Bản thảo bài viết cuối cùng

Bản thảo có nhan đề “Quyền trẻ em và công tác giáo dục”, gồm 9 trang, do GS Hà Thế Ngữ viết trên giấy khổ A4 kẻ ô li, viết bằng mực bút máy Cửu Long – loại mực phổ biến trong những năm 80 của thế kỷ XX. Mặc dù bản thảo được lưu giữ cẩn thận, nhưng không tránh khỏi bị ố vàng, quăn mép. Nếu chỉ nhìn qua, nó cũng giống như bao bản thảo bài viết khác của ông, vẫn nét chữ ấy, nhưng bản thảo này được gạch xóa, sửa chữa khá nhiều, do đó có nhiều màu mực nhất.

Liên quan đến chủ đề bài viết này là một loạt sự kiện trên thế giới và trong nước. Năm 1924, tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), Hiệp hội quốc tế Cứu trợ trẻ em đã thông qua Tuyên ngôn về các quyền trẻ em. Sau đó 35 năm, ngày 20/11/1959, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn mới về các quyền trẻ em, gồm 10 nguyên tắc lớn. Đến ngày 20/11/1989, tại New York (Hoa Kỳ), Liên hợp quốc công bố Công ước về quyền trẻ em. Việt Nam là nước thứ hai tham gia ký công ước này, ngay trong ngày đầu tiên Công ước được mở cho các nước ký kết (26/1/1990), và là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước. Thêm nữa, năm 1990 đã được lấy là Năm thiếu nhi Việt Nam. Cũng trong năm đó, Hội nghị quốc tế về giáo dục cho mọi người họp tại Thái Lan trong 5 ngày (từ ngày 5 đến 9 tháng 3) đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người – trẻ em, thanh niên và người lớn.

Các sự kiện điểm qua trên đây là bối cảnh đã thúc đẩy nghiên cứu về quyền trẻ em trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học giáo dục, các nhà quản lý và những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này. GS Hà Thế Ngữ cũng không đứng ngoài xu thế chung đó. Là người quan tâm đến trẻ em, một trong những đối tượng của giáo dục học, ông đã có những bài viết đáng chú ý trên Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, như: “Một vài đặc điểm của quá trình giáo dục trẻ mẫu giáo” (số 3/1983), “Bác Hồ và cách dạy trẻ” (số 5/1985)…

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, GS Hà Thế Ngữ cho rằng, nếu khoa học giáo dục đi theo hướng của Liên Xô thì không đủ, phải cập nhật cả những yếu tố mới từ phương Tây. Do đó, ông bắt đầu đọc một loạt sách về giáo dục phương Tây, do một người em cũng là giáo sư về khoa học giáo dục ở Pháp gửi về, đồng thời ông tìm hiểu, theo dõi và giới thiệu với bạn đọc những thành tựu giáo dục của các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh… Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, với yêu cầu đổi mới toàn diện, GS Hà Thế Ngữ miệt mài tổng thuật những vấn đề quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục, như đổi mới tư duy giáo dục, định hướng cơ bản cho giáo dục và chiến lược giáo dục…

Theo Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, trẻ em là người dưới 18 tuổi. Ở Việt Nam, trẻ em được người lớn yêu thương, quan tâm và chia sẻ, đó là nếp sống cổ truyền và là tập quán ứng xử mang tính đạo lý. Nhưng với sự ra đời của Công ước, điều này được khẳng định bằng “quyền” và phải được thực hiện trên cơ sở “quyền”. Lần đầu tiên, khái niệm “quyền trẻ em” được đưa vào lĩnh vực giáo dục.

Trong nghiên cứu của mình, GS Hà Thế Ngữ chú ý đến mối liên hệ giữa quyền trẻ em và công tác giáo dục, ông đưa mối liên hệ này trở thành một đối tượng nghiên cứu của giáo dục học. Đây là một tư tưởng hiện đại, thậm chí có người coi là mầm mống của dân chủ trong trường học[1]. Trong hoàn cảnh ở xã hội ta trước đây còn chưa đề cập đến nhân quyền và việc thực hiện dân chủ cũng còn hạn chế, GS Hà Thế Ngữ không e ngại. Tháng 9/1990, khi viết bài “Quyền trẻ em và công tác giáo dục” mà bản thảo đó đang được kể ở đây, ông thẳng thắn khẳng định: Một nền giáo dục dân chủ và nhân đạo, tiến bộ và hiện đại nhất thiết phải hướng toàn bộ hoạt động của mình vào con người: phục vụ cá nhân, phục vụ xã hội, phục vụ dân tộc, phục vụ loài người, phải lấy hạnh phúc ngày nay và ngày mai của thế hệ trẻ làm cứu cánh, trong đó có việc quan trọng là bảo đảm thực hiện đầy đủ các phúc lợi và các tự do căn bản và chính đáng của trẻ em được thể hiện ở các quyền quy định trong Công ước. Điều thứ 28 và 29 trong Công ước khẳng định: trẻ em có quyền học hành và tiếp thu một nền giáo dục tiến bộ. Từ các quyền của trẻ em, GS Hà Thế Ngữ khi viết bài này đã vận dụng linh hoạt vào nhìn nhận công tác giáo dục ở Việt Nam. Tại thời điểm những năm 90 ấy, Việt Nam đang xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ và nhân dân. Theo đó, công tác giáo dục của nhà trường, của gia đình và của xã hội cần thực hiện mục tiêu trẻ em được học hành và được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp. Ông quan niệm, ngành giáo dục và toàn xã hội phải nỗ lực phấn đấu với hàng loạt công việc quan trọng: thanh toán nạn mù chữ và phổ cập giáo dục theo từng trình độ học vấn phổ thông; xem xét một cách nghiêm túc phương pháp giảng dạy và giáo dục, cách thức tổ chức các hoạt động của trẻ em; nghiêm cấm các hành động làm tổn thương thể xác và tâm hồn của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi, phát hiện, nêu sáng kiến… Bên cạnh đó, GS Hà Thế Ngữ cho rằng, ngành giáo dục phải rà soát lại và sửa đổi nội dung các chương trình, tài liệu giảng dạy. Làm được như vậy, công tác giáo dục toàn diện sẽ đem lại càng nhiều hơn tính chất nhân văn và dân chủ cho nhà trường.

Một trang bản thảo bài viết "Quyền trẻ em và công tác giáo dục" của GS.TS Hà Thế Ngữ

Là một nhà sư phạm, GS Hà Thế Ngữ đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức đạo đức và ý thức pháp luật của nhà sư phạm đối với các quyền cơ bản của trẻ em. Theo ông, người giáo viên cần thấm nhuần ý nghĩa nhân văn và giá trị pháp lý của những điều quy định trong Công ước, đồng thời cần tuyên truyền để những điều đó được thực hiện trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Kể về chồng mình, bà Phạm Thị Diệu Vân, cũng là đồng nghiệp của GS Hà Thế Ngữ ở Viện Khoa học giáo dục, cho chúng tôi hay: Mỗi khi viết bài, ông Ngữ chỉn chu và cẩn thận. Đặc biệt, kể từ sau khi đi học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1977-1979), ông viết càng công phu và do đó mất nhiều thời gian hơn, nhất là với những bài mang tính chất lý thuyết và tổng thuật[2]. Điều đó lý giải tại sao trong bản thảo bài “Quyền trẻ em và công tác giáo dục”, số chữ không bị xóa đi chữa lại chỉ thấy rất ít, nhiều ý được gạch bỏ rồi sửa lại bằng màu mực khác… Ông không cho phép ngòi bút của mình dễ dãi, cho nên ông đã sửa chữa từ tiêu đề cho đến từng câu, từng chữ, từng ý trong nội dung. Qua bản thảo này đủ thấy GS Hà Thế Ngữ là một nhà khoa học cẩn thận, nghiêm túc, vì thế ông mới kiên nhẫn suy nghĩ, viết, sửa, bổ sung, cốt sao cho đúng, trung thực, mà lại không “va chạm” và có thể được bạn đọc chấp nhận.

Năm 1990, sức khỏe GS Hà Thế Ngữ kém dần. Ít ai biết rằng, trước kia, năm 1964 ông đã trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, phải mổ cắt gan để duy trì sự sống. Suốt mấy chục năm sau đó, ông kiên trì đọc, viết, khai mở những hướng nghiên cứu mới trong giáo dục học. Khoảng tháng 4/1990, sức khỏe của ông chuyển biến xấu rõ rệt, đặc biệt là hay bị chảy máu đường tiêu hóa do tổn thương động mạch chủ. Ông tự xác định: Giờ đây phải nghĩ đến ngày kết thúc, chặng đường của sự kết thúc, giai đoạn kết thúc. Phải quý từng ngày, từng giờ, để cống hiến một cách tốt nhất, đồng thời không làm ảnh hưởng xấu thêm đối với bệnh tình của gan. Tỉnh táo, sáng suốt, nghị lực và lạc quan[3]. Có lẽ ông tiên liệu quỹ thời gian còn không nhiều nữa, nên ông nghĩ đến chuyện phải bứt ra khỏi nhiều việc để tập trung vào việc lớn mà ông trăn trở và tâm đắc nhất: … từ bỏ tất cả những công tác quản lý: quản lý khoa học, quản lý đào tạo, quản lý đề tài, hội đồng bộ môn, từ bỏ việc tham dự các cuộc họp quản lý và chỉ đạo; từ bỏ việc hướng dẫn nghiên cứu sinh và các hội đồng chấm luận án, đành phải từ bỏ các hội nghị, các đợt khảo sát chủ đề, thậm chí từ chối các cuộc đi ra nước ngoài, để tập trung vào xây dựng và phát triển giáo dục học[4].

Vì cái “nghiệp” nghiên cứu khoa học giáo dục còn dở dang, nên cũng trong năm 1990, GS Hà Thế Ngữ nỗ lực chỉ đạo tổng kết về tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời ông chuẩn bị tham luận để tham gia cuộc Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức. Ông lặng lẽ làm việc và chống chọi với bệnh tật như chẳng có gì. Thời điểm này, bà Phạm Thị Diệu Vân đã nghỉ hưu, dành thời gian chăm lo cho gia đình. Nhiều lúc thấy ông mệt, bà khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn cố, vẫn làm việc, vẫn viết. Tính từ đầu năm 1990 đến tháng 9 năm ấy, ông đã có 5 bài viết về giáo dục học.

GS.TS Hà Thế Ngữ làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục, tháng 6-1977

GS Hà Thế Ngữ là tấm gương cho các học trò và đồng nghiệp, bởi ông không chỉ kiên định với tinh thần khoa học nghiêm túc, mà còn là một người liêm khiết và tiết kiệm. Ông luôn có một cuốn sổ công việc, cuối mỗi ngày ông ghi lại tỉ mỉ những việc đã xảy ra và đã làm được, ghi cả những tài liệu cần đọc. Ông thường tận dụng giấy một mặt và những tờ lịch để viết, kể cả khi giao việc cho đồng nghiệp hay học trò. Với bản thảo bài “Quyền trẻ em và công tác giáo dục”, ông dùng những mảnh giấy đã qua sử dụng để viết những ý bổ sung và những nội dung sửa chữa rồi dán vào. Trong cuộc sống đời thường, ông là người giản dị và hết mực yêu thương con trẻ. Khi chưa có cháu nội, ông thường ghé trường tiểu học Trung Tự (Đống Đa) để đón bé Hoa Tâm – con gái của đồng nghiệp Nguyễn Xuân Đàm[5], đưa về nhà mình khi gia đình cháu chưa đón kịp. Về sau, khi đã có cháu, ông dành trọn tình yêu thương cho cháu Hà Thế Phương, nhất là khi cha của cháu qua đời vì bạo bệnh. Ông viết trong sổ: Ông chỉ một mong ước lớn lao duy nhất: con (tức Hà Thế Phương) khỏe mạnh, khôn lớn, nên người và con luôn luôn hạnh phúc… Ông không muốn ai làm con khổ cả… Ông mong con được sống, không bao giờ phải sợ sệt, không bao giờ phải khúm núm, không bao giờ phải chịu đựng bất công… Thương con với cả đôi dòng lệ![6]. Bà Phạm Thị Diệu Vân kể rằng: Mỗi khi đi công tác nước ngoài về, một nửa vali của ông đựng quần áo mang theo và sách vở mua được, còn một nửa vali là quà cho cháu. Và rộng lớn hơn, như PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ: Các bài viết về giáo dục học, đặc biệt là bài Quyền trẻ em và công tác giáo dục, xuất phát từ tấm lòng thương yêu con người vô bờ bến, tấm lòng yêu con người một cách vô tư, hào hiệp và rộng lượng của GS Hà Thế Ngữ [7].

Ngay sau khi Công ước về quyền trẻ em được công bố, GS Hà Thế Ngữ bắt tay vào đọc, tìm hiểu và ghi chép về các quyền của trẻ em. Trong cuốn sổ năm 1990, ông đã chép lại 41 điều quy định các quyền của trẻ em[8]. Bài “Quyền trẻ em và công tác giáo dục” được ông viết từ tháng 4/1990, rồi qua quá trình chỉnh sửa và bổ sung, đến ngày 19/9/1990 mới hoàn thiện. Ngay buổi chiều hôm ấy, tại Viện Khoa học giáo dục, ông chuyển bản thảo viết tay của mình cho cô Hà – nhân viên đánh máy của Viện, để nhờ đánh máy giúp. Theo học trò của ông kể lại, mấy giờ trước khi ông đột ngột phải vào bệnh viện cấp cứu, ông vẫn làm việc bình thường và còn thông báo cho chúng tôi đến nhận các kế hoạch sẽ triển khai. Trên bàn, ông trải sẵn ra các phác thảo về những vấn đề mà ông đã nêu ra mấy ngày trước với các nhà quản lý của ngành, với đồng sự và các học trò của mình, trong buổi nghiệm thu đề tài “Dự báo giáo dục phổ thông” (thuộc chương trình cấp Nhà nước về giáo dục – đào tạo)[9] Đến ngày 29/9/1990, ông qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. GS Hà Thế Ngữ ra đi đã để lại khoảng trống cho khoa học giáo dục Việt Nam, khi mà những suy nghĩ của ông về các vấn đề giáo dục học đang thăng hoa.

Vào dịp 50 ngày sau khi GS Hà Thế Ngữ qua đời, học trò của ông và đồng nghiệp ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng với những người tham gia đề tài “Dự báo giáo dục phổ thông” đã cho ấn hành tập chuyên khảo có tựa đề Sự hình thành một chiến lược con người, trong đó tập hợp một số công trình của ông về giáo dục học, đổi mới tư duy giáo dục, xây dựng các quan điểm và giải pháp giáo dục. Sau bài viết “Quyền trẻ em và công tác giáo dục” của GS Hà Thế Ngữ, một loạt bài về quyền trẻ em gắn liền với các lĩnh vực y tế, giáo dục, trách nhiệm nhà trường và xã hội cũng lần lượt ra đời, của GS Trần Hồng Quân (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), GS Phạm Song (Bộ trưởng Bộ Y tế), GS Phạm Minh Hạc (Thứ trưởng Bộ Giáo dục), BS Nguyễn Khắc Viện…, tất cả được in thành một số chuyên đề của tạp chí Thông tin Khoa học giáo dục (số 24, năm 1991). Sau đó, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của cố GS Hà Thế Ngữ, năm 1999, Viện Khoa học giáo dục tuyển chọn một số bài viết của ông để in thành cuốn Giáo dục học, một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. Bài "Quyền trẻ em và công tác giáo dục" của GS Hà Thế Ngữ được in trong cả số tạp chí chuyên đề và cuốn tuyển tập vừa nói tới. Đó là một dấu chấm đẹp đẽ cho cuộc đời nghiên cứu và dành trọn cho giáo dục học Việt Nam của GS.TS Hà Thế Ngữ.

Nguyễn Thị Hiên

_____________________

* GS Hà Thế Ngữ (1929-1990), chuyên ngành Giáo dục học, sinh thời từng là Viện phó Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu giáo dục.

[1] Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (nguyên Viện phó Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đồng thời là con dâu trưởng của GS.TS Hà Thế Ngữ) ngày 13/8/2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn bà Phạm Thị Diệu Vân ngày 1/4/2013, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Sổ ghi chép năm 1990 của GS Hà Thế Ngữ, cuốn sổ này hiện đang được bà Phạm Thị Diệu Vân, phu nhân của GS Hà Thế Ngữ lưu giữ.

[4] Sổ ghi chép năm 1990 của GS Hà Thế Ngữ, tài liệu đã dẫn.

[5] Ông Nguyễn Xuân Đàm cũng từng là cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

[6] Sổ ghi chép của GS Hà Thế Ngữ, tài liệu đã dẫn, ngày 19/8/1990.

[7] Phỏng vấn PGS.TS Đặng Quốc Bảo, (nguyên Hiệu trưởng trường Quản lý giáo dục và đào tạo, nay là Học viện Quản lý giáo dục), ngày 23/6/2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Sổ ghi chép của GS Hà Thế Ngữ, tài liệu đã dẫn; 41 điều quy định các quyền của trẻ em được ông ghi vào sổ ngày 1/4/1990.

[9] Đặng Quốc Bảo, “Mấy kỷ niệm nhỏ về một người thầy, một nhà giáo dục học”, in trong: Sự hình thành một chiến lược con người, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, 1990.