Tấm bằng Sơ học yếu lược

Tấm bằng Sơ học yếu lược có kích thước 24,9cm x 18,5cm, nội dung được viết tay trên mẫu in sẵn, có chữ ký và đóng dấu của Quan Đốc học tỉnh Quảng Ngãi[1], đồng thời có đóng dấu của Quan Nam thủ hiến tỉnh[2] và Quan Thượng thư Bộ Quốc dân giáo dục[3]. Tấm bằng đã ố vàng, có nếp gấp đôi ở giữa, được PGS Bùi Vạn Trân ép plastic để tránh bị hỏng. Trong câu chuyện với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông tự hào nói rằng: Tôi có thử hỏi thăm dò nhiều người bạn đồng niên thân thiết ở cả ba miền Trung – Nam – Bắc, thì được biết chỉ có mình tôi giữ được tấm bằng này, nay tôi trao tặng cho Trung tâm[4].

PGS Bùi Vạn Trân sinh ra ở Quảng Ngãi, bố là công chức, nhưng khi Bùi Vạn Trân 2 tuổi đã mồ côi mẹ và năm lên 3 thì mất bố, may mắn được các chị tần tảo nuôi dưỡng và cho đi học. Nói đến công lao của các chị, ông bảo: Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến các chị; nếu không có các chị thì không có tôi như ngày hôm nay[5].

Trước khi đi học ở trường, Bùi Vạn Trân được anh họ là Bùi Sang, một giáo viên trường làng, dạy đánh vần và học thuộc một số bài đơn giản. Bài thuộc lòng đầu tiên đến nay ông vẫn nhớ từ đầu chí cuối:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Cùng theo học “thầy nhà” Bùi Sang, có người anh họ hơn Bùi Vạn Trân 1 tuổi không thuộc được bài này. Buổi chiều đi làm về, thầy Bùi Sang kiểm tra thấy thế liền phạt bằng cách bắt quỳ hai đầu gối trên vỏ mít. Đó là năm 1940.

Năm sau, 1941, Bùi Vạn Trân đủ tuổi vào học tại trường làng Ba La (xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Lúc này không còn bố, nên cậu được người bác ruột đưa đến trường xin nhập học.

Thời Pháp, bậc tiểu học trải qua 6 lớp, lần lượt từ dưới lên là: lớp đồng ấu (Cours Enfantin), lớp dự bị (Cours Préparatoire), lớp sơ đẳng (Cours Élémentaire), lớp nhì đệ nhất (Cours moyen un), lớp nhì đệ nhị (Cours moyen deux), cuối cùng là lớp nhất (Cours Supérieur). Ba lớp đầu được gọi là bậc sơ học, khi học hết lớp sơ đẳng, phải thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Certificat Élémentaire) rồi mới được học lên lớp tiếp theo.

Ở trường Ba La hồi ấy, trong lớp học có những chiếc ghế và bàn dài bằng gỗ xếp thành hàng, thành dãy, trên mặt bàn có đục các lỗ tròn lõm xuống để đặt lọ mực vào cho khỏi bị đổ, có cả rãnh lõm xuống để đặt bút cho khỏi lăn và rơi, còn bảng đen được kẻ ô ngay ngắn. Các thầy giáo rất mô phạm, để lại trong lòng học trò nhiều ấn tượng tốt đẹp và sự nể phục. Các thầy thường mặc complet màu trắng hoặc vàng, cũng có thầy mặc áo dài đen và quần trắng. Thầy Võ Tứ hay mặc bộ complet may bằng vải tissu màu mỡ gà; thầy có chiếc đồng hồ quả quýt, thường giắt vào cái túi nhỏ may kín ở cạp quần (kiểu túi moi), mỗi khi xem giờ thầy lại cầm chiếc dây xích nhỏ bằng bạc của chiếc đồng hồ và kéo lên. Học sinh đến trường đều đi chân đất, mặc áo bà ba màu trắng hoặc nhuộm chàm, nam mặc quần đùi, còn nữ mặc quần dài.

Bùi Vạn Trân học lớp đồng ấu của thầy Võ Tứ một cách suôn sẻ: Vì đã được học từ trước khi bước chân vào tiểu học nên tôi không thấy bỡ ngỡ mà tiếp thu những điều thầy dạy một cách nhanh chóng[6]. Khi đó, cuộc chiến giữa phe Đồng minh và phe Phát xít đang gay cấn, tàu bay hai thân của Mỹ lừ lừ lượn trên trời truy tìm căn cứ của quân Nhật để ném bom. Vì vậy, có cả môn học “phòng thủ thụ động”, học sinh được thầy giáo dạy cách ngồi trong hầm trú ẩn và cách đeo mặt nạ đề phòng bị ngạt khí độc. Nhà trường thỉnh thoảng lại tổ chức sinh hoạt lửa trại ngay tại sân trường và học sinh diễn kịch bên đống lửa đó. Đến nay ông Trân còn nhớ một vở kịch có nội dung như sau: Nguyễn Trãi đi tìm Lê Lợi để tham gia nghĩa quân chống giặc Minh. Khi tìm đến căn cứ của nghĩa quân, nhìn thấy một người ăn mặc như nông dân đang thái thịt lợn để khao quân, hỏi ra thì được biết đó chính là Lê Lợi, Nguyễn Trãi coi khinh người đó và bỏ về. Trên đường về, Nguyễn Trãi ngủ tạm ở một cái miếu thờ thành hoàng làng. Tối đó, vị thần báo mộng rằng: “Nhà ngươi nhầm rồi, người như thế mới là người chính trực, xứng đáng là một vị minh chủ!”. Sáng hôm sau, Nguyễn Trãi quay lại và xin gia nhập nghĩa quân của Lê Lợi.

Năm 1944, sau khi học hết lớp sơ đẳng, chỉ một số ít học sinh thuộc những gia đình tương đối khá giả mới đi thi. Bùi Vạn Trân được các chị lo cho và được một số bà con nội ngoại ủng hộ, khuyến khích nên đã cùng một số bạn lên thị xã Quảng Ngãi để thi lấy bằng Sơ học yếu lược. Học sinh từ các nơi trong toàn tỉnh tập trung cả về thi tại trường công Pháp – Việt (École Officielle), nên rất đông. Đây là ngôi trường sẽ đón nhận những người đỗ trong kỳ thi này, còn nếu trượt mà muốn học tiếp thì phải học ở trường tư Cẩm Bàng hoặc Mai Xưa. Thi hai môn: toán đố và ám tả. Đề toán đố yêu cầu tính số song của một cửa sổ, còn ám tả là bài "Những vì tinh tú". Lúc học ở lớp, có môn chính tả (orthographe) và môn ám tả (dictée), cùng là thầy đọc cho trò viết, nhưng có sự khác nhau một chút: chính tả thì khi gặp từ khó thầy viết trước lên bảng; còn ám tả thì thầy không viết trước những chữ khó lên bảng. Năm ấy, Bùi Vạn Trân thi đỗ và được nhận bằng Sơ học yếu lược.

Bằng Sơ học yếu lược của PGS.TS Bùi Vạn Trân

Đó là tấm bằng số 14/909, cấp ngày 14-8-1944. Trong bằng này, tên học sinh được ghi là Bùi Tô Trân. Đó là bởi khi trò Trân vào học lớp đồng ấu, thầy Võ Tứ thấy tên khai sinh của cậu là Bùi Ô Râng khó đọc nên đã đổi thành Bùi Tô Trân. Nhưng rồi về sau không hiểu sao cái tên này thường hay bị bạn bè trêu chọc nên Bùi Tô Trân đã tự đổi thành Bùi Vạn Trân. Mãi sau này mới có người nói cho biết, chữ “Vạn” trùng với tên đệm của một cụ tổ lâu đời trong dòng họ là cụ Bùi Vạn Đỗ. Vậy là, tuy việc lấy tên Bùi Vạn Trân chỉ ngẫu nhiên, nhưng lại như có một “cái duyên” với ông bà tổ tiên.

Sau khi có bằng Sơ học yếu lược, Bùi Vạn Trân khăn gói lên tỉnh ở nhờ nhà người cậu ruột ở thị xã để đi học lớp nhì đệ nhất tại trường công Pháp – Việt. Đây là ngôi trường dành cho nam sinh. Vào học được vài tháng, nhà trường quy định học sinh phải mặc áo theo kiểu Hướng đạo sinh: áo sơ mi màu nâu, cổ bẻ; còn quần thì vẫn như trước, nghĩa là con nhà nghèo thì mặc quần đùi, con nhà khá giả thì quần soóc. Lúc này, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tấn Đức được ông Hoàng Đạo Thúy – người phụ trách phong trào Hướng đạo ở nước ta – giao nhiệm vụ tổ chức phong trào Hướng đạo ở Quảng Ngãi, nên học sinh nam được mặc theo kiểu như vậy. Hồi ấy, nữ sinh học trường riêng, mặc quần trắng, áo dài thường là màu đen, và họ không được gia nhập tổ chức Hướng đạo. Hầu hết học sinh đều đi bộ đến lớp, nhưng cũng có bạn là con nhà giàu nên được đưa đón bằng xe kéo tay của gia đình.

Khi Bùi Vạn Trân đang học dở lớp nhì đệ nhất thì xảy ra sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), do đó trường phải đóng cửa. Theo sự hướng dẫn của các chị và những người họ hàng, cậu vào học tiếp tại trường tư Trần Du (nguyên là trường Mai Xưa). Rồi cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 nổ ra và thành công tại tỉnh Quảng Ngãi, hòa trong phong trào Cách mạng thánh Tám sục sôi trên toàn quốc. Một hôm, vừa tan học, Bùi Vạn Trân cùng các bạn ra khỏi lớp thì gặp 3-4 du kích dẫn giải một người Pháp đã luống tuổi, râu ria xồm xoàm, chân không mang giày. Tuy tất cả đều tò mò nhưng không bạn nào biết người Pháp này là ai và được dẫn đi đâu.

Ở trường Trần Du, lớp của Bùi Vạn Trân được thầy Bạch Ngẫu[7] dạy. Thầy mới chừng mười tám – đôi mươi, cường tráng và đẹp trai. Đến nay PGS Trân vẫn thuộc bài hát chứa chất đầy nhiệt huyết yêu nước mà thầy Ngẫu đã dạy cả lớp: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng; Trong khói sương chiều ám trên dòng sông; Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó; Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông; Tháp đây, Gươm thần đâu dưới nước biếc; Có chăng? bao người bao nhiêu luyến tiếc; Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa; Lối xưa còn đây người đời sao thờ ơ”. Có lần, cả lớp còn được thầy Ngẫu “dẫn” về quê chơi, dẫn theo cách đặc biệt của những người tham gia phong trào Hướng đạo. Thay vì trực tiếp dẫn học sinh đi, thầy vẽ những mũi tên chỉ đường bằng phấn trắng và giấu những lá thư chỉ dẫn trong các bụi rậm ở hai bên đường. Làm như vậy, thầy chủ ý cho học sinh làm quen với việc giải mật mã, ký hiệu, đồng thời đây cũng là cách để các em tìm hiểu về những nơi đi qua. Cả lớp đi theo những chỉ dẫn kiểu ấy của thầy, đi từ sáng đến gần trưa thì tới nơi. Còn thầy thì về từ trước để cùng anh ruột là Bạch Lê sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho đoàn khách học sinh. Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cả lớp được ông Bạch Lê đưa ra bãi cát phía thượng nguồn sông Trà Khúc, ngồi quây quần bên những bụi cây rù rì, dưới ánh sao đêm và trong những làn gió mát ven sông, nghe ông kể về những cuộc biểu tình “xin xâu khất thuế” của người dân Quảng Ngãi năm 1908 và 1930, trong đó có sự tham gia của cụ Bạch Quang Ba – cha của hai anh em thầy Ngẫu.

Học ở trường Trần Du được khoảng một năm, có lẽ là do trường đóng cửa, Bùi Vạn Trân về học chữ nho ở nhà một thầy đồ trong làng, học cùng với người anh họ. Bùi Vạn Trân vào lớp “hạng ba”, lớp dành cho người bắt đầu học. Lớp có khoảng 15 học trò, một số ngồi trên phản, một số ngồi trên giường, còn lại thì trải chiếu ngồi dưới nền nhà. Giấy viết là loại giấy bổi, bằng cỡ giấy A5 ngày nay. Mỗi tờ giấy hình chữ nhật đứng được chia làm 3 cột, kết hợp với các dòng kẻ ngang để tạo thành những ô vuông có cạnh khoảng 3,5cm. Nho sinh phải viết chữ rất to, mỗi chữ vừa với một ô vuông đó; khi lên các lớp trên (lớp hạng tư, lớp hạng năm và cuối cùng là lớp hạng sáu) mới được viết chữ nhỏ dần đi. PGS Bùi Vạn Trân kể lại một kỷ niệm hồi học chữ nho: Lần ấy, tôi nghịch dại kiểu trẻ con với một cậu bạn ngồi bên, cậu này mách thầy, và thầy đã phạt tôi một trận nhớ đời. Thầy có một công cụ phạt học trò cực kỳ độc đáo mà đến tận bây giờ, sau khi đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, trong nước, ngoài nước, tôi vẫn chưa thấy ở đâu có loại công cụ đó. Thầy dùng dây buộc một đầu của 5 chiếc que lại (que to bằng chiếc đũa ăn cơm), còn đầu kia không buộc mà thầy cầm chụm rồi bảo tôi cho 4 ngón tay vào 4 cái khe giữa các que. Thầy vừa bóp 5 que vào, vừa huơ huơ tay trong không trung (tay thầy huơ đến đâu, tay tôi phải đưa theo đến đấy) vừa hỏi: “Còn áu hết, còn áu hết?” (thầy có tật nói ngọng, không phát âm được phụ âm “t”, đúng ra là “Còn táu hết, còn táu hết?”; tiếng miền Trung, “táu” có nghĩa là nghịch, câu hỏi này nghĩa là: còn nghịch nữa hay thôi[8].

Đầu năm 1947, Bùi Vạn Trân ốm rất nặng, đến mức bị cấm khẩu, không nói được. Các chị tưởng cậu không qua khỏi, nên đã khóc rất nhiều và chuẩn bị tinh thần sẽ phải vĩnh biệt cậu. Nhưng cuối cùng, nhờ một người có tuổi trong họ chữa trị bằng cách lấy một thứ gọi là “cục kỳ” (hình như đó là loại củ cây chỉ có ở rừng miền Trung) mài với một ít nước, rồi dùng đũa cả cậy miệng ra để cho uống, sau đó cậu tỉnh lại và dần bình phục. Cậu thôi học chữ nho và chuyển sang học chữ quốc ngữ ở nhà một thầy giáo đã luống tuổi. Năm 1948, trường tiểu học Vạn Tượng vừa xây xong tại xã, cậu vào học lớp 4 ở đấy[9].

Ở trường Vạn Tượng, các phòng học được ngăn cách với nhau bằng vách ván, có thể tháo ra và lắp lại. Cho nên, khi tổ chức diễn kịch, những bức vách ván được dỡ ra để có không gian rộng rãi hơn. Bùi Vạn Trân và các bạn cùng lớp đã diễn hai buổi tối cho dân làng xem. Các diễn viên nhí đến tập kịch ở nhà thầy giáo: tập lời thoại, tập múa kiếm, tập giao chiến… Đạo cụ của nhân vật nào thì người sắm vai phải tự làm hoặc nhờ phụ huynh làm giúp. Buổi diễn đầu tiên, Bùi Vạn Trân là một trong hai nhân vật chính trong vở kịch "Trưng Trắc – Trưng Nhị". Thời kỳ này chưa có chuyện học sinh nữ biểu diễn trên sân khấu, nên cậu đóng vai Trưng Nhị. Sau gần 70 năm, ông Bùi Vạn Trân vẫn chưa quên lời của Trưng Trắc khi cầm binh thư nói với Trưng Nhị: Này em Trưng Nhị, hãy cùng ta xem lại binh thư để chờ sẵn những ngày biến động!. Buổi diễn hôm sau, Bùi Vạn Trân là một trong ba nhân vật chính trong vở kịch "Ba quả tim non". Ba quả tim non là biểu tượng về ba cậu bé khoảng 8-9 tuổi bị mất cả cha lẫn mẹ do trúng bom của Pháp, ba cậu bé bất hạnh nói chuyện với nhau trước mộ của cha mẹ chúng. Mặc dù có bán vé nhưng dân làng đến xem hai vở kịch rất đông.

Năm lớp 4, trò Trân đứng nhất lớp về môn văn và đứng thứ hai về môn toán. Cậu học văn giỏi, một phần do từ trước đã được đọc những cuốn sách của Tự lực văn đoàn do người anh rể đem về, như: Hồn bướm mơ tiên, Tiêu sơn tráng sĩ, Gió lạnh đầu mùa

Hồi đó, ngoài quyển sổ điểm chính thức dùng để ghi điểm thi và điểm kiểm tra các môn học, thầy phụ trách lớp còn có một quyển sổ điểm phụ để ghi điểm của học sinh trong những hoạt động khác. Trong quyển sổ phụ này, điểm không thể hiện dưới dạng chữ số, mà bằng hình thức đánh dấu theo qui ước như sau: điểm xấu là dấu gạch ngang, điểm tốt là dấu gạch đứng từ trên xuống. Cuối mỗi tháng đều tính điểm trung bình và xếp thứ hạng cho mỗi học sinh, ví dụ: học sinh A có điểm trung bình là 6,7 trong sổ chính và có 3 điểm tốt trong sổ phụ thì điểm để xếp thứ hạng trong tháng sẽ là 6,7 + 0,3 = 7,0; học sinh B có điểm trung bình trong sổ chính là 7,5, nhưng lại có 4 điểm xấu trong sổ phụ, thì điểm để xếp thứ hạng chỉ còn là 7,5 – 0,4 = 7,1. Những trường hợp được điểm tốt bao gồm: giải toán nhanh, thực hiện tốt công việc của thầy giao…; những trường hợp bị cho điểm xấu là: đi học muộn, ngồi trong lớp nghịch ngợm không chịu nghe giảng… Mỗi tháng, một bạn học tốt và có hạnh kiểm tốt được thầy giao cho giữ cuốn sổ đó để ghi điểm.

Nói về thời học sinh của mình, PGS Bùi Vạn Trân chia sẻ: Ngoài những buổi học chính thức trên lớp, chúng tôi còn phải phụ giúp công việc trong gia đình, buổi tối thì thắp đèn dầu lên để ôn bài (lúc bấy giờ đang thời chiến tranh thế giới lần thứ hai nên dầu hỏa rất hiếm, nhiều nhà phải thắp đèn bằng dầu lạc, dầu dừa hoặc dầu mù u). Hồi ấy không có những hình thức giải trí như bây giờ. Thi thoảng có những buổi picnic, cắm trại, chúng tôi rất hào hứng, thích thú, và những hoạt động vui chơi đó đều có tính chất giáo dục[10]. Trong những lần đi picnic hoặc cắm trại, buổi tối học sinh thường diễn kịch, những vở kịch nhỏ về lịch sử nhằm gây hứng thú đối với môn học này; hoặc có những tiết mục hát và diễn một vài trò ảo thuật đơn giản bên đống lửa trại hay trên sân khấu dựng tạm. Còn buổi sáng và chiều, thầy dẫn học sinh đi thăm và tìm hiểu cảnh đẹp hoặc địa điểm đặc biệt ở địa phương, có khi thầy cho học sinh thực hành bài học về truyền thông tin bằng morse, tức là dùng những dấu hiệu “tích – tè” thể hiện các chữ cái, để rồi ghép các chữ cái lại sẽ biết được nội dung thông tin. Theo đó, khi người phát tin giơ một tay thẳng đứng lên cao nghĩa là dấu “tích”, nếu giang thẳng hai tay sang hai bên là dấu “tè”. Người phát tin và người nhận tin đứng cách xa nhau, nhưng phải chọn chỗ đứng sao cho hai người nhìn thấy nhau.

Cũng trong năm lớp 4, Bùi Vạn Trân lại có trò nghịch kiểu trẻ con là lấy phấn vẽ bậy lên mặt trống để ở bên ngoài lớp học. Mặc dù cậu là một trong những “học trò cưng” của thầy hiệu trưởng Vũ Lân[11], nhưng để làm gương, thầy đã bắt cậu chịu hình phạt là buổi trưa hôm ấy không được về nhà, mà phải ở lại lớp để chiều học tiếp. Có hai bạn học là hai anh em Khâm và Tuất[12] ở nhà đối diện với trường, nhìn thấy cậu chơi lang thang ở sân trường, liền rủ vào nhà ăn cơm. Nhắc đến thầy Vũ Lân, ông Bùi Vạn Trân còn nhớ cả câu khẩu hiệu “Trường học: lò đúc nhân tài” được thầy cho dùng sơn đỏ viết chữ in hoa lên tường của lớp học.

Cuối năm 1948, Bùi Vạn Trân thi tốt nghiệp tiểu học. Kỳ thi ấy, do thí sinh từ các nơi trong tỉnh tập trung về rất đông nên phải bố trí phòng thi ở nhiều địa điểm, Bùi Vạn Trân được xếp vào thi trong một ngôi chùa. Cậu đạt kết quả thi cao thứ 2 toàn tỉnh, chỉ đứng sau thí sinh tên là Hiếu ở thị trấn Thu Xà thuộc huyện Tư Nghĩa. Hồi đó, mặc dù cách mạng đã thành công rồi nhưng vẫn còn ảnh hưởng thời Pháp thuộc nên gọi bằng Tiểu học là bằng Primaire, PGS Bùi Vạn Trân cho biết[13].

Thời tiểu học, Bùi Vạn Trân đã phải vượt qua bao vất vả, khó khăn trong hoàn cảnh nhà nghèo và mồ côi cả cha lẫn mẹ. Về sau, tiếp tục nỗ lực không ngừng, Bùi Vạn Trân đã thành đạt và có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư. Ông quan niệm rằng, có một yếu tố “bất biến” bảo đảm cho mọi thành công, dù ở mức độ nào, đó là lòng đam mê. Ngay từ hồi tiểu học, ông đã có sự đam mê: đó là đam mê trong học tập, cực kỳ thích thú mỗi khi nghe thấy một điều mới mẻ trong lời thầy giảng hoặc đọc được một điều mới mẻ trong quyển sách nào đấy. Cũng theo PGS.TS Bùi Vạn Trân, mỗi người cần có “lòng đam mê đầu đời” theo cách riêng của mình.

Nguyễn Thị Phương Thúy

_______________________

*PGS.TS Bùi Vạn Trân, chuyên ngành Xây dựng, nguyên Tổ trưởng bộ môn Vật lý kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

[1] Chức vụ Quan đốc học trong thời thuộc Pháp tương đương Giám đốc Sở Giáo dục ngày nay.

[2] Quan Nam thủ hiến tương đương Chủ tịch tỉnh thời nay, nhưng trước Cách mạng tháng Tám, còn có Khâm sứ người Pháp đứng đầu tỉnh.

[3] Quan Thượng thư Bộ Quốc dân giáo dục tương đương Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời nay.

[4], [5] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân ngày 26-11-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân ngày 28-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Thầy Bạch Ngẫu là con trai của cụ Bạch Quang Ba, quê ở miền Tây Quảng Ngãi. Trước Cách mạng tháng 8/1945, cụ Bạch Quang Ba tham gia hoạt động yêu nước ở Quảng Ngãi và có làm việc cho báo Tiếng Dân (Notre Voix) do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút.

[8] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân ngày 18-5-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Sau Cách mạng tháng Tám, các lớp ở bậc tiểu học được gọi là lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, chấm dứt hệ thống giáo dục thời Pháp.

[10] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân ngày 18-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[11] Thầy giáo Vũ Lân về sau dạy ở trường cấp II huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 1954, thầy tập kết ra Bắc, để lại người vợ trẻ xinh đẹp là cô Môn ở nhà. Khoảng năm 1965, trên đường đi công tác B, khi thầy lội qua một con suối ở miền Tây Liên khu 4 thì bị cơn lũ rừng cuốn trôi.

[12] Về sau, năm 1954 ông Khâm tập kết ra Bắc, năm 1975 ông về lại quê rồi tham gia công tác ở địa phương; ông đã mất tại quê nhà. Còn ông Tuất cư trú và công tác tại quê.

[13] Phỏng vấn PGS Bùi Vạn Trân ngày 28-12-2015, tài liệu đã dẫn.