Sau năm 1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ khác nhau: Miền Bắc được giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam bị đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai chiếm đóng, phải tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 23-9-1963, Trung ương cục miền Nam phát động phong trào “Thi đua yêu nước, chống Mỹ” với 4 khẩu hiệu lớn là: Thi đua đoàn kết đấu tranh, thi đua giết giặc lập công, thi đua sản xuất tiết kiệm và thi đua học tập tiến bộ1]; từ đó, phong trào thi đua yêu nước nở rộ rộng khắp. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng hưởng ứng nhiệt tình phong trào này bằng việc tổ chức các hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước, phát động phong trào “Ba sẵn sàng” [2]…
Năm 1966, SV Phạm Hữu Tòng đang học năm thứ 3 ở khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Là lớp trưởng lớp Vật lý, đạt kết quả học tập tốt, lại là Đảng viên từ tháng 4-1962 ở Tổng cục Chính trị, nên anh được nhà trường đề cử viết báo cáo thành tích cá nhân, chia sẻ những kinh nghiệm học tập, để đọc tại Hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước của trường. Anh được thầy Phạm Khắc Chi yêu cầu viết báo cáo chi tiết. Bản báo cáo của anh gồm 7 trang giấy ô li khổ 18,5cm x 27cm, trang 4 có đính 1/3 trang viết thêm; tất cả được anh viết cẩn thận, rõ ràng bằng bút máy mực đen, thể hiện sự nghiêm túc khi được vinh dự chuẩn bị để phát biểu trong hội nghị với tư cách là một sinh viên ưu tú. Đến nay, giấy đã bị ố vàng vì thời gian, góc trên bên trái bị thủng do ghim sắt đã gỉ. Lật giở, nâng niu từng trang báo cáo để xem lại lần cuối trước khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 17-3-2016, GS Phạm Hữu Tòng chia sẻ thêm về những tháng năm cơ cực thời tuổi trẻ mà ông đã vượt qua.
GS Phạm Hữu Tòng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cuộc sống gia đình khó khăn nên chuyện đi học vô cùng khó khăn và vất vả. Năm 1952, bố mẹ cùngcác em phải rời bỏ quê và ra Hải Phòng làm thuê, Phạm Hữu Tòng ở lại Hưng Yên với bà ngoại. Học hết đệ nhất, cậu học tiếp tại trường Trung học Phạm Ngũ Lão, khi đó cả tỉnh Hưng Yên mới có một trường trung học này. Đầu năm 1953, cậu thi đỗ kỳ thi tốt nghiệp cấp 2 được tổ chức tại trường Chu Văn An và có thể tiếp tục học trường cấp 3 ở Hà Nội, nhưng không có tiền để đi học. Trong hoàn cảnh ấy, Phạm Hữu Tòng không biết chia sẻ cùng ai, nên đã tự viết thành truyện ngắn “Học sinh thời loạn”3], qua nhân vật Sơn để phản ánh một phần nỗi khổ không có tiền đi học của mình. Cuối năm ấy, cậu đành ra Hải Phòng ở cùng gia đình và kiếm việc làm. Kể lại hoàn cảnh nhà mình khi đó, GS Tòng cho biết: Cả gia đình ở nhờ một căn nhà lụp xụp, không giường chiếu, trải rơm làm chỗ nằm4]. Còn trong truyện “Học sinh thời loạn”, cậu học trò cấp 2 Phạm Hữu Tòng mô tả sự vất vả của cha mẹ mình qua nhân vật Sơn như sau: Người cha nhễ nhại mồ hôi, mặc quần áo nâu cũ, ống quần xắn cao đang cố mang hết tâm lực của một người đã ngót 50 tuổi, đạp xe xích lô hết phố này qua phố khác hòng kiếm 5-10 đồng về nuôi sống gia đình; mẹ thì lọm khọm với chiếc đòn gánh trên vai lần hồi dưới nắng chang chang trên hè phố5].
Thấy cha và mẹ lăn lộn với cuộc sống để kiếm tiền nuôi các con, Phạm Hữu Tòng cũng tìm việc làm thuê để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhưng tìm việc không phải chuyện dễ: Lúc ấy đi ra đường chỉ mong gặp được cửa hàng hoặc cơ sở nào dán biển thông báo tuyển người làm là sung sướng lắm rồi6]. Ngày ngày, cậu đi dọc các tuyến đường phố để mong sao kiếm được việc gì đó, nhưng đều thất vọng, cuối cùng phải nhờ người môi giới ở gần chợ. GS Phạm Hữu Tòng tâm sự: Thời bây giờ cần người môi giới là chuyện bình thường, nhưng hồi ấy thì nhục nhã lắm. Tôi không tìm được việc nên đành phải nhờ bà mối giới thiệu bằng những lời ngon ngọt cho người cần tuyển dụng mới xin được việc7]. Cậu được nhận vào một gia đình làm thư ký cho cửa hàng buôn bán tạp phẩm Mỹ Lệ. Người cậu nhỏ bé, nếu cho đi giao dịch công việc thì không chững chạc, nên gia đình này để cậu làm gia sư cho con của họ. Được một thời gian ngắn, cậu xin đi công nhân làm đường.
Tuy vậy, người học trò lỡ dở này vẫn thích học, đến nay GS Tòng còn chưa quên được tình cảnh rất buồn khi ấy: Mỗi lần đi qua trường học, nghe tiếng trống hay tiếng gõ thước của các cô giáo giảng bài mình lại thấy khao khát được học vô cùng, xen lẫn là sự thất vọng vì không được đi học8]. Ở Hải Phòng có trường tư thục Phùng Hưng, cậu đã xin cha mẹ cho đi học. Nhưng sự nghèo khó đeo đẳng đôi lúc làm cậu tủi hổ với bạn bè, như GS Tòng kể lại: Vào những ngày nghỉ, thấy bạn bè rủ nhau đi chơi, đi xem phim, họ đi qua mà mình lại phải trốn ngay vào trong nhà, chỉ dám nhìn qua khe vách, vì sợ các bạn nhìn thấy nhà mình nghèo rồi chê bai thì xấu hổ9]. Học được hết một học kỳ, gia đình không có đủ tiền đóng học phí nên cậu phải nghỉ. Năm 1955, Phạm Hữu Tòng cùng gia đình xin làm công nhân cho Xí nghiệp cảng Hải Phòng (nay thuộc quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng). Mặc dù chỉ làm công nhân bốc vác ở cảng, nhưng cả nhà cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì có công việc ổn định, có nhà để ở và Phạm Hữu Tòng có cơ sở để hy vọng sẽ được đi học trở lại. Năm 1956, Phạm Hữu Tòng viết đơn và được ban lãnh đạo xí nghiệp đồng ý cho đi học hai năm tại trường Sư phạm Trung cấp trung ương ở Hà Nội, sau đó về làm giáo viên dạy văn hóa tại Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1958 đến 1963. Sau 5 năm công tác, Phạm HữuTòng được đơn vị cử đi học ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Bản báo cáo thành tích tại Hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 20-4-1966
Cuối năm 1963, Phạm Hữu Tòng chính thức trở thành sinh viên khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong không khí chống Mỹ cứu nước dâng cao, sinh viên nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường tổ chức như tập quân sự, tác phong quân sự, ba sẵn sàng… GS Tòng kể lại không khí quân sự thời đó ở trường: Có khi 3 giờ đêm, có lệnh là tất cả sinh viên trong ký túc xá nhanh chóng dậy gấp chăn màn gọn gàng. Tập hành quân từ Cầu Giấy xuống Nhổn với ba lô nặng khoác trên vai như những anh bộ đội cụ Hồ, chuẩn bị sẵn sàng lên đường khi có lệnh10].
Trong bản báo cáo thành tích của mình SV Phạm Hữu Tòng đặt ra câu hỏi: Chống Mỹ cứu nước đang sục sôi trên cả nước, tôi tự hỏi, với nhiệm vụ chủ yếu của mình là học tập thì mình phải làm gì, mình làm được gì? Tinh thần cách mạng cụ thể trong học tập, trong bất kỳ tình huống nào, ở tinh thần không ngừng cải tiến phương pháp học tập cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu mới cao hơn11]. Trong hoàn cảnh thực tế khi ấy, có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu và điều kiện học tập, khối lượng kiến thức nhiều, nội dung khó mà tài liệu thì ít. Như anh viết trong bản báo cáo: Thực sự là phải học đến vàng mắt ra, phải vất vả khổ sở cả một học kỳ mới học hết một giáo trình như vô tuyến điện kỹ thuật, điện kỹ thuật, mà học xong rồi nhìn lại kiến thức mình nắm chưa có là bao. Kết quả học tập là quá trình đấu tranh gian khổ, vật lộn với kiến thức để giành lấy nó12]. Anh nhắc đến gương học tập của Hoàng Đức Thanh, một sinh viên người dân tộc thiểu số. SV Thanh sức khỏe yếu, học lực kém, nhưng rất cố gắng dành thời gian ôn bài. Có một học kỳ, phải thi lại tới 4 môn, trong lớp hầu như không ai tin anh có thể vượt qua được. Nhưng rồi sự nỗ lực của Hoàng Đức Thanh đã được đền đáp xứng đáng, cả 4 môn đều đạt kết quả tốt.
Bước vào học kỳ 2 của năm thứ 2, SV Phạm Hữu Tòng rơi vào tình trạng khủng hoảng về học tập: do nội dung học thì nhiều mà thời gian học thì ít. Thầy giảng nhanh nên cũng không ghi kịp, về đọc lại và hỏi bạn bè nhưng vẫn không hiểu bài. Cuối cùng, anh chủ động cải tiến cách học: Tôi đã áp dụng phương pháp đọc qua giáo trình trước khi nghe giảng. Khi lên lớp, vừa nghe giảng vừa theo dõi giáo trình. Những phần thầy giảng có trong giáo trình thì không cần ghi mà chỉ gạch ý, còn những phần quan trọng thì từ phân tích diễn giải của thầy, tôi nắm kỹ ngay ở lớp, ghi chú thật cẩn thận trong vở rồi về nhà ghi chép lại13]. Cách học như vậy tưởng chừng đơn giản nhưng lại hiệu quả, giúp anh khắc phục được tình trạng ùn ứ bài và hổng kiến thức. Để chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp làm thầy sau này, SV Phạm Hữu Tòng luôn cố gắng lĩnh hội kiến thức và tìm ra phương pháp học hữu ích. Anh nhớ lời thầy Phạm Huy Thông14] từng nói: Phải học sao cho biết 10 mà dạy 115], tức là học nhiều kiến thức nhưng phải rút ra cái tinh túy, cơ bản để truyền đạt cho học sinh. Mỗi bài học anh đều suy nghĩ trả lời các câu hỏi: Xây dựng vấn đề này người ta dựa trên cơ sở kiến thức gì? lập luận ra sao, rút ra cái gì, có ứng dụng hay ý nghĩa gì? Chỉ khi trả lời được những câu hỏi đó, anh mới khát quát được nội dung và nắm vững được bản chất của vấn đề. Anh đưa ra Phương pháp trả lời 4 câu hỏi: Người ta xuất phát từ đâu?, đi theo con đường nào?, tới đâu?, để làm gì?[16].
SV Phạm Hữu Tòng nhận thấy: Khi học, biết tìm ra cái tinh mà học thì ra làm thầy mới biết lấy cái tinh mà dạy, và trong công tác truyền bá phổ biến khoa học mới có khả năng trình bày đơn giản những vấn đề có nội dung cao cho các đối tượng[17]. Trong việc học vật lý, phải gắn với thực nghiệm, nhưng anh tự thấy mình còn kém về khả năng thực hành; vì vậy, từ những buổi làm thí nghiệm ở trường cho đến nhiều điều trong thực tế cuộc sống, anh thường quan sát kỹ, ghi chép cẩn thận và liên tưởng đến bài học có liên quan. Trong bản báo cáo thành tích, anh nêu một ví dụ cụ thể: Quan sát guồng nước ở địa phương, nhân dân thường dùng loại guồng chỉ cần một người đứng quay bằng tay rất nặng. Tôi liên tưởng đến bài về máy và định luật bảo toàn công, nếu dạy sẽ cho học sinh phân tích guồng nước để vận dụng những kiến thức về trục kéo và mặt phẳng nghiêng để cải tiến guồng nước ở điểm nào cho nhẹ đi, khó khăn gì?18]. Đó là những bài học thực tiễn trong quá trình học tập mà SV Phạm Hữu Tòng đã trải qua và nhờ vậy đã khắc phục được những khó khăn trong học tập.
Ngoài việc học tập, SV Phạm Hữu Tòng còn làm lớp trưởng. Anh chia sẻ về nhận thức của mình: Suốt 3 năm làm công tác lớp trưởng, tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ Đảng giao cho, phải phấn đấu hoàn thành tốt và tôi xem đây cũng là một thử thách để rèn luyện trở thành người thầy giáo có khả năng làm công tác quần chúng19]. Là một sinh viên gương mẫu, anh thường “đi trước anh em một bước”, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để học bài hay soạn đề cương, anh cũng thường góp ý hoặc chỉ bảo cho các bạn trong lớp để cùng nhau học tập tốt và vượt qua các kỳ thi. Anh nêu ra một số hình ảnh đã khiến anh chú ý và tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn trên cương vị lớp trưởng, đó là bác Lung già – một cán bộ miền Nam đêm nào cũng xách đèn đi tuần khắp từ dãy nhà này sang dãy nhà khác để bảo vệ trường; hình ảnh người lớp phó phụ trách sinh hoạt cặm cụi với sổ sách, tiền nong trong suốt buổi trưa hay các thầy cô giáo dành những ngày nghỉ chủ nhật đến ký túc xá bổ túc kiến thức cho các sinh viên yếu kém. Trong suốt 3 năm học (cho đến thời điểm đó), điểm kiểm tra của Phạm Hữu Tòng không có môn nào dưới 8, năm nào anh cũng được trường tuyên dương là sinh viên tiên tiến. Anh cũng nhiệt tình trong phong trào “Ba sẵn sàng” và được nhận danh hiệu “Thanh niên 3 sẵn sàng” của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trong kỳ thực tập, anh được bình chọn là giáo sinh xuất sắc toàn diện, đạt điểm 9 cả về giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp. Về sau, khi tốt nghiệp, anh được trường giữ lại làm giảng viên khoa Vật lý, từ đó anh lại tiếp tục học hỏi và hoàn thiện mình hơn để làm tốt vai trò của một người thầy.
Bản báo cáo thành tích của SV Phạm Hữu Tòng được phân chia thành ba phần: Thứ nhất là về học tập và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân; thứ hai là về công tác lớp; thứ ba là phần kết luận, những cảm xúc và suy nghĩ của một sinh viên năm thứ 3. Tại Hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước của trường tổ chức ngày 20-4-1966, cóđông đủ đại diện sinh viên toàn trường, thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông, Ban giám hiệu, Đảng ủy cùng các thầy cô giáo tham dự. GS Phạm Hữu Tòng cho biết, bản báo cáo được nhà trường in ronéo 30 bản để phát cho giáo viên và sinh viên của các khoa. Hiện nay, góc trên bên trái ở trang đầu của bản báo cáo vẫn còn bút tích ghi “30 bản” của cán bộ phụ trách Đoàn trường. Sau hội nghị, SV Tòng được các khoa mời đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tập với các lớp sinh viên.
Khi kể lại những chuyện trên đây với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Phạm Hữu Tòng khiêm tốn bảo: Mình bình thường thôi, không có gì ghê gớm giỏi giang, nhưng mình hoàn thành trách nhiệm được giao, tất cả những gì trong báo cáo là những gì mình trải qua, muốn chia sẻ cho mọi người cùng học tập20]. Cũng trong bản báo cáo thành tích của mình, SV Phạm Hữu Tòng đã bày tỏ: Từ một học sinh con nhà công nhân nghèo, bị thất học và trở thành một người lao động thất nghiệp trong thời kỳ tạm chiếm, tôi đã hiểu rõ cái nhục về tinh thần, cái khổ cực về đời sống của những người lao động trong xã hội cũ. Nhờ có Đảng, gia đình tôi mới có ấm no hạnh phúc. Bản thân tôi đã được Đảng nuôi dưỡng, giáo dục. Tôi sẽ ra trường và trở thành người giáo viên, người cán bộ làm công tác giáo dục của Đảng. Tôi cũng muốn được nói lên nguyện vọng tha thiết đồng thời là lời hứa quyết tâm của tôi: không ngừng phấn đấu rèn luyện học tập để trở thành người giáo viên xã hội chủ nghĩa suốt đời phục vụ cho sự nghiệp giáo dục21]. Theo GS Tòng, đây là ý kết luận và cũng là tóm lược chung những ý định mà ông muốn truyền tải từ bản báo cáo của mình tới các thầy cô, bạn bè trong Hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước của trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm ấy. Còn một điều đặc biệt cần nói thêm, từ bản báo cáo này về sau đã nhen nhóm ý tưởng hình thành giáo trình đầu tiên của ông năm 1977 về phương pháp giảng dạy vật lý và tiếp theo là đề tài luận án tiến sĩ của ông. Năm 1980, ông hoàn thành luận án “Nâng cao hiệu quả thông hiểu kiến thức vật lý dựa trên sự chỉ đạo hành động học tập của học sinh bằng cơ sở định hướng khát quát”, sau đó ông đã bảo vệ thành công và nhận bằng Phó tiến sĩ tại Việt Nam (nay gọi là Tiến sĩ) năm 1981.
Nghe GS.TS Phạm Hữu Tòng kể những chuyện đã trải qua, chúng tôi thấy rõ ở nhà khoa học và nhà giáo này ngay từ tuổi trẻ đã có một bản lĩnh kiên định và sự quyết tâm học tập, bất chấp mọi khó khăn trở ngại để nỗ lực vươn lên không ngừng. Giờ đây, khi đã ở tuổi 80, ông vẫn còn cống hiến cho công tác giáo dục và đào tạo, cuốn sách “Bồi dưỡng năng lực dạy học” ông đã viết xong và dự định xuất bản vào cuối năm 2016, được ông coi như một di chúc khoa học về năng lực dạy học[22].
Lưu Thị Thúy
____________________
* GS.TS Phạm Hữu Tòng là nhà khoa học chuyên ngành Giáo dục học, nguyên Phó trưởng khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 441.
[2] “Ba sẵn sàng” là tên gọi phong trào thi đua do Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội phát động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của học sinh, sinh viên Hà Nội. Ba nội dung thi đua gồm: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
[3] Bản thảo truyện ngắn “Học sinh thời loạn” của GS Phạm Hữu Tòng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4],[6],[7],[8],[9]Ghi âm hỏi thông tin GS Phạm Hữu Tòng ngày 12-3-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Bản thảo truyện ngắn “Học sinh thời loạn”, tài liệu đã dẫn.
[10] Ghi âm hỏi thông tin GS Phạm Hữu Tòng ngày 5-4-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11],[12],[13],[15],[16],[17],[18],[19],[21]Phạm Hữu Tòng, “Báo cáo thành tích cá nhân tại Hội nghị thi đua chống Mỹ cứu nước”, ngày 20-4-1966, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] GS Phạm Huy Thông là Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thời kỳ 1956-1966.
[20] Ghi âm hỏi thông tin GS Phạm Hữu Tòng ngày 5-4-2016, tài liệu đã dẫn.
[22] Ghi âm hỏi thông tin GS Phạm Hữu Tòng ngày 12-3-2016, tài liệu đã dẫn.