Chuyện về một công trình không được xuất bản

Trong cuộc đời làm khoa học, GS.TSKH Lê Đức An đã công bố hơn một trăm bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, hàng chục cuốn sách chuyên khảo và đã chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu các cấp. Thế nhưng khi được hỏi về công trình khoa học tâm đắc nhất, ông lại nói về một công trình không được xuất bản, đó là “Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000”, thực hiện khi ông mới chỉ có học vị Phó tiến sĩ. Ông tâm đắc nhất không chỉ bởi đã đầu tư vào đó nhiều sức lực, trí tuệ, mà còn bởi ông kỳ vọng rất nhiều. Tìm về ngọn nguồn câu chuyện, chúng tôi tiếp xúc với những văn bản, tài liệu gốc được ông gìn giữ qua hơn 30 năm và đã trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2015.

Trước hết, đó là bản thảo “Bản thuyết minh bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và 1/1.000.000” được PTS Lê Đức An hoàn thành vào ngày 3-4-1982. Bản thảo này gồm 17 trang viết bằng bút mực xanh trên giấy kẻ ngang khổ 17cm x 25cm, đến nay đã ố vàng và quăn mép. Ở góc trên bên trái của trang đầu tiên, ông ghi chú: “Xin đánh máy 10 bản, hoặc in roneo 50 bản. An”, và sau đó nó được đánh máy trên giấy khổ 21cm x 27,5cm, như ông cho biết[1].

Tài liệu thứ hai là “Tờ trình về việc biên tập bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000” do PTS Lê Đức An viết ngày 9-11-1982, gồm 2 trang viết bằng bút mực đen trên giấy khổ 19cm x 26cm; ở góc trên bên trái có phê duyệt “Đồng ý” cùng chữ ký của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Trần Đức Lương.

Tài liệu thứ ba là “Tờ trình về việc chuẩn bị bản đồ địa mạo, địa chất đưa đi Liên Xô hiệu đính”, đề ngày 13-11-1982, do PTS Lê Đức An soạn bằng bút mực đen trên 2 trang giấy khổ 17cm x 26cm.

Ba tài liệu kể trên có thể làm cho bạn đọc băn khoăn rằng có sự khác nhau giữa bản đồ địa mạo tỉ lệ 1/500.000 với bản đồ địa mạo tỉ lệ 1/1.000.000 hay bản đồ địa mạo ở tỉ lệ 1/1.500.000 trong câu chuyện đang kể. Tuy nhiên, như ông giải thích, công trình chính mà ông thực hiện khi ấy là bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000, và từ nội dung đó vẽ tiếp bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000 cho tiện sử dụng để cung cấp cho nhiều cơ quan có nhu cầu; sau đó Tổng cục Địa chất có chủ trương cho in tờ bản đồ địa mạo Việt Nam ở tỉ lệ 1/1.500.000, do đó lại phải biên tập từ tỉ lệ 1/500.000 xuống tỉ lệ 1/1.500.000.

 

Ba tài liệu của GS Lê Đức An về công trình “Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000”

Trở lại câu chuyện chính là việc thực hiện tờ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000, GS Lê Đức An chia sẻ: Trong những đề tài, công trình mà mình đã làm thì đây có thể coi là đóng góp quan trọng nhất của mình cho nhà nước[2].

Sau khi đất nước thống nhất, Đoàn địa chất 500 được thành lập, do ông Nguyễn Xuân Bao phụ trách về chuyên môn. Ông Nguyễn Xuân Bao chọn những người có khả năng phù hợp và tâm huyết để làm việc. Đoàn 500 gồm nhiều đội chuyên môn khác nhau, trong đó có những đội vẽ bản đồ địa chất ở các vùng: đội vẽ ở vùng từ Huế đến Quảng Ngãi, đội làm ở Tây Nguyên, đội làm ở Nam bộ… PTS Lê Đức An phụ trách một đội, với nhiệm vụ vẽ ba bản đồ: bản đồ địa mạo miền Nam tỉ lệ 1/500.000, bản đồ địa chất Đệ tứ toàn bộ các đồng bằng ven biển và Nam bộ cùng các thung lũng giữa núi, đồng thời lập bản đồ vỏ phong hóa miền Nam tỉ lệ 1/500.000. Ông giải thích: Bản đồ vỏ phong hóa thể hiện lớp trên cùng của bề mặt thạch quyển bị biến đổi, thoái hóa dưới tác động của khí hậu nhiệt đới. Trong quá trình phong hóa như thế, có thể nó tạo ra nhiều khoáng sản khác nhau như cao lanh, sắt và đặc biệt là tạo thành bô-xít. Còn có nhiều khoáng sản khác như crômit, vàng, thiếc cũng do quá trình ấy tạo thành, tích tụ lại[3]. Về những công việc giao cho đội của mình, ông kể: Đấy là ba nhiệm vụ quan trọng mà đội mình phải làm. Như vậy, bọn mình vào Nam từ đầu năm 1976, khảo sát đến năm 1979, sau đó ra ngoài Bắc làm công tác tổng kết. Tuy nhiên lúc đó có chủ trương không tổng kết các bản đồ miền Nam (kể cả bản đồ địa chất) một cách riêng rẽ, mà thành lập luôn bản đồ thống nhất toàn quốc, với sự tham gia của các cán bộ đã nghiên cứu lâu năm ở miền Bắc thuộc Đoàn 200[4]. Bản đồ địa mạo toàn quốc được hoàn thành trọn vẹn vào năm 1982 và nộp để bảo vệ trước hội đồng của Tổng cục Địa chất. Ngoài sản phẩm bản đồ đó, một kết quả thực tế mà đội của mình đã đóng góp chính là đưa ra được những tiền đề và dấu hiệu cơ bản tìm kiếm bô-xít ở miền Nam và trực tiếp phát hiện ở nhiều nơi, sau đó được đánh giá có trữ lượng lớn, vào khoảng 5 tỉ tấn[5].

Trước khi bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 hoàn thành, ở nước ta chỉ có bản đồ địa mạo một số vùng như Lạng Sơn, Yên Bái…, đều ở tỉ lệ 1/200.000. Sau 3 năm (1976-1979), PTS Lê Đức An và các đồng nghiệp đã hoàn thành việc vẽ bản đồ địa mạo miền Nam, và cùng với việc vẽ tiếp bản đồ miền Bắc trên cơ sở các tư liệu đã có, một bản đồ địa mạo thống nhất toàn quốc ở tỷ lệ 1/500.000 đã được xây dựng mà ông là chủ biên. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của nó: Đây là tờ bản đồ lần đầu tiên tổng hợp được những đặc điểm cơ bản nhất của địa hình Việt Nam ở tỉ lệ 1/500.000. Một bản đồ phản ánh được đặc điểm địa hình trên một lãnh thổ thống nhất toàn quốc theo một phương pháp luận thống nhất. Từ bản đồ đó, người ta có thể tìm ra những quy luật chung nhất thành tạo địa hình Việt Nam và ứng dụng chúng. Thí dụ thấy được đặc điểm phân bố của các dạng, kiểu địa hình có nguồn gốc khác nhau thế nào, từ Bắc vào Nam, từ Tây Bắc đến Trường Sơn…, và quy luật phát triển ra sao; nhìn một cách trọn vẹn và tổng hợp nhất các yếu tố về các quá trình nội ngoại sinh, trong đó có yếu tố khí hậu tác động vào từng vùng một như thế nào. Bản đồ này có nhiều ứng dụng thực tiễn trong quy hoạch lãnh thổ, trong xây dựng công trình, trong tìm kiếm khoáng sản…[6].

Để hoàn thành tờ bản đồ địa mạo miền Nam tỉ lệ 1/500.000, sau đó kết hợp với những bản đồ địa mạo đã có ở miền Bắc để hình thành bản đồ địa mạo toàn quốc tỉ lệ 1/500.000, PTS Lê Đức An đã phải đi thực địa rất nhiều. Trước đó, trong thập niên 60-70, ông đã đi thực địa ở nhiều tỉnh miền Bắc và năm 1972 hoàn thành bản luận án phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) với đề tài “Phương pháp vẽ bản đồ địa mạo miền Bắc Việt Nam trên cơ sở phân tích kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái”. Sau khi đất nước thống nhất, ông có điều kiện để vẽ bản đồ địa mạo miền Nam tỉ lệ 1/500.000. Suốt từ năm 1976 đến cuối 1979, ông và các đồng nghiệp đã vào Nam, ra Bắc không biết bao nhiêu lần; ông đã đặt chân đến hầu hết các địa phương ở duyên hải miền Trung, Nam bộ và Tây Nguyên để khảo sát, thu thập mẫu đất đá, đo vẽ… Cuộc đời nhà địa chất như con chim, nay đây mai đó, chỉ khi nào mỏi mệt mới phải dừng chân. Trong những năm thực hiện tờ bản đồ địa mạo Việt Nam, PTS Lê Đức An đi hầu như quanh năm, khi ở Quy Nhơn, lúc lên Tây Nguyên, rồi vào Cà Mau, hoặc đến Kiên Giang, ra đảo Phú Quốc… Những khó khăn trên đường điền dã đã trở thành chuyện bình thường. Đó là thời bao cấp, đi đâu cũng phải mang theo sổ gạo, tem phiếu, xoong nồi, cá khô…; đặc biệt xăng dầu là mặt hàng khan hiếm, phải chở theo xe và phải qua nhiều thủ tục xét duyệt mới được cấp.

PTS Lê Đức An (bên phải) và đồng nghiệp khảo sát ở Tây Nguyên, 1976

PTS Lê Đức An cùng các đồng nghiệp thường đi thực địa vào mùa khô, còn mùa mưa là giai đoạn nghiên cứu ở trong phòng, rà soát và phân tích các mẫu đất đá, tổng hợp số liệu… Ông không thể nhớ nổi đã đi bao nhiêu cây số để xây dựng nên tờ bản đồ này, cũng không đếm được hết được số mũi khoan đã xuyên vào lòng đất, số mẫu đất đá đã thu thập trong các chuyến khảo sát. Sự bất trắc và nguy hiểm cũng rình rập, nhất là khi nghiên cứu ở Tây Nguyên – nơi lực lượng phản động FULRO còn hoạt động khá nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Ông tâm sự: Để hoàn thành tờ bản đồ này, nói là máu và nước mắt thì là nói quá, nhưng mỗi nét vẽ là mỗi giọt mồ hôi mà chúng tôi đã nhỏ xuống[7]

Việc hoàn thành tờ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 là công sức của nhiều cán bộ địa chất, mà PTS Lê Đức An là người chịu trách nhiệm chính. Đây không những là kết quả của mấy năm liền nghiên cứu thực địa (1976-1979), mà còn là sự xâu chuỗi, tập hợp những kết quả nghiên cứu trước đó, đặc biệt là từ các tờ bản đồ địa mạo tỉ lệ lớn của các vùng ở miền Bắc.

Trong bản thảo thuyết minh cho công trình bản đồ này, PTS Lê Đức An viết: Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và 1/1.000.000 được thành lập theo sáng kiến và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao, với mong mỏi sớm có một công trình tổng hợp về địa mạo của nước Việt Nam thống nhất, mà nhân dân cả nước ta đã phải đấu tranh gian khổ qua nhiều thế hệ mới giành được[8].

Thực hiện nhiệm vụ lần đầu tiên lập bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và 1/1.000.000 trên toàn quốc, PTS Lê Đức An và các đồng nghiệp đã gặp phải một số khó khăn, đăc biệt là: tài liệu địa mạo khu vực và chuyên đề còn nghèo nàn; mức độ nghiên cứu không đồng đều ở các vùng lãnh thổ khác nhau; nguyên tắc thành lập bản đồ còn trong tình trạng thử nghiệm. Do vậy, dựa trên những kết quả nghiên cứu được, kết hợp với những tư liệu về bản đồ địa mạo ở miền Bắc, nhóm công trình đã cố gắng vẽ bản đồ này trên cơ sở phân tích kiến trúc hình thái và chạm trổ hình thái – một phương pháp vẽ bản đồ mới mà ông đã tìm hiểu và thực hiện trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.

Các tờ bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1981, là sản phẩm của một tập thể tác giả và người tham gia, gồm PTS Lê Đức An (chủ biên) và 12 kỹ sư của Liên đoàn Bản đồ địa chất7. Theo quyết định của Tổng cục Địa chất, một Ban biên tập đã được thành lập, bao gồm các phó tiến sĩ Lê Đức An, Đào Đình Bắc[9], Đặng Văn Bát[10], Nguyễn Quang Mỹ[11] và Nguyễn Thế Thôn[12]. Trải qua thời gian làm việc nghiêm túc từ tháng 10-1981 đến tháng 4-1982, Ban biên tập đã hoàn thành việc chỉnh sửa hai bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và 1/1.000.000.

Sau khi hoàn thành hai bản đồ nói trên, PTS Lê Đức An chấp bút viết bản thuyết minh cho hai bản đồ. Bản thuyết minh nhằm giúp người xem bản đồ nắm được nội dung nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trọng tâm của thuyết minh là diễn giải nguyên tắc thành lập bản đồ và các đối tượng được thể hiện trên bản đồ. Bản đồ được thành lập với tư cách là một bản đồ địa mạo chung, nhằm phản ánh hình thái, nguồn gốc và tuổi của địa hình, và ở một chừng mực nhất định còn là cả động lực của các quá trình hiện đại. Ngoài ra, bản đồ được xây dựng theo nguyên tắc kết hợp, vừa sử dụng tính khái quát của phương pháp tổng hợp, vừa sử dụng tính ưu việt của phương pháp phân tích. Nguyên tắc này nhằm làm cho bản đồ phản ánh được không những các đơn vị địa hình trọn vẹn (các khối núi, cao nguyên, thung lũng…), mà còn cả những yếu tố địa hình, bao gồm các bề mặt nằm ngang và các sườn. Về cách thức thể hiện, bản đồ được thành lập theo phương pháp biểu diễn hai lớp: lớp màu nền (phản ánh kiểu kiến trúc hình thái) và một lớp nét gạch (phản ánh nguồn gốc và tuổi các bề mặt); ngoài ra, còn có hệ thống ký hiệu dành cho một số nội dung khác (các dạng địa hình ngoài tỉ lệ…).

Sau khi hoàn thành tờ bản đồ địa mạo này, PTS Lê Đức An rất tâm đắc và ông coi nó như công trình có giá trị để đời. Mong muốn của ông lúc bấy giờ là tờ bản đồ sẽ được xuất bản, phổ biến rộng rãi, nhất là sẽ giúp ích cho những nhà địa chất, những người vẽ bản đồ. Niềm tin về một công trình khoa học sẽ được xuất bản càng trở nên thực tế hơn khi vào cuối năm 1982, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp, nhân đó ông muốn mang theo tờ bản đồ địa mạo Việt Nam để nhờ chuyên gia hiệu đính trước khi in. Với ý tưởng như vậy, ông đã làm hai tờ trình, với mục đích hoàn thiện một cách tốt nhất cũng như để tiến tới phổ biến rộng rãi đứa con tinh thần của mình và các đồng nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là một câu chuyện, mà kết quả ông nhận được không như ý.

Ngày 9-11-1982, PTS Lê Đức An gửi Tổng cục Địa chất “Tờ trình về việc biên tập bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000”, với những nội dung cơ bản như sau: 1) Tờ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000 nếu được in xuất bản là một cổ vũ lớn cho tập thể tác giả và cộng tác viên và Liên đoàn. Nhưng do vừa qua chúng tôi chưa đầu tư được nhiều thời gian để tổng hợp và vẽ, nên về mặt nội dung còn có vấn đề cần bổ sung. Đặc biệt về mặt nguyên tắc và cơ cấu của chú giải cũng cần cân nhắc kỹ thêm. 2) Vì các lý do nêu trên, tôi đề nghị được tổ chức biên tập khoa học cẩn thận trước khi đưa đi in chính thức. 3) Nhân dịp tôi sang thực tập tại Liên Xô trong tháng này (tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học) đề nghị nếu có thể được thì mời một số giáo sư và các chuyên gia về bản đồ địa mạo Liên Xô làm cố vấn khoa học. Chúng ta có thể mời Viện sĩ Gheraximôp và phòng Địa mạo, Viện Địa lý, Viện HLKHLX xem xét và góp ý. Tôi xin phép được nhận nhiệm vụ liên hệ này. Các kết quả thu được sẽ được chuyển về qua đồng chí Nguyễn Thành Vạn (về cuối tháng 12-1982) hoặc một số đồng chí khác ở Liên đoàn, Tổng cục qua công tác[13]. Tờ trình ngay lập tức được ông Trần Đức Lương ký nháy “Đồng ý” ở góc trên bên trái.

Ngay sau đó hai ngày, tức là ngày 13-11-1982, PTS Lê Đức An tiếp tục làm một tờ trình khác với nhan đề “Tờ trình về việc chuẩn bị bản đồ địa mạo, địa chất đưa đi Liên Xô hiệu đính”, để gửi Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất. Nội dung tờ trình viết: 1) Vừa qua Tổng cục Địa chất có quyết định đưa bản đồ địa mạo tỉ lệ 1/1.500.000 sang Tiệp Khắc in; 2) Tôi, với tư cách là chủ biên bản đồ đó, đã làm tờ trình đề nghị trước khi in sẽ nhờ Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô hiệu đính với tư cách là cố vấn khoa học; 3) Đề nghị của tôi đã được Tổng cục trưởng Trần Đức Lương chấp nhận; 4) Để thực hiện được nhiệm vụ trên, tôi trân trọng đề nghị Liên đoàn cấp cho tôi mang đi Liên Xô để làm việc các bản đồ sau đây: Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000 (phòng Địa mạo đã có); Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000; Bản đồ địa hình 1/1.500.000 (mượn của anh Bao[14]). Bản đồ địa chất tôi cần có trước ngày 20-11-1982[15]. Đáp lại, ông Nguyễn Xuân Bao đã viết vào mặt sau của tờ trình này: Liên đoàn đồng ý để đồng chí An đem các tài liệu trên đi Liên Xô. Đoàn 200, phòng Kỹ thuật, phòng Kế hoạch và xưởng in tạo mọi điều kiện và giúp đỡ đồng chí An chuẩn bị tốt việc thu thập các tài liệu nói trên[16].

Cuối tháng 11-1982, PTS Lê Đức An sang Viện Địa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô để làm thực tập sinh cao cấp và hoàn thành luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học), đồng thời mang theo các tài liệu kể trên để nhờ các nhà khoa học Liên Xô hiệu đính trước khi gửi đi in ở Tiệp Khắc. Tuy nhiên, vào những năm đó, do tình hình kinh tế nước ta quá khó khăn nên việc in bản đồ này đã không thể thực hiện được.

Mặc dù tờ bản đồ địa mạo mà Tổng cục Địa chất định in ở Tiệp Khắc không ra đời được, nhưng nó đã giúp ích rất nhiều cho PTS Lê Đức An trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ của mình[17]. Đặc biệt, cũng trong thời gian thực hiện luận án tiến sĩ ở Liên Xô, ông đã sử dụng những tư liệu đó để thành lập tờ bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/2.000.000 theo chú giải mới và kịp gửi về nước theo yêu cầu đột xuất của GS Nguyễn Văn Chiển, Chủ nhiệm chương trình Atlas Quốc gia Việt Nam.

Không chỉ một lần, GS Lê Đức An khẳng định rằng công trình “Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000” là công trình tâm đắc nhất và là đóng góp lớn nhất của ông cho ngành địa lý – địa chất Việt Nam; ông chỉ tiếc một điều, nó không được in ra để phổ biến rộng rãi. Sự việc trôi qua đã trên 30 năm, nhưng ký ức về một công trình khoa học không được xuất bản vẫn gợi lại điều trăn trở nhất trong cuộc đời làm khoa học của ông.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nuối tiếc, GS Lê Đắc An vẫn luôn tự hào về những năm tháng lao động miệt mài, nghiên cứu say mê về địa mạo và trầm tích Đệ tứ ở miền Nam nước ta trong thời kỳ 1976-1979. Sản phẩm bản đồ địa chất Đệ tứ ngay sau đó được biên tập và chuyển thành bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000, được Tổng cục Địa chất xuất bản năm 1988; và bản đồ địa mạo Việt Nam cũng đã được xuất bản trong Atlas Quốc gia năm 1996, tuy ở tỉ lệ rất nhỏ (1/2.500.000). Về sau, cả hai công trình lớn ấy đều đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005.

Nguyễn Thanh Hóa

_______________________

*. GS.TSKH Lê Đức An, chuyên ngành Địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

[1]. Cả bản viết tay và bản đánh máy của bản thuyết minh bản đồ địa mạo Việt Nam đều được lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] [3] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4]. Theo GS Lê Đức An, chủ trương này là rất đúng đắn, tuy nhiên đã thực hiện quá vội vàng, nên toàn bộ tài liệu khảo sát và phân tích mới ở miền Nam đã không được tập hợp, tổng kết thành một báo cáo riêng. Trên thực tế, phương án lập bản đồ địa chất miền Nam và các bản đồ kèm theo được thi công rất công phu (trong đó có cả sự đổ máu), nhưng đã không có sản phẩm khoa học lưu trữ cuối cùng. Cần phân biệt: bản đồ 1/500.000 miền Nam là kết quả của khảo sát thực địa, khối lượng thực tế nhiều và tư liệu mới, đòi hỏi có báo cáo riêng, còn ở miền Bắc là sản phẩm tổng hợp trong phòng theo các tài liệu 1/200.000 đã thi công; và bản đồ thống nhất toàn quốc cũng chỉ là sản phẩm tổng kết trong phòng.

[5], [6],[7] Phỏng vấn GS Lê Đức An ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn..

[8]. Bản thảo Bản thuyết minh bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 và 1/1.000.000, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

7. Trong 12 kỹ sư này có các tác giả: Ma Công Cọ, Hà Toàn Dũng, Hà Quang Hải, Ngô Quang Toàn, Vũ Văn Vĩnh; có những người tham gia: Võ Biên, Cù Đình Hai, Phạm Văn Hùng, Đỗ Văn Long, Đinh Ngọc Lựu, Trần Văn Năng và Nguyễn Thị Thược.

[9]. PTS Đào Đình Bắc là giảng viên khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, về sau được phong học hàm Giáo sư.

[10]. PTS Đặng Văn Bát là giảng viên trường ĐH Mỏ – Địa chất, về sau trở thành Giáo sư, Tiến sĩ khoa học.

[11]. PTS Nguyễn Quang Mỹ (1939-2014) là Chủ nhiệm bộ môn Địa mạo, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, về sau trở thành Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân.

[12]. PTS Nguyễn Thế Thôn là cán bộ Viện Các khoa học về trái đất (nay là Viện Địa chất), về sau được phong học hàm Phó giáo sư.

[13]. Tờ trình về việc biên tập bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1/ 1.500.000 của GS Lê Đức An, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[14]. Ông Nguyễn Xuân Bao – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất.

[15]. Tờ trình về việc chuẩn bị bản đồ địa mạo, địa chất đưa đi Liên Xô hiệu đính của GS Lê Đức An, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[16]. Tờ trình về việc chuẩn bị bản đồ địa mạo, địa chất đưa đi Liên Xô hiệu đính của GS Lê Đức An, tài liệu đã dẫn.

[17]. Năm 1985, hai tờ bản đồ địa mạo và địa chất tỉ lệ 1/1.500.000 đó được mang trở lại Việt Nam và sau hơn 30 năm bảo quản, đến năm 2016 GS An đã giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.