Trong rất nhiều tài liệu – hiện vật ngổn ngang trong căn phòng làm việc của GS Vũ Quang Côn tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, tôi thấy chiếc hộp sắt nhỏ (3,5cm x 8,2cm x 0,9cm) đã han gỉ đặt ngay ngắn ở góc bàn, trên mặt hộp có tên ông được viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga. Tò mò hỏi về chiếc hộp này, tôi được ông cho biết nó gắn với thời kỳ nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Đối với ông, đó là khoảng thời gian rất quan trọng, có ý nghĩa đánh dấu sự thay đổi lớn về nhận thức của ông trong nghiên cứu khoa học.
Cuối năm 1966, SV Vũ Quang Côn tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp và được cử về Ban Sinh vật, thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước[1], nhận nhiệm vụ theo dõi công tác điều tra cơ bản côn trùng ở toàn miền Bắc. Mang trong mình hoài bão tuổi trẻ, ông hăng hái tham gia các đoàn đi điều tra côn trùng trên cây trồng tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Bình, Hòa Bình, Hà
Tháng 3-1970, khi đang đi biệt phái nghiên cứu đề tài sâu hại bông tại Trạm bông Định Tường (Yên Định, Thanh Hóa), Vũ Quang Côn nhận được điện báo khẩn của cơ quan. Về Hà Nội, biết mình chuẩn bị được đi nghiên cứu sinh, ông vui sướng nhưng cũng rất hồi hộp: Lúc đó, tôi thấy rất vinh dự vì công sức bản thân được cơ quan ghi nhận và tạo điều kiện cho đi học để nâng cao trình độ, nhưng chưa tin sẽ được đi, vì bản thân là cán bộ trẻ, chưa phải Đảng viên, trong khi có nhiều đồng nghiệp cũng được cử đi học, tuy đã làm hồ sơ và học chính trị nhưng vẫn đang phải chờ đợi[2].
Ngay trong khi chuẩn bị hồ sơ và đề cương nghiên cứu sinh, Vũ Quang Côn đã đến Thư viện Khoa học để tìm kiếm thông tin về thầy hướng dẫn ở Liên Xô, tập trung vào Moskva và Leningrad. Trong khi nhiều đồng nghiệp lên đề cương rất chi tiết, đề cập đến những đối tượng nghiên cứu cụ thể, thì ông quyết định lập đề cương mang tính định hướng lớn với đề tài “Nghiên cứu các loài thiên địch (ký sinh và bắt mồi) trong đấu tranh sinh học với sâu hại”. Sau khi nộp đề cương nghiên cứu và hồ sơ cho Vụ Tổ chức cán bộ, Vũ Quang Côn lại vào Thanh Hóa nghiên cứu tiếp: Lúc đó tôi cũng không hy vọng sẽ được gọi đi nghiên cứu sinh, vì nghĩ rằng phải phấn đấu thêm 2-3 năm nữa. Bẵng đi một thời gian, đến tháng 10-1970 ông lại nhận được điện khẩn của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước gọi về gấp để chuẩn bị đi nghiên cứu sinh. Ngay cuối tháng 10, tất cả 12 người thuộc diện cán bộ đi đào tạo ở Liên Xô được học chính trị trong vòng một tuần tại trường Đại học Bách khoa, lớp do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp[3] tổ chức.
Khoảng tháng 2-1971, đoàn du học Liên Xô lên đường. Trong tư trang của mỗi người, đáng kể nhất là quần áo, mũ, giầy dép, vali… được nhận từ kho của Bộ Tài chính đặt tại phố Hàng Bột, Hà Nội. Chuyến hành trình bằng tàu hỏa bắt đầu từ ga Hàng Cỏ và kéo dài khoảng 7 ngày đêm. Sau khi đặt chân đến Moskva, đoàn được ông Phan Phải[4], đại diện những người Việt Nam đang công tác tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ra đón và đưa về ký túc xá của Viện. Sau vài ngày nghỉ ngơi, theo phân công, hai thành viên trong đoàn đi tiếp về Phân viện Hàn lâm tại Leningrad là Vũ Quang Côn – nghiên cứu sinh Viện Động vật học và Trịnh Đình Thanh – nghiên cứu sinh Viện Thực vật học[5].
Từ đó, NCS Vũ Quang Côn bắt đầu cuộc sống ở ký túc xá của Phân viện Hàn lâm tại Lenigrad, với học bổng 100 rúp mỗi tháng. Cuối tháng 2-1971, ông được tham gia lớp học tiếng Nga tại Viện, do cô giáo người Nga tên là Valentina Vaxilyevna giảng dạy. Bên cạnh tiếng Nga giao tiếp, các học viên được đề nghị tự chọn nội dung học tập, vì thế Vũ Quang Côn nêu nguyện vọng học từ vựng chuyên ngành Côn trùng học. Ông kể: Tôi cứ mở phần Sinh thái học côn trùng trong cuốn “Côn trùng học đại cương” của Liên Xô ra và đề nghị cô giáo ngoại ngữ thông qua nội dung để học, và cả các tài liệu lý luận khác. Nhờ đó tôi nhanh chóng nắm vững các thuật ngữ chuyên ngành. Gặp những từ không rõ, ông ghi lại theo ý hiểu của mình bằng tiếng Việt, sau đó về tra cứu trong từ điển. Đồng thời, ông cũng tích cực giao tiếp với người bản địa để trau dồi vốn tiếng Nga.
Học được 4-5 tháng, ông có bước tiến rõ rệt về khả năng giao tiếp và tra cứu tiếng Nga. Vì thế, trong khi các bạn vẫn mải miết học tiếng thì ông đã tự tin đến Viện gặp thầy hướng dẫn là giáo sư E. S. Sugonnyaev, Chủ nhiệm bộ môn Cơ sở lý thuyết phòng trừ sinh học. Nhân nói về sự chủ động này, ông cho biết thêm: Từ thời nghiên cứu sinh, tôi đã sớm hình thành cho mình thói quen chủ động trong mọi công việc. Qua vài lần gặp gỡ, NCS Vũ Quang Côn biết rằng GS Sugonnyaev rất giỏi chuyên môn, tính cách phóng khoáng và có kinh nghiệm thực tế phong phú. Hai thày trò nhanh chóng thống nhất đề tài luận án phó tiến sĩ là “Nghiên cứu các mối quan hệ ký sinh – vật chủ của loài Eulecanium caraganae và những ký sinh của chúng”.
Sau một năm học tiếng Nga, khi quan hệ giữa NCS Vũ Quang Côn và GS Sugonnyaev đã trở nên thân thiết thì một số nghiên cứu sinh khác mới bắt đầu tiếp xúc với người hướng dẫn. Và như ông chia sẻ: Lúc đó, một số bạn tôi vì gặp phải khó khăn trong việc giao tiếp với nhà khoa học mà quá trình làm luận án gặp nhiều khó khăn hơn.
Đối tượng nghiên cứu để NCS Vũ Quang Côn làm luận án là loài côn trùng Eulecanium caraganae gây hại bằng cách hút nhựa trên cây lâu năm, chủ yếu là cây keo hoa vàng ở Liên Xô. GS Sugonnyaev hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu và tìm kiếm tư liệu phục vụ cho đề tài. Tuy nhiên, thầy rất bận rộn, thường đi công tác nhiều, chỉ làm việc tại Viện vào mùa đông, nên hầu như Vũ Quang Côn phải độc lập nghiên cứu và làm thực nghiệm theo định hướng của thầy.
Từ tháng 3-1972, ông bắt đầu đi thực tế ra vùng ngoại ô của hai thành phố
Ban đầu, NCS Vũ Quang Côn tự xác định cần thực hiện hai vấn đề: thực nghiệm truyền thống (tức là nghiên cứu các đặc điểm hình thái, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của vật chủ và ký vật sinh) và một số thực nghiệm mới (phát hiện và tập trung đi sâu vào những vấn đề đặc biệt trong quá trình nghiên cứu). Qua theo dõi đặc điểm hình thái, ông nhận thấy ký sinh Encyrtus infidus thay đổi kích thước và hình thái theo mùa. Vào mùa hè, loài ký sinh này lớn hơn bình thường và có ống hút dài để lấy oxy từ môi trường bên ngoài; trong khi mùa đông lại có kích thước nhỏ hơn, “trôi nổi” trong khoang cơ thể của vật chủ và lấy oxy bằng cách thẩm thấu qua da. Thích thú với phát hiện này, ông làm việc cả tuần trong phòng thí nghiệm để thu thập thật nhiều số liệu, nhiều hôm đến 11 giờ đêm mới trở về ký túc xá, thậm chí có lần, khi trở về ký túc xá lúc đã khuya và trời lạnh, tôi vừa đi vừa nghĩ đến những thí nghiệm nên để quên mũ ở phòng, đến khi lên xe điện mới phát hiện ra và phải vội quay lại phòng thí nghiệm.
Tháng 10-1972, GS Sugonnyaev đi công tác về và yêu cầu NCS Vũ Quang Côn đến báo cáo về tình hình thực hiện luận án. Sau khi nghe trình bày và xem các số liệu theo dõi rất chi tiết cùng những bản vẽ hình thái các pha và các tuổi của ký sinh Encyrtus infidus tại những thời điểm khác nhau của các mùa, GS Sugonnyaev nghiêm túc hỏi: Anh có chắc là hình thái, kích thước các pha phát triển của ký sinh Encyrtus infidus thay đổi theo mùa như hình vẽ này không? Mặc dù học trò quả quyết khẳng định, thầy Sugonnyaev vẫn phân vân nên đã gọi điện trao đổi với các bạn đồng nghiệp rồi mới dần bị thuyết phục.
Khi đó NCS Vũ Quang Côn mới biết, trong một số tài liệu nghiên cứu của thầy hướng dẫn cũng như các nhà khoa học ở Liên Xô và Mỹ đều cho rằng các pha phát triển trước trưởng thành của ký sinh này chỉ có một loại hình thái. Nguyên nhân là do các nhà khoa học chỉ đi thực địa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, vì thế chỉ gặp các dạng hình thái của thế hệ ký sinh vào mùa hè. Đối với ông, đây cũng là sự bất ngờ: Thực ra lúc đó tôi cũng không biết mùa đông thì ký sinh rệp có hình dạng khác, mà chỉ do tính tích cực và chăm chỉ trong công việc, nhưng không ngờ trong quá trình làm việc tôi lại phát hiện được vấn đề này. GS Sugonyaev đánh giá cao phát hiện của học trò và yêu cầu viết bài báo khoa học để trình bày kết quả nghiên cứu.
Năm 1973, NCS Vũ Quang Côn viết bài “Những đặc điểm hình thái và sinh học của các pha và tuổi trước trưởng thành của loài Encyrtus infidus – ký sinh rệp Eulecanium caraganae”. Ông chia sẻ: Lúc đó tôi đã đề nghị GS Sugonnyaev cùng đứng tên trong bài viết, nhưng thầy vẫn còn phân vân về vấn đề này nên đã từ chối. Với những bằng cứ và số liệu thuyết phục, bài báo của ông (19 trang) được đăng trên tạp chí Côn trùng học của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1974). Bài của Vũ Quang Côn có giá trị nổi bật là cung cấp ví dụ về một dạng trung gian trên con đường tiến hóa từ thở hút lấy oxy trực tiếp từ môi trường bên ngoài sang lấy oxy từ trong cơ thể vật chủ, do đó thu hút sự chú ý của giới chuyên môn.
Mặc dù phòng thí nghiệm tại Viện Động vật có nhiều trang thiết bị hiện đại, nhưng lại thiếu vắng những dụng cụ mổ thí nghiệm đối với các sinh vật kích thước nhỏ như rệp ký sinh Encyrtus infidus để nghiên cứu trên kính hiển vi có độ phóng đại lớn. Vì vậy, ông đã tự tạo ra dụng cụ mổ sinh vật, bằng cách lấy những chiếc ghim côn trùng có sẵn trong phòng thí nghiệm và cắm vào một đầu que diêm đã sử dụng để làm que mổ. Ông mô tả: Dụng cụ mổ tự chế của tôi gồm có hai que mổ, một que có đầu ghim dài để cố định rệp ký sinh, và một que có đầu ghim ngắn để mổ xẻ nó.
Bộ dụng cụ mổ thí nghiệm sinh vật tự chế của NCS Vũ Quang Côn
Trong quá trình làm thực nghiệm sau này, ông Vũ Quang Côn còn dùng vỏ dây điện nhỏ màu tím bọc ngoài que mổ cho tiện dụng hơn và cũng có phần thẩm mỹ hơn. Các que mổ được đựng cả vào một vỏ hộp thịt bò viên – một trong những món ăn yêu thích của ông trong thời kỳ nghiên cứu sinh, đồng thời lấy bút dạ xanh ghi tên mình (bằng tiếng Nga và tiếng Việt). Từ thực tế sử dụng, bộ dụng cụ đặc biệt này được ông hoàn chỉnh thêm: Ban đầu, bộ dụng cụ của tôi chỉ có 2 que mổ, sau đó bổ sung thêm 3 que mổ và có 4 que diêm để thay thế trong quá trình sử dụng. Nó thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tôi trong thời gian nghiên cứu sinh, sau này tiếp tục gắn bó với tôi khi làm luận án tiến sĩ (cũng tại Viện Động vật học ở Leningrad, bảo vệ thành công năm 1986) và trong quá trình giảng dạy và công tác.
Khi mổ thí nghiệm, ông nhận thấy những con Eulecanium caraganae có rệp ký sinh Encyrtus infidus thường sinh trưởng tốt, nhiều mỡ và mập mạp. Ông tiến hành thêm thí nghiệm so sánh giữa các con Eulecanium caraganae có ký sinh và không có ký sinh khi vùi trong tuyết, và nhận thấy những vật chủ không ký sinh bị chết nhiều hơn, vì không chịu được giá lạnh, trong khi những vật chủ có ký sinh thì vẫn tồn tại, rồi tiếp tục phát triển mạnh vào mùa xuân.
Bấy giờ, một số nhà khoa học Liên Xô như GS Rubtsov, GS Shapiro… đề cập đến mối quan hệ cộng sinh giữa vật chủ và ký sinh đều cho rằng, những biểu hiện thay đổi mới về hình thái cũng như sự chống chịu được thời tiết và thuốc trừ sâu của các cá thể vật chủ bị ký sinh là bước tiến hóa thích nghi mới của vật chủ. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại, NCS Vũ Quang Côn nhận thấy chính các vật ký sinh đã làm cho cơ thể vật chủ thay đổi hình thái để thích nghi, và do đó khiến vật chủ mất khả năng sinh sản. Thông qua các số liệu thí nghiệm, ông đưa ra một quan điểm mới: Sự thay đổi về hình thái, sinh học để thích nghi trên cơ thể vật chủ bị ký sinh thực chất là kết quả tiến hóa thích nghi của ký sinh. GS Sugonnyaev ủng hộ ngay và hai thầy trò viết chung bài “Ảnh hưởng của phản ứng thích nghi của ký sinh lên phản ứng của vật chủ”, được đăng trên tạp chí Động vật học của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1975).
Bước sang năm 1974, NCS Vũ Quang Côn tiếp tục nghiên cứu loài rệp ký sinh Encyrtus infidus, cũng với bộ dụng cụ mổ thí nghiệm sinh vật tự chế nói trên. Có lần, GS Sugonnyaev cho biết một số các nhà khoa học trên thế giới đã nêu quan điểm phân loại ký sinh này dựa trên sự thay đổi kích thước vệt trắng trên lưng và ngực. Vũ Quang Côn dựa vào số liệu và hình vẽ để chứng minh sự thay đổi hình thái đó của ký sinh Encyrtus trưởng thành thực chất là sự thay đổi và thích nghi theo mùa. Vì vậy, qua nhiều lần thảo luận, cuối cùng hai thầy trò thống nhất ý kiến và cùng nhau viết bài “Đặc điểm sinh học và hình thái của pha trưởng thành ở loài Encyrtus infidus và sự thích nghi theo mùa của chúng với vật chủ”, đăng trên tạp chí Côn trùng học của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (số 54, 1975, 15 trang). Cũng trong năm 1974, NCS Vũ Quang Côn còn viết tham luận khoa học về vấn đề trên và được báo cáo trong hội nghị Côn trùng học quốc gia của Liên Xô.
Từ cuối năm 1974, dựa trên những kết quả nghiên cứu dày dặn, ông bắt đầu viết luận án, làm theo cách viết xong phần nào, tôi lại chuyển ngay cho GS Sugonnyaev góp ý để hoàn thiện, nên làm việc liên tục trong vài tháng là hoàn thành bản thảo luận án. Sau đó, ông thuê đánh máy luận án và in thành 5 cuốn6. Tháng 5-1975, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại hội đồng khoa học ngành Côn trùng học ở
Năm 1979, cuốn sách của hai đồng tác giả Sugonnyaev – Vũ Quang Côn với nhan đề “Mối quan hệ giữa vật chủ – ký sinh ở côn trùng trên thí dụ của loài rệp sáp Eulecanium caraganae Borchs và ký sinh của nó Encyrtus infidus Rossi” được xuất bản bằng tiếng Nga (Nxb. Khoa học, Lêningrad, Liên Xô). Năm 1989, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho dịch và xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Anh.
Mặc dù PTS Vũ Quang Côn được đề nghị ở lại Liên Xô tiếp tục làm luận án tiến sĩ, nhưng theo yêu cầu của Đại sứ quán và Bộ Giáo dục Việt Nam, tháng 10-1975 ông về nước làm việc tại Viện Sinh vật học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Cùng với những tài liệu chuyên môn bằng tiếng Nga, ông mang theo về cả bộ dụng cụ mổ thí nghiệm sinh vật tự chế.
Những năm 70 của thế kỷ XX, trong điều kiện cơ sở vật chất trong nước còn nhiều khó khăn, bộ dụng cụ kể trên rất có ích cho ông Vũ Quang Côn khi mổ những sinh vật có kích thước nhỏ đến 1mm. Ông cũng tận dụng những chiếc ghim cài áo sơ mi (dài 2,7cm) để mổ những côn trùng lớn hơn, và ông sử dụng một cục nam châm có đường kính khoảng 1cm để giữ những chiếc ghim khỏi rơi mất.
Về sau, nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại du nhập vào nước ta, nhưng bộ dụng cụ tự chế đơn giản đó vẫn rất tiện lợi khi mổ các ký sinh nhỏ, và rồi trở thành giáo cụ trực quan để ông hướng dẫn cho học trò. Trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Phạm Ngọc Hải
___________________
* GS.TSKH Vũ Quang Côn, chuyên ngành Sinh học, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật.
[1] Tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn 1965-1990.
[2] Tài liệu phỏng vấn GS.TSKH Vũ Quang Côn, 11-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Tên gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 1965-1976.
[4] Lúc đó ông Phan Phải đang là nghiên cứu sinh tại Viện Di truyền học phát triển, sau trở thành Tiến sĩ khoa học và làm Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
[5] Sau này ông Trịnh Đình Thanh về công tác tại Tổng cục Lâm nghiệp, rồi chuyển công tác về Hải Phòng và đã qua đời.
6 Trong đó, 1 cuốn nộp vào thư viện của Viện Động vật học, 1 cuốn đưa cho thầy hướng dẫn, 3 cuốn cho các thầy trong hội đồng và cơ quan phản biện luận án.