Cuốn sổ kế hoạch công việc

Được GS Nguyễn Ngọc Lanh dành nhiều thời gian diễn giải và kể lại những chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi mới biết nhiều điều thú vị về cuốn sổ cũ kỹ và xấu xí này. Một cuốn sổ xộc xệch, giấy bị ố vàng, ngay tờ đầu đã quăn và rách cả 4 góc. Tất cả có 74 trang, khổ 15,5cm x 22cm, vốn là những tờ rời của mẫu sổ theo dõi bài giảng mà bộ môn Sinh lý bệnh đã loại bỏ, được đóng ghép lại bằng chỉ. Tờ gọi là "bìa" cũng chỉ là giấy như bên trong, nhưng có kẻ khung ngay ngắn và ghi vào đó mấy chữ: Nguyễn Ngọc Lanh S.L.B (viết tắt từ “sinh lý bệnh”). Mở sổ ra, đây là một hình thức lịch công việc, nhắc việc, ghi chi tiết những việc phải làm. Những dòng kẻ ngang và dọc – đều không dùng thước, tạo thành các ô để ghi từng công việc theo ngày (trong tuần) và theo buổi (trong ngày). Bắt đầu ghi ngày 15-5-1961 và ngày cuối sổ là 25-3-1962; không bỏ trống tuần nào, ngày nào.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh cho biết, tháng 10-1960 ông tốt nghiệp trường Đại học Y dược khoa Hà Nội và được giữ lại làm giảng viên tại bộ môn Sinh lý bệnh. Đây là một trong những môn lý luận của y học, đòi hỏi tư duy logic, nhưng khá phù hợp với ông, vì ông học giỏi toán, có trí nhớ tốt và khả năng tư duy logic. Công việc rất nhiều, có những việc được phân công, có nhiều việc tự đặt ra, nào là dịch tài liệu, chuẩn bị giáo án, đi bệnh viện, phụ đạo cho sinh viên, sinh hoạt câu lạc bộ, công tác thanh niên, chỉnh huấn… Vậy làm sao để không quên việc? Bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Lanh nảy ra ý tưởng lập cuốn sổ ghi công việc cần làm theo từng ngày, tuần, tháng, để biết sẽ phải làm những việc gì và kiểm tra xem đã làm được gì, còn việc nào chưa làm được. Các ngày trong mỗi tuần được thể hiện bằng những cột dọc, có đánh số từ thứ hai đến thứ bảy, ứng với 6 ngày làm việc trong tuần. Còn công việc trong từng ngày được ghi theo các đường kẻ ngang. Rõ ràng, đây là cuốn sổ riêng, cho thấy chủ nhân của nó rất bận, ham việc và tự giác làm việc. Chủ nhật tuy là ngày nghỉ nhưng BS Lanh vẫn hay làm việc và cũng có khi còn đánh giá công việc cả trong ngày này, ví dụ như tuần từ mồng 5 đến 11-6-1961, ông tự nhận xét: Sử dụng ngày chủ nhật tốt (dịch – ngủ) (tr. 8). Vì viết cho riêng mình, nên ông thường viết vội, viết vắn tắt, lại có những thuật ngữ nghề nghiệp như “mổ sạch”, “mổ bẩn”…, khiến cho người khác đọc cuốn sổ này không dễ mà hiểu được.

Môn học bao gồm phần lý thuyết và phần thực hành (thực tập). Mỗi tuần BS Lanh có ít nhất một buổi giảng thực tập cho sinh viên tại bộ môn. Đây là bài dùng các thí nghiệm (dùng súc vật) để minh họa bài lý thuyết mà sinh viên đã học trước đó ở giảng đường. Ngoài ra, ông cũng dùng súc vật để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Từng việc được ghi cụ thể theo từng ngày, như: Thứ 6, ngày 19-5-1961 mổ sạch (tr. 3), hay Thứ 5, ngày 2-6-1961 giảng thí nghiệm ở chó, mổ ruột (tr. 6). Sau khi mổ, nếu con vật được nuôi để theo dõi tiếp, ông ghi là "mổ sạch" – giống như mổ cho bệnh nhân ở bệnh viện. Ngược lại, "mổ bẩn" là không cần vô trùng, con vật sau thí nghiệm không cần nuôi nữa. Ông cho biết, lần đầu tiên giảng bài thực hành cho sinh viên, ông thấy không khó, bởi từ thời còn là sinh viên năm thứ ba, thứ tư ông đã được phụ mổ cho bệnh nhân đau ruột thừa và một số bệnh khác.

Bước cao hơn, ông và các đồng nghiệp cùng khóa cần nâng cao trình độ để được giảng lý thuyết. Đây là việc rất khó ở bộ môn Sinh lý bệnh, vì những quy định của thầy Vũ Triệu An[1], bậc đàn anh của ông và là Chủ nhiệm bộ môn. Trong cuốn sổ này, ở trang 33 ông viết: Giảng dạy thông qua giáo án, chuẩn bị kỹ bài Máu, có giảng thử, thí giảng (tranh thủ xin ý kiến thầy An). Để được giảng, theo BS Vũ Triệu An quy định, phải đọc thêm sách báo ngoại ngữ và tự trình bày kiến thức mới, gọi là "điểm báo" – làm hàng tuần, để bổ sung kiến thức cho nhau trong bộ môn. Tiếp đó, phải tự soạn kế hoạch giảng (soạn giáo án), nếu được thông qua, tác giả giáo án sẽ "giảng thử" trước đồng nghiệp tại bộ môn. Khi được phép "giảng thật" trước sinh viên, thầy An và các đồng nghiệp tới tận lớp để nghe và nhận xét. Chính cuốn sổ này là cách để BS Lanh nhanh nhất đạt tới trình độ "được phép giảng lý thuyết". Ông xin giảng bài Sinh lý bệnh tạo máu (ghi vắn tắt là “bài Máu”), vì ông đang theo đuổi nghiên cứu đề tài về thiếu máu. Kể về cách thức quản lý chuyên môn của Chủ nhiệm bộ môn Vũ Triệu An, GS Lanh chia sẻ: Thầy Vũ Triệu An không cho tôi con cá, mà cho tôi cái cần câu và chỉ cho tôi chỗ có cá để câu. Công giúp đỡ ấy rất to lớn[2].

Lần đầu tiên BS Lanh đứng giảng cho sinh viên năm thứ ba, lớp có hơn một nửa là con em thuộc tầng lớp công nông, vào trường năm 1959 và 1960. Đọc trong cuốn sổ, thấy ghi ở trang thứ ba: Kiểm thảo?, đó là việc của sáng thứ ba, 16-5-1961. Ông bị “kiểm thảo”, tức là phải viết bản tự kiểm điểm, nhận lỗi. GS Lanh giải thích về tình huống khi đó cũng như bản lĩnh và sự trung thực của ông: Tôi sẵn sàng phụ đạo sinh viên ở mức "quên mình" và không tiếc thời gian, nhưng khi chấm bài, tôi đánh giá đúng giá trị bài thi. Tôi cho bài thi của một sinh viên đã là Đảng viên và kinh qua lửa đạn 1 điểm (thang điểm 10). Nếu tôi chấp nhận sửa điểm 1 thành điểm 5 là xong chuyện. Nhưng tôi kiên quyết không sửa, lại còn ngang bướng nói: “Tôi sẵn sàng bỏ công sức và thời gian phụ đạo để đồng chí này đủ học lực cần thiết, qua kỳ thi một cách xứng đáng”… Chỉ cần thế là đủ để tôi phải viết kiểm thảo[3].

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh không cho phép mình học thuộc để giảng như một cái máy, nên ông tự học, tự đọc để tích lũy thêm tri thức mới, sao cho trình độ của mình cao hơn sinh viên “một cái đầu”. Ông cũng tự học kỹ năng sư phạm để nâng cao chất lượng giảng dạy. Sau gần một năm đứng lớp, ông đã chững chạc, tự tin và bài giảng của ông có chất lượng tốt hơn. Điều đó được ông ghi ngắn gọn một câu: Tháng 9-1961, giảng dạy được sinh viên nhận xét tốt (tr. 35). Tuy đang trẻ trung, nhưng vì mải chuyên tâm vào công việc, dường như BS Lanh không mấy quan tâm đến việc chăm chút hình ảnh của bản thân, như ông bộc bạch: Tôi thậm chí không có thời gian chăm sóc bản thân, quần áo bục chỉ, tóc quá ngày cắt là chuyện rất bình thường. Hồi đó, một nữ sinh viên thấy tôi mặc chiếc áo mất cúc phải gài kim băng khi lên bục giảng, nên hôm sau cô ấy mang kim chỉ đi và xin phép đơm lại cúc áo cho tôi[4].

Ngoài những giờ giảng chính, BS Nguyễn Ngọc Lanh còn sắp xếp thời gian để phụ đạo cho sinh viên, thường vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều tuần, lịch phụ đạo của ông dày đặc. Trong lịch tuần từ ngày 15 đến 21-5-1961 có ghi: chuẩn bị phụ đạo, đọc phụ đạo, phụ đạo… (tr. 2), và ngay ở bên dưới ông nêu ra cụ thể hơn: phụ đạo cho sinh viên Y2, nội dung phụ đạo là các bài sinh lý bệnh về sự chuyển hóa: nước, muối, đường, đạm (tr. 2). Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh cho biết, việc phụ đạo là giải đáp thắc mắc, nhưng nhiều khi đơn thuần là giảng lại cho những sinh viên chưa hiểu bài, để họ nắm được bài đã học ở lớp, đó là những sinh viên học yếu và hầu hết họ hơn thầy cả chục tuổi. Thế cũng hay, vì chẳng cần qua "thí giảng" mà ông nghiễm nhiên được giảng lý thuyết. Qua những buổi phụ đạo, ông giúp cho những sinh viên này củng cố kiến thức và theo kịp các bạn học khá trong lớp.

Ghi chép trong cuốn sổ của BS Nguyễn Ngọc Lanh (1961-1962)

Đầu những năm 60, Bộ Y tế thành lập 6 trường Bổ túc văn hóa cấp III (lớp 8, 9 và 10) tại Hà Nội. Trong đó, trường lớn nhất đặt cơ sở tại trường Đại học Y, gồm có 6 lớp: hai lớp 8, hai lớp 9 và hai lớp 10, học theo chương trình do Vụ Huấn luyện của Bộ Y tế xây dựng, gồm 4 môn: toán, lý, hóa, sinh. Có đông học viên muốn học bổ túc tại đây, vì lớp học khang trang, giảng viên chọn lọc, người học hi vọng khả năng thi đỗ vào Đại học Y sẽ cao. Trong 6 năm thời sinh viên BS Lanh đã làm việc này, nên ông được Bộ đề cử làm Hiệu trưởng. Ngoài công việc chuyên môn, tối thứ hai và thứ năm hàng tuần ông cũng lên lớp dạy bổ túc đều đặn. Ông cho biết, phải trực tiếp dạy như vậy mới đánh giá được trình độ thật của học viên và đánh giá được trình độ của các thầy, để chọn lựa.

Có thời gian, các buổi sáng, BS Nguyễn Ngọc Lanh đến Bệnh viện Bạch Mai, ông được phân công điều trị ở khoa A3 (bệnh về máu). Ông không chỉ khám, ghi bệnh án, chỉ định xét nghiệm và thuốc, mà còn hướng dẫn sinh viên năm thứ ba tập phát hiện các triệu chứng ở người bệnh (môn Triệu chứng học). Đây là chủ trương của thầy An: Dạy sinh lý bệnh phải có thực tế lâm sàng. Khoa A3 cũng là nơi cung cấp đối tượng nghiên cứu phù hợp với đề tài của BS Lanh.

Để có "nhóm chứng" trong nghiên cứu người bệnh, cần có đối tượng khỏe mạnh (bình thường) để so sánh. BS Lanh đã tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CHDC Đức (quen gọi là Bệnh viện Phủ Doãn), nơi có nhiều người hiến máu. Ông cần những người đã được khám toàn diện, có đủ sức khỏe, đủ tiêu chuẩn và lần đầu cho máu. Ngoài ra, ông tới cả hợp tác xã để lấy mẫu máu của những người lao động ngoài đời thường. Điều này thể hiện trong cuốn sổ ghi công việc, ví dụ tháng 11-1961 có 4 việc: 1- Chuẩn bị tài liệu về máu, tổng kết hằng số máu chó và máu người; 2- Máu hợp tác xã, tự nhận định kế hoạch, xét nghiệm; 3- Làm máu thêm cho 100 người nữa; 4- Liên lạc Phủ Doãn về xét nghiệm máu (tr. 17). Kết quả là tại hội nghị khoa học toàn miền Bắc về chỉ số huyết học bình thường của người Việt Nam, ông trình bày nghiên cứu đầu tiên của mình về "huyết học người bình thường" gồm hàng chục chỉ số: số hồng cầu, khối % hồng cầu, số bạch cầu, tiểu cầu, đường kính hồng cầu, lượng hemoglobin (Hb)… Điều BS Lanh áy náy là vì sao số lượng hồng cầu không phù hợp với khối hồng cầu, đường kính hồng cầu và lượng hemoglobin, khiến ông tìm cách định lượng chất hemoglobin bằng nhiều phương pháp, trong đó phương pháp đo khả năng hấp thụ oxy nói lên chất lượng chất này. Kết quả nghiên cứu đã giúp ông công bố một số bài viết như: “Định lượng Hb người Việt Nam bằng phương pháp đo khả năng hấp thụ oxy của máu” (kỷ yếu Công trình Đại học Y Hà Nội, 1963); “Đường kính hồng cầu người Việt Nam” (tạp chí Nội khoa, số 2-1963).

Mặc dù thời gian rất eo hẹp, nhưng BS Nguyễn Ngọc Lanh vẫn dành thời gian tự học ngoại ngữ. Tiếng Pháp đã được học từ thuở tiểu học, tạm đủ để ông đọc sách chuyên môn y học, hồi mới ra trường ông theo phong trào học tiếng Nga, vì sách Nga rất sẵn. Trong cuốn sổ kế hoạch làm việc của mình, ông lên lịch học theo giờ, ngày, tuần; thường là học ngoài giờ làm việc, trước giờ ăn sáng hoặc trong giờ nghỉ trưa. Trong kế hoạch tuần từ ngày 15 đến 21-5-1961, các buổi sáng đều bắt đầu bằng chữ "dịch", mặc dù dịch tài liệu không phải công việc bắt buộc, như ông chia sẻ: đây là việc tôi tự làm, thích làm, chẳng ai bắt, và chẳng ra tiền[5]. Bác sĩ Lanh đặt ra mục tiêu nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ là để cập nhật và bổ sung kiến thức chuyên ngành từ tài liệu nước ngoài. Trong hai năm (1961-1962), ông dành hầu như tất cả thời gian đầu giờ sáng và cuối giờ chiều để đọc, dịch ngoại ngữ. Ở trang 59 trong cuốn sổ, ông đặt ra kế hoạch: Tháng 9-1962, tăng cường hơn nữa: đi bệnh viện (học thêm tiếng Nga); buổi sáng (tiếng Anh); Các buổi chiều, tối (tiếng Nga). Về việc học tiếng Nga, khi chưa có từ điển, BS Lanh có thói quen ghi lại những từ khó hiểu (cả câu), sau nhiều lần gặp lại từ đó, ông sẽ so sánh nghĩa của từ, nhờ vậy sẽ nhớ được lâu và hiểu nghĩa sâu hơn. Ông áp dụng theo tấm gương học tiếng Nga của các bạn cùng khóa như Nguyễn Đức Phúc, Đỗ Đình Hồ, Huỳnh Thúc Quỵ: dùng quyển sổ nhỏ bằng bao diêm ghi các từ, để có thể ôn mọi lúc, mọi nơi: trên tàu điện, giờ giải lao, lúc nghe các báo cáo nhàm chán… Sau vài năm ông đã đọc và dịch tốt tài liệu y học bằng tiếng Nga, nhưng nói và nghe còn kém.

Bác sĩ Lanh có viết ở trang 13 trong cuốn sổ: Ngày 2-7-1961: Một giai đoạn mới trong đời tôi. Bước vào Chỉnh huấn. Theo ông kể lại, thời gian này ông làm Bí thư chi đoàn khối khoa học cơ sở trường Đại học Y Hà Nội, ông luôn băn khoăn có nên vào Đảng hay không. Cụ thân sinh Nguyễn Văn Lợi thì khuyên: Con cứ làm một nhà chuyên môn giỏi, cống hiến cho dân, cho nước. Gia đình, dòng họ mình không làm quan, chỉ theo đuổi học vấn[6]. Tuy nhiên, nhiều người phân tích cho ông hiểu, phấn đấu về chuyên môn thôi chưa đủ, cần phải vào Đảng để khẳng định mình. Sau khi suy nghĩ, ông quyết định xin vào Đảng. Hai năm sau, cũng tháng 7, ông được kết nạp vào Đảng.

Hai năm đầu tiên ra công tác sau khi tốt nghiệp đại học, BS Nguyễn Ngọc Lanh đã nỗ lực không ngừng nghỉ, say mê công việc và trưởng thành về mọi mặt. Cuốn sổ ghi kế hoạch công việc đã lưu lại những việc ông làm trong thời gian ấy, cho thấy ông bận rộn hàng ngày, có mặt ở nhiều nơi, tham gia vào nhiều hoạt động và luôn có ý chí vươn lên. Cuốn sổ này có tác dụng giúp ông hoàn thành mọi công việc, dù là nhiệm vụ được giao hay tự đặt ra để thực hiện. GS Nguyễn Ngọc Lanh chia sẻ: Có lẽ tôi là người đầu tiên trong số giảng viên trẻ của Đại học Y Hà Nội có kế hoạch làm việc chi tiết từng ngày, từng tuần, từng tháng. Sau quyển sổ này, tôi vẫn tiếp tục thói quen lập sổ như vậy, hoàn toàn không để khoe ai, trình cho ai nhằm kiếm danh hiệu thi đua nào hết[7].

Hoàng Thị Liêm – Tạ Thị Anh

 

___________________________________

* GS Nguyễn Ngọc Lanh, chuyên ngành Y học, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, trường ĐH Y Hà Nội.

[1]BS Vũ Triệu An sau trở thành Giáo sư, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch – Sinh lý bệnh, trường ĐH Y Hà Nội.

[2]Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Lanh, 10-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3]Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Lanh, 1-8-2012, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4][5]Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Lanh, 10-6-2017, đã dẫn.

[6]Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Lanh, 1-8-2012, đã dẫn.

[7]Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS Nguyễn Ngọc Lanh, 10-6-2017, đã dẫn.