Ngày 29-8-1975, trong niềm hân hoan của đồng bào cả nước, Lăng Bác chính thức được khánh thành, tiếp đón khách trong và ngoài nước đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa trong niềm vui chung đó, PTS Nguyễn Mạnh Kiểm được đồng chí Đỗ Mười trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Từ những kiến thức ban đầu trong tập ghi chép về bê tông cản xạ hồi ấy, đến năm 2006, GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm làm chủ nhiệm một đề tài về kết cấu vật liệu xây dựng nhà máy điện nguyên tử và kết quả nghiên cứu đã được đánh giá xuất sắc.

Nhìn lại tập tài liệu ghi chép tại Liên Xô ngày nào, nay giấy đã ngả vàng, quăn mép, GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm như sống lại một thời sôi động, không chỉ của cá nhân ông, mà còn của nhân dân cả nước hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 15-2-2012, ông trân trọng trao tặng tập tài liệu viết tay này cùng những tư liệu liên quan cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trần Bích Hạnh

______________________

[1] Trưởng ban thiết kế, thuộc Phòng Công trình, Bộ Tư lệnh công binh.

[2] Chuyên gia của Tổng cục Hóa chất.

[3] Phó Tư lệnh Phòng không không quân, kiêm Phó ban chỉ đạo xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[4] Lúc đó là Viện phó Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng.

[5] Bài phát biểu của GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm trong tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 11-8-2010, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Hồ Phương, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đài hoa vĩnh cửu, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.

[7] Đề cương làm việc tại Liên Xô do Nguyễn Mạnh Kiểm viết, 9-11-1973, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Thư của ông Trịnh Tam Tỉnh gửi Nguyễn Mạnh Kiểm, 10-11-1973, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Lúc đó ông Nguyễn Văn Hiệu đang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đupna. Sau này ông trở thành Giáo sư, Viện sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.

[10] Nay là Phó giáo sư, Tiến sĩ, từng là Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

[11] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm, 15-2-2012, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.