Tình cha con qua 14 lá thư

Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng, nay đã ở tuổi bát tuần, trao cho tôi một tập tài liệu đã cũ. Và tôi thực sự xúc động khi biết đó là 14 lá thư của nhà giáo Nguyễn Quang[1] gửi từ Hà Tĩnh trong những năm 50 của thế kỷ trước cho con trai Nguyễn Nghĩa Trọng ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc).

Ở thời đại công nghệ số hiện nay, ít người còn viết thư tay, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng trước kia, viết thư là cách liên lạc phổ biến trong xã hội, và 14 lá thư đã giúp nhà giáo Nguyễn Quang kéo gần hơn khoảng cách xa xôi cách trở với con trai. Cả 14 lá thư đều gấp tư, qua thời gian đến nay đã quăn mép giấy, một số thư bị rách theo nếp gấp ngang, và không thư nào còn phong bì. Tuy tất cả cùng viết bằng bút máy, nhưng có mực đỏ, mực xanh, mực đen, nhiều chỗ chữ đã nhòe mờ. Giấy cũng nhiều loại và không cùng khổ: thư nhỏ nhất có kích thước 12,5 x 17cm, thư lớn nhất rộng 19,6 x 29,6cm; có thư viết trên nửa tờ giấy vở học sinh, có thư viết trên giấy thếp kẻ ngang, hay giấy pơluya. Nhiều thư được mở đầu như trong văn bản hành chính: "Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc".

Nhà giáo Nguyễn Quang có 5 người con, đặt tên lần lượt là Giáo – Dân – An – Thế – Trọng, ngụ ý “dạy dỗ làm cho dân an sẽ được đời kính trọng”. Trong hai anh em trai, Nguyễn Nghĩa Trọng là em, gầy còm ốm yếu từ bé nên được cả nhà yêu thương nhất. Năm 1953, Nguyễn Nghĩa Trọng học lớp 7 tại trường cấp II Đại Thành ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nay ký ức của ông về ngôi trường này vẫn đậm nét với hình ảnh các thầy giáo say sưa giảng bài, ngâm thơ, vẽ hình học, hình sinh vật trên tấm bảng đen quét nhọ nhồi trộn với lá khoai, lá môn giã nát… Học sinh trong lớp có nhiều anh lớn tuổi đến từ nhiều nơi ở Hà Tĩnh như Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thậm chí có những người từ trong Quảng Trị, Quảng Bình ra học. Cạnh dòng sông Ngàn Mọ trong xanh, hoa trập trội dịu ngọt bên mái trường lợp ngói đỏ và đền thờ Khổng Tử. Giữa những ngày sắp cải cách ruộng đất, Nguyễn Nghĩa Trọng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Rồi sau đó, không kịp chia tay thầy cô và bạn bè, anh được triệu tập đi học ở Khu học xá Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng nhớ rõ việc mình được cử đi học hồi đó: Tôi được đi học ở Trung Quốc năm 1953 là do chủ trương của Đảng trong "Thông tư của Ban Bí thư ngày 22-12-1952: Chọn con cán bộ nhà nghèo đưa ra nuôi dạy ở nước ngoài", do đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Bí thư ký[2]. Đợt ấy, Liên khu IV có 100 học sinh được tuyển chọn đi học như vậy.

                                                                                                       

Những lá thư của người cha và bút tích của PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng

Rời quê nhà khi cha và anh đang đi chỉnh huấn, Nguyễn Nghĩa Trọng được chị dâu đưa cho ít tiền bán thóc để ra Can Lộc tập trung ở Lam Kiều. Hành trang chỉ có hai bộ quần áo nâu, một tấm nilon màu cánh gián, một bao ruột tượng đựng gạo và một ống muối sả làm thức ăn. Vượt hàng trăm cây số đi bộ từ Hà Tĩnh, qua Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên, đến Lạng Sơn, đoàn học sinh sang Trung Quốc qua Mục Nam Quan. Trên chặng hành trình dài đó, Nghĩa Trọng gửi thư về nhà 4 lần, nhưng đến khi đã vào học trường Sư phạm Trung cấp khoa học xã hội ở Khu học xá mới nhận được lá thư đầu tiên của cha viết ngày 15-5-1954.

Sinh thời, nhà giáo Nguyễn Quang tận tâm với nghề sư phạm và chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh. Với các con, cụ cũng luôn quan tâm dạy dỗ về đạo đức, nhân cách. Trong quan niệm của cụ, vấn đề tu dưỡng bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, nên trong thư cụ viết: … con gắng lấy ăn học, tu dưỡng, cải tạo tư tưởng để sau này đóng góp một phần vào công cuộc kiến thiết nước nhà(15-5-1954). Theo lời khuyên của cha, Nguyễn Nghĩa Trọng cố gắng học và đạt loại khá, rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Ấy vậy mà cuối năm học thứ nhất, có một buổi kiểm điểm đã để lại ấn tượng mạnh: Tôi còn nhỏ tuổi, cùng học với các anh lớn hơn, nhiều lúc tôi hay tranh luận, tôi bị các anh, các bạn phê bình sâu sắc cái tính chủ quan, hiếu thắng, thường quá tự tin, biểu hiện tự phụ, thiếu khiêm tốn[3]. Viết thư kể với cha về việc bị kiểm điểm, kèm theo giấy chứng nhận học lực của nhà trường, anh được cha khuyên nhủ: Con gắng ở cho thầy thương, bạn mến, bỏ những tính tự phụ, tự ái để sau nên một người khá phục vụ nhân dân (12-8-1954). Trong những bức thư khác, nhà giáo Nguyễn Quang cũng thường nhắc nhở con tu dưỡng bản thân: Cậu mong con tập cho được nhiều đức tính tốt để đền đáp lại ơn Hồ Chủ tịch và Đảng đã dìu dắt cho (14-8-1955); hay con gắng sao cho thành người học trò tốt, người công dân tốt và người cán bộ tốt, đó là điều mong ước của cậu (20-10-1955). Ngay cả khi Nguyễn Nghĩa Trọng đã trở thành thầy giáo vẫn được cha căn dặn: … con gắng làm tròn nhiệm vụ để phục vụ nhân dân, đền đáp ơn Đảng và ơn Hồ Chủ tịch, con nên làm việc có kế hoạch, không nên cấp tiến và cũng không nên ham nhiều, cần phải giữ sức khỏe là cái vốn quý nhất (14-9-1956), hoặc con nên nghe lời cậu và nên tu dưỡng lấy thân cả thể dục và trí dục (27-3-1957)…

Sinh ra trong thời Pháp thuộc, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nên cụ Nguyễn Quang chủ yếu tự học. Ngoài học chữ Hán, khi nền Nho học bị bãi bỏ, cụ học thêm tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Cụ mong muốn hai con trai sẽ trở thành những người học rộng, biết nhiều để phục vụ nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong bức thư ngày 27-3-1957: Cậu ước vọng ở con không chỉ là một giáo viên bình thường mà là một nhà học giả, làm thầy văn học phải bác cổ thông kim mới đúng là nhà giáo dục (27-3-1957). Từ thuở thiếu thời, Nguyễn Nghĩa Trọng đã được cha dạy chữ Hán qua những điển tích và từ Hán Việt trong cuốn Nhị độ mai. Cụ cho con trai học chữ Hán từ nhỏ với ý tưởng trang bị chìa khóa để mở vào kho tàng văn học. Những năm tháng Nguyễn Nghĩa Trọng xa nhà, cụ còn chỉ bảo cả việc học tiếng Trung: Con tìm cách học thêm Hoa văn để khi trở về đọc sách báo Trung Hoa cho được. Con muốn sau này được thấy xa hiểu rộng thì ngay từ giờ con phải nghiên cứu mỗi ngày một ít Hoa văn (15-5-1954). Ngoài thời gian học trên lớp, Nguyễn Nghĩa Trọng học Trung văn, đọc sách tiếng Trung và học cổ văn, để thực hiện mục tiêu theo quan niệm của cha: Một giáo sư quốc văn phải học cho rộng, biết cho nhiều, nắm vững vấn đề phần cổ cũng như phần kim mới có thể làm tròn nhiệm vụ (8-2-1956). Bằng phương pháp chỉ dẫn của một thầy giáo, cụ Nguyễn Quang định hướng cách học cổ văn: Con coi sách có chữ nào không hiểu hay hiểu lờ mờ thì cứ ghi vào vở, về đây cậu sẽ bày cho hay là gặp ai hỏi cũng được. Cái gì không biết thì hỏi, mà đã biết thì phải biết cho chắc chắn (8-2-1956); thêm nữa, cụ còn gợi ý: coi các tài liệu con đem theo, nếu chỗ nào không thông suốt thì biên thư hỏi và đặt kế hoạch học dịch Hoa văn cho đến mức đọc sách gì bằng Hoa văn cũng có thể dịch ra Quốc văn được (14-9-1956). Bởi cụ vạch ra con đường học cho con trai rất cụ thể: Cậu mong ở con là sẽ giỏi Hoa văn và cổ văn, rồi sẽ học lên đại học (15-12-1956). Trong số 14 lá thư, có đến 10 thư cụ nhắc tới việc học Hoa văn và Quốc văn. Thậm chí, trong thư ngày 4-3-1957 cụ chỉ bảo cụ thể như sau: Con đem hết cổ văn năm ngoái về, cậu và con chú thích lại các bản sách Bích Câu kỳ ngộ, Quan âm Thị Kính… để có dịp bày thêm cổ văn cho con và nếu xuất bản được, ta sẽ có món tiền tiêu.

Mỗi lần nhận được thư cha, Nguyễn Nghĩa Trọng đều đọc rất kỹ, ghi nhớ từng lời dạy của cha. Nhưng đến nay, ông vẫn tự nhận xét mình chưa giỏi Trung văn như mong ước của cha, và đó là một điều tiếc nuối theo ông suốt cả cuộc đời.

Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng kể lại rằng, sau ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình ông phải chia đôi: Cha cùng hai con trai theo trường Trung học Khải Định chuyển đến Đức Thọ, Hà Tĩnh; còn mẹ đưa hai con gái về quê nhà trong Quảng Nam. Những tưởng khi hòa bình lập lại năm 1954, cả gia đình sẽ được đoàn tụ, nhưng rồi đến cuối cuộc đời, nhà giáo Nguyễn Quang vẫn không thể về thăm vợ con do Bắc Nam còn bị chia cắt. Mỗi lá thư, nhà giáo Nguyễn Quang không chỉ kể với con trai Nguyễn Nghĩa Trọng chuyện nhà ở Hà Tĩnh, chuyện đàn gà, đàn vịt, mà cùng với đó còn toát lên tình cảm nhớ nhung gia đình, nhớ vợ con và cả ước vọng đoàn viên: Anh con vẫn ở lại trường Cẩm Xuyên chứ không đổi đi Ty. Kinh tế gia đình cũng tạm đủ. Gà hôm tháng giêng bị nó bắt trộm hết 6 con … vịt thì còn hai con. Ruộng mùa tháng 5 gặt được một tạ ba … Tuy vậy nhờ lương của Chính phủ, cả cậu và anh con mỗi tháng hơn một tạ sáu lúa, cũng đủ tiêu (12-8-1954); hay như thư viết mồng 2-4-1955: Từ khi đình chiến đến nay, cậu chưa được thư nhà, nhưng anh con đã gặp anh Thanh Hoàn và Việt ra Hà Nội được biết ở nhà bình an. Đồng thời, cụ cũng chia sẻ niềm vui và bày tỏ về tương lai với con trai: Nhờ Đảng, Cụ Hồ và Chính phủ, nước ta nay đã độc lập, thống nhất thì mãn khóa này con về sẽ được vui lắm (12-8-1954), và thêm nữa: Con về đây rồi cậu sẽ về Khu V và anh con cũng xin về dạy ở trong ấy. Lúc đó gia đình ta sẽ đoàn viên (12-8-1954).

Đặc biệt, PGS Nguyễn Nghĩa Trọng nhớ mãi quãng thời gian hai năm 1947-1948, khi ba cha con ở nhờ nhà cụ Cựu Tám ở làng Thái Yên, xã Đồng Quang, huyện Đức Thọ. Một buổi tối, cụ Nguyễn Quang nói với con trai cả Nguyễn Nghĩa Dân: Em còn nhỏ đã xa mẹ, cậu sẽ lấy tình thương của người cha bù đắp vào chỗ thiếu của tình thương người mẹ[4]. Thật xúc động khi đọc những dòng thư chan chứa tình cảm cùng sự quan tâm của nhà giáo Nguyễn Quang dành cho con trai. Nghe đài thông báo về tình hình thời tiết ở Trung Quốc, cụ lo lắng: Hôm trước bên Quảng Tây lạnh đến 2 độ dưới không, con có lạnh lắm không? (17-1-1956). Mặc dù người con đã lớn, cụ vẫn ân cần dặn: Con nên giữ gìn sức khỏe, làm việc và học có điều độ, con nhé! (15-12-1956).

Thời kỳ ấy, sau mỗi lần gửi thư về là những ngày dài Nguyễn Nghĩa Trọng mong đợi hồi âm của gia đình. Thư đi cũng như thư về, cả tháng trời mới tới nơi. Mỗi bức thư nhận được có giá trị như một món quà quý, Nguyễn Nghĩa Trọng thường ngồi trên giường đọc đi đọc lại nhiều lần, và thỉnh thoảng lại giở thư ra xem cho đỡ nhớ nhà.

Từ năm 1956, sức khỏe của cụ Nguyễn Quang dần giảm sút. Trời lạnh, cụ thường hay bị ho hoặc cảm cúm. Tuy vậy, cụ vẫn mong muốn đến dịp nghỉ hè nếu sức khỏe tốt và điều kiện cho phép, cụ sẽ ra Hà Nội và sang Nam Ninh chơi. Đầu năm 1957, sức khỏe suy yếu hơn nên cụ đành gác lại kế hoạch đi thăm con ở Khu học xá Nam Ninh. Trong thư ngày 27-3-1957, cụ viết: Nếu nghỉ hè này con không về thì chưa biết cậu có sống mà đợi con đến Tết không,vì cậu càng ngày càng yếu… Cậu tuy ăn được nhưng thỉnh thoảng còn ho và sốt đôi lần. Trong thời gian lâm bệnh, bị sốt rét liên miên, sưng lá lách, thiếu máu, thận kém và ảnh hưởng đến phổi, cụ Nguyễn Quang được điều trị ở Bệnh viện Hà Tĩnh hơn một tháng. PGS Nguyễn Nghĩa Trọng cho biết: Trong suốt thời gian ở Khu học xá, tôi chỉ về nhà thăm cha có hai lần, một lần vào năm 1956, khi về Hà Nội học chỉnh huấn và một lần năm 1957, sau khi được tin cha ốm[5]. Trưa ngày 13-9-1957, sau giờ lên lớp, Nguyễn Nghĩa Trọng nhận được ba lá thư từ Việt Nam: thư của cụ Nguyễn Quang báo tin sức khỏe yếu, không thể đi Hà Nội chơi như dự định; một thư của anh trai Nguyễn Nghĩa Dân và một thư của người cô ruột báo tin cụ Quang bị ốm. Không ngờ, ba lá thư ấy đến tay Nguyễn Nghĩa Trọng đúng ngày cụ Nguyễn Quang qua đời, ngày 20 tháng 8 năm Đinh Dậu. Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng kể lại rằng: Ngay hôm đó, tôi lên xin Ban giám đốc Khu học xá cho về Hà Tĩnh thăm cha. Về đến nơi thì đã ba ngày an táng cha, chiếc bàn nhỏ thờ cha phủ dầy màn tang trắng. Tôi đau đớn ngồi khóc rồi viết những dòng đau buồn, rồi làm cái bia xi măng đem lên mộ cha ở Rú Nài, ngoại vi thị xã Hà Tĩnh[6]. Sau này, bom đạn của Mỹ trong thời chiến tranh đã làm mất dạng ngôi mộ, nhờ có tấm bia xi măng đó nên con cháu tìm lại được nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn Quang.

Khi trở về Việt Nam công tác năm 1958, trong hành lý của thầy giáo Nguyễn Nghĩa Trọng không chỉ có sách vở, quần áo, mà còn có những lá thư của cha. Tháng 4-2017, trước khi tặng 14 lá thư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, PGS Nguyễn Nghĩa Trọng đặt tất cả lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm và xin phép cha. Ông tâm sự rằng, sau hơn 60 năm gìn giữ 14 lá thư này, nay ông tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để chúng tôi hiểu hơn về thầy giáo Nguyễn Quang – một nhà giáo yêu nước, một người cha mà suốt đời ông kính trọng và biết ơn.

Nguyễn Thị Hiên

_______________________

* Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Nghĩa Trọng, chuyên ngành Văn học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[1] Nhà giáo Nguyễn Quang (1901-1957) có 35 năm gắn bó với ngành giáo dục. Trước cách mạng tháng 8-1945, cụ dạy chữ Hán ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cụ là giáo viên cấp I, dạy ở tỉnh Hà Tĩnh.

[2] [3] Hồ sơ cá nhân của PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] [5] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng, 18-12-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Nguyễn Nghĩa Trọng, "Ngẫu nhiên và quy luật", 16-5-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.