Thời kỳ bao cấp là giai đoạn đặc biệt khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Trong ký ức về thời kỳ ấy, người ta thường nhắc đến chế độ phân phối hàng hóa qua hệ thống tem phiếu, đôi khi còn trả lương bằng hiện vật, đời sống thiếu thốn, kham khổ… Trong bối cảnh chung như vậy, các trí thức cũng gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1986 đánh dấu thời kỳ đổi mới được mở ra, đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhưng trên thực tế cuộc sống thời bao cấp vẫn kéo dài đến khoảng năm 1990, và như GS Nguyễn Cương nhận xét khái quát về cuộc sống những năm ấy bằng một lời ngắn gọn: Ôi! vẫn còn khó khăn lắm! [1]
Hồi mấy chục năm cuối thế kỷ 20, giới sinh viên nước ta lưu truyền rộng rãi những câu vè hiện đại trong việc chọn ngành nghề. Về nghề sư phạm thì nhiều người bảo nhau: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm!”, phản ánh một sự thật là những người theo nghề này có thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn, nên ngành sư phạm không được ưa thích. Để giảm bớt khó khăn về kinh tế, Nhà nước chủ trương khuyến khích tổ chức lao động sản xuất trong các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp [2]. Theo tinh thần đó, nhiều trường đã thành lập Ban chỉ đạo lao động sản xuất, do một Hiệu phó làm Trưởng ban. Các trường đại học như Bách khoa, Kinh tế Kế hoạch, Sư phạm… ở Hà Nội đều có ban này, với chức năng của nó là thực hiện gắn công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với sản xuất của cải vật chất để tăng thu nhập cho cán bộ và gây quỹ tự có của trường.
Ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó hiệu trưởng Nguyễn Cương đảm nhiệm vai trò Trưởng ban sản xuất từ năm 1982 đến 1989 [3]và ban này đã tổ chức được một số hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cho trường. Năm 1982, một xưởng giấy được xây dựng ở ngay trong trường với công suất 300 tấn/năm. Sau đó, khoảng năm 1988-1989, Ban sản xuất thực hiện dự án lắp ráp tivi Samsung và công việc này do ông Nguyễn Cương trực tiếp chỉ đạo.
Tài liệu liên quan trong dự án lắp ráp tivi Samsung, 1989-1990
Thực ra, ý tưởng tổ chức lắp ráp tivi ở trường Đại học Sư phạm xuất phát từ việc Ban sản xuất thấy trường Đại học Bách khoa do ông Hoàng Trọng Yêm làm Hiệu trưởng đã có xưởng lắp ráp tivi hoạt động hiệu quả. GS Nguyễn Cương kể lại: Cái khó nhất của việc lắp ráp là mua được linh kiện và vay được ngoại tệ. Ông Hoàng Trọng Yêm có anh trai là Hoàng Trọng Đại làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, nên ông Yêm vay được tiền, nhập được linh kiện. Biết vậy, tôi đến Đại học Bách khoa trao đổi trực tiếp về mục đích muốn lắp ráp tivi và được họ giúp đỡ, một phần do ông Yêm từng là sinh viên khoa Hóa trường Đại học Sư phạm, sau đó về công tác ở Đại học Bách khoa, nên ông Yêm cũng ủng hộ[4].
Để triển khai ý tưởng nói trên, Ban sản xuất của trường Đại học Sư phạm phải xây dựng một đề án. Để có kinh phí nhập linh kiện, Trưởng ban Nguyễn Cương cùng Phó ban Hà Trung Hưng đến Ngân hàng Ngoại thương để vay tiền. GS Nguyễn Cương vẫn nhớ:Tôi phải đến nhiều lần mới làm được thủ tục vay tiền. Cũng may, cô Lê Thị Mai – Trưởng phòng Tín dụng có họ hàng với chị dâu tôi là bà Lê Thị Phụng, nên cũng có phần thuận lợi[5]. Sau đó, Ban sản xuất liên hệ với Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp I (thuộc Bộ Ngoại thương) do ông Mai Văn Dâu làm Giám đốc, để nhờ đặt mua linh kiện của hãng Samsung. Trong thời gian chờ linh kiện nhập về, Ban sản xuất chuẩn bị sẵn sàng mọi việc, đặc biệt là thảo luận cụ thể kế hoạch lắp ráp tivi.
Công việc lắp ráp tivi gắn với chuyên môn của khoa Vật lý, khoa Kỹ thuật công nghiệp và tổ Hóa lý của khoa Hóa. Vì thế, đội ngũ giảng viên của ba cơ sở này là lực lượng chủ yếu tham gia lắp ráp. Họ cũng là những người có kinh nghiệm, vì đã quen với dịch vụ sửa chữa tivi tại nhà cho người dân. Tuy vậy, Ban sản xuất vẫn tổ chức tập huấn: chọn 3 người có tay nghề lắp ráp giỏi nhất ở 3 khoa này để hướng dẫn kỹ thuật cho những cán bộ khác. Bên cạnh đó, dự án lắp ráp tivi còn có sự hợp tác với phòng Tổ chức – Hành chính của trường, để họ giúp đánh máy giấy tờ, văn bản, liên hệ điện thoại, cung cấp điện…, cũng như có sự kết hợp với lực lượng bảo vệ của trường và cả lực lượng công an, để họ giúp bảo vệ linh kiện và tivi, đồng thời áp tải hàng trên đường vận chuyển.
Sau khoảng 5 tháng, linh kiện đặt mua được chuyển về nước, Ban sản xuất cử cán bộ đến cảng Hải Phòng nhận hàng đem về cất giữ tại phòng thí nghiệm và kho của khoa Vật lý. GS Nguyễn Cương cho biết: Không kể ngày đêm, khi linh kiện nhập về cảng Hải Phòng, cán bộ của trường phải trực sẵn ở cảng để nhận, kiểm tra cẩn thận tránh để mất linh kiện. Nhận xong linh kiện, cán bộ trường cùng cán bộ công an áp tải về trường và làm thủ tục với cán bộ được phân công trực sẵn để nhập vào phòng thí nghiệm và kho của khoa Vật lý[6].
Trong năm 1989, Ban sản xuất tổ chức hai đợt lắp ráp, mỗi đợt khoảng một tuần. Xưởng lắp ráp đặt ở ngay tại trường. Công việc được tiến hành ban ngày và đôi khi cũng phải làm vào cả buổi tối, nhất là việc nhận hàng, tiếp khách, kiểm đếm tiền khi xuất hoặc nhập hàng. Tivi lắp ráp được đều bán cho Xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Ba Đình. Do làm tốt khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình lắp ráp, nên khi giao nhận sản phẩm rất ít xảy ra tình trạng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sai sót hoặc bị hỏng, buộc phải gia công lại tại xưởng của trường hay tại Viện Cơ học.
Kể về lợi ích kinh tế của việc gia công lắp ráp tivi hồi ấy, GS Nguyễn Cương cho biết: Lúc đó, lương cán bộ của trường khoảng 200 đồng/tháng, lương Phó Giáo sư 550 đồng/tháng, lương tôi là Phó Hiệu trưởng được 599 đồng/tháng, nhưng cán bộ trực tiếp tham gia trong mỗi đợt lắp ráp thu nhập bằng mấy tháng lương, vốn của trường có được khoảng trăm cây vàng từ việc này[7]. Chắc chắn là dự án này có ý nghĩa không nhỏ, cho nên, như GS Nguyễn Cương bộc bạch thêm: Căn cứ vào những đóng góp cho trường, trong đó có việc tổ chức chỉ đạo việc lắp ráp tivi làm tăng thêm thu nhập cho cán bộ của trường, đảm bảo rõ ràng trong việc chia lợi nhuận, không làm ai phàn nàn, nên tôi được Ban Giám hiệu và Thường vụ Đảng ủy của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tạo điều kiện để tôi ra ứng cử chức Hiệu trưởng[8].
Năm 1989, khi thôi giữ chức Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm, ông Nguyễn Cương không làm Trưởng ban sản xuất nữa (kể từ tháng 5-1989). Song, dự án lắp ráp tivi vẫn được tiến hành đến cuối năm 1990 và ông vẫn phụ trách điều hành công việc lắp ráp, tiêu thụ tivi. Trong dự án này, ông trực tiếp ghi chép các bản thanh toán, trả thù lao… Theo ông chia sẻ, việc thu chi đều minh bạch, hầu như những khoản dự chi kinh phí, quà tặng, công lao động cho các đối tượng ở trong cũng như ngoài trường đều được đưa ra thảo luận và thống nhất trong Ban sản xuất.
Với tính cẩn thận, đề phòng sau này xảy ra kiện cáo về chuyện phân chia lợi nhuận từ lắp ráp tivi, nên sau khi đưa tài liệu đi đánh máy, ông giữ lại những bản viết tay của mình. Sưu tập tài liệu này của ông gồm tổng cộng 33 trang, đó là 6 tài liệu như sau:
– Bảng kê các khoản chi tiền công và tặng phẩm cho cán bộ ngoài trường (kèm theo bản thanh toán), ngày 23-12-1989; trong đó ghi lại những khoản tiền chi vào việc mua tặng phẩm, tiền bồi dưỡng cho một số người có liên quan ở Ngân hàng Ngoại thương, Bộ Kinh tế đối ngoại và cán bộ điều hành lắp ráp tivi;
– Bản thanh toán năm 1989 chi tiền công cho những cán bộ trực tiếp tham gia lắp ráp tivi, ngoài ra là chi thù lao cho cán bộ Sở Công an Hà Nội, cán bộ phòng Tổ chức – Hành chính của trường và tiền công cho cán bộ của trường làm ngoài giờ;
– Dự thảo quyết toán thu chi hoạt động nhập, lắp ráp, tiêu thụ tivi năm 1989 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội;
– Giấy biên nhận hai hòm gỗ đựng linh kiện tivi và phiếu xuất 5 hòm đựng linh kiện của Xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Ba Đình, ngày 18-11-1989;
– Thư của PGS.TS Nguyễn Cương đề nghị Ban sản xuất tạm giữ tiền của Xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Ba Đình, ngày 19-12-1989, để chờ Xí nghiệp trả cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội số tiền 30% lãi thực tế và tiền chênh lệch do mua đôla bằng séc;
– Bản ghi chép thanh toán chi phí với Xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Ba Đình, năm 1989, bao gồm: tiền chi, thu, tạm ứng cho việc nhập linh kiện và bán tivi.
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, những tài liệu kể trên đến nay đã ngả màu, một số trang đã rách mép, nhưng đó là bằng chứng về một thời kỳ thực hiện gắn chuyên môn vào sản xuất để làm kinh tế của cán bộ, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những tài liệu ấy là dấu tích vật chất về những năm tháng gian khó của đất nước, khi đang ra khỏi thời bao cấp và bước sang thời đổi mới, khi những trí thức vốn chỉ quen làm công tác khoa học và đào tạo sinh viên đã phải vắt óc suy nghĩ và học cách làm kinh tế để vừa đảm bảo cuộc sống cho gia đình, vừa gây quỹ cho nhà trường. Ngày 24-11-2014, GS.TSKH Nguyễn Cương đã tặng những tài liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Lê Thị Hoài Thu
_______________________
* GS.TSKH Nguyễn Cương là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Hóa học, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[1] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 8-1-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[2] Đó là chỉ thị số 237-TTg ngày 1-12-1970 của Thủ tướng chính phủ. (http://thuvienphapluat.vn/archive/Chi-thi-237-TTg-to-chuc-lao-dong-san-xuat-truong-pho-thong-dai-hoc-trung-hoc-chuyen-nghiep-vb19320.aspx).
[3] Phó ban là ông Hà Trung Hưng – cán bộ khoa Hóa (về sau ông Nguyễn Công Hoan thay thế), còn kế toán là bà Tạ Thị Thủy.
[4] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 8-1-2015, tài liệu đã dẫn.
[5] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 8-1-2015, tài liệu đã dẫn.
[6] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 8-1-2015, tài liệu đã dẫn.
[7] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 8-1-2015, tài liệu đã dẫn.
[8] Ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Nguyễn Cương ngày 9-2-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.