Cuốn luận án tiến sĩ khoa học đầu tiên về phương pháp giảng dạy hóa học ở Việt Nam

GS Nguyễn Cương cho biết: Ngay từ thời kỳ làm luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô (1966 – 1970), ông đã ấp ủ dự định làm luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học). Vì vậy, khi được cử trở lại Liên Xô thực tập từ tháng 12-1983 đến tháng 2-1984 tại trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Ghécxen ở Lêningrat, ông chuẩn bị sẵn đề cương luận án tiến sĩ ngay khi còn ở Việt Nam. Lúc ấy, PGS.PTS Nguyễn Cương đang là Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội I[1].

Một tháng sau khi trở lại trường ĐHSP Ghécxen, ông đã hoàn chỉnh đề cương luận án với đề tài “Hệ thống công tác đào tạo giáo viên hóa học về mặt nghiệp vụ sư phạm bộ môn ở trường đại học sư phạm Việt Nam”, để trình lên bộ môn Phương pháp giảng dạy hóa học. GS Makarenia – quyền Trưởng bộ môn đã giúp hoàn thiện bản đề cương luận án và trực tiếp làm việc với lãnh đạo nhà trường về bản đề cương này. Kết quả, trường ĐHSP Ghécxen tạo điều kiện cho thực tập sinh Nguyễn Cương trình bày đề cương trước một hội đồng chấm luận án tiến sĩ về hóa học. Đây là trường hợp đặc biệt, như GS Nguyễn Cương chia sẻ: Chưa có trường hợp nào hội đồng chấm luận án tiến sĩ lại dành thời gian nghe đề cương luận án, có lẽ tôi là trường hợp đầu tiên như vậy[2]. Sau đó, Hội đồng đã đồng ý cho phát triển đề cương thành luận án tiến sĩ và quyết định cấp giấy chứng nhận rằng trường sẽ tiếp nhận PTS Nguyễn Cương 2 năm để hoàn thành luận án.

Tháng 2-1984, ông trở về nước. Trường ĐHSP Hà Nội I ủng hộ ông sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ ở trường ĐHSP Ghécxen. Ngày 16-11-1984, trường thành lập hội đồng nhận xét, đánh giá, góp ý kiến cho đề cương luận án của ông[3]. Hội đồng kết luận như sau: Hội đồng xác nhận tác giả đã có nhiều cố gắng kết hợp được công tác nghiên cứu khoa học với công tác xây dựng bộ môn Phương pháp giảng dạy hóa học và khoa Hóa trường ĐHSP Hà Nội I. Hội đồng tán thành đề tài luận án tiến sĩ của PGS Nguyễn Cương và cho rằng tác giả thu được nhiều tư liệu và đã chuẩn bị công phu để có thể hoàn thành được luận án trong 2 năm được cử đi thực tập ở Liên Xô[4]. Đồng thời, hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cũng như Bộ Giáo dục tạo điều kiện để PGS Nguyễn Cương đi làm thực tập sinh cao cấp ở Liên Xô. Những ý kiến đó của hội đồng là một điều kiện quan trọng giúp cho ông được quay lại Liên Xô làm luận án tiến sĩ.

Tháng 10-1985, PGS.PTS Nguyễn Cương trở lại trường ĐHSP Ghécxen. Tình cờ, ông được ký túc xá của trường bố trí ở đúng phòng mà ông đã ở 3 tháng trong đợt thực tập trước kia. GS Makarenia nhận làm cố vấn khoa học cho luận án. Theo đúng quy định, từ khi còn ở Hà Nội ông đã đăng ký đề tài luận án với Bộ Đại học Việt Nam, nhưng khi sang đây, GS Makarenia góp ý rằng đề tài chung chung và khuyên nên đi vào vấn đề lý thuyết để luận án có tính chất chiến lược. Cuối cùng, hai thầy trò thống nhất đề tài luận án là: “Quan điểm đào tạo liên tục về phương pháp dạy học bộ môn đối với giáo viên hóa học ở Việt Nam”. Nói về đề tài luận án tiến sĩ của mình, GS Nguyễn Cương chia sẻ: Tôi không thể phát triển luận án phó tiến sĩ lên luận án tiến sĩ vì luận án phó tiến sĩ của tôi chỉ nghiên cứu về vấn đề thí nghiệm, mà luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ khác nhau rất xa, luận án tiến sĩ nghiên cứu những vấn đề chiến lược, dài hơi, lý luận, khái quát, còn luận án phó tiến sĩ chỉ giải quyết một vấn đề hẹp[5].

Trước khi sang Liên Xô lần này, do sức khỏe không được tốt nên ông phải mang thuốc bắc theo, ông còn được bác sĩ khuyên ăn kiêng và tránh ngồi quá lâu. Tuy nhiên, ông phải cố gắng làm việc cao độ. Sau một tuần, ông đã soạn xong kế hoạch học tập cho cả năm và được GS Makarenia cùng Trưởng bộ môn lúc đó là GS Kuznetsova thông qua. GS Nguyễn Cương đã kể trong hồi ký của mình: Tuy tranh thủ thời gian, nhưng mỗi ngày tôi không ngồi ở thư viện quá 6 giờ liền. Tôi là độc giả thường xuyên và tích cực của thư viện nhà trường và thư viện khoa học của thành phố. Qua trải nghiệm của bản thân, tôi thấm thía kinh nghiệm đã đúc kết: “Không đọc nhiều, không thể làm được luận án”[6].

Theo kế hoạch ban đầu, thời gian cho khóa thực tập là 2 năm. Song, như GS Nguyễn Cương cho biết thêm, đoàn thực tập sinh Việt Nam sang Liên Xô cùng đợt với ông có 10 người, nhưng sau đó số thực tập sinh tăng lên gấp đôi, nên trường ĐHSP Ghécxen rút ngắn thời gian của các thực tập sinh xuống còn một năm. Đây là một thách thức lớn với ông: Khi đó tôi cũng liều, làm luận án tiến sĩ hai năm đã khó huống chi chỉ có một năm[7]. Tuy gặp khó khăn như vậy nhưng ông vẫn chấp nhận, bởi lẽ việc làm thí nghiệm cho luận án đòi hỏi nhiều thời gian nhất thì ông đã thực hiện từ trước ở khoa Hóa của trường ĐHSP Hà Nội. Bên cạnh đó, ông đã có trong tay 200 trang tài liệu được tập hợp từ khi làm luận án phó tiến sĩ cho đến khi sang Liên Xô lần này. Bởi lẽ, từ nhiều năm trước ông đã theo đuổi ý tưởng sẽ làm tiếp luận án tiến sĩ: Ngay từ khi làm luận án phó tiến sĩ, tôi đã dành khoảng 2 tuần ngồi trên thư viện để đọc và ghi chép một số luận án tiến sĩ của Liên Xô, xem nó khác gì với luận án phó tiến sĩ để học hỏi. Do có sự chuẩn bị sẵn một cách chu đáo, nên chỉ sau 7 tháng ông đã viết được khoảng 1/3 nội dung luận án. GS Makarenia góp ý rằng nên lấy thêm số liệu ở Việt Nam để sau khi bảo vệ thử luận án thì sẽ bổ sung trước khi đánh máy lần cuối. Vì vậy, ông viết thư về nhờ vợ là bà Đỗ Thị San chuyển thư đến một số địa chỉ: bộ môn Phương pháp giảng dạy hóa học, phòng Khoa học và phòng Đào tạo của trường ĐHSP Hà Nội I, tổ Hóa học của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam…, đề nghị họ cung cấp số liệu ông cần cho luận án của mình.

Tháng 6-1986, ông báo cáo kết quả làm việc trong 8 tháng và được bộ môn nhận xét tốt. Chính điều này đã tạo thuận lợi để ông đề xuất với Bộ Đại học Liên Xô gia hạn thời gian làm luận án. Ông viết trong nhật ký:Qua thực tế công việc, tôi xin Bộ Đại học Liên Xô cho tôi gia hạn 9 tháng để kịp làm các thủ tục bảo vệ. Nhưng sau đó Bộ Đại học Liên Xô đã trả lời không đồng ý. Đại sứ quán Việt Nam ủng hộ và gợi ý tôi xin gia hạn thêm 6 tháng thì mới có hy vọng được bạn chấp nhận. Do đó tôi làm lại giấy tờ và xin Bộ Đại học Liên Xô gia hạn 3 tháng có học bổng cho đến khi bảo vệ thử ở bộ môn, sau đó gia hạn 3 tháng không có học bổng cho đến khi bảo vệ chính thức. Tôi đã phải lùi một bước vì nếu xin cả 6 tháng học bổng thì có thể Bộ Đại học Liên Xô không cho, như vậy sẽ lỡ hết. Tôi đã phải tính toán cụ thể và chuẩn bị để có thể tự túc một số tháng trong khi chờ bảo vệ[8]. Lần này, Bộ Đại học Liên Xô đồng ý gia hạn cho ông 6 tháng.

Tháng 11-1986, con gái ông là Nguyễn Thúy Oanh kết hôn, mặc dù ông rất muốn về Việt Nam nhưng lại không thể được, vì phải tranh thủ thời gian để làm luận án. Đầu tháng 1-1987, ông gửi phần đầu của bản thảo tóm tắt luận án về cho vợ. Đến giữa tháng, sau khi hoàn thành phần cuối luận án, ông viết nốt bản tóm tắt và nhờ ông Đinh Quý Xuân – nghiên cứu sinh cùng ở thành phố Lêningrat, vừa bảo vệ luận án xong – mang về Hà Nội cho bà San. Vậy là vợ ông đã có trong tay đầy đủ bản tóm tắt luận án bằng tiếng Nga. PGS Nguyễn Cương kể lại: Tôi đề nghị bà San chụp ra và gửi bản tóm tắt luận án đến bộ môn Phương pháp giảng dạy của khoa Hóa, trường ĐHSP Hà Nội; khoa Hóa, ĐHSP TP Hồ Chí Minh; GS Phạm Minh Hạc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục; GS Hà Thế Ngữ – Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; GS Dương Trọng Bái – nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội để xin nhận xét [9].

Bà Đỗ Thị San khi đó đang công tác ở thư viện trường ĐHSP Hà Nội. Mặc dù bận công việc và nặng gánh gia đình, nhưng sau khi nhận được bản tóm tắt luận án, bà đã chu đáo làm theo chỉ dẫn của chồng. Như bà viết trong thư: Hôm nay em đã đến nhà ông Hạc để hỏi xem hôm nào ông ấy đưa lại cho bản nhận xét, nếu không kịp gửi cô Sửu[10] thì anh ấy gửi hộ, vì chỗ anh ấy cũng có nhiều người đi, nên em đã biên cho anh ấy địa chỉ của anh (vì không gặp anh ấy nên chưa biết anh ấy có đọc kịp cho không)[11]. Bà San còn cho ông biết, bà đã chuyển 3 bản tóm tắt luận án đến Viện Khoa học giáo dục, bà sẽ tiếp tục gửi thư và bản tóm tắt đến một số địa chỉ ở xa để xin nhận xét của họ, sau đó bà sẽ gửi sang cho ông.

Cuốn luận án tiến sĩ khoa học của GS Nguyễn Cương

Nhờ sự giúp đỡ của vợ cũng như của các cơ quan, đồng nghiệp ở Việt Nam và của thầy hướng dẫn, đến ngày 11-3-1987, PGS.PTS Nguyễn Cương đã hoàn thành luận án và đưa đi đánh máy. Sau này, nhìn nhận về vai trò tích cực của vợ mình, ông đã viết trong hồi ký: Bà San đã có đóng góp rất quan trọng trực tiếp cho luận án thông qua hàng chục bức thư gửi từ Việt Nam sang cho tôi, kèm theo nhiều số liệu mà khi đi tôi chưa kịp thu thập[12].

Ngày 18-3-1987, PGS.PTS Nguyễn Cương bảo vệ thử luận án ở bộ môn Phương pháp giảng dạy hóa học. Bộ môn xác nhận luận án đã hoàn thành, nhưng cũng yêu cầu phải sửa chữa, bổ sung trước khi đưa ra bảo vệ chính thức. Sau buổi bảo vệ thử ấy, ông gặp GS Makarenia để nhờ thầy góp ý thêm về chuyên môn, và gặp bà GS Kuznetsova để giải thích một số vấn đề trong luận án và nhờ góp ý thêm về những chỗ cần sửa chữa. Khi viết hồi ký, ông có kể lại chuyện này: Sau 7 giờ trao đổi tay đôi, bà ấy đã hoàn toàn nhất trí với luận án. Khi tôi về, bà ấy nói rằng tôi là người có năng lực… Nhà trường cũng đã có công văn gửi Bộ Đại học Liên Xô xin cho tôi thêm 2 tháng không học bổng để chờ đến ngày bảo vệ (6-1987)[13]. Ngày 14-5-1987, luận án được ông thuê đánh máy đã xong. Bản tóm tắt luận án được gửi đến 50 cơ sở giáo dục – đào tạo và nhà khoa học có liên quan ở các nơi để xin nhận xét. Ngày 26-6-1987, tại Hội đồng khoa học của trường ĐHSP Ghécxen, ông bảo vệ thành công luận án với số phiếu đồng ý là 11/12. Như vậy, chỉ sau 1 năm và 8 tháng, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) về phương pháp giảng dạy hoá học.

Luận án này đề xuất được biện pháp cơ bản và toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo về nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên hóa học ở các trường đại học sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm phải được đào tạo toàn diện về đức, trí, thể, mỹ và việc dạy nghiệp vụ sư phạm phải được thực hiện trong cả khóa học. Giảng viên các môn khoa học cơ bản và môn nghiệp vụ phải kết hợp với nhau trong công tác dạy nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. GS Nguyễn Cương chia sẻ: Chính điểm này của luận án được hội đồng chấm luận án đánh giá là một đóng góp[14]. Bên cạnh đó, nội dung của luận án còn đặt ra yêu cầu kết hợp song song dạy nghề và dạy người. Ông cho biết: Lúc ấy nhiều người nói rằng quan điểm của tôi là mới. Ngay thầy cố vấn khoa học của tôi cũng nói: “Tư tưởng và biện pháp của anh Cương thực hiện được ở Việt Nam rất là tốt, ở Liên Xô nhiều nơi chưa thực hiện được và thật ra ở Liên Xô tôi chưa thấy có trường nào thực hiện được”[15]. Luận án cũng đề cập đến việc tăng tính định hướng sư phạm trong khi dạy các môn cơ bản ở trường đại học sư phạm, do đó nó có tác dụng làm cơ sở cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý ở trường ĐHSP Hà Nội I. Với quan niệm này, giáo viên dạy các môn khoa học giáo dục như: tâm lý học, giáo dục học, phương pháp dạy học bộ môn cần phải đưa nội dung các môn học cơ bản vào bài giảng thông qua những ví dụ. Một điểm đáng chú ý nữa là luận án khẳng định công cụ giáo dục lớn nhất của người giáo viên chính là phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của họ.

Tháng 7-1987, TS Nguyễn Cương về nước và tiếp tục công tác tại trường ĐHSP Hà Nội I. Từ kết quả nghiên cứu đã trình bày trong luận án, ông triển khai việc nâng cao chất lượng khoa học và công tác chuyên môn, nghiệp vụ ở trường ĐHSP Hà Nội I. Thông qua các đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp bộ, ông đề xuất một số quan điểm và tư tưởng chỉ đạo có giá trị ứng dụng vào thực tiễn. Đáng kể là đề tài cấp nhà nước: “Người thầy giáo theo yêu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo” (nghiệm thu năm 2000), thuộc chương trình nghiên cứu của Bộ Giáo dục về vấn đề người thầy giáo nói chung trong hệ thống các trường sư phạm. Sau đó, 6 đề tài khoa học cấp bộ do ông đề xuất đã được Bộ Giáo dục đồng ý cho ông làm chủ nhiệm, ví dụ như: đề tài “Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học các môn học khoa học cơ bản theo hướng tăng cường định hướng sư phạm” (nghiệm thu năm 1989), đề tài “Đổi mới phương pháp dạy và học của người thầy giáo và sinh viên các khoa trường đại học sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường phổ thông” (nghiệm thu năm 2001)… Những đề tài này đều có sự vận dụng từ luận án tiến sĩ của ông, đó là tư tưởng gắn dạy nghề với dạy người và dạy nghiệp vụ sư phạm trong quá trình dạy chuyên môn cho sinh viên. Ngoài ra, ông chủ biên và tham gia viết hơn một chục công trình, đó là các giáo trình về phương pháp giảng dạy hóa học và sách giáo khoa hóa học phổ thông. Ông đã hướng dẫn thành công 18 nghiên cứu sinh, hiện đang hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh làm luận án về phương pháp giảng dạy hóa học. Ông còn tham gia tuyển chọn nghiên cứu sinh đi học nước ngoài và bồi dưỡng cho họ về phương pháp giảng dạy bộ môn; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học ở bộ môn Phương pháp dạy học hóa học, đồng thời tăng cường kiến thức về phương pháp dạy học cho các bộ môn khác.

Gần ba chục năm qua, GS Nguyễn Cương giữ gìn cuốn luận án tiến sĩ khoa học của mình. Cuốn luận án bằng tiếng Nga, có bìa cứng màu xanh, dày 370 trang giấy khổ 21,5 x 30,5cm, đánh máy chữ dùng giấy than đen, riêng trang 360 ông phải viết tay, vì người đánh máy luận án không xử lý được với tiếng Anh và tiếng Đức. Đến nay, cuốn luận án đã đượm màu thời gian, mép bìa bị sờn, một số trang bị ố nên ngả sang màu vàng. Đối với PGS Nguyễn Cương, đây là kết quả của lao động khoa học nghiêm túc, công phu, của sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện một mục tiêu trên con đường học thuật. Từ việc hoàn thành bản luận án tiến sĩ khoa học này, ông đã có thêm được những kiến thức quan trọng và quý báu để đóng góp cho chuyên ngành phương pháp giảng dạy hóa học nói riêng và ngành giáo dục học nói chung ở nước ta.

 

Lê Thị Hoài Thu

______________________

* GS.TSKH Nguyễn Cương là nhà khoa học chuyên ngành Hóa học, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[1] Nay là trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[2] Ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Cương ngày 9-2-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Hội đồng gồm: PGS.PTS Phạm Minh Hạc – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, PGS.TS Phan Tống Sơn – Phó hiệu trưởng ĐH Tổng hợp Hà Nội, TS Nguyễn Bá Kim – Chủ nhiệm khoa Toán, ĐHSP Hà Nội I, PGS.PTS Hà Thế Ngữ – Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, PGS.PTS Nguyễn Tinh Dung – Chủ nhiệm khoa Hóa, ĐHSP Hà Nội I, PGS.TS Thái Trần Bái – Chủ nhiệm khoa Sinh, ĐHSP Hà Nội I, PGS.TS Phạm Đình Thái – Trưởng ban Quản lý khoa học, Bộ Giáo dục, PTS Vương Thị Hạnh – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục, PGS.PTS Phan Ngọc Liên – Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐHSP Hà Nội I.

[4] Biên bản hội nghị của hội đồng nhận xét đề cương luận án tiến sĩ của PGS.PTS Nguyễn Cương, ngày 16-11-1984, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Cương ngày 27-4-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] GS Nguyễn Cương, hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, 2014, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 40.

[7] Ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Cương ngày 27-4-2016, tài liệu đã dẫn.

[8] GS Nguyễn Cương, hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, tài liệu đã dẫn, tr. 42.

[9] GS Nguyễn Cương, hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, 2014, tài liệu đã dẫn, tr. 43.

[10] PGS.TS Nguyễn Thị Sửu, khoa Hóa, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[11] Thư ngày 1-2-1987 của bà Đỗ Thị San gửi chồng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] GS Nguyễn Cương, hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, 2014, tài liệu đã dẫn, tr. 43.

[13] GS Nguyễn Cương, hồi ký “80 năm phấn đấu bền bỉ liên tục và trưởng thành”, 2014, tài liệu đã dẫn, tr. 44.

[14] Phỏng vấn GS Nguyễn Cương ngày 29-11-2014, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[15] Phỏng vấn GS Nguyễn Cương ngày 29-11-2014, tài liệu đã dẫn.