Đó là tấm bằng số 972844 do Hội đồng chấm thi quốc gia Liên Xô cấp cho sinh viên Bùi Vạn Trân ngày 25-6-1962. Tuy kích thước nhỏ (11cm x 15,7cm), nhưng trong đó ghi đủ cả hai giai đoạn học đại học ở hai nước, nội dung dịch từ tiếng Nga là: “năm 1957 vào học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1962 kết thúc khóa học tại trường Đại học Xây dựng Moskva”. Sau này, khi trường Đại học Xây dựng Hà Nội sơ tán về thị trấn Hương Canh, Vĩnh Phúc, trong một lần máy bay Mỹ ném bom nơi đây, tấm bằng bị rách một mảng to ở bìa. Rồi qua thời gian, côn trùng gặm nhấm càng làm cho nó không còn lành lặn nữa.
Phó giáo sư Bùi Vạn Trân kể, ông đã học dở lớp 8[1] từ năm 1953, đầu năm 1955 ông rời quê hương Quảng Ngãi tập kết ra Bắc. Đến năm 1956, ông được cử đi học tiếp cấp III tại trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương, tốt nghiệp phổ thông trong năm đó và được tuyển thẳng vào học khóa I của trường Đại học Bách khoa.Thời ấy, nghe gọi là kỹ sư điện hay kỹ sư cơ khí thì thấy rất oai. Vì thế, khi được đăng ký nguyện vọng, Bùi Vạn Trân lựa chọn thứ nhất là ngành điện, thứ hai là ngành cơ khí. Tuy vậy, anh lại được phân vào học ngành xây dựng, có lẽ do nhà trường muốn cân đối số lượng sinh viên giữa các khoa, các ngành. Bùi Vạn Trân bước vào cuộc đời sinh viên với tâm trạng vui mừng khôn xiết: Cuộc đời đã đưa đẩy tôi, cho tôi học hết cấp III tại trường Bổ túc công nông, rồi lại cho tôi vào học trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một việc vượt quá ước mơ của tôi đến hàng chục, hàng trăm lần![2].
Tết Mậu Tuất năm 1958, khi mọi người quây quần bên gia đình thì Bùi Vạn Trân cũng như những sinh viên miền Nam khác phải ở lại trường. Sáng sớm mồng 1 tết, Bác Hồ đến thăm trường Bách khoa và có buổi nói chuyện với khoảng 20-30 sinh viên tại căn nhà tranh tre nứa lá ở khu ký túc xá của sinh viên nữ. Bùi Vạn Trân rất ấn tượng với lời dặn của Bác, đại ý là: Học để mà hành, học để phục vụ nhân dân, không phải để làm quan, mà phải trau dồi cả đức, cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó. Sau khi Bác ra về, ký túc trở lại vắng lặng, trong lòng trỗi dậy nỗi nhớ quê hương da diết, nên anh đã sáng tác bài thơ “Quê hương” dài 73 câu với đoạn kết như sau: Trăm người con ra đi tập kết/ Trăm lời thề: Giải phóng quê hương/ Bắc Nam phải thống nhất/ Nam Bắc phải thông thương/ Phố phường làng xóm quê hương/ Phải là làng xóm phố phường Việt Nam!/ Phải quét sạch mây đen/ Phải xé toang đêm tối/ Cho muôn cờ hồng tung bay phấp phới/ Cho mặt trời sáng rọi cả miền Nam/ Cho quê hương lại đẹp huy hoàng[3].
Hoạt động văn nghệ thời đó rất sôi nổi, SV Bùi Vạn Trân cũng tham gia hát đồng ca những bài như “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, “Hồng Hà” của Đỗ Nhuận… Ông cho biết: Điểm yếu của tôi là giọng yếu nhưng nhờ biết hát đúng nhạc nên được anh em ưu ái dành cho một chân trong đội đồng ca. Có thể nói, thời thanh niên của sinh viên Đại học Bách khoa khóa I nói chung và của tôi nói riêng đã trôi qua cực kỳ sôi động[4]. Khoa Xây dựng có đội bóng chuyền khá mạnh, một trong những “cây đập” chắc chắn là Nguyễn Mạnh Kiểm – về sau trở thành Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong năm đầu, sinh viên còn được tham gia lao động xây dựng ba “công trình thế kỷ” của đất nước: Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, công viên Thống nhất và đường Thanh niên ở Hà Nội. Trên các công trường đó, sinh viên đều làm việc hăng hái theo tinh thần noi gương người thanh niên Liên Xô Paven Coocsaghin – nhân vật chính trong truyện Thép đã tôi thế đấy của tác giả Nicôlai Axtơrôpxki. Ở công trường Bắc Hưng Hải, sinh viên Bách khoa cũng ở trong những dãy lán dựng tạm như hàng ngàn người lao động đến từ các nơi. Một lần, khi đang ăn cơm, có sinh viên cao hứng “tuyên bố” rằng: 500 năm nữa, các nhà khảo cổ sẽ khai quật được ở đây những mảnh vỡ nồi xoong, bát đũa của những người đã góp công sức xây dựng công trình này, trong đó có sinh viên Bách khoa khóa đầu tiên!
Tất cả sinh viên đều học hành chăm chỉ, thường thức khuya học bài, “xào bài”, làm bài tập. Do hoàn cảnh thời kỳ ấy, việc đào tạo khóa này có điểm đặc biệt là: Khóa I của chúng tôi vì thiếu thầy dạy nên không thể học hết chương trình của cả khóa mà phải kết thúc khóa học sớm. Sau khi học xong năm thứ ba, phần lớn sinh viên lấy bằng tốt nghiệp và ra đi làm, một số ít hơn được chọn cho đi học tiếp ở nước ngoài, chủ yếu là Liên Xô, để học hết chương trình của khóa học và để có đủ trình độ giảng dạy cho sinh viên các khóa sau. Tôi may mắn rơi vào “số ít hơn” đó[5]. Năm 1959, SV Bùi Vạn Trân được cử đi học tại Liên Xô.
Đoàn đi du học có 90 sinh viên, khi sang đến Liên Xô được phân chia về các trường, 13 người về trường Đại học Xây dựng Moskva (MIXI) và học những ngành khác nhau, trong đó Bùi Vạn Trân học ngành xây dựng[6]. Năm học đầu tiên (1959-1960), tất cả được học tiếng Nga, hai năm tiếp theo (1960-1962) học bổ sung những môn chưa học ở trong nước.
Bằng đại học cấp cho sinh viên Bùi Vạn Trân ở Liên Xô, 1962
Trước khi đi du học, các sinh viên Việt Nam đã được học tiếng Nga, nhưng sang Liên Xô họ được học tập trung với giáo viên người bản địa, mỗi lớp chỉ 5-6 sinh viên. Cô giáo của Bùi Vạn Trân tên là Nina Sergeevna Prudnikova, cô cho từng sinh viên nghe lại băng ghi âm giọng nói của chính mình để điều chỉnh phát âm cho đúng. Kể về học tiếng Nga, PGS Bùi Vạn Trân nhận xét: Tôi đã học tiếng Pháp, tiếng Anh, thấy tiếng Nga là khó nhất[7]. Cho nên, đến khi vào học chuyên môn, dù trình độ tiếng Nga đã khá lên nhiều nhưng ông thừa nhận rằng vẫn chỉ nghe hiểu được khoảng 60-70% bài giảng trên lớp. Sinh viên các nước khác nhau được bố trí ở cùng phòng với nhau. Mức học bổng mỗi tháng cho sinh viên Việt Nam là 50 rúp (thời đó mỗi rúp tương đương với 1 đô la Mỹ). Cuộc sống được bảo đảm, không phải lo cơm áo, gạo tiền, nên thời gian rảnh Bùi Vạn Trân thường vào thư viện của trường hoặc tới thư viện trung ương đọc sách để bổ túc kiến thức.
Kỳ nghỉ hè năm 1960, nhờ có chương trình do Đoàn thanh niên Comsomol Moskva tổ chức, sinh viên được đi du lịch bằng tàu hỏa dọc theo bờ biển Hắc Hải. Tại bãi biển ở Sochi, Bùi Vạn Trân suýt bị chết đuối: Cách bờ biển hơn 100m có cái đập chắn sóng và các sinh viên khác đã bơi ra đấy trước. Tôi bơi không giỏi nên phải vịn vai một người bạn Liên Xô để bơi ra sau. Bơi được một đoạn thì cả hai cùng đuối sức và chới với, may là các bạn đang đứng trên đập chắn sóng trông thấy và kịp thời bơi vào dìu tôi, còn anh bạn kia bơi một mình được. Đến chiều, tôi bị phạt, không được ra biển bơi nữa[8]. Sau chuyến này, trong chuyến tiếp theo đến thành phố Leningrad, anh được tham quan cung điện Mùa Đông, được biết thế nào là “đêm trắng”, xem chiến hạm Rạng Đông lịch sử, thăm cung điện Ekaterina lừng danh và cung điện Petrovski tráng lệ, thậm chí còn tận mắt thấy “lều cỏ” của Lênin và tham dự một buổi sinh hoạt trại hè của thiếu nhi Liên Xô trên bờ vịnh Phần Lan. Đôi khi sinh viên cũng đi tham gia lao động, nhổ khoai tây hoặc thu hoạch cà chua. Phó giáo sư Bùi Vạn Trân nhớ lại một kỷ niệm vui: Trong một lần đi lao động xã hội chủ nghĩa, khi thấy có bà cụ mang thùng sữa tươi đến bán, một anh bạn người Việt Nam đã nghịch ngợm lấy thước tính logarit chọc xuống thùng sữa rồi kéo qua kéo lại mấy lần ra vẻ như đang tính toán, sau đó nói đùa rằng: Sữa của bà có 50% là nước lã!, làm cho bà lão tưởng thật nên đã nói nhỏ với anh chàng sinh viên này về sự thật: Tôi có pha một ít[9].
Năm 1961, Bác Hồ sang dự Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam triệu tập toàn thể lưu học sinh Việt Nam tại Moskva tới hội trường của trường Đại học Tổng hợp Lomonosov để nghe Bác nói chuyện. Bác nhắc nhở: Các cô, các chú, các cháu ở đây chỉ có học, học và học để về góp phần xây dựng đất nước, hãy khoan nghĩ đến chuyện luyến ái! ". Bác nói rất kỹ, rất chi tiết về vấn đề này, thậm chí sau khi Bác ra về, ông Nguyễn Chí Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị) còn tiếp tục quán triệt sinh viên phải cố gắng tự “đấu tranh tư tưởng” để thực hiện lời dặn đó của Bác". Trên thực tế, việc thực hiện không đơn giản: Mỗi người chúng tôi cố gắng tự đấu tranh để thực hiện lời dặn dò này của Bác ở nhiều mức độ khác nhau. Có vài người không tự đấu tranh được, tức là thực hiện ở mức 0%, số đông hơn một chút thì ở mức 50-60%, còn lại hầu hết là tự đấu tranh được, thực hiện được ở mức 100%. Tôi đã may mắn rơi vào số sau cùng này. Làm được như vậy không phải dễ dàng gì, phải tự đấu tranh cực kỳ căng thẳng[10]. Sinh viên Bùi Vạn Trân đã làm bài thơ “Tôi, một con người” để tự động viên mình. Bài thơ dài 114 câu, là những “lý lẽ” thuyết phục trái tim phải làm theo lý trí trong vấn đề “luyến ái”. Đoạn cuối của bài thơ ấy có những câu:
Tim ơi tim,
Anh vẫn yêu em vô cùng thắm thiết
Nhưng không thể nào làm theo lời em mách.
Em hãy ráng chờ,
Sẽ đến với em một mối tình trinh bạch,
Mối tình đầu,
Đẹp hơn cả Nàng Thơ!
Ở Liên Xô, sinh viên đại học được đào tạo 5 năm, riêng hai ngành y và kiến trúc là 6 năm. Trước khi thi học kỳ vào năm học thứ hai, thầy Pasternak – Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, giảng viên môn kết cấu bê tông cốt thép, đã nói với lớp Bùi Vạn Trân rằng: Bản thân tôi hồi còn là sinh viên, việc thức trắng đêm để học, sáng ra đánh răng rửa mặt sau đó vội ăn sáng rồi đi thi là chuyện bình thường[11]. Theo gương thầy, trong lần ôn thi một môn học khó, ngay sau các bữa tối Bùi Vạn Trân và các bạn đã lao vào học, đọc sách, tìm hiểu tài liệu, người hiểu bài giảng lại cho người chưa hiểu. Khi thấy mệt quá thì ra ngoài đi bộ giữa trời tuyết rơi để lấy lại sự tỉnh táo rồi về học tiếp cho đến sáng.
Sau khi học xong một năm tiếng Nga và hai năm chuyên môn, sinh viên đi thực tập tốt nghiệp, Bùi Vạn Trân thực tập tại Viện Thiết kế Moskva. Do từ trước đã xác định sẽ làm luận văn tốt nghiệp về kết cấu bê tông cốt thép, nên anh chú ý sưu tầm tại đây những tư liệu liên quan đến đề tài của mình. Trong quá trình thực hiện luận văn với đề tài “Xây dựng cung thể thao bằng mái vòm bê tông cốt thép”, theo hướng dẫn của thầy Konstantin Konstantinovich Antonov, việc tính số liệu phải thực hiện bằng thước tính logarit và vẽ bằng thước hình chữ T, hoặc sử dụng thước căng trên những sợi dây bằng nhựa cố định để vẽ những đường song song, dùng êke để kẻ những đường vuông góc, dùng thước đo độ để kẻ những góc bất kỳ. Chính vì vậy, việc tính toán và thể hiện ý tưởng thiết kế trên giấy chiếm khá nhiều thời gian. Sau 3 tháng, luận văn hoàn thành. Phó giáo sư Bùi Vạn Trân vẫn nhớ buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp hồi đó: Hội đồng gồm 7 người, có người là thầy giáo trong trường, có người hoạt động khoa học bên ngoài. Trên tường phía trước mặt các thầy, treo khoảng 20 bản vẽ bằng bút chì trên giấy khổ A1: một số bản thể hiện nội dung thiết kế công trình, một số thể hiện nội dung tổ chức thi công công trình. Sau khi tôi trình bày khoảng mươi phút, các thành viên hội đồng hỏi và tôi trả lời. Sau đó các thành viên cho điểm bằng phiếu kín, thư ký hội đồng tổng kết và công bố điểm[12]. Luận văn được các thầy cho điểm tuyệt đối (5/5), khiến Bùi Vạn Trân vui mừng và cảm thấy nhẹ người như đã đưa được một gánh nặng tới đích thành công.
Tấm bằng tốt nghiệp đại học là kết quả của quá trình phấn đấu đầy quyết tâm và nhiệt huyết của chàng sinh viên Bùi Vạn Trân ở cả hai trường đại học, ở cả Việt Nam và Liên Xô. Bởi vậy, trong nhiều buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông tiếc nuối bởi không tìm thấy kỷ vật có ý nghĩa tinh thần rất đáng trân trọng này. Bẵng đi một thời gian, khi dọn dẹp nhà cửa, phát hiện tấm bằng được cất cẩn thận trong một chiếc cặp, ông đã tặng cho Trung tâm và hy vọng nó sẽ có ích đối với hoạt động của Trung tâm.
Nguyễn Thị Phương Thúy
___________________________
*PGS.TS Bùi Vạn Trân, chuyên ngành Xây dựng, nguyên Tổ trưởng bộ môn Vật lý kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[1]Thời kỳ này hệ thống giáo dục phổ thông theo chương trình 9 năm.
[2]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 8-8-2017.
[3]Bài này về sau được in trong tập thơ Quê hương, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1998.
[4]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 8-8-2017.
[5]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 8-8-2017.
[6]Học về xây dựng công nghiệp và dân dụng gồm: Nguyễn Văn Đạt, Lê Ất Hợi, Ngô Văn Quỳ, Võ Văn Thảo, Trương Tùng, Bùi Vạn Trân và Nguyễn Văn Yên; học thủy lợi: Đỗ Văn Chiêu, Phan Hoàng Mạnh và Lê Phu; học ngành cấp thoát nước: Lê Bá Phong; học ngành xây dựng đô thị: Nguyễn Phụng Võ; học kỹ thuật thông gió và điều hòa không khí: Trần Ngọc Chấn.
[7]Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Bùi Vạn Trân, 29-1-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8]Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Bùi Vạn Trân, 29-1- 2016, đã dẫn.
[9]Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Bùi Vạn Trân, 29-1- 2016, đã dẫn.
[10]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 8-8-2017.
[11]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 8-8-2017.
[12]Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua mail cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 3-11-2017.