Cuốn luận án in ronéo, khổ giấy 21cm x 29 cm, bìa bọc vải xanh. Qua thời gian, lớp vải bọc bong ra nên GS Nguyễn Quý Hỷ phải dùng băng dính gia cố lại. Ghim đã bị gỉ và gãy, làm cho các tờ giấy rời ra, nhưng tất cả vẫn được sắp xếp gọn gàng theo thứ tự từng trang. Giấy cũng không còn trắng nữa, đã ngả sang màu vàng ố bởi sự khắc nghiệt của thời gian và khí hậu. Một luận án phó tiến sĩ về toán học, một công trình nghiên cứu sâu, vậy nhưng chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được tác giả cho biết rằng ông đã hoàn thành trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-1972.
Trước đó hơn một chục năm, sinh viên Nguyễn Quý Hỷ tốt nghiệp chuyên ngành Xác suất của khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1961 và được giữ lại làm giảng viên rồi được phân về tổ Phương pháp tính. Thời điểm ấy, Nguyễn Quý Hỷ và tổ trưởng Nguyễn Công Thúy được giao nhiệm vụ xây dựng bộ môn Toán học tính toán. Chủ nhiệm khoa Toán là PTS Hoàng Tụy[1] gợi ý: Ông Hỷ giỏi về xác suất thì nên nghiên cứu sâu về phương pháp Monte Carlo, vì phương pháp này sử dụng nhiều công cụ ngẫu nhiên để giải các bài toán của toán học tính toán[2]. Monte Carlo là môn học được ứng dụng trong nghiên cứu vật lý hạt nhân, cho tới những năm 60 của thế kỷ trước vẫn còn mới lạ và ở Việt Nam chưa có trường đại học nào giảng dạy. Mặc dù vậy, giảng viên Nguyễn Quý Hỷ quyết định nhận lời vì anh tin có niềm đam mê thì sẽ nghiên cứu thành công.
Giảng viên trẻ Nguyễn Quý Hỷ tìm đọc những tài liệu liên quan đến phương pháp Monte Carlo. Thời điểm ấy, trên thế giới mới có hai cuốn sách bàn về vấn đề này và đều xuất bản năm 1961, đó là cuốn Phương pháp thử thống kê (Monte Carlo) của hai tác giả Liên Xô là Buslenko N.P và Sheidera S.A, và cuốn Phương pháp Monte Carlo và bài toán vận chuyển hạt nhân của hai tác giả người Mỹ, S. Panier J. và D.Z. Gelbard M.
Năm 1961, ở trường Đại học Tổng hợp chỉ có cuốn Phương pháp thử thống kê (Monte Carlo) bằng tiếng Nga. Dịch đến đâu, thầy Hỷ giảng cho học trò đến đó. Môn học mới này liên quan đến chuyên ngành xác suất, hầu như chỉ sinh viên học giỏi xác suất mới hiểu và thích. Năm sau, thầy Hỷ đưa phương pháp Monte Carlo trở thành môn chuyên đề cho sinh viên năm thứ ba. Thời kỳ ấy, các tài liệu nghiên cứu về Monte Carlo chỉ bàn sâu về việc giải phương trình đại số tuyến tính bằng phương trình Monte Carlo và tính tích phân bội bằng phương pháp Monte Carlo. Trong quá trình giảng cho sinh viên, thầy Hỷ đã khái quát cách dùng phương pháp Monte Carlo để giải phương trình sai phân (dạng rời rạc của phương trình đạo hàm riêng). Phát hiện này được thầy Nguyễn Quý Hỷ công bố trong hai hội nghị khoa học của khoa Toán vào tháng 12-1963 và tháng 2-1965, từ đó càng kích thích anh hứng thú với việc nghiên cứu về phương pháp Monte Carlo. Trong một lần đi xe đạp từ Hà Nội lên nơi sơ tán của khoa ở Thái Nguyên, thầy Hỷ nghĩ ra cách biến phương pháp này thành phương pháp Monte Carlo để giải phương trình tích phân trên không gian đo, rồi viết thành báo cáo khoa học khoảng 20 trang và trình bày trong hội nghị khoa học của khoa Toán tổ chức tại Thái Nguyên năm 1968 và 1969. Sau đó, anh đề nghị giảng viên Phan Văn Hạp[3] dịch giúp bài sang tiếng Nga để gửi đăng trên một tạp chí khoa học của Liên Xô. Tuy không nhận được thông tin phản hồi của tòa soạn tạp chí, thầy Hỷ vẫn giữ lại bản dịch với hy vọng sẽ có dịp sử dụng đến tài liệu này. Rồi đến năm 1970, giảng viên Nguyễn Quý Hỷ được cử sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán, thuộc khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp Warsazwa. Trong hành trang đi du học của anh có cả bản báo cáo khoa học đã được dịch sang tiếng Nga và một số bài khác anh viết về vấn đề Monte Carlo.
Năm đầu tiên, trong quá trình học tiếng Ba Lan ở trường Đại học Ngoại ngữ Lozd, thấy Nguyễn Quý Hỷ có khả năng toán học trội vượt nên một số nghiên cứu sinh Việt Nam đề nghị anh mở lớp bổ túc kiến thức toán kinh tế cho họ. Chính vì thế, anh càng phải đọc sách để mở mang tri thức, qua đó không chỉ kiến thức chuyên ngành toán được nâng cao hơn, mà trình độ ngoại ngữ cũng được cải thiện.
Khoảng đầu tháng 7-1971, tuy đã kết thúc thời gian học ngoại ngữ, nhưng NCS Nguyễn Quý Hỷ vẫn chưa có thầy nhận hướng dẫn luận án. Sau đó, phải mất hơn 6 tháng anh mới tìm được thầy hướng dẫn. Ban đầu, anh đến gặp TS Zelinsky, người duy nhất ở Viện Toán của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan nghiên cứu về phương pháp Monte Carlo. Thấy nghiên cứu sinh đi quá sâu về phương pháp Monte Carlo, ông Zelinsky từ chối. Ngày 1-1-1972, trong một lần tham dự seminar của PGS.TS Adam Piskorek, NCS Nguyễn Quý Hỷ thấy buổi sinh hoạt khoa học hứng thú và ngỏ ý mời ông Piskorek làm thầy hướng dẫn, nhưng sau khi đọc bản báo cáo dịch sang tiếng Nga nói trên, ông đã từ chối vì không có chuyên môn sâu về công cụ ngẫu nhiên. Tuy vậy, ngay hôm đó ông Piskorek đưa Nguyễn Quý Hỷ tới gặp GS.TS Bogdan Boarski – Viện trưởng Viện Toán học của trường Đại học Tổng hợp Warsazwa và là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan. Thời điểm đó, ông Bogdan Boarski đang theo đuổi nghiên cứu về phương trình đạo hàm riêng nhưng chưa tìm ra phương pháp giải bài toán này bằng công cụ ngẫu nhiên. Đọc bản dịch tiếng Nga báo cáo của Nguyễn Quý Hỷ, ông nhận ra rằng phương pháp Monte Carlo do nghiên cứu sinh này đề xuất có thể giải quyết được vấn đề với kích thước lớn, vì vậy ông nhận lời hướng dẫn luận án. Giáo sư Nguyễn Quý Hỷ kể lại: Tôi gặp thầy Bogdan Boarski trong tâm trạng bế tắc vì không tin sẽ có thầy nhận hướng dẫn. Tôi cũng không hy vọng nhiều vào lần gặp mặt này. Khi thầy Bogdan Boarski nhận lời làm thầy hướng dẫn, tôi cảm thấy bất ngờ và khâm phục sự nhạy cảm của thầy trong vấn đề khoa học này[4].
Bấy giờ, GS Bogdan Boarski được coi là một trong ba trụ cột của ngành toán học Ba Lan. Ông nổi tiếng khắt khe trong khoa học và khó gần, nhưng có lẽ vì thích thú với đề tài của Nguyễn Quý Hỷ nên ông đã bắt tay ngay vào giúp anh làm luận án, từ việc thu thập các công trình nghiên cứu, bài báo viết về phương pháp Monte Carlo cho đến hướng dẫn cách triển khai từ một bài báo thành luận án… Ông Bogdan Boarski tâm đắc nhất về phạm vi nghiên cứu của đề tài này. Cho đến thời điểm năm 1971, những nghiên cứu trên thế giới vẫn chỉ dừng lại ở trường hợp riêng so với nghiên cứu của NCS Nguyễn Quý Hỷ.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Quý Hỷ viết luận án vào bất kể thời gian nào, không cần biết ngày hay đêm. Cứ sau khoảng một tuần, anh lại mang phần vừa viết xong đến nhờ thầy hướng dẫn sửa cho. Không ít lần, anh phải ngồi chờ nhiều giờ trên chiếc ghế ở trước cửa phòng làm việc của thầy, do thầy bận tiếp khách. Thấy học trò đợi lâu, GS Bogdan Boarski đề nghị anh vào thư viện ngồi. Trong điều kiện như vậy, 4 tháng liền, hai thầy trò thường xuyên làm việc với nhau. Giáo sư Hỷ vẫn nhớ như in lời dạy mà hầu như lần nào gặp cũng được thầy Bogdan Boarski nhắc nhở: Luận án phải viết theo kiểu diễn giải giống như một giáo trình[5].
Tháng 4-1972, NCS Nguyễn Quý Hỷ hoàn thành luận án “Phương pháp giải một lớp phương trình tích phân” với dung lượng 169 trang. Ngày 27-4-1972, GS Bogdan Boarski gửi trường Đại học Tổng hợp Warsazwa văn bản về việc thành lập hội đồng chấm luận án cho học trò của mình, trong đó có đoạn nhận xét: Tôi cho rằng, công trình của Nguyễn Quý Hỷ là một công trình nghiên cứu có giá trị cả về mặt phương pháp và kết quả thu được… Tác giả đã tự đặt vấn đề rồi giải quyết vấn đề một cách tổng quát so với những tài liệu mới nhất[6].
Song, ngay sau khi hoàn thành luận án phó tiến sĩ, NCS Nguyễn Quý Hỷ lâm bệnh và phải nằm viện một thời gian khá dài. Trong thời gian đó, anh đề đạt nguyện vọng và đợi ý kiến của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam về việc ở lại trường Đại học Tổng hợp Warsazwa tiếp tục học tập sau khi bảo vệ luận án. Giáo sư Bogdan Boarski đã giúp anh bằng cách cho người đánh máy luận án rồi in ronéo thành nhiều bản. Ngày 24-6-1972, trong khi Nguyễn Quý Hỷ vẫn đang điều trị ở bệnh viện thì GS Bogdan Boarski gửi bản nhận xét nghiên cứu sinh cho khoa Toán cơ của trường, ông viết như sau: Từ tháng 1-1972, anh Nguyễn Quý Hỷ làm việc dưới sự giúp đỡ của tôi. Trong thời gian này, anh Nguyễn Quý Hỷ viết xong một bản luận án phó tiến sỹ. Bản luận án là một công trình nghiên cứu rộng và có kết quả độc đáo… Tôi cho rằng, việc bảo vệ có thể tiến hành vào mùa thu năm 1972[7].
Cuốn luận án phó tiến sĩ của NCS Nguyễn Quý Hỷ
Khoảng tháng 8-1972, NCS Nguyễn Quý Hỷ xuất viện. Anh lao vào ôn để chuẩn bị thi các môn “tối thiểu” gồm: phương trình đạo hàm riêng; phương trình tích phân; xác suất; giải tích số. Kết quả thi, cả 4 môn anh đều đạt điểm 5 – điểm tuyệt đối.
Tháng 11-1972, hội đồng chấm luận án cho NCS Nguyễn Quý Hỷ được thành lập, trong đó, ba nhà khoa học phản biện luận án là: GS.TS Mieczyslaw Warmus, TS Lech Kubik và PGS.TS Adam Piskorek. Trong buổi bảo vệ luận án tổ chức tại phòng 803, tầng 8 của Cung Văn hóa Warsazwa vào ngày 8-1-1973, NCS Nguyễn Quý Hỷ trình bày bằng tiếng Ba Lan một cách lưu loát. Luận án được đánh giá xuất sắc. Nay GS Nguyễn Quý Hỷ vẫn nhớ một chuyện trong bữa tiệc sau buổi bảo vệ luận án: PGS.TS Adam Piskorek đã khen: “Người Việt Nam thật giỏi!”. Câu nói đó của thầy làm cho tôi cảm thấy sung sướng và tự hào[8]. Giáo sư Bogdan Boarski thì tự hào về người học trò đặc biệt vì đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ chỉ trong 4 tháng và bảo vệ thành công luận án sau thời gian chỉ khoảng 1 năm kể từ ngày có thầy hướng dẫn. Vào thời điểm ấy, Nguyễn Quý Hỷ là nghiên cứu sinh duy nhất của trường Đại học Tổng hợp Warsazwa có luận án in ronéo và đạt điểm cao tuyệt đối ở tất cả các môn thi tối thiểu. Anh cũng là nghiên cứu sinh duy nhất được GS Bogdan Boarski đề nghị giữ lại làm trợ giảng 3 năm.
Năm 1975, PTS Nguyễn Quý Hỷ mang theo cuốn luận án về nước. Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị phục vụ lĩnh vực vật lý hạt nhân, nhưng ở thời điểm ấy Việt Nam chưa chú trọng đến lĩnh vực này. Năm 1984, ông nghĩ ra cách vận dụng kết quả nghiên cứu trong luận án để ứng dụng thành công vào tính toán hệ thống điều khiển của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tiếp đó, năm 1999 ông cùng các đồng nghiệp đã tính toán quy mô tối ưu và dự báo tối ưu về động đất, lũ lụt cho Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Câu chuyện hoàn thành luận án phó tiến sĩ trong 4 tháng của GS Nguyễn Quý Hỷ đã trôi qua 45 năm, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được được ánh mắt tự hào của ông khi nhắc lại quãng thời gian nghiên cứu sinh đó. Điều ông tự hào có lẽ không phải vì những cái “nhất” đạt được khi ấy, mà trước hết là vì tinh thần nỗ lực phi thường trong học tập và làm việc mà ông đã trải qua.
Hoàng Thị Kim Phượng
__________________________
*GS.TS Nguyễn Quý Hỷ, chuyên ngành Toán học, Chủ tịch danh dự Hội Ứng dụng toán học Việt Nam.
[1] Ông Hoàng Tụy sau là Giáo sư – Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[2] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Quý Hỷ, 31-8-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Giảng viên Phan Văn Hạp sau trở thành Giáo sư – Tiến sĩ toán học, Hiệu phó trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
[4] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Quý Hỷ, 31-8-2017, tài liệu đã dẫn.
5] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Quý Hỷ, 15-12-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[6] GS.TS Bogdan Boarski, “Ý kiến về công việc của anh Nguyễn Quý Hỷ” (bản dịch của GS.TS Nguyễn Quý Hỷ), tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] GS.TS Bogdan Boarski, “Ý kiến về công việc của anh Nguyễn Quý Hỷ” (bản dịch của GS.TS Nguyễn Quý Hỷ), tài liệu đã dẫn.
[8]Ghi âm phỏng vấn GS.TS Nguyễn Quý Hỷ, 31-8-2017, tài liệu đã dẫn.