Bản thảo một truyện ngắn đầu tay

Trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu, PGS.TS Trần Vĩnh Phúc là tác giả của nhiều giáo trình, sách và bài viết, là dịch giả của không ít tác phẩm văn học Nga, nhưng ít ai biết đến truyện ngắn đầu tay “Một chiều ra đi” được ông viết vào năm 1963, hai năm sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Quốc gia Moskva mang tên Lênin ở Liên Xô và về công tác tại khoa Tiếng Nga, trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội[1]. Ông tâm sự: Từ lâu tôi muốn được thử tay viết truyện ngắn và năm 1963 tôi bắt đầu viết truyện, lấy cuộc sống ở trại Khánh Thi in tiền trên chiến khu Việt Bắc làm cốt truyện và viết vào 3 quyển vở học sinh mang từ Moskva về. Từ năm 1964-1965 tôi theo trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ đi sơ tán ở Hưng Yên, để lại tập truyện của mình trên giá sách ở Hà Nội. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, giá sách của tôi không bị hư hỏng, nhưng anh tôi đã làm thất lạc 2 quyển vở của tôi, sau đó, trải qua những lần sơ tán và chuyển nhà nên quyển vở còn lại cũng thất lạc[2]. Sau khi rít một hơi thuốc lá, như để cho nguôi nỗi tiếc nuối, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đã được ông dựa vào để viết“Một chiều ra đi” từ cách đây hơn nửa thế kỷ.

Trần Vĩnh Phúc sinh năm 1936 tại làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Từ nhỏ, cậu đã chịu nhiều ảnh hưởng từ bố là cụ Trần Văn Nghinh, một thầy giáo làng tham gia hoạt động cách mạng. PGS Trần Vĩnh Phúc kể lại: Hồi tôi còn bé, các đồng chí của bố tôi thường đến nhà hội họp. Tôi thường được các chú dẫn ra bờ đê dạo chơi và dặn tôi phải giữ bí mật về các cuộc họp đó. Tôi chỉ biết vâng dạ[3]. Ở tuổi thiếu niên, tận mắt được thấy bố tham gia hoạt động bí mật như vậy, rồi được chứng kiến Cách mạng tháng Tám thành công và sự kiện toàn quốc kháng chiến năm 1946 – đó là những tác nhân hun đúc cho cậu một tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc sâu sắc.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ nước Việt Nam mới đã chủ trương phát hành đồng tiền riêng để khẳng định chủ quyền về kinh tế, tài chính, tiền tệ của một quốc gia độc lập. Ngày 15-11-1945, Cơ quan Ấn loát Trung ương được thành lập, thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ sản xuất tờ bạc Việt Nam để đưa ra lưu hành phục vụ cho các nhu cầu của Chính phủ, cho sản xuất, lưu thông hàng hóa và công cuộc kiến quốc nói chung. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng và sau đó là Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, ông Phạm Quang Chúc – Giám đốc Cơ quan Ấn loát Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện việc in và phát hành tiền. Ngày 30-1-1946, Chính phủ ký Sắc lệnh số 18/B cho phát hành tờ bạc Việt Nam tại các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở vào, và ngày 3-4-1946 Quốc hội Việt Nam khóa I cho phép lưu hành tờ bạc Việt Nam trên phạm vi cả nước[4].

Từ đầu năm 1946, thực dân Pháp đã tìm mọi cách phá hoại các cơ sở của ta, vì vậy, một bộ phận của nhà máy in tiền phải chuyển từ Hà Nội lên đồn điền Chi Nê ở xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Đến tháng 3-1947, toàn bộ nhà máy in tiền được chuyển lên khu vực bến Tràng Đà ở Tuyên Quang. Ít lâu sau, trước tình hình cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, Bộ Tài chính cho di chuyển đại bộ phận nhà máy in tiền vào vùng núi rừng Việt Bắc, đặt tại Bản Thi, Chợ Đồn, Bắc Cạn. Tại đây, nhà máy được mang tên gọi mới là Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương, thuộc Bộ Tài chính[5].

Bố của Trần Vĩnh Phúc là Phó giám đốc cơ quan này. Ngày 21-12-1946, xe của cơ quan về làng Cót ở Hà Nộ đón gia đình ông lên Bắc Cạn để ở gần nhà máy in tiền. Đó là lần đầu tiên Trần Vĩnh Phúc lên miền rừng núi, nhưng cậu không thấy cuộc sống khổ cực, trái lại cậu nhìn nhận sự khó khăn thiếu thốn là chuyện bình thường trong thời chiến, mà điều này cậu nhận thức được một cách tự nhiên khi sống giữa tập thể công nhân yêu nước và dũng cảm đanglao động hăng say để in tiền phục vụ cho kháng chiến.

Nhà máy in tiền được xây dựng trong một thung lũng, cây cối um tùm như chiếc áo giáp màu xanh bảo vệ cho nó. Máy móc lắp đặt đến đâu được vận hành in ấn đến đó. Không khí làm việc của nhà máy hồi ấy còn để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức của PGS Trần Vĩnh Phúc: Nhà máy in tiền đặt tại Bản Thi là một nhà máy đặc biệt. Nó là nhân chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Nơi đây đã chứng kiến sự chăm chỉ, kiên cường của công nhân, ban lãnh đạo nhà máy. Ai cũng mong muốn được góp sức mình cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và giúp nhà máy hoạt động có hiệu quả, để làm ra tiền phục vụ cho chiến đấu, lao động và sản xuất. Dù thời chiến, nhà máy vẫn được xây dựng khá khang trang trong điều kiện hồi ấy, bất chấp máy bay của Pháp lượn lờ trinh sát và bắn phá. Đặc biệt, để vận chuyển máy móc, tiền bạc, một tuyến đường sắt nối từ Bản Thi đến thị trấn Đầm Hồng nằm cạnh bờ sông Gâm được xây dựng. Trên tuyến đường sắt đó, lần đầu tiên Trần Vĩnh Phúc được nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một chuyến tàu có cậu cùng đi: Có lần tôi đi trên một chuyến tàu có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên các chú cùng cơ quan bố tôi dặn phải im lặng. Tôi đã gật đầu, như để các chú ấy biết rằng tôi hiểu tính chất hệ trọng của điều bí mật mà tôi đã được hé lộ một cách ưu ái như thế nào.

Khoảng cuối năm 1947, thực dân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến. Bản Thi cũng bị bắn phá. Trước tình hình đó, Cơ quan Ấn loát di chuyển nhà máy in tiền vào khu rừng kín đáo hơn ở Mộc Lan cách địa điểm cũ khoảng 4km, đồng thời xây dựng thêm một cơ sở in tiền nữa đặt tại thôn Ngầu 1, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, gọi là nhà máy in tiền Khánh Thi. Trần Vĩnh Phúc theo gia đình chuyển đến ở gần nhà máy mới. Bố của cậu vừa làm việc tại nhà máy Bản Thi, vừa tham gia phụ trách việc xây dựng nhà máy Khánh Thi. Trong thời gian xây dựng nhà máy và khu nhà ở cho công nhân, cả nhà cậu được bố trí ở nhờ một gia đình người Tày. Con sông Gâm hoang vu và nước xiết chảy qua vùng này, là một tuyến giao thông lâu đời của người dân địa phương. Việc vận chuyển máy móc của nhà máy in tiền Khánh Thi lên đây không chỉ đi theo đường bộ trong rừng, mà còn đi bằng đường sông Gâm. Cậu bé Phúc rất yêu con sông này, cậu cũng thích những người lái đò và hay trò chuyện với họ. Kỷ niệm về dòng sông Gâm càng sâu sắc hơn, bởi vào một buổi chiều tà năm 1951, hai anh em Phúc đã rời Khánh Thi từ bến đò nơi đây để đi học ở trường Thiếu sinh quân.

Nhà máy in tiền Khánh Thi gồm các phân xưởng nằm san sát nhau, tường dựng bằng phên liếp, mái lợp lá cọ, lá kè. Nhà máy nằm giữa rừng già nên tránh được sự nhòm ngó của không quân Pháp. Cũng như nhà máy Bản Thi, nhà máy Khánh Thi xây dựng được đến đâu là vận hành đến đó, từng bước hoàn thiện việc xây dựng để hoạt động đồng bộ. Âm thanh rộn rã từ các cỗ máy chạy không ngừng nghỉ như một dàn nhạc giao hưởng giữa rừng xanh. Thỉnh thoảng Trần Vĩnh Phúc theo bố vào nhà máy, cậu được tận mắt thấy các loại máy in typo, máy in ốp sét… và được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của công nhân.

Trần Vĩnh Phúc (hàng trước, thứ 3 từ trái) cùng toàn thể gia đình, khoảng năm 1948-1949

Khi khu nhà ở của công nhân được dựng xong ở cách nhà máy không xa, gia đình Trần Vĩnh Phúc dọn vào đó. Mẹ[6] mắc bệnh, bố thì bận công việc ở nhà máy Bản Thi, anh trai Trần Hữu Tiếp cũng làm công nhân nhà máy Khánh Thi nên vắng nhà vào ban ngày, vì vậy Trần Vĩnh Phúc phải cáng đáng việc nhà như một người lớn: từ việc nội trợ đến chăm sóc mẹ và hai em trai còn nhỏ. Thấy nhà Phúc neo người, nhiều cô chú công nhân, đặc biệt là bác Vịnh gái thường ghé qua thăm hỏi và tận tình giúp đỡ mọi việc.

Khu nhà ở của công nhân được xây dựng đàng hoàng, có cả câu lạc bộ cho công nhân, thanh thiếu niên, nên trở thành mục tiêu dễ bị máy bay Pháp phát hiện. Chỉ vài ngày sau khi gia đình Phúc chuyển đến ở khu này, đã thấy có máy bay bà già lượn vè vè do thám, sau đó những tốp máy bay khác tới bắn phá. Từ đó, công nhân Khánh Thi nâng cao tinh thần cảnh giác hơn. Tuy khu nhà ở của công nhân bị bắn phá 2 lần, nhưng như mô tả của PGS Trần Vĩnh Phúc, công nhân vẫn tiếp tục sản xuất ra tiền, và trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng cơ sở vật chất của nhà máy vẫn được xây dựng khá đầy đủ.

Một việc rất bi thương xảy ra vào năm 1950, PGS Trần Vĩnh Phúc nghẹn ngào kể lại: Bố tôi thì bận công việc quản lý nhà máy in tiền tại Bản Thi, để lại mẹ tôi mắc bệnh lao phổi và 4 anh em tôi còn nhỏ ở trên Khánh Thi. Ngày ngày tôi bế em Nghĩa chơi rong, xem các chú công nhân chơi bóng chuyền, vì mải xem nên không biết em bị sốt cao. Đến khi tôi bế em về nhà, bác Vịnh tới thăm mới phát hiện Nghĩa bị sốt, bác hoảng hốt bế thốc em về nhà mình, lấy dầu xoa bóp cho. Nhưng vì thời chiến, không có thuốc thang và y tá chăm sóc, nên em Nghĩa không qua khỏi. Sợ mẹ tôi đang ốm mà biết em Nghĩa mất sẽ không chịu nổi, nên bác Vịnh dặn tôi nói với mẹ là em Nghĩa đang ở nhà bác ấy và sáng hôm sau sẽ cùng đám trẻ đi nghỉ mát ở Phia Khao. Sớm hôm sau, bác Vịnh cùng các cô chú ở đây đã an táng chu đáo em Nghĩa. Tôi cứ áy náy mãi về việc đó , nên hơn 10 năm sau, khi đã là sinh viên của trường ĐH Sư phạm Quốc gia Moskva (Liên Xô), tôi có viết bài thơ “Mộ em trên Việt Bắc” vào tháng 3-1961 để viếng hương hồn em Nghĩa yêu thương, đến nay tôi vẫn giữ.

Cũng trong năm ấy, một niềm vui lớn đã đến với Trần Vĩnh Phúc khi cậu được nhận vào làm ở phòng cắt và đếm bạc của nhà máy in tiền Khánh Thi. Cậu cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được góp sức vào công việc in tiền của Nhà nước: Với tôi, đó là một niềm vui bất tận vì được hòa mình và chứng kiến cuộc sống, sản xuất khẩn trương, hăng say, đầy tinh thần yêu nước của những người thợ in tiền trong kháng chiến. Thời đó chưa có máy đếm tiền, công nhân phải đếm bằng tay, do đó một người mới vào nghề như Trần Vĩnh Phúc phải kiên trì và tập trung cao độ để đếm từng tập tiền một cách chính xác. Được anh chị em công nhân trong phòng giúp đỡ, cậu nhanh chóng bắt nhịp với công việc, rồi đếm tiền thành thạo. Kể về việc đếm tiền, ông bảo: Ngày tháng trôi qua, ngày nào tôi cũng ngồi đếm hàng chục, hàng trăm tập giấy bạc và dù ngồi trên đống bạc nhưng tôi chẳng có xu nào dính túi.

Năm 1951, trong dịp đồng chí Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt đến thăm nhà máy in tiền tại Bản Thi, bố của Phúc – trên cương vị Phó giám đốc Cơ quan Ấn loát Trung ương – được tiếp chuyện, và sau đó ông Hoàng Quốc Việt giới thiệu hai anh em Trần Vĩnh Phúc – Trần Hữu Tiếp vào trường Thiếu sinh quân thuộc Tổng cục Chính trị ở Cổ Lãm, Thái Nguyên. Đây là một sự kiện quan trọng đến mức khiến Trần Vĩnh Phúc cảm kích với tấm lòng biết ơn: Tôi chịu ơn bác Hoàng Quốc Việt, nhờ bác ấy mà tôi được đi học trường Thiếu sinh quân. Cuối năm 1951, hai anh em tạm biệt gia đình và lên đường đi học. Nhưng Trần Vĩnh Phúc không biết rằng đó là lần cuối cậu nhìn thấy mẹ: Sau đó khoảng hơn nửa tháng, hai anh em tôi trở về nhà để may bộ quần áo thiếu sinh quân, nhưng không được gặp mẹ nữa. Bố và bác tôi đưa hai anh em ra thăm mộ mẹ…

Khoác trên mình bộ quân phục mới may, cuộc đời hai anh em Trần Vĩnh Phúc bước sang một chương mới, chấm dứt những năm tháng sống và làm việc tại khu nhà máy in tiền Khánh Thi. Khi đã ở tuổi 80, kể lại sự kiện lần đầu tiên mặc quần áo thiếu sinh quân, PGS.TS Trần Vĩnh Phúc vẫn hào hứng: Tôi xúng xính bộ quần áo mới cứng, nhưng không phải như những bộ quần áo mới bình thường, mà lần này là bộ quân phục thiếu sinh quân màu xanh lá cây, trông bảnh chọe giữa chốn quạnh quẽ, rừng thiêng nước độc Khánh Thi.

Bản thảo truyện ngắn "Một chiều ra đi"

Hơn chục năm sau khi trở thành thiếu sinh quân, Trần Vĩnh Phúc viết truyện ngắn đầu tiên của mình– truyện "Một chiều ra đi". Thực tế cuộc sống mà tác giả đã trải qua ở khu nhà máy in tiền Khánh Thi được đưa vào truyện một cách chân thực. Nhân vật Tôichính là Trần Vĩnh Phúc. Ý tưởng của ông rõ ràng và sâu sắc: Qua câu chuyện về tuổi niên thiếu có thật của nhân vật, tôi muốn nói lên sức sống mãnh liệt, thường nhật mà đậm chất anh hùng cao đẹp của những người công nhân, thợ máy ở trại in bạc Khánh Thi trên chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp (1946-1954)[7]. Tuy nhiên, sau chiến tranh, ông không giữ lại được văn bản truyện viết tay đó, như ông tâm sự: Tôi tiếc ngẩn ngơ vì cả 3 cuốn sổ viết truyện ngắn này đều không còn. Nhiều lần tôi muốn viết lại truyện đó vì nó nói về thời niên thiếu của mình và về cuộc sống dũng cảm của những công nhân sản xuất ra tiền bạc để nuôi quân dân trường kỳ kháng chiến, và tôi vẫn nhớ rõ như in từng chi tiết cốt truyện, kể cả từng câu chữ, cách hành văn mình đã viết[8]. Sau một thời gian dài đau đáu ý định viết lại truyện, ngày 3-11-2010 ông bắt đầu thực hiện ý định đó. Lúc này, vẫn giữ lối sống tằn tiện đã trở thành thói quen của một nhà giáo, ông viết trên những tờ giấy cũ, khổ giấy 21,5cm x 30,5cm, một số chỗ đã có vết ố. Bản thảo lần này gồm 12 trang, được viết bằng bút bi và bút mực xanh, có bổ sung và chỉnh sửa bằng bút bi đỏ. Ông cho biết, tuy cốt truyện vẫn giữ nguyên như ông viết hồi năm 1963, nhưng miêu tả đậm nét hơn, câu chữ có phần sâu sắc hơn và các tình tiết được sắp xếp phù hợp hơn. Ngày 23-12-2010, ông hoàn tất bản thảo viết lại truyện ngắn "Một chiều ra đi". Sau đó, truyện được in trong tập truyện ngắn Tình yêu nho nhỏ của ông, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015. Ngày 29-1-2016, PGS Trần Vĩnh Phúc tặng bản thảo truyện ngắn này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Từ rất lâu rồi, không còn nhà máy in tiền Khánh Thi nữa, tấm bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi đã được dựng tại nơi từng đặt nhà máy trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng ký ức của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc lưu giữ rất nhiều hiểu biết cùng bao kỷ niệm về những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn liền với nhà máy này. Và truyện ngắn "Một chiều ra đi" của ông đã khắc họa một phần lịch sử ngành Tài chính cách mạng Việt Nam, cũng như kể về cuộc kháng chiến chống Pháp ở nơi mà ông là nhân chứng khi còn ở tuổi thiếu niên đầy sôi nổi.

Lê Thị Hoài Thu – Lê Thị Hằng

______________________

* PGS.TS Trần Vĩnh Phúc, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học và Đất nước học Nga (1961-1996), trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ, sau là ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội nay là trường ĐH Ngoại ngữ, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

[2] Trần Vĩnh Phúc, “Tôi đã viết 2 tập truyện ngắn của mình Tình yêu nho nhỏNhững trải nghiệm hạnh phúc như thế nào?”, 28-12-2015, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn PGS Trần Vĩnh Phúc ngày 21-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, những chỗ trích lời kể của ông đều lấy từ nguồn tư liệu này.

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_(ti%E1%BB%81n_Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a)

[5]http://vib.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/lich-su-doanh-nhan-guong-doanh-nhan/37-doanh-nhan-do-dinh-thien-nha-tai-chinh-xuat-chung-cua-viet-nam.html

[6] Đây là mẹ kế, em ruột của mẹ, kết hôn với bố sau khi mẹ đẻ của Trần Vĩnh Phúc qua đời.

[7] Lời mở đầu truyện ngắn “Một chiều ra đi”, trong tập truyện ngắn Tình yêu nho nhỏ của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc, NXB Văn học, 2015, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] PGS.TS Trần Vĩnh Phúc, “Tôi đã viết hai tập truyện ngắn của mình Tình yêu nho nhỏ Những trải nghiệm hạnh phúc như thế nào?”, tài liệu đã dẫn.