Cuốn sổ ghi chép thời sinh viên

Cuốn sổ khổ nhỏ (8,2cm x 11,2cm), dày 260 trang giấy không có dòng kẻ, đã viết hết 238 trang, chữ viết bằng mực xanh; bìa sổ được bọc bằng tờ họa báo. GS Trần Văn Tiến cho biết, tự tay ông đã dùng kim khâu để đóng cuốn sổ, đến nay chỉ khâu bị mục và đứt nên cuốn sổ tách ra làm hai, giấy đã bị mốc và ố vàng. Ông cất giữ cuốn sổ trong chiếc cặp đựng tài liệu cá nhân tại nhà riêng. Khi soạn tài liệu để tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cuốn sổ gợi lại trong ông những hồi tưởng về thời sinh viên của mình.

GS Trần Văn Tiến sinh ngày 23-12-1938 tại Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống ham học. Lúc học phổ thông, ông học đều các môn, nhưng các môn khoa học tự nhiên khá hơn. Tốt nghiệp trường cấp III Hùng Vương ở Phú Thọ, khi chưa tham khảo ý kiến của bố mẹ, Trần Văn Tiến đã nghĩ rằng mình sẽ vào ngành nghề nào đó cần thi các môn tự nhiên.

Năm 1957, khi còn đang trọ học ở thị xã Phú Thọ, có lần Trần Văn Tiến cùng một bạn học là Tưởng Phi Phương đến rạp chiếu phim ở thị xã để xem bộ phim “Bài ca xây dựng” của Liên Xô. Bộ phim làm cho cậu học sinh Trần Văn Tiến say mê nhân vật Sergei và mối tình của anh chàng tổng công trình sư này với cô gái Natasha. Một công việc tốt, một mối tình đẹp như vậy khiến Trần Văn Tiến mơ ước theo ngành xây dựng. Vì thế, Trần Văn Tiến bàn với Tưởng Phi Phương và quyết định sẽ làm đơn xin dự thi vào khoa Xây dựng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chuẩn bị thi đại học, khi được cha là cụ Trần Văn Kính hỏi về ngành học sẽ dự thi, Trần Văn Tiến mới thổ lộ ý định vào ngành xây dựng. Cụ Kính trầm ngâm một lúc rồi bảo: Hồi ba học trung học, có học cùng ông Ngụy Như Kon Tum và ông Phạm Bá Cư. Ba và ông Phạm Bá Cư rất thích trở thành bác sĩ nên bàn nhau sẽ đi học ngành y ở nước ngoài. Nhưng do ông nội nhà ta mất sớm, nhà không có điều kiện cung cấp tiền để ba theo học ngành y, nên ba phải học trường Cao đẳng Bưu điện Đông Dương, còn ông Phạm Bá Cư sang Nhật Bản học y. Không được theo học ngành y, ba thấy tiếc lắm!. Tiến ạ, nghề y là nghề cứu nhân độ thế, xưa ba đã không học được, con xem thế nào chuyển sang học y thì tốt[1].

Dù mê ngành xây dựng, nhưng nghe theo lời khuyên của cha, Trần Văn Tiến đành chuyển sang thi ngành y. Hồ sơ dự thi vào khoa Xây dựng đã được nộp trước đó qua đường bưu điện; nhân có bạn Đoàn Đình Thứ từ Tuyên Quang về Hà Nội nộp hồ sơ dự thi vào trường ĐH Tổng hợp, Trần Văn Tiến nhờ đến khoa Xây dựng rút hộ hồ sơ và chuyển sang trường ĐH Y dược Hà Nội.

Ngày 28-8-1958, tại phòng thi ở tầng 2 của trường cấp II Trưng Vương, với số báo danh 407, thí sinh Trần Văn Tiến bắt đầu tham dự kỳ thi vào trường ĐH Y Dược Hà Nội. Thi 4 môn: văn, lý, sinh và hóa, cán bộ coi thi là BS Vũ Triệu An[2]. Ban đầu có đông thí sinh, nhưng đến mấy môn sau thì khá nhiều người bỏ thi. GS Trần Văn Tiến vẫn nhớ tất cả: Trong lúc thi, tôi thấy run lắm, tâm trí lúc đó chỉ nghĩ rằng còn nước còn tát, tự nhủ phải cố gắng làm bài thật tốt. Lúc vào học y, tôi còn ghi ở ngay trang bìa một cuốn sổ là “407 bất diệt”. Thế mới thấy lúc thi vất vả thế nào![3].

Khi nhận được thông báo trúng tuyển vào trường y, Trần Văn Tiến vô cùng sung sướng và hãnh diện. Ông kể lại: Bấy giờ ở trường cấp III Hùng Vương chỉ có tôi và hai bạn tên là Nguyễn Văn Minh và Tăng Chí Sâm cùng thi đỗ và học ngành y, nhưng sau này vì nhiều lý do nên hai bạn không theo học được, chỉ còn duy nhất một mình tôi theo học đến cùng. Thứ nữa là lựa chọn ngành nghề lúc ấy theo quan niệm "nhất y, nhì dược”, nên tôi nghĩ rằng học y khi ra trường sẽ có công việc tốt theo nguyện vọng của cha[4].

Vào trường, SV Trần Văn Tiến cảm thấy học rất vất vả, như nay ông chia sẻ: Lúc vào học, tôi phải luyện trí nhớ để học thuộc lòng, nhất là môn giải phẫu. Trong cặp tôi còn để cả xương, có lần tôi còn mang về nhà một chiếc xương sọ người, do một người bạn cùng tổ tặng. Ngày ấy chúng tôi thường được gọi là “gạo cụ”, có nghĩa là cực kỳ chăm chỉ[5]. Tài liệu tham khảo khan hiếm, sinh viên chủ yếu lĩnh hội kiến thức từ bài giảng của các thầy, hầu như đều là những thầy đầu ngành, như: BS Nguyễn Quốc Ánh giảng môn thần kinh; thầy Đặng Văn Ngữ giảng về ký sinh trùng; các thầy Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trinh Cơ giảng ngoại khoa; thầy Nguyễn Dương Quang hướng dẫn thực hành; hai thầy Đặng Văn Chung, Phạm Khuê giảng nội khoa; thầy Đặng Vũ Hỷ giảng về da liễu; thầy Trần Hữu Tước giảng về tai mũi họng; thầy Vũ Công Hòe giảng tổ chức học; thầy Trương Cam Cống giảng mô phôi; thầy Nguyễn Xuân Nguyên giảng về mắt; thầy Nguyễn Ngọc Doãn giảng dược lý… Sinh viên nghe giảng như nuốt từng lời của các thầy và đều ghi chép cẩn thận.

Ngoài học lý thuyết trên giảng đường, từ năm thứ hai, từng tổ sinh viên (mỗi tổ hơn 10 người) thay phiên nhau đi thực hành tại các khoa ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt – Đức. Việc đưa sinh viên đến thực tập tại các bệnh viện có tác dụng đào tạo họ không chỉ về chuyên môn, mà cả về đạo đức của người thầy thuốc và đề cao ý thức trách nhiệm phục vụ bệnh nhân. SV Trần Văn Tiến thấy khổ nhất và sợ nhất là làm hộ lý ở khoa Tiết niệu, thậm chí vì thế mà đôi lần ý chí bị dao động. Về chuyện này, ông tiết lộ rằng: Lúc đi thay xông tiểu cho bệnh nhân, nhiều khi tôi phải hút thuốc lá để bớt cảm giác sợ. Có những hôm tôi lên thư viện trường y đọc tài liệu, sau đó sang giảng đường của trường ĐH Tổng hợp ngay cạnh đó, ngồi đằng sau nhìn các bạn học toán mà thấy mê lắm. Cứ nghĩ đến ngày mai phải đi thay xông tiểu, tôi lại cảm thấy sợ, nhưng "đã đâm lao phải theo lao”, nên tôi quyết tâm thực hiện theo ý nguyện của cha và yên tâm học tập. Sau này, khi ra trường công tác, tôi thấy rất thương người hộ lý[6].

Phải học nhiều, nên mỗi kỳ nghỉ hè về nhà ở Tuyên Quang chơi, SV Trần Văn Tiến đều mang theo tài liệu để tranh thủ đọc lại. Ông còn nhớ, nghỉ hè năm thứ 4 (1961), ông đem theo một chiếc cặp da bò, bên trong đựng tập giấy trắng mua ở một cửa hàng bách hóa ở Hà Nội và một số cuốn vở ghi bài giảng đã học trên lớp.

Học được khoảng nửa thời gian ở trường ĐH Y dược, một hôm trong lúc nằm nhưng chưa ngủ được, SV Trần Văn Tiến trằn trọc nghĩ về tương lai theo nghề “cứu nhân độ thế” này, và thấy rằng mình phải trang bị nhiều kiến thức để sau này ra hành nghề bác sĩ, bởi nếu thiếu kiến thức thì có thể chẳng may làm chết bệnh nhân. Ông chia sẻ về nhận thức lúc ấy: Tôi nghĩ cần phải liên kết tất cả các kiến thức đã học để có những hiểu biết thấu đáo, trong đó có cơ chế để chẩn đoán, tìm nguyên nhân và xử lý, điều trị được bệnh, mà một trong những phương pháp để điều trị bệnh là dùng thuốc. Muốn biết dùng thuốc gì, phải hiểu được dược lý, phản ứng phụ của cơ thể đối với thuốc hay sự kết hợp giữa các loại thuốc với nhau[7]. Đặc biệt, với môn dược lý, SV Trần Văn Tiến thấy khó nhớ nhất, cho nên quyết định phải ghi chép tóm tắt lại để nhớ tốt hơn.

Sổ ghi chép thời sinh viên của GS.TS Trần Văn Tiến

Sáng mồng 1-8-1961, SV Trần Văn Tiến thức dậy và quyết tâm viết lại ngay những kiến thức dược lý đã được học trong năm thứ 3, do thầy Nguyễn Ngọc Doãn giảng lý thuyết và hai thầy Đỗ Doãn Đại, Hoàng Tích Huyền giảng về thực hành. Môn học này Trần Văn Tiến thi được điểm 9. Từ cuốn vở ghi bài giảng trên lớp, Trần Văn Tiến ngồi viết tóm tắt lại những bài học dược lý vào cuốn sổ tự đóng đã kể trên. Bài đầu tiên là về thuốc mê, rồi đến thuốc ngủ, thuốc kích thích thần kinh trung ương… Ông cho rằng, khi soạn lại như vậy cũng là một lần tự ôn kiến thức. Trong cuốn sổ này, ông viết chữ rất nhỏ để viết được nhiều. Việc ghi chép được tiếp tục cả trong những năm học sau.

Năm thứ 4, trong thời gian thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai, SV Trần Văn Tiến chú ý ghi chép về những ca bệnh khó được điều trị tại đây. Có khi ghi ngay tại bệnh viện, nhưng cũng có hôm sau khi về nhà ông mới ghi tổng hợp tình hình vào sổ. Vừa đứng nghe giảng, vừa ghi chép, nên những phần ông viết ở bệnh viện chữ không đẹp bằng khi ngồi viết ở nhà.

GS Trần Văn Tiến cho biết, khi ông thực tập ở Bệnh viện Bạch Mai, GS Đặng Văn Chung đã gây cho ông ấn tượng nhiều nhất. Trước đó, trong kỳ thi vấn đáp môn nội khoa ở trường, ông bốc thăm được câu hỏi về bệnh basedow; sau khi nghe ông trả lời đạt yêu cầu, GS Chung không hỏi gì nữa, chỉ giảng giải thêm những kinh nghiệm về loại bệnh này, những điều chưa thấy thầy trình bày trong các bài giảng trên lớp. Qua lần thi ấy, SV Trần Văn Tiến chẳng những không thấy e ngại, mà còn thích thú coi đó như một buổi học, bởi được bồi bổ thêm kiến thức. Tại bệnh viện, Trần Văn Tiến phụ trách một nhóm sinh viên lớp dưới và có quyền yêu cầu y tá giúp đỡ. Một lần, trong ca trực, có một bệnh nhân nữ khoảng 15-16 tuổi bị suy tim nặng đến mức tiên lượng khó có thể qua khỏi, thấy cô ta bị lên cơn hen, Trần Văn Tiến gọi bác sĩ phụ trách đến xem xét. Khoảng 2-3h sáng, bệnh nhân lại lên cơn hen, người tím tái, được tiêm một ống ephedrine nhưng đến 5 giờ sáng thì qua đời. Trong cuộc họp giao ban ngay sáng hôm đó, Trần Văn Tiến báo cáo tình hình ca trực vừa qua và trường hợp bệnh nhân tử vong. GS Chung không phê bình điều gì cả, nhưng khi cuộc giao ban kết thúc và mọi người đã ra khỏi phòng, thầy mới vỗ vai Trần Văn Tiến và nhắc nhở như giảng dạy: Trong trường hợp bệnh nhân bị suy tim nặng như vậy, không được tiêm ephedrine mà phải tiêm morphine. Ephedrine có tác dụng làm cho bệnh nhân dễ thở nhưng lại làm cho nhịp tim tăng nhanh, nếu đã tiêm thì phải chích máu ra cho bệnh nhân[8]. Xem lại những ghi chép về trường hợp bệnh nhân này trong cuốn sổ, GS Trần Văn Tiến không khỏi xúc động, mắt nhòa lệ vì thương xót người bệnh không cứu chữa được và ông vẫn nhớ mãi bài học kinh nghiệm của GS Chung dặn dò hôm ấy.

Sang năm học thứ 6, SV Trần Văn Tiến được nhà trường phân công học chuyên khoa ngoại tại Bệnh viện Việt – Đức. Cuốn sổ nhỏ vẫn được ông đem theo trong túi áo blouse để khi cần thì tiện ghi chép hoặc tra cứu. Trong thời gian học chuyên khoa ngoại, ông đặc biệt ấn tượng về thầy Tôn Thất Tùng – Giám đốc bệnh viện. GS Tùng nổi tiếng là giỏi chuyên môn, tính cách nghiêm khắc nhưng cũng thoải mái và rất thương sinh viên. Mỗi khi thầy Tùng đi kiểm tra, sinh viên trực phải trình bày về các trường hợp bệnh nhân, thấy có ca nào khó, thầy đứng giảng tại chỗ cho sinh viên.

Cũng tại bệnh viện này, có một trường hợp mà đến nay GS Trần Văn Tiến còn nhớ nhất, đó là bệnh nhân Phạm Văn Sinh, 18 tuổi, quê Nam Định, bị thủng ruột do thương hàn kéo dài. Ông kể lại: Tối hôm đó tôi trực tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt – Đức, có tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn Sinh người rất gầy, đã bị sốt 20 ngày. Qua kiểm tra, tôi thấy bệnh nhân lưỡi bẩn, không còn sốt, không bị chướng bụng, da khô, khi ấn tay vào bụng thấy như có tiếng nổ bem bép. Tôi chẩn đoán đây là trường hợp mắc bệnh thương hàn gây thủng ruột. Tôi báo cáo lại tình hình với trưởng ca trực hôm đó là BS Phạm Hoàng Phiệt[9], BS Phiệt khám lại và yêu cầu bệnh nhân phải được mổ ngay. BS Phiệt là người mổ chính, còn tôi đứng phụ mổ[10].

Quá trình kiểm tra trước khi mổ cũng như điều trị và theo dõi sau mổ được BS Trần Văn Tiến ghi kỹ lưỡng trong cuốn sổ: Trước khi mổ, bệnh nhân Sinh được hồi sức bằng cách dùng huyết thanh ngọt đẳng trương 0,500 + thuốc trợ tim Ouabaine 1/4mg + 1 ống sinh tố B1 truyền vào tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân được tiêm 3 loại thuốc vào tĩnh mạch, gồm Diparcol 0,25 + Dolosal 0,100 + Novocain 1% 3cc. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm nước tiểu, máu, gluco trong máu và huyết thanh để chẩn đoán thương hàn. Sau khi mổ, bệnh nhân được truyền vào tĩnh mạch một lít huyết thanh ngọt đẳng trương + sinh tố B1 0,100cc. Sau đó, bệnh nhân được tiêm huyết thanh ngọt ưu trương 150cc + insulin 1/2cc (20 đơn vị). Ngoài ra, bệnh nhân còn phải dùng các thuốc khác: thuốc trợ tim nước Camphre (0,20 x 2 ống, cách 3h một lần), kháng sinh Chloramphénicol (0,25 x 2 viên), Didro (0,5 x 2 lần), thuốc giảm đau Morphine (0,01 lúc 20h)…

Khoảng 20 ngày sau mổ, bệnh nhân Sinh hồi phục sức khỏe và xuất viện. Theo GS Tiến chia sẻ: Tôi không thể tưởng tượng được sức đề kháng của con người lớn như vậy. Cả đời tôi chỉ gặp duy nhất một trường hợp này và nhớ mãi không bao giờ quên[11].

Ngoài kiến thức về dược lý và những ca bệnh khó, trong cuốn sổ này của GS Trần Văn Tiến còn ghi cả những kiến thức đọc được ở thư viện và vẽ các hình về tim trong tư thế thẳng. GS Tiến kể: Trong nội khoa, học tim là khó nhất, sinh viên chúng tôi ví như là “mê lộ”. Bấy giờ, điện tâm đồ chưa có, sinh viên chỉ học trên các mô hình hoặc hình vẽ trong các sách của nước ngoài. Do đó, tôi phải vẽ lại để tra cứu khi đi thực hành tại bệnh viện[12].

GS Trần Văn Tiến cho biết, cuốn sổ ghi chép không chỉ có giá trị như cuốn cẩm nang để ông sử dụng trong thời gian sinh viên, mà cả sau khi ra trường (1963) và lên công tác tại Ty Y tế tỉnh Lào Cai, ông cũng mang theo để tham khảo. Ghi chép đã trở thành một thói quen của BS Trần Văn Tiến. Mỗi khi đọc được kiến thức hay về chuyên môn cũng như tin tức xã hội đáng chú ý, ông đều ghi chép lại trong các cuốn sổ khác nhau.

Đôi bàn tay run run do tuổi giàlật giở để xem lại các trang viết của mình từ năm 1961 đến 1963 trong cuốn sổ, rồi GS.TS Trần Văn Tiến bộc bạch: Phải có lòng ham mê của tuổi trẻ, tôi mới ngồi viết lại như vậy được và trở thành thói quen, đồng thời tôi thấy mình học hành cũng rất tử tế. Lúc đó tay tôi không bị run, viết chu đáo nên chữ cũng rất đẹp. Tôi muốn lưu lại cuốn sổ này như một bằng chứng cho thấy ngày đó tài liệu rất khó khăn, chủ yếu là ghi chép và tự học[13].

Hoàng Thị Liêm

_______________________

[1] Phỏng vấn GS Trầnn Tiến ngày 25-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] BS Vũ Triệu An về sau trở thành giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, trường ĐH Y Hà Nội.

[3] Phỏng vấn GS Trầnn Tiến ngày 1-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Phỏng vấn GS Trần n Tiến ngày 29-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5][6] [8Phỏng vấn GS Trầnn Tiến ngày 25-8-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn GS Trầnn Tiến ngày 1-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] BS Phạm Hoàng Phiệt về sau trở thành giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, trường ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

[10] Phỏng vấn GS Trần n Tiến ngày 29-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11][13] Phỏng vấn GS.TS Trầnn Tiến ngày 1-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[12] Phỏng vấn GS.TS Trầnn Tiến ngày 29-3-2016, tài liệu đã dẫn.