Cầm trên tay tấm huân chương Tự do hạng nhất do Chính phủ Lào tặng, GS.TS Dương Phú Hiệp xúc động bảo: Đây là một trong số ít kỷ vật của Lào mà tôi còn giữ được1. Huân chương Tự do là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Lào dành cho những cá nhân hay đơn vị có đóng góp xuất sắc nhằm thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Huân chương Tự do cũng được trao tặng cho người nước ngoài có thành tích đặc biệt xuất sắc đối với Nhà nước Lào và được phía Lào công nhận.
Tấm huân chương có kích thước thích hợp để có thể đeo trên ngực áo: dài 2,8cm và rộng 2,5cm, gồm hai phần liên kết với nhau. Phần cuống làm bằng tơ Rayon (một loại tơ nhân tạo), nền màu đỏ và có những vạch màu xanh. Phần đeo bên dưới là một ngôi sao nổi lên và xòe 5 cánh ra khỏi nền phẳng hình tròn, cùng một chất liệu đồng và được mạ hợp kim màu vàng, có hình bông lúa viền hai bên và chính giữa là vòng tròn đỏ làm nền cho những chữ Lào màu vàng, có nghĩa là “Huân chương Itxala” hay “Huân chương Tự do”.
Huân chương Tự do của Nhà nước Lào tặng GS.TS Dương Phú Hiệp
Tấm huân chương Tự do này ghi nhận sự đóng góp của GS Dương Phú Hiệp cho nước bạn Lào trong nhiều năm, nhất là quãng thời gian 1984-1991. Ông giới thiệu về huân chương, về bức ảnh ông đứng cùng Tổng bí thư Kaysone Phomvihane treo trên tường, đồng thời kể về những chuyến công tác bên Lào đã để lại những kỷ niệm sâu đậm trong tâm trí ông.
Đầu những năm 80 trong thế kỷ trước, nền kinh tế Lào còn nghèo và lạc hậu, Tổng bí thư Kaysone Phomvihane nhận thấy đất nước cần phải đổi mới như nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa đang làm, trong đó có Việt Nam. Ông Kaysone bắt đầu công việc chỉ đạo chiến lược về đổi mới… nhằm tạo sự đồng thuận quan điểm đổi mới, nhất là với các cán bộ cao cấp, cốt cán của Đảng[1]. Qua tìm hiểu, ông Kaysone biết tới nhóm nghiên cứu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đang nghiên cứu về đổi mới ở Việt Nam[2]. Năm 1984, khi biết ông Lê Văn Viện – người từng phiên dịch cho mình khi sang Liên Xô năm 1982 – đang hoạt động trong nhóm nghiên cứu đó, Tổng bí thư Kaysone mời ông Viện sang Lào công tác. Ông Kaysone đề nghị ông Viện giới thiệu thêm một số chuyên gia để mời sang Lào giảng về vấn đề đổi mới. GS Dương Phú Hiệp kể về mối quan hệ với ông Viện: Đầu năm 1980, ông Viện sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ ở khoa Kinh tế, còn tôi làm luận án phó tiến sĩ ở khoa Triết học, cùng trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp, nên quen nhau[3]. Về nước, hai ông cùng tham gia nhóm nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông Viện cũng biết ông Hiệp tương đối am hiểu về tình hình các nước Đông Âu và Liên Xô, đã từng tham gia hội thảo về triết học ở Varna (Bungari) từ những năm 70, hội thảo về xã hội học ở Hungari năm 1977…, đặc biệt là ông Hiệp nghiên cứu chuyên sâu về thời kỳ quá độ và phân kỳ lịch sử, với bản đề cương “Về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nộp cho ông Trường Chinh. Do đó, ông Viện giới thiệu PTS Dương Phú Hiệp với Tổng bí thư Kaysone và được chấp thuận. Thời kỳ ấy, ông Kaysone cho mời hơn 20 nhà khoa học Việt Nam thuộc các lĩnh vực kinh tế, kinh tế chính trị học, triết học, như: GS Phạm Như Cương, PGS Đào Xuân Sâm, TS Võ Đại Lược… Mỗi lần, phía Lào chỉ mời một chuyên gia sang giảng.
Ngày 19-12-1984, PTS Dương Phú Hiệp sang Lào chuyến đầu tiên. Với nhiệm vụ mới, lại chưa biết nhiều về nước bạn, nên ông khá hồi hộp và lo lắng. Sau khi cùng ăn tối và trò chuyện với Tổng bí thư Kaysone, tâm trạng ông mới bớt lo lắng phần nào. Bước vào năm 1985, ông Hiệp bắt đầu giảng chuyên đề “Thời kỳ quá độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Tham dự khóa học đều là những đồng chí lãnh đạo thuộc các cơ quan Trung ương của Lào, phụ trách lớp là ông Somlat Chanthamat – Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và ông Chanmi Douangboutdi – Hiệu trưởng trường Đảng. GS Hiệp cho biết, ông ấn tượng nhất với Hoàng thân Souphanouvong, bởi vị Chủ tịch nước này luôn đến lớp đúng giờ và mặc vest, dù trời nắng nóng. Trong lớp, ông Hiệp nhận thấy: Nhiều cán bộ Lào chỉ dễ nhận thức được tư duy triết học trừu tượng, còn trong tư duy triết học siêu hình thì nhận thức khó hơn[4]. Do vậy, ông thường lấy hình ảnh so sánh cụ thể để người học hiểu và nắm được bài, ví dụ: ví thời kỳ quá độ như đi đò qua một khúc sông, điểm xuất phát từtư bản chủ nghĩa lên xã hội chủ nghĩathì vượt qua khúc sông ngắn, còn các nước bỏ qua tư bản chủ nghĩa để đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội như Lào hay Việt Nam thì phải đi qua khúc sông dài gồm nhiều chặng.
Trải qua gần 2 năm làm công tác bồi dưỡng cán bộ với 10 khóa giảng cho các lớp tại Lào, PTS Dương Phú Hiệp đã tham gia vào công việc truyền đạt các quan điểm lý luận và thực tiễn đổi mới trong những đợt tập huấn… do Tổng bí thư Kaysone Phomvihane trực tiếp chỉ đạo[5]. Kết thúc 10 khóa giảng đó, PTS Hiệp được hai ông Somlat Chanthamat và Chanmi Douangboutdi nhận xét là “người giảng hay nhất”, nên đã đề nghị Tổng bí thư Kaysone mời tham gia đóng góp cho văn kiện Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào tổ chức vào cuối năm 1986. Ông Hiệp tiếp tục hăng say làm việc. Có lần, ông bị ốm do làm việc quá sức, Tổng bí thư Kaysone không chỉ quan tâm đến việc cử bác sĩ chăm sóc sức khỏe, mà còn tặng ông 5 hộp sâm để bồi bổ. Sự quan tâm đó khiến ông Hiệp rất cảm động và tình cảm với nước Lào càng sâu nặng hơn, đặc biệt là với ông Kaysone.
GS.TS Dương Phú Hiệp (bên phải) và Tổng bí thư Kaysone Phomvihan, 14-5-1990
Tháng 11-1986, PTS Dương Phú Hiệp trở về Việt Nam cùng gia đình chuẩn bị đón tết Đinh Mão 1987. Một hôm, đang ở nhà thì ông nhận được thư đề ngày 20-1-1987 của Tổng bí thư Kaysone. Ông Kaysone đề nghị ông Hiệp trao đổi thêm với một số người, trong đó có ông Nghĩa ở Bộ Giáo dục, về việc tư vấn xây dựng chương trình giáo dục cho Lào. GS Hiệp giải thích thêm về chuyện ấy: Ông Kaysone muốn tôi xem trước đề cương xây dựng chương trình giáo dục, từ đó đóng góp ý kiến cho Lào trong vấn đề xây dựng chiến lược đào tạo con người[6]. Cũng trong thư này, ông Kaysone gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến ông và gia đình, kèm theo lời chúc năm mới: Tết chúc đồng chí sức khỏe cùng gia đình hạnh phúc[7]. Sau tết, ông Hiệp gặp lại ông Kaysone và nói vui: Xây dựng chiến lược con người thì khó, mà chỉ có chiến lược người con[8]. Sau đó, các chuyên gia Lào và Việt Nam, trong đó có PTS Dương Phú Hiệp, hoàn thành việc xây dựng chiến lược đào tạo con người Lào một cách hệ thống.
Trong thời gian công tác ở Lào, PTS Dương Phú Hiệp còn giảng về chế độ dân chủ nhân dân. Sau Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, khi Tổng bí thư Kaysone trao đổi tham khảo nên chọn chế độ nào phù hợp cho thể chế nước Lào, ông Hiệp cho rằng nên chọn chế độ dân chủ nhân dân, bởi tên nước đã là Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Năm 1988, Hội nghị Trung ương 5 khóa IV của Lào bắt đầu bàn về chế độ dân chủ nhân dân Lào, đến Đại hội V (năm 1991) thì chính thức đưa vấn đề này vào văn kiện.
Từ năm 1991, ông Hiệp về Việt Nam công tác, nhưng thỉnh thoảng vẫn được Lào mời sang giảng dạy và nghiên cứu. Yêu đất nước và văn hóa Lào, ông cùng một số đồng nghiệp viết cuốn sách Tìm hiểu lịch sử văn hóa Lào (Nxb. Khoa học xã hội, 1994). Cuốn sách được nước bạn đánh giá cao và dịch sang tiếng Lào.
Kể về kỷ niệm gần đây nhất, GS Dương Phú Hiệp nói đến việc xây dựng Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào. Trước kia, Lào đã thành lập Ủy ban Khoa học xã hội vào năm 1988, do ông Xixana Xixan làm Chủ nhiệm, nhưng đến năm 1993 thì giải thể. Năm 2006, một số nhà khoa học Lào mà đứng đầu là Giám đốc trường Đảng – ông Xilua Bunkhăm đề nghị thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước. Biết GS Hiệp làm chuyên gia nhiều năm ở Lào nên phía bạn mời ông sang tư vấn. Tại trụ sở của Ban Tổ chức Trung ương Lào, GS Hiệp đồng tình với ý kiến của ông Xilua Bunkhăm và cho rằng: Thành lập Viện Hàn lâm KHXH sẽ là nơi đào tạo cán bộ và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của Lào[9]. Vấn đề này tiếp tục được phía Lào trao đổi thêm với lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Năm 2007, Viện KHXH quốc gia Lào được thành lập, do ông Xilua Bunkhăm làm Chủ tịch. GS Hiệp cũng có phần tham gia giúp đỡ trong việc Xây dựng quy chế, truyền đạt kinh nghiệm về hoạt động và nghiên cứu khoa học của Viện KHXH quốc gia Lào… và hoàn thành chiến lược nghiên cứu khoa học xã hội của Lào đến năm 2020[10].
Những đóng góp của GS Dương Phú Hiệp cho nước Lào đã được phía bạn ghi nhận. Ngày 10-12-2010, đoàn cán bộ Viện Triết học Việt Nam gồm PGS.TS Phạm Văn Đức – Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện phó, TS Nguyễn Đình Hòa – Phó TBT tạp chí Triết học, PGS.TS Trần Nguyên Việt – Trưởng phòng Lịch sử triết học Việt Nam và GS.TS Dương Phú Hiệp sang Lào công tác. Đó là chuyến đi để trao đổi về việc quy hoạch tổng thể xây dựng Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào và tham dự cuộc hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Kaysone Phomvihane. Khi sang Lào, phía bạn thông báo sẽ trao tặng huân chương Tự do hạng nhất cho GS Hiệp nhân dịp này. Ngày 12-12-2010, lễ trao tặng huân chương diễn ra tại Văn phòng Chính phủ Lào, với sự tham dự của ông Somsavat Lengsavad – Phó thủ tướng thường trực, ông Khamphoi Panmalaythong – Chủ tịch Viện KHXH quốc gia Lào, ông Tạ Minh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Lào, cùng đoàn cán bộ Viện Triết học Việt Nam. Trong bài phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Chueang Sombounkhan – Trưởng ban Tuyên huấn Lào nói: Chúng ta vui mừng và hãnh diện cùng nhau tổ chức lễ khen thưởng cho GS.TS Dương Phú Hiệp, người chuyên gia mẫu mực, người bạn thân tình của chúng ta[11]. Ông Chueang nhấn mạnh những thành tích và đóng góp của GS Hiệp đã góp phần Gắn chặt quan hệ hữu nghị, góp phần tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, thể hiện sức sống sinh động của sự gắn bó keo sơn, tình cảm yêu thương, chân tình giúp đỡ nhau một cách trong sáng hết lòng giữa Lào và Việt Nam[12]. Sau khi công bố quyết định số 108 của Chủ tịch nước Choummaly Sayasone ký ngày 31-5-2010, Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad đã trao bằng khen và gắn huân chương Tự do hạng nhất lên ngực áo GS Dương Phú Hiệp. Trong lòng ông lúc đó cảm thấy tự hào và vinh dự, đặc biệt là được tặng thưởng đúng dịp nước Lào đang kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư Kaysone Phomvihane (13-12-1920 – 13-12-2010).
Ngày 13-12-2010, ông Hiệp đến thăm Bảo tàng Kaysone Phomvihan, nơi ông đã gửi tặng nhiều kỷ vật của mình với Tổng bí thư Kaysone. GS Hiệp kể: Năm 2000, Lào xây dựng Bảo tàng Kaysone Phonvihan nên đã cử người sang Hà Nội xin tài liệu của Tổng bí thư Kaysone gửi cho tôi trong thời gian công tác ở Lào từ năm 1984 đến năm 1991 để đem về trưng bày[13]. Ngày 17-12-2010, trong cuộc hội thảo kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh cố Tổng bí thư Kaysone, ông Chueang Sombounkhan đánh giá: Tổng bí thư Kaysone là người thiết kế sự nghiệp đổi mới của Lào[14], còn GS Hiệp nhớ đến câu nói của ông Kaysone khi mời chuyên gia sang giúp Lào: … làm cho ta, nhưng không làm như người ta, phải xuất phát từ thực tiễn nhân dân[15]. Hôm sau, đoàn công tác trở về Việt Nam, GS Dương Phú Hiệp mang theo tấm huân chương về nhà cất cẩn thận vào tủ, riêng bằng khen thì ông treo trang trọng ở phòng khách, gần bức ảnh chụp chung với Tổng bí thư Kaysone.
Thời gian qua đi đã lâu, tấm huân chương đựng trong hộp nhựa trắng đã bắt đầu bị gỉ, nhưng những kỷ niệm về các chuyến công tác ở Lào và với Tổng bí thư Kaysone không phai mờ trong tâm trí GS.TS Dương Phú Hiệp. Ngày 28-1-2016, GS Hiệp đã tặng lại kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Với ông, tấm huân chương Tự do hạng nhất là phần thưởng đặc biệt quý giá, thể hiện sự trọng thị của Đảng và Nhà nước Lào đối với ông, một nhà khoa học được mời sang làm chuyên gia ở Lào.
Ngô Văn Hiển
______________________
*GS.TS Dương Phú Hiệp là nhà khoa học chuyên ngành triết học, nguyên Viện phó Viện Triết học, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1], [5], [10], [11], [12]“Bài phát biểu trong lễ khen thưởng GS.TS Dương Phú Hiệp”, ông Chueang Sombounkhan – Trưởng ban Tuyên huấn Lào đọc ngày 12-12-2010, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Nhóm nghiên cứu do Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh thành lập, tồn tại trong 3 năm (1984-1986), gồm các thành viên: Lê Xuân Tùng, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Trần Đức Nguyên, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp, Trần Nhâm, Đào Xuân Sâm…
[3] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 25-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 23-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[6] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 30-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[7] Thư Tổng bí thư Kaysone Phomvihane gửi GS Dương Phú Hiệp ngày 20-1-1987, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
8] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 30-7-2015, tài liệu đã dẫn.
[9] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 17-1-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[13] Phỏng vấn GS Dương Phú Hiệp ngày 23-7-2015, tài liệu đã dẫn.
[14][15] Sổ ghi chép của GS Dương Phú Hiệp (2007-2012), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt