Chuyện về một chiếc máy chữ

Năm 1967, cô học trò Nguyễn Thị Thi quê ở Bắc Giang trở thành sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với sở thích văn nghệ, những lần sinh hoạt khoa bà thường nhiệt tình tham gia ca hát. Khi đó, chàng sinh viên Trịnh Cao Tưởng đang học năm thứ tư cùng khoa và cũng là người thích hoạt động văn thể, đặc biệt hay viết kịch bản cho các vở kịch của khoa dự thi biểu diễn văn nghệ toàn trường. Hai người đã để ý đến nhau từ những lần gặp gỡ ấy rồi nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng vào ngày 19-1-1975, sau một thời gian dài xa cách nhau vì hoàn cảnh chiến tranh.

Những chuyến công tác dài ngày ở Viện Khảo cổ của Trịnh Cao Tưởng đã khiến cho cuộc sống gia đình trở nên khó khăn, nhất là ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái còn nhỏ. Vì thế, năm 1982 hai vợ chồng quyết định chuyển từ khu tập thể Khoa học xã hội ở phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình) về sống cùng bố mẹ ông Tưởng ở khu tập thể Bách khoa (quận Hai Bà Trưng). Bà Thi vẫn nhớ, hàng xóm ở chỗ mới đến phần đông là gia đình các Vụ trưởng, trong đó có vị Vụ trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tên là Thái. Ông Vụ trưởng này cư xử và nói năng lịch sự, được ông Tưởng rất quý mến và hai người thường hay sang nhà nhau chơi.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi kinh tế nước ta còn rất khó khăn, cả khu tập thể chỉ vài nhà có tivi, mà cũng chỉ là tivi đen trắng, trong đó có nhà cụ thân sinh của ông Tưởng. Mỗi lần mở tivi, ông Tưởng lại gọi hàng xóm sang xem cùng. Ông Thái và cô con gái út khoảng 7 tuổi cũng thường sang xem tivi nhờ như mọi người.

Một hôm, tình cờ trong lúc trò chuyện với PGS Tưởng, ông Thái kể rằng: Hồi miền Nam mới giải phóng, ông đã có chuyến vào Sài Gòn công tác. Lần ấy, khi đi qua một cửa hàng, ông thấy có bán chiếc máy đánh chữ còn mới nguyên; mặc dù không biết sử dụng nhưng vì thích mắt nên ông đã mua với giá 1 chỉ vàng và đem theo về Hà Nội. Nhưng sau đó ông không sử dụng bao giờ, chiếc máy chữ vẫn cất một chỗ trong nhà. Vốn là người ham tìm hiểu và chuộng cái mới, nên khi nghe người hàng xóm kể như vậy, PGS Tưởng liền ngỏ ý muốn xem và khi tận mắt thấy chiếc máy chữ thì rất thích thú và lập tức đặt vấn đề mua lại để dùng. Đến nay PGS Thi vẫn nhớ rõ hôm ấy, bà kể:Hôm đó, khi ông Tưởng và ông Thái ngồi nói chuyện với nhau, ông Tưởng đã gọi tôi đến bảo:Chú Thái có chiếc máy đánh chữ hay lắm, hai vợ chồng mình cùng làm nghiên cứu, nếu có chiếc máy đánh chữ đó thì rất tiện cho việc đánh bản thảo. Chú Thái vào Nam mua ra đã mấy năm rồi nhưng không sử dụng đến, nay chú có ý định để lại cho nhà mình[1]. Nghe ông Tưởng nói vậy, bà liền đồng ý ngay.

Có được chiếc máy chữ, cả ông Tưởng và bà Thi cùng học đánh máy, nhưng những chuyến công tác, những lần đi khai quật khảo cổ dài ngày khiến ông Tưởng không có nhiều thời gian. Vì vậy, bà Thi sử dụng là chính. Bà đến cơ quan (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) nhờ cô nhân viên đánh máy dạy cho cách gõ bằng cả 10 đầu ngón tay. Bà kiên trì tập, từ chỗ dò dẫm và chậm chạp, bà tiến bộ dần rồi trở thành người đánh máy thành thạo. Ngoài việc đánh máy các bản thảo của mình, thỉnh thoảng bà còn giúp ông Tưởng đánh máy một số tài liệu chuyên môn của ông về gốm cổ, gốm sành, nhà truyền thống…, các bản thảo bài tạp chí, tham luận hội nghị khoa học, các báo cáo khai quật khảo cổ… Khi có thời gian rảnh, bà còn nhận đánh máy các bản thảo, tài liệu của cơ quan để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thời kỳ đó, nhà bà khá dư dả giấy than và giấy đánh máy, nên không phải mua nhiều. Số tiền thu được từ việc đánh máy thuê không lớn, chỉ góp thêm vào trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng thời gian bà dành cho việc đánh máy lại không phải là ít, nhiều hôm bà phải thức đến 12h đêm để cố đánh xong tài liệu, kịp trả cho khách vào sáng hôm sau.

Chiếc máy đánh chữ đã gắn bó với vợ chồng PGS.TS Trịnh Cao Tưởng

Những lúc rỗi rãi, PGS Tưởng thường mang chiếc máy chữ ra lau dầu, bảo dưỡng. Chưa bao giờ chiếc máy bị hỏng hay phải mang đi sửa chữa, mặc dù sử dụng quá nhiều và đã lâu năm. PGS Thi cho biết, có lần ông bảo: Chiếc máy này tôi rất thích, nhìn nó xinh như đồ chơi vậy[2].

Về sau, từ khi máy vi tính trở nên phổ biến ở cơ quan và PGS Trịnh Cao Tưởng bắt đầu sử dụng máy tính cá nhân, vợ chồng ông mới không dùng đến chiếc máy chữ này nữa.

Ngày 15-8-2014, PGS Nguyễn Thị Thi đã trao tặng chiếc máy chữ đầy kỷ niệm của vợ chồng bà cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là chiếc máy chữ mang nhãn hiệu Olympia Traveller Deluxe, kích thước 30cm x 26,5cm x 8cm, trên bề mặt có bút tích bằng bút mực xanh của PGS.TS Nguyễn Thị Thi đề tặng Trung tâm. Bà cho biết: Khi ông Tưởng mất, rất nhiều hiện vật gắn liền với ông ấy đã được tôi cho mai táng theo, một số thì cho anh em, chỉ còn một số giữ lại để làm kỷ niệm, trong đó có chiếc máy chữ này[3].

Nguyễn Thúy Tiềm

___________________

[1]. Báo cáo sưu tầm, hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Thi về PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, ngày 15-8-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2]. Báo cáo sưu tầm, hỏi thông tin về TLHV của PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, ngày 29-7-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Báo cáo sưu tầm, hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Thi về PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, ngày 15-8-2014, tài liệu đã dẫn.