Hai chiếc khăn

Cả hai chiếc khăn sợi này đều là sản phẩm dệt công nghiệp. Chiếc khăn nền trắng có kích thước 56cm x 25,5cm, có trang trí hoa lá nhiều màu sặc sỡ ở khoảng giữa và được viền mép bằng chỉ đỏ. Chiếc khăn màu đỏ lớn hơn, 74cm x 30cm, trang trí bằng những dải ô màu đen và trắng, hai đầu khăn cùng có tua sợi đỏ.

Hai chiếc khăn của PGS.TS Lê Văn Tiến

Đây là hai món quà mà giảng viên Lê Văn Tiến được tặng trong chuyến thăm hữu nghị Công đoàn Moskva (Liên Xô) và Công đoàn Budapest (Hungari) năm 1977. Do thời gian trôi qua đã gần 40 năm, ông không còn nhớ cụ thể mình đã được tặng chiếc khăn nào ở đâu, nhưng câu chuyện dẫn đến chuyến xuất ngoại năm ấy và nhờ vậy có hai chiếc khăn này thì ông nhớ rất rõ.

Năm 1963, sinh viên Lê Văn Tiến học xong chương trình chuyển tiếp sinh tại trường ĐH Bách khoa Kharcov (Liên Xô) rồi về nước, được phân công làm giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoài việc giảng dạy, với tư cách đoàn viên công đoàn, ông tích cực tham gia công tác công đoàn của trường. Về tổ chức, Công đoàn của trường ĐH Bách khoa là một thành viên thuộc Công đoàn Thành phố Hà Nội (TPHN).

Tháng 2-1970, Công đoàn TPHN tiến hành Đại hội Công đoàn thành phố khóa 5 (1970-1974). Đại hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết với nhiệm vụ trọng tâm làtiếp tục phong trào thi đua lao động sản xuất, đưa sản xuất công nghiệp trở lại bình thường (sau thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ), đưa quản lý kinh tế vào nề nếp để góp phần xây dựng miền Bắc XHCN và chi viện cho miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ…

Hè năm 1973, thực hiện nghị quyết nói trên, Công đoàn TPHN phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất lao động cho các công nhân là thợ tiện trực tiếp sản xuất. Ngay sau khi phong trào được phát động, công nhân thuộc nhiều đơn vị sản xuất đã gửi sáng kiến đến Công đoàn TPHN.

Công đoàn TPHN thành lập một ban khảo sát các sáng kiến của công nhân. Ban này gồm một số cán bộ thuộc Công đoàn TPHN và cán bộ kỹ thuật ở các cơ sở sản xuất có sáng kiến. Ngoài ra, Công đoàn TPHN còn gửi văn bản đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội để mời cán bộ chuyên môn tham gia công việc khảo sát. Thời điểm đó, trường ĐH Bách khoa giao trách nhiệm cho khoa Cơ khí, và khoa đã cử một số cán bộ tham gia, gồm: Lê Văn Tiến, Phạm Chuyên, Trần Tuấn Thanh…, ngoài ra có vài giảng viên ngành Nhiệt luyện của khoa Luyện kim (nay là khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu). Như vậy, tổng số cán bộ trong ban khảo sát là hơn 20 người.

Ban khảo sát có nhiệm vụ tập hợp, khảo sát và đánh giá các sáng kiến của công nhân, góp ý để làm cho các sáng kiến đó phát huy tốt hơn, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Sau đó, phải viết báo cáo tổng hợp về quá trình khảo sát và đánh giá các sáng kiến để trình bày trong hội nghị tổng kết.

Quá trình khảo sát kéo dài hơn 3 tháng. Các thành viên trong ban khảo sát phải đến từng cơ sở sản xuất có sáng kiến để kiểm tra và khảo sát. Thuở đó, phương tiện đi lại chính của đoàn là xe đạp cá nhân, thỉnh thoảng Công đoàn TPHN mới bố trí cho phương tiện ô tô. Mỗi tuần đoàn đi khảo sát khoảng 3-4 lần và có thể chủ động về thời gian. Dù tham gia công tác khảo sát như vậy nhưng giảng viên Lê Văn Tiến vẫn phải đảm bảo khối lượng công việc của mình ở trường. Ông chia sẻ: Lúc đó, trường ĐH Bách khoa Hà Nội chưa có nhiều phòng học, sinh viên bộ môn Công nghệ chế tạo máy thuộc khoa Cơ khí phải chia ca học, có lúc học buổi sáng, lúc lại học buổi chiều nên tôi có thể đi khảo sát vào những buổi được nghỉ dạy[1].

Trong các chuyến đi khảo sát, mỗi người phải ghi lại ý kiến đánh giá của mình vào một cuốn sổ riêng. Sau đó, ban họp lại để các thành viên trình bày và thảo luận kết quả công việc. Các buổi họp rất linh động về cả thời gian và địa điểm, có thể tiến hành trao đổi ngay trên hành trình trở về từ cơ sở sản xuất, hoặc đến trường Bách khoa họp tại bộ môn Công nghệ chế tạo máy. PGS Tiến cho biết, mỗi thành viên trong ban quan tâm đến một lĩnh vực khác nhau, nên khi tổng hợp lại các ý kiến sẽ đánh giá được đầy đủ các mặt trong từng sáng kiến của công nhân. Một số thông tin từ các buổi khảo sát còn được gửi đăng trên báo Hà Nội mới.

Công việc khảo sát tại các cơ sở sản xuất gặp khá nhiều khó khăn, do một số cán bộ kỹ thuật ở đó chỉ quen làm theo kinh nghiệm, mà không dựa trên cơ sở khoa học. Vì vậy, thường khó có được sự thống nhất ý kiến giữa ban khảo sát và người sản xuất. Tuy nhiên, ở một số nơi, do có công nhân từng học tại chức ở trường ĐH Bách khoa nên họ cũng hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nhờ vậy cuộc thảo luận dễ đi đến thống nhất ý kiến hơn. Thời kỳ ấy, bệnh thành tích phổ biến ở các cơ sở sản xuất, nếu ban khảo sát phê bình nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới thành tích nên họ không hài lòng. Sau nhiều lần thẳng thắn góp ý trong các buổi họp đánh giá sáng kiến, giảng viên Lê Văn Tiến rút ra kinh nghiệm làchỉ nên nói những lỗi không thể bỏ qua, có ảnh hưởng cấp thiết tới quá trình sản xuất, còn những lỗi nhỏ hơn sẽ trao đổi riêng với họ trong khi nói chuyện. Hơn nữa, ở các nhà máy, có những cán bộ quản lý và cả công nhân từng là bạn học cũ hoặc học trò của ông, nên việc góp ý riêng cũng khá dễ dàng.

Trong đợt phát động vào mùa hè năm 1973 ấy, có nhiều cơ sở sản xuất tham gia phong trào thi đua, như: Nhà máy Cơ khí trung quy mô (Nhà máy Cơ khí Hà Nội), Nhà máy Cơ khí ô tô Ngô Gia Tự, Nhà máy Cơ khí Giải Phóng, Nhà máy Cơ điện Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo… Tuy nhiên, chỉ Nhà máy Cơ khí trung quy mô và Nhà máy Cơ điện Hà Nội có sáng kiến hay và tiêu biểu, được nhận bằng khen của Công đoàn TPHN.

Sau khi đã khảo sát toàn bộ sáng kiến của công nhân ở các cơ sở sản xuất, ban khảo sát cử giảng viên Trần Tuấn Thanh tổng hợp báo cáo của các thành viên trong ban thành một báo cáo tổng quát và trình bày trước hội nghị tổng kết tại Câu lạc bộ Lao động Hà Nội ở phố Tăng Bạt Hổ. Đó là hội nghị phong trào thi đua nâng cao năng suất, dành cho thợ tiện, diễn ra trong vòng một ngày và có 3 nội dung chính: trình bày báo cáo tổng hợp về tình hình thi đua chung của các cơ sở sản xuất; báo cáo của các cơ sở sản xuất có năng suất cao; báo cáo của những cá nhân có sáng kiến tiêu biểu.

Hội nghị kết thúc, mỗi thành viên của ban khảo sát được tặng một chiếc phích Rạng đông, quạt điện, ấm chén… PGS Tiến tâm sự: Thời gian đó, mình chỉ thực hiện nhiệm vụ của một đoàn viên công đoàn, với trách nhiệm của một nhà khoa học chứ không vì mục đích gì khác.

Thời gian tham gia ban khảo sát, ông cũng như những anh em khác được cán bộ Công đoàn TPHN hay chính công nhân ở các cơ sở sản xuất quan tâm, thỉnh thoảng được tặng một thứ gì đó thiết thực cho cuộc sống đang khó khăn, thiếu thốn, có khi được mớ rau muống cũng cảm thấy vui. Ngay trong mùa hè năm 1973, Công đoàn TPHN tổ chức cho một số cán bộ đi nghỉ dưỡng 5 ngày ở nhà nghỉ Quảng Bá (Hà Nội), trong đó có giảng viên Lê Văn Tiến.

Sau hội nghị tổng kết nói trên, ông Tiến tham gia đoàn cán bộ Công đoàn TPHN xuống trao đổi kinh nghiệm với Công đoàn Hải Phòng về việc tổ chức một hội nghị như vậy ở Hải Phòng. Khoảng năm 1975-1976, Công đoàn TPHN tiếp tục tổ chức hội nghị phong trào thi đua nâng cao năng suất cho công nhân lần thứ hai. Ở hội nghị lần này, thành phần tham gia không bó hẹp ở phạm vi thợ tiện như hội nghị lần trước, mà mở rộng cho toàn bộ thợ cơ khí. Giảng viên Lê Văn Tiến được cử viết báo cáo tổng kết khảo sát và trình bày trước hội nghị do Công đoàn TPHN tổ chức.

Sau hai lần tham gia ban khảo sát, tháng 7-1977, ông Lê Văn Tiến nhận được quyết định cử tham gia đoàn đi thăm hữu nghị tổ chức Công đoàn Budapest (Hungary) và Công đoàn Moskva (Liên Xô). Trưởng đoàn là ông Trần Anh Liên – Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng thời là Thư ký Công đoàn TPHN, cùng đi còn có bà Hoa Thị Xuân, Chiến sỹ thi đua của Xí nghiệp May X40. Nói về việc được cử đi nước ngoài lần này, ông Tiến chia sẻ: Tôi cảm thấy vui và được động viên bởi những đóng góp của mình với hoạt động của Công đoàn TPHN đều được ghi nhận.

Trước khi lên đường, đoàn được nghe phổ biến một buổi về những quy định trong chuyến công tác sắp tới. Là người đã từng học ở Liên Xô, ông được giao nhiệm vụ “giám sát” phiên dịch tiếng Nga, cụ thể là nếu người phiên dịch dịch sai thì thông báo cho trưởng đoàn biết. Theo chế độ chung dành cho người đi công tác nước ngoài, ông Tiến được mượn hai bộ comple và được cấp một khoản tiền tiêu vặt.

Ông Lê Văn Tiến (bên trái), bà Hoa Thị Xuân (ở giữa) và ông Trần Anh Liên tại Moskva, Liên Xô

Tháng 9-1977, đoàn lên đường. Người nhà của ông Lê Văn Tiến và bà Hoa Thị Xuân được Công đoàn TPHN cho xe đến đón đi tiễn người thân. Từ sân bay Gia Lâm, đoàn sang Viêng Chăn (Lào) rồi bay tiếp để sang Moskva. Công đoàn TPHN dự kiến đoàn sẽ đi sang thẳng Budapest rồi sau đó mới quay lại Moskva. Tuy nhiên, để sang được Budapest, đoàn phải dừng chân tại Moskva để chuyển máy bay. Khi đến Moskva, đoàn được Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô ra đón về nghỉ lại một đêm trong Đại sứ quán rồi hôm sau lên đường sang Budapest. Vừa đặt chân xuống sân bay, đoàn được Chủ tịch Công đoàn Budapest đón tiếp và đưa về khách sạn nghỉ ngơi.

Khi sang Budapest, có một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam phiên dịch giúp đoàn. Ban đầu, đoàn có một buổi làm việc với Công đoàn Budapest, chủ yếu trao đổi về mối quan hệ hữu nghị giữa Công đoàn của hai thủ đô. Sau đó, đoàn được đưa đi tham quan nhà máy dụng cụ điện và bóng điện Tushen, kỹ sư trưởng của nhà máy này là chồng của Chủ tịch Công đoàn Budapest. Thủ đô Budapest để lại cho ông Tiến ấn tượng đặc biệt bởi thành phố có rất nhiều ô tô, nhiều cây xanh, con người thân thiện và kinh tế phát triển. Ông còn nhớ, đoàn được đi thăm một công viên có bức phù điêu tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói về tên gọi Budapest, ông cho biết, ở đây các công trình được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông, một bên là Buda, một bên là Pest, ghép lại thành tên của thành phố.

Sau 3 ngày tham quan Budapest, đoàn sang Moskva và ở lại đây 4 ngày. Công đoàn Moskva cử người ra đón tại sân bay và sắp xếp cho đoàn nghỉ tại một khách sạn do Công đoàn quản lý, mỗi người được ở một phòng riêng. Bạn còn bố trí một thiếu tá Liên Xô đã từng sống 4 năm ở Việt Nam làm phiên dịch cho đoàn. Đoàn cũng được đưa đi thăm một số nhà máy ở Moskva, để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho ông Tiến là việc nhà máy tận dụng các phế thải, vật liệu thừa để làm đồ chơi cho trẻ em. Với vốn tiếng Nga kha khá, ông hiểu được cơ bản những ý kiến trao đổi của phía Công đoàn Moskva.

Trước khi về nước, đoàn Việt Nam còn được đưa đi nghỉ một ngày tại khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô Moskva. Ông Tiến thấy rằng quang cảnh khu nghỉ dưỡng ở Moskva cũng không khác nhiều so với nhà nghỉ ở Quảng Bá, Hà Nội, nhưng cơ sở vật chất tốt hơn, tiện nghi hơn, nhà cũng to và rộng hơn.

Trong các buổi đi thăm nhà máy ở Budapest và Moskva, tất cả mọi người trong đoàn đều được tặng quà kỷ niệm. Ông Lê Văn Tiến được tặng hai chiếc khăn và một số vật dụng nhỏ như cái bút, chiếc huy hiệu, cùng những đồ lưu niệm khác, nhưng sau khi về nước ông chỉ giữ hai chiếc khăn, còn những món quà khác ông đã tặng cho bạn bè, đồng nghiệp.

Hai chiếc khăn này, ông dùng để phủ lên hai cái radio của gia đình. Ông còn nhớ, chiếc khăn trắng phủ lên cái đài bán dẫn, loại đài phải dùng tới 6 thỏi pin Con thỏ cỡ to. Đến khoảng năm 1997-1998, hai chiếc radio bị hỏng, từ đó ông không dùng tới hai chiếc khăn nữa. Ông giặt và cất giữ cẩn thận hai chiếc khăn, bởi đây là hai món quà kỷ niệm về một chuyến đi công tác nước ngoài mà ông không thể quên.

Qua chuyến công tác hơn một tuần ở Budapest và Moskva, giảng viên Lê Văn Tiến nhận thấy ở Hungary và Liên Xô có nhiều kinh nghiệm quý báu mình cần học hỏi, đặc biệt có ba vấn đề ông coi là cốt yếu: Một là, cần gắn chặt tổ chức và phát triển khoa học với sản xuất, điều mà cho tới hiện nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện tốt; hai là, thấy rõ quyền lực và tầm quan trọng của công đoàn, tổ chức này phải nắm rõ thông tin về các đoàn viên ở các cơ sở sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, có luật công đoàn rõ ràng; ba là, các công đoàn của Hungari và Liên Xô từ sớm đã tự tổ chức một số công việc tạo thu nhập cho công đoàn như mở khách sạn, khu nghỉ dưỡng…

Kể về chuyến đi năm 1977, PGS.TS Lê Văn Tiến cho rằng chuyến đi ấy đặc biệt, khác với những chuyến đi khác, đó là một chuyến thăm hữu nghị của đại diện Công đoàn nước mình tới Công đoàn hai nước bạn. Sau gần 40 năm, đến nay kỷ vật còn lại của chuyến đi là hai chiếc khăn, bởi thế ông có chút bâng khuâng khi tặng cả hai chiếc khăn này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Hoàng Thị Kim Phượng – Lê Thị Lợi

_____________________

* PGS.TS Lê Văn Tiến, chuyên ngành Cơ khí, từng giữ chức quyền Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ và chế tạo máy, khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

[1] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Tiến ngày 19-4-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của PGS Lê Văn Tiến đều trích dẫn từ tài liệu này.