Sự ra đi đột ngột của người vợ thân yêu Nghiêm Thị Bích Hà năm 2011 đã để lại sự tiếc thương vô hạn đối với GS.TS Nguyễn Viết Tùng và người thân trong gia đình. Hình ảnh người vợ vẫn hiện hữu trong tâm trí ông, ngay cả trong từng bữa cơm với những món ăn vẫn được ông nấu bằng chiếc xoong nhôm mua từ trước khi cưới, và câu chuyện về mối tình một thời gian khó được ông chia sẻ với các con.
Năm 2015, khi biết đến công việc của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Sinh ra và lớn lên tại thị xã Vinh, Nghệ An, ngay từ nhỏ Nguyễn Viết Tùng được bố mẹ định hướng cho con đường học hành. Sau này, khi đã trở thành sinh viên Học viện Nông lâm[1] (1960-1964), ông vẫn luôn chăm chỉ phấn đấu học tập. Mặc dù nhà ở nội thành Hà Nội, còn học viện ở Gia Lâm, nhưng ông xin bố mẹ cho vào ở ký túc xá của học viện để có được nhiều thời gian học hơn. Thường mỗi tháng hai lần, chiều tối thứ bảy ông đi bộ ra ga Cổ Bi ở Gia Lâm và đón chuyến tàu sang Hà Nội để về với gia đình, rồi quay lại trường vào sáng sớm thứ hai sau đó.
Cuối năm học thứ 4, một hôm, trên đường từ ga Cổ Bi trở lại Học viện Nông lâm, Nguyễn Viết Tùng tình cờ gặp một nữ sinh có khuôn mặt thanh tú, quần áo gọn gàng đang đạp xe đến trường. GS Nguyễn Viết Tùng kể lại: Mặc dù cùng đi với bạn bè, nhưng cô ấy không cười nói ồn ào như những người khác mà có phần bẽn lẽn. Chính hình ảnh đó đã để lại ấn tượng ban đầu tốt đẹp với tôi[2]. Lúc ấy, ông đâu biết được rằng, sau này cô nữ sinh kia sẽ trở thành người bạn đời thủy chung của ông.
Sau vài lần gặp lại trên đường đến trường và qua thông tin của bạn bè, ông được biết cô gái đó tên là Bích Hà, đang học tại trường cấp 3 Cao Bá Quát ở Cổ Bi, Gia Lâm.
Năm 1964, Nguyễn Viết Tùng tốt nghiệp Học viện Nông lâm và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Côn trùng. Cùng thời điểm này, Bích Hà tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ vào khoa Nông học[3], trở thành sinh viên khóa 9 của học viện. Trong ngày khai giảng năm học mới, ông có cơ hội gặp lại Bích Hà và biết cô là con gái của cụ Nghiêm Xuân Tiếp, Chủ nhiệm khoa Lâm học của học viện. Từ thời sinh viên, ông đã biết cụ Nghiêm Xuân Tiếp là một trong những vị "khai quốc công thần” của học viện, nhưng chưa một lần gặp mặt cụ.
Nhân những buổi cán bộ giảng dạy nói chuyện với tân sinh viên, Nguyễn Viết Tùng có cơ hội gặp gỡ Bích Hà. Mặc dù chỉ cười và gật đầu chào nhau, nhưng ấn tượng về cô sinh viên trẻ ngày càng sâu đậm trong ông, và ngược lại, ông cũng cảm thấy hình như cô gái này có thiện cảm riêng với mình.
GS Nguyễn Viết Tùng nhớ lại lần đầu tiên hai người chính thức nói chuyện với nhau, đó là ngày 20-11-1965, ở khu ký túc xá dành cho giáo viên của trường ĐH Nông nghiệp[4]. Bích Hà cùng nhóm bạn sinh viên năm thứ 2 đến chúc mừng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt
Bất ngờ với câu nói có phần tinh nghịch thay cho lời chào của cô sinh viên, thầy Viết Tùng chỉ cười và gãi đầu, nhưng trong lòng dường như cảm nhận được một tín hiệu tình cảm đặc biệt từ cô.
Trước khi chính thức giảng cho sinh viên khóa 9, Nguyễn Viết Tùng thỉnh thoảng gặp lại Bích Hà trong những dịp hoạt động hưởng ứng phong trào văn nghệ, phong trào thi đua học tập và giảng dạy kết hợp với sản xuất… của trường. Từ cuối năm 1965, khi không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, nhà trường bắt đầu điều chỉnh công tác giảng dạy và học tập cho phù hợp với tình hình thời chiến. Cán bộ và sinh viên được huy động tham gia các đội tự vệ của trường, diễn tập chuẩn bị ứng phó với chiến tranh. Là cán bộ trẻ năng nổ, nhiệt tình và có sức khỏe, Nguyễn Viết Tùng xung phong vào đội tự vệ trường, đảm nhận công việc nặng nhọc nhất là vác bệ tỳ khẩu đại liên macxim, nặng hơn 30kg. Mỗi khi diễn tập báo động chiến đấu, tổ trực chiến được lệnh mang vũ khí từ trong kho đặt tại khu ký túc xá giáo viên ra trận địa ở phía sau trường. Hình ảnh thầy Tùng vác bệ súng chạy rất nhanh ra trận địa đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho sinh viên. Có lần đang trên đường ra trận địa, tình cờ gặp Bích Hà và được cô hỏi: Có nặng không thầy?, ông vừa thở hổn hển, vừa trả lời: Không nặng lắm, vẫn vác được!.
Từ khi giảng cho sinh viên khóa 9, thầy Viết Tùng có nhiều thời gian tiếp xúc với Bích Hà và nhận thấy cô sinh viên này rất thông minh, chăm chỉ. Ông thường động viên, giúp đỡ Bích Hà trong học tập. Tình cảm giữa hai người vì thế càng trở nên gắn bó.
Là con gái của một trong những vị lãnh đạo ở trường, lại xinh xắn và thùy mị, nên Bích Hà được nhiều bạn nam và thầy giáo trẻ theo đuổi. Nhưng Viết Tùng nhận biết được tình cảm của Bích Hà hướng về mình. Sau này, khi đã chung sống một nhà, có lần ông hỏi vợ: Tại sao ngày đó em chỉ để ý đến anh, trong khi có nhiều khác người theo đuổi?. Bà Hà cười và thổ lộ: Vì em cảm nhận ở anh có những điểm chung như em: chu đáo, nhiệt tình, hòa đồng, không tính toán.
Trong thời gian thầy Viết Tùng tham gia đội tự vệ của trường, Bích Hà đã tự tay làm một chiếc mũ rơm tặng ông. Bấy giờ, mỗi lần máy bay Mỹ đến oanh tạc Hà Nội, đạn pháo phòng không của ta bắn lên phát nổ trên cao, có nhiều mảnh đạn rất sắc văng ra rồi rơi xuống, có thể gây sát thương cho người ở trên mặt đất. Vì lực lượng tự vệ không có mũ sắt như bộ đội phòng không, nên mỗi người đều đội mũ rơm tự tạo để bảo vệ mình.
Chiếc mũ cô sinh viên Bích Hà tặng thầy được bện bằng rơm nếp, rất dày và có vành rộng che được hết vai. GS Nguyễn Viết Tùng còn nhớ, đó là một buổi chiều, khi ông đang trực chiến ở kho vũ khí thì Bích Hà xuất hiện với chiếc mũ rơm trên tay, ngập ngừng trao cho ông. Tuy chưa có một lời yêu nào được nói ra, nhưng hai người đã hiểu rõ tình cảm của nhau.
Dần dần, nhiều người trong trường biết chuyện quan hệ tình cảm của hai thầy trò Viết Tùng – Bích Hà. Cả bố và mẹ của Bích Hà đều làm việc ở trường nên cũng biết chuyện này. Cụ Nghiêm Xuân Tiếp mời Viết Tùng đến nhà chơi và nói chuyện. GS Nguyễn Viết Tùng chia sẻ, ông vốn dĩ rất ngại tiếp xúc với những người lãnh đạo trong trường, nhưng qua buổi trò chuyện cởi mở với cụ Tiếp, ông đã phần nào mạnh dạn hơn. Ông nhận thấy cụ Tiếp có vẻ ngoài nghiêm nghị nhưng biết lắng nghe ý kiến của người khác. Từ đó, ông hay mượn cớ quan tâm đến học sinh trước kỳ thi để lui tới nhà Bích Hà. Ông được người yêu cho biết, trước Cách mạng tháng 8-1945, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Canh nông Đông Dương, cụ Tiếp làm việc tại Hạt kiểm lâm Đầm Hà, Quảng Yên. Vợ chồng cụ đã hạ sinh con gái đầu lòng ở đó, đặt tên là Hà với ngụ ý ghi nhớ kỷ niệm về vùng đất Đầm Hà.
Sau này, GS Nguyễn Viết Tùng còn được biết, cụ Tiếp có tìm hiểu kỹ về mình qua bạn bè và đồng nghiệp. Biết Viết Tùng xuất thân trong gia đình trí thức, là cán bộ trẻ giàu năng lực, nhiệt tình và tốt bụng, cụ Tiếp đã ưng thuận.
Sau tết năm 1966, hầm hào phòng không và công sự chiến đấu được phát triển ở khắp nơi. Các khoa và bộ môn của trường ĐH Nông nghiệp chuyển đến các địa điểm sơ tán ở khu vực xung quanh trường và một số tỉnh như Hưng Yên, Cao Bằng… Lúc này, Viết Tùng vừa tích cực hoạt động trong đội tự vệ trường, vừa đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Côn trùng học cho sinh viên khóa 9 tại khu sơ tán ở Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), cách trường khoảng 7km.
Trong thời gian sơ tán, Viết Tùng và Bích Hà chính thức yêu nhau và bắt đầu có những cuộc hẹn hò. Ông cũng thường đến thăm hỏi gia đình Bích Hà. Những lần cùng nhau đi chơi, những khi trò chuyện riêng, hai người đã hẹn ước thành vợ thành chồng, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt họ không dám ước định khi nào sẽ làm lễ cưới.
Cuối năm 1966, trong khi Bích Hà tiếp tục học tập ở nơi sơ tán, Viết Tùng xung phong đưa hai lớp sinh viên vào thực tập ở Nghệ An để giúp nhân dân ở đây phát triển sản xuất nông nghiệp. Đó là thời gian thử thách tình yêu của hai người. Những lá thư viết tay đều đặn gửi cho nhau, đong đầy nhớ nhung, yêu thương.
Cuối tháng 12-1967, ông trở về công tác tại trường ĐH Nông nghiệp. Bấy giờ Bích Hà đã bước vào năm học cuối. Hai người gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi và ao ước rằng từ đây sẽ không phải xa cách nhau như một năm vừa qua nữa.
Năm 1968, Bích Hà tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp và được phân công về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm, bấy giờ đóng tại Gia Lộc, Hải Dương, do GS Lương Định Của làm Viện trưởng. Cả Viết Tùng và Bích Hà cũng như đôi bên gia đình quyết định tổ chức đám cưới trước khi Bích Hà đi nhận công tác. Ngày 26-11-1968, Viết Tùng đạp xe chở người yêu đến UBND xã Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để đăng ký kết hôn. Đôi tân hôn được nhận một tờ phiếu mua “hàng cưới”. Theo chế độ phân phối “hàng cưới” thời bao cấp, mỗi cặp kết hôn được mua hai tút thuốc lá, vài cân kẹo và một món đồ gia dụng tùy chọn như phích nước nóng, bát, xoong… Viết Tùng đạp xe chở vợ đến cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) để mua hàng cưới, trong đó có chiếc xoong nhôm để dùng nấu cơm. Đây là loại xoong sản xuất tại Liên Xô, đường kính 17cm và cao 11,5cm, dày dặn và xinh xắn.
Chiếc xoong của GS.TS Nguyễn Viết Tùng
Đầu tháng 12-1968, đám cưới Nguyễn Viết Tùng – Nghiêm Bích Hà được tổ chức tại hội trường khoa Nông học của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, với sự tham dự của hai bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và học trò. GS Nguyễn Viết Tùng cho biết: Trước ngày cưới, người anh rể của ông là cán bộ ngoại giao đang công tác ở châu Phi gửi về một mảnh vải valise màu tím hoa cà làm quà cưới, mẹ ông mang vải đến một hiệu may ở phố Cầu Gỗ để may áo dài cho cô dâu. Ngày cưới, Bích Hà mặc chiếc áo dài tím, còn Viết Tùng mặc quần Âu màu xanh tím than, áo sơ mi trắng, thắt cavát sẫm màu.
Để tránh máy bay Mỹ, đám cưới được tổ chức vào buổi tối, vì không có điện nên phải mượn đèn măng sông ở phòng thí nghiệm của trường để chiếu sáng. Hội trường được một nhóm sinh viên trang trí tạo khung cảnh lãng mạn bằng cách cắt giấy màu thành những cành liễu rủ như ở bờ hồ và dán vào bên ngoài các cửa sổ. Tiệc cưới chỉ có bánh kẹo, thuốc lá, nước trà, nhưng mọi người rất vui vẻ; nhiều sinh viên hào hứng chơi đàn violon, accordéon và hát hò sôi nổi.
Sau lễ thành hôn, cô dâu và chú rể mượn tạm một phòng trong khu nhà tập thể của giáo viên để ở tuần đầu tiên. GS Nguyễn Viết Tùng chưa quên sự bài trí trong căn “phòng cưới” ấy: phía ngoài đặt bộ bàn ghế tiếp khách, được ngăn cách với giường cưới đặt phía trong bởi tấm rido căng ngang phòng. Trong thời gian này, ông chuẩn bị một số vật dụng cần thiết cho vợ để đi nhận công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm. Ông cẩn thận dùng búa và đinh nhỏ khắc chữ HÀ vào cả nắp và thân chiếc xoong cho vợ mang theo. GS Nguyễn Viết Tùng chia sẻ: Được biết khi xuống Hải Dương, Hà sẽ được bố trí ở trong khu tập thể của Viện, thì tôi đã nghĩ ra cách khắc chữ thế này để tránh nhầm lẫn với vật dụng của người khác. May mà trước đây tôi đã học được ở bố tôi cách làm tỉ mẩn các công việc trong nhà, nên việc này với tôi chẳng có khó khăn gì.
Trong suốt thời gian công tác tại Gia Lộc, Hải Dương (1968-1978), bà Bích Hà sử dụng chiếc xoong này để nấu ăn, như muốn được truyền hơi ấm từ gia đình nhỏ bé, thân thương của mình, nhất là trong những tháng năm đăng đẵng chồng đi làm nghiên cứu sinh tại Hungari (1969-1973).
Năm 1978, bà Bích Hà được chuyển về làm giáo viên ở trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, từ đó chiếc xoong trở thành vật dụng sinh hoạt chung của hai vợ chồng. GS Nguyễn Viết Tùng kể thêm: Trong thời buổi khó khăn, thiếu thốn, chiếc xoong khi thì dùng nấu cơm, khi thì luộc rau, kho nấu. Vì sử dụng quá nhiều nên có lần nó bị thủng đáy, vợ chồng tôi thấy rất quý nó và không muốn xa rời nó, nên tôi cố sửa lại bằng cách khoét rộng lỗ thủng ra, dùng một mẩu nhôm xuyên qua, rồi cẩn thận dùng búa tán cả hai mặt để bịt kín lại. Thế là chiếc xoong thân thiết, dù mang thương tích, đã có mặt trở lại trong cuộc sống thường nhật của gia đình chúng tôi cho tới nay.
Từ những năm 90, khi điều kiện kinh tế đã khá hơn, trong căn bếp của vợ chồng GS Nguyễn Viết Tùng xuất hiện thêm những xoong nồi kiểu mới, hiện đại và tiện lợi hơn, nhưng chiếc xoong mua theo tiêu chuẩn “hàng cưới” ngày nào vẫn được vợ chồng ông và con cái tiếp tục sử dụng.
Sau khi vợ qua đời, GS Nguyễn Viết Tùng vẫn dùng chiếc xoong này nấu ăn hàng ngày, thường để luộc rau. Trải qua thời gian sử dụng lâu dài, do bị rơi và va đập, nhất là trong những lần chuyển nhà, chiếc xoong dù đã bị hàn như kể trên, đã có những vết móp, có dấu vết cháy đen ở đáy, vung bị méo, nhưng ông vẫn trân trọng lưu giữ trong nhà. Ngày 20-8-2015, khi trao tặng kỷ vật cưới này cho nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Viết Tùng không khỏi lưu luyến và bùi ngùi tâm sự: Dù không nỡ rời xa, nhưng tôi cũng sẵn sàng gửi gắm vật kỷ niệm này cho Trung tâm, vì tôi biết rằng nó sẽ được lưu giữ tốt ở đó để kể tiếp câu chuyện về một cuộc đời.
Phạm Ngọc Hải
______________________
*GS.TS Nguyễn Viết Tùng là NKH chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt
[1] Đây là tên gọi trước kia của Học viện Nông nghiệp Việt
[2] Những câu trích của cả hai ông bà trong câu chuyện này đều do GS Nguyễn Viết Tùng cung cấp trong dịp nghiên cứu viên hỏi thông tin ngày 20-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Nay là khoa Trồng trọt, Học viện Nông nghiệp Việt
[4] Năm 1964, khoa Lâm học, phòng Nghiên cứu gỗ và lâm sinh, một phần tổ bộ môn Cơ khí và một phần các tổ bộ môn ở khoa Kinh tế tách ra để thành lập trường ĐH Lâm nghiệp (nay là ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), cùng những đơn vị, khoa còn lại, Học viện đổi tên thành trường ĐH Nông nghiệp.