Năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công vào những hướng chiến lược quan trọng trên chiến trường miền Nam: Trị – Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam bộ… Mặt trận Trị – Thiên được chọn là hướng tấn công chủ yếu, do đó Tổng cục Hậu cần nhận định ở đây sẽ rất quyết liệt và nhiều thương vong, cần phải tăng cường lực lượng bác sĩ chuyên khoa cho Đội điều trị 204 để cấp cứu thương bệnh binh ngay tại chiến trường.
Tháng 12-1971, Viện Quân y 108[1] được lệnh cử một đoàn cán bộ đi phục vụ chiến trường Trị – Thiên. Tổng cục Hậu cần và Viện Quân y 108 chọn một số bác sĩ thuộc các chuyên khoa sâu và một số y tá, y sĩ, công vụ, tổ chức thành đoàn công tác đáp ứng những yêu cầu chuyên khoa khác nhau: nội khoa, ngoại khoa, phẫu thuật tạo hình mặt hàm, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh lý, hóa nghiệm, X quang… Dù vừa xây dựng gia đình được 3 tháng và cũng mới biết mình mang thai đứa con đầu lòng, nhưng BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn muốn tham gia đoàn công tác trực tiếp phục vụ chiến trường, thậm chí bà còn sẵn sàng chưa sinh con lần này: Tôi ra khám ở Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) thì biết có thai. Tôi nói với bác sĩ hay là bỏ đi, nhưng bác sĩ bảo là không, vì bỏ đi có thể sẽ gây vô sinh thứ phát[2]. Khi về trao đổi với gia đình, bà cũng tha thiết và quyết tâm vào chiến trường đợt này: Con mà không đi đợt này thì không bao giờ có dịp để cống hiến, để đi nữa![3]. Còn chồng bà, ông Nguyễn Lân Dũng[4] ban đầu không khỏi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cảm thông và ủng hộ vợ, như ông viết trong nhật ký của mình: Sự thật từ lâu Hiếu vẫn mong muốn có dịp được trải qua những thử thách lớn, mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình một cách trực tiếp hơn nữa vào thắng lợi chung của quân đội trong các chiến dịch lịch sử mà mọi người đang mong đợi này. Từ lâu Hiếu ao ước được đặt bàn chân lên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ mà trong cuộc kháng chiến thần thánh này đã trở nên biết mấy thân thương với tấm lòng mỗi người dân yêu nước. Không đi đợt này có lẽ chả bao giờ được đi nữa… Trong chiến dịch đường 9 vừa qua, mình có may mắn được sống những ngày sôi nổi ở một bệnh viện tiền phương gần đường 9. Có qua những ngày ấy mình mới thấm thía cái sôi nổi vĩ đại, cái không khí đặc biệt của các ngả đường chiến dịch. Cái mong ước của Hiếu là hoàn toàn đẹp đẽ và dễ hiểu[5].
Trước khi vào chiến trường, đoàn cán bộ chuyên khoa có hơn một tháng để rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị trang thiết bị chuyên môn. Hàng ngày, BS Nữ Hiếu cùng cả đoàn đeo ba lô đựng gạch, chân đi dép cao su tập hành quân theo bờ đê sông Hồng, và số gạch tăng dần lên. Tập luyện như vậy rất gian khổ, nhất là BS Nữ Hiếu đã từng bị bệnh lao xương từ nhỏ và lại đang có bầu thì càng vất vả hơn, nhưng bà quyết tâm rất cao. Nhật ký của chồng bà đã ghi lại điều này: Mấy ngày tập hành quân chân em sưng lên vì mọng nước, mỗi lần đi về em đứng không vững, mặt tím tái. Anh lấy nước cho em mà tim se lại vì thương em vô hạn. Anh biết em cắn răng chịu đau để không bỏ một buổi tập nào, và thật sung sướng biết bao sau vài tuần kiên trì rèn luyện, những chỗ chân mọng nước đã biến thành chai, một thử thách đầu tiên em đã vượt qua. Em đã đeo được 20kg mà không thấy rát vai, em đi dép cao su hành quân quanh Hà Nội mà không thấy phồng chân nữa[6].
Trong buổi vợ chồng Nữ Hiếu đến báo cáo bố mẹ chồng – khi đó ở khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội – về việc bà sẽ đi chiến trường, BS Nữ Hiếu được bố chồng là nhà giáo Nguyễn Lân[7] tặng một cuốn sổ bìa cứng màu đen (13cm x 17,3cm), dày 178 trang giấy không dòng kẻ. Ngay trang đầu tiên, cụ Nguyễn Lân viết ngày mồng 7-1-1972: Âu yếm tặng Hiếu nhân dịp con lên đường làm nhiệm vụ vinh quang. Mong con luôn luôn mạnh khỏe và cố gắng phát huy truyền thống yêu nước và nền nếp đạo đức của gia đình.
BS Nữ Hiếu dùng cuốn sổ đó để ghi nhật ký trong 4 tháng vào chiến trường Trị – Thiên. Đúng 7 giờ sáng mồng 3-2-1972, tại cổng Viện Quân y 108, ba chiếc xe ô tô chở đoàn chuyên khoa rời Hà Nội. BS Nữ Hiếu trong trang phục bộ đội, vai đeo ba lô, đầu đội mũ tai bèo, chụp ảnh kỷ niệm với gia đình rồi cùng các đồng nghiệp lên đường. Người mẹ già Vi Kim Ngọc không khỏi lo âu và ngay hôm ấy ghi vào nhật ký: Nửa mừng, nửa lo. Mừng vì con là một thanh niên rất nhiệt tình với cách mạng, với đồng bào miền Nam, mẹ thấy con rất cứng rắn và đúng mức trong vấn đề quyết định này. Nhưng Hiếu ơi, mẹ vô cùng thương con và lo cho con. Sức bé nhỏ như con có vượt được gian khổ không? Thương con vừa mới cưới… Nhưng đồng thời cụ cũng yên tâm: Sáng nay tiễn con lên đường mẹ thấy yên tâm. Ai ai cũng cảm tình, yêu mến Nữ Hiếu. Mẹ rất tin ở Hiếu, ở đâu con cũng được bạn bè yêu quý[8].
Chặng đường từ Hà Nội vào đến Quảng Bình khá thuận lợi, trưa hôm đó đoàn nghỉ ở Thanh Hóa, chiều tối vượt phà sông Lam và nghỉ đêm tại Nghệ An. Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục đi qua Hà Tĩnh, vượt đèo Ngang và từ đó rẽ sang đường 15, BS Nữ Hiếu viết trong nhật ký của mình: Đúng buổi trưa lên đến đỉnh đèo Ngang, trời cũng vừa tạnh mưa, đẹp vô kể, biển, núi và làng mạc bao quanh nhau… Từ đó đi đến Quảng Bình những đường là đường chằng chịt như mắc cửi, sau đó rẽ đường 15, đường đi thật nguy hiểm. Tối đến ngủ ở Cự Nẫm là một xã anh hùng (tr. 8, 4-2-1972).
Một trang nhật ký của BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, 1972
Ngày 5-2, đoàn đi tiếp theo đường 15, sau đó vòng ra đường số 1 để vượt phà Quán Hàu, đi qua thị xã Đồng Hới rồi tiến về phía tây. Chiều tối, đến Đội điều trị 43 (H1) ở Bãi Hà, Vĩnh Linh, đoàn vừa chuẩn bị đón giao thừa, vừa hỗ trợ xử lý cấp cứu cho 60 thương binh của đơn vị pháo gần đó bị địch oanh tạc[9]. Trong thời gian tết, BS Nữ Hiếu bắt đầu có dấu hiệu ốm nghén, sức khỏe bị ảnh hưởng khiến bà lo lắng: Tuy là mùng một tết nhưng rất mệt, buồn nôn và bắt đầu nôn, nhức đầu làm tôi rất lo, khéo lại có mang mà không tới đích thì thật là bao nhiêu điều phức tạp đến với mình (tr. 10, 15-2-1972). Ngày 21-2-1972, đoàn tiếp tục hành quân bằng xe ô tô đến phân trạm A, rồi từ đó bắt đầu đi bộ đến bờ bắc sông Bến Hải. Đến đoạn này Nữ Hiếu nôn nhiều và không ăn được, các thành viên trong đoàn mới biết bà có thai. Trong nhật ký bà ghi lại hôm đó: Qua dốc 430 mà mình thấy mệt vô kể, đi không tài nào thở được, khi đến phân trạm thì vừa nôn, vừa thở, nhức đầu không chịu được và ăn không được. Phải nhờ anh Luận mắc võng cho và nằm cả ngày (tr. 10, 21-2-1972). Được các đồng nghiệp hết sức giúp đỡ và đeo hộ quân tư trang, nên Nữ Hiếu vẫn theo kịp đơn vị. Khi hành quân vượt Bãi Hà phải chạy bôn tập, sau đó leo núi, BS Nữ Hiếu phải nhở đồng nghiệp là BS Đỗ Đình Luận đẩy mới leo lên được. Hành trình gian nan, vất vả, nếu tiếp tục hành quân như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ hành quân, mà còn có thể làm cho đoàn gặp nguy hiểm. Bởi lẽ, nguyên tắc hành quân vào chiến trường là phải đúng thời gian, kẻo dễ bị máy bay Mỹ ném bom. Trước khi vượt sông Bến Hải, đoàn đã quyết định để hai người không đảm bảo sức khỏe là BS Nữ Hiếu và y tá Phan Thúy Quỳnh quay lại trạm tiền phương ở Bãi Hà, đợi khi có đủ sức khỏe sẽ vào sau. Nữ Hiếu khá buồn vì điều này: Thế là đúng 8 giờ đoàn khởi hành còn bọn tôi ở lại. Vừa buồn vừa giận cho sức khỏe của mình lại tồi tệ quá. Chỉ lo không hoàn thành nhiệm vụ, hai chị em xác định luôn quyết tâm "thế nào cũng vào bằng được và tới đích" (tr. 10, 22-2-1972).
Trở lại trạm tiền phương, BS Nữ Hiếu không nói thật lý do khiến mình phải quay lại, bà chỉ báo cáo với trưởng trạm rằng do chưa quen leo núi và xin ở lại để luyện tập thêm. Hai cán bộ của đoàn chuyên khoa được bố trí ở khu nhà của đội hậu cần. Sau một ngày nghỉ ngơi, hai người bắt đầu tập luyện: Ngày 24-2 sức khỏe trở lại khá hơn và Hiếu, Quỳnh bắt đầu rèn luyện từ đây, xem xét lại ba lô, lọc bỏ bớt cho nhẹ. Ngày 25-2 trèo lại dốc 430 đeo ba lô, thấy một đồng chí ốm thế mà hai đứa khiêng hộ ba lô mà vẫn đi được và cũng từ đây tin là sẽ đi thắng lợi, đồng chí ốm mà còn đi được huống hồ là mình, thế nào cũng đi được đến đích (tr. 11, 25-2-1972).
Đêm 25-2-1972, một số thành viên trong đội văn nghệ của Đội điều trị 204 (do ông Quá làm đội trưởng) và một đơn vị dân quân hỏa tuyến nghỉ chân tại trạm tiền phương. Sau khi Nữ Hiếu cùng y tá Quỳnh ăn sáng xong, ông Quá trao đổi: Tôi được lệnh đón hai chị ra miền Bắc. BS Nữ Hiếu trả lời ngay: Chúng tôi chỉ vào chiến trường chứ không ra miền Bắc. Thế là ông Quá cho hai chị em mỗi người một chiếc gậy Trường Sơn để hành quân. Sau khi vượt sông Bến Hải, đường đi càng gian nan, phải vượt nhiều dốc cao, vực sâu, nếu không quyết tâm cao thì khó tới đích được, như bà kể lại: Có những đoạn đường chỉ có núi, vách thẳng đứng, bên dưới là vực sâu và chỉ đi được bằng nửa bàn chân, nếu không vững vàng mà run chân là rơi xuống vực. Nhưng không biết tại sao lúc đó mình lại vượt được, anh nào cũng vượt được, không ai run tay run chân mà ngã cả. Có những quả đồi cao quá, khi xuống bị chùn chân không đi được, phải ngồi mà tụt xuống chân dốc[10].
Càng vào gần chiến trường, điều kiện sinh hoạt càng khó khăn hơn, bữa ăn chỉ có cơm với canh rau rừng, đến trạm nghỉ thì phải mắc võng hoặc rải lá cây ngủ ngay trong rừng. Mức độ đánh phá của không quân Mỹ cũng ác liệt và thường xuyên hơn, không những vậy, còn có nguy cơ phải đối mặt với biệt kích Mỹ. Trung bình mỗi ngày đoàn vượt một quả đồi, sau 9 ngày thì vượt qua các trạm từ H2 đến H9. BS Nữ Hiếu nhớ nhất là khi vượt qua cao điểm 1001, núi cao hiểm trở, có một cây gỗ đổ ngang và anh chiến sỹ Trường Sơn nào đó đã khắc lên gỗ mấy chữ “Phờ râu trê” – đủ thấy gian nan nhường nào. Sau khi vượt qua cao điểm 1001 cũng là lúc trời tối, đoàn vượt sông Rào Quán rồi vượt sân bay Tà Cơn. Sự di chuyển của đơn vị dân công hỏa tuyến này khiến đối phương nghi ngờ có bộ đội miền Bắc vào, nên chúng thả cây nhiệt đới và dùng máy bay OV10 (loại máy bay thám thính) quần đảo quanh khu vực sân bay đến 3h sáng. Có lúc Nữ Hiếu dặn y tá Quỳnh, nếu có chết thì hai chị em ôm nhau cùng chết. Rất may, nhờ có bộ đội phòng không ở bờ Bắc bắn chỉ thiên làm lạc hướng máy bay địch, đoàn bôn tập thật nhanh qua sân bay Tà Cơn để vào rừng. Ngày 3-3, đến Cụm 2, đoàn nghỉ lại một đêm, rồi sáng hôm sau BS Nữ Hiếu và y tá Phan Thúy Quỳnh đi tiếp đến địa điểm đóng quân của đoàn chuyên khoa tại làng Vây, xã Hoàng Tập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ngay sau khi gặp lại đơn vị, BS Nữ Hiếu nhận nhiệm vụ ở Ban 1 (ban ngoại). Công việc đầu tiên của cán bộ, chiến sĩ khi vào chiến trường là phải đào hầm. Đối với các cán bộ trong đoàn chuyên khoa, ngoài hầm cá nhân, họ còn phải đào hầm mổ, hầm điều trị cho thương bệnh binh. Ban 1 được tách ra thành hai bộ phận: một bộ phận đào hầm, còn lại thì chăm sóc, điều trị thương bệnh binh. Vì đang có thai nên BS Nữ Hiếu được phân công khám bệnh, điều trị cho thương bệnh binh, đồng thời hỗ trợ đồng nghiệp trong việc phát thuốc cho bệnh nhân và chăm sóc những thương bệnh binh nặng.
Có ca điều trị mà PGS Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhớ nhất trong những ngày mới vào chiến trường, đó là ngày 14-3-1972, Ban 1 tiếp nhận bệnh nhân Cao Thị Thành là dân công hỏa tuyến quê ở Đô Lương, Nghệ An. Bệnh nhân bị sốt cao, đau đầu, nôn ói nhưng vẫn tỉnh táo. Sau đó bệnh tình nặng hơn, sốt liên tục và bắt đầu hôn mê. BS Nữ Hiếu dùng ống nghe để khám và chẩn đoán sốt rét ác tính thể não, cho nên có những biểu hiện như hôn mê sâu, phản xạ giảm, huyết áp tụt, chân tay duỗi cứng. Để tiện theo dõi, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân Cao Thị Thành, Nữ Hiếu ngủ lại lán bệnh nhân. Những lúc y tá bận, bà tự tay đặt ống xông qua mũi để bơm nước xúp nghiền vào dạ dày nuôi dưỡng người bệnh. Bà còn xoa bóp cho bệnh nhân, đề phòng trường hợp bệnh nhân bị cứng khớp, hỏng chân sau khi nằm liệt nhiều ngày. Qua 10 ngày, bệnh nhân Cao Thị Thành tỉnh lại, mọi người trong đội điều trị rất tin tưởng vào khả năng chuyên môn của BS Nữ Hiếu. Trong quá trình đó, bà cũng ghi lại chi tiết mọi việc vào cuốn nhật ký.
Trước khi vào chiến trường, BS Nữ Hiếu nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nhưng bà vẫn chưa được kết nạp Đảng. Lý do Đảng bộ Viện Quân y 108 đưa ra là gia đình Nữ Hiếu thuộc thành phần tiểu tư sản, cụ thân sinh Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhưng không phải Đảng viên, nên bà phải trải qua thử thách nhiều mới được vào Đảng. Việc bà xin vào chiến trường, ngoài ý nguyện góp sức mình cho chiến dịch Trị – Thiên, còn thể hiện quyết tâm phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Quyết tâm đó của Nữ Hiếu đã được chi bộ đoàn chuyên khoa ghi nhận, ngày 14-3-1972 bà nhận được thông báo đi học lớp cảm tình Đảng ở Cụm 2 của mặt trận. Bà rất phấn khởi khi nhận được tin này: Tuy rất mệt, song đây là một dịp không bao giờ có nên mình quyết tâm đi. Tuy biết rằng đi sẽ vất vả, đây cũng là một thử thách với mình và đây cũng là kỷ niệm trong đời bộ đội ở chiến trường và có ý nghĩa lịch sử với mình (tr. 15, 14-3-1972). Ngay chiều hôm đó, Nữ Hiếu cùng y sĩ Thịnh, y tá Quỳnh và 12 đồng chí ở Đội điều trị 204 trở ra Cụm 2 (xã Động Đang, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) để học lớp cảm tình Đảng từ ngày 15 đến 17-3-1972. Sau đó, bà tham gia lớp tập huấn chuyên môn do các thành viên trong đoàn chuyên khoa phụ trách: PTS Nguyễn Huy Phan giảng bài choáng chấn thương, vết thương hàm mặt do hỏa khí; BS Lê Văn Tiến giảng về cắt cụt chi, vết thương sọ não; BS Đỗ Đình Luận giảng về thuốc…, còn BS Nữ Hiếu giảng về sốt rét ác tính, dịch tả, dịch hạch. Đây là một hình thức tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để các bác sĩ đáp ứng yêu cầu phục vụ thương bệnh binh trong chiến trường.
Cuối tháng 3-1972, được điều chuyển sang công tác tại Ban 3 (ban nội), BS Nữ Hiếu vui mừng vì được làm đúng chuyên môn, nhưng xen vào đó cũng có một chút lo lắng: Ban 3 có nhiều khó khăn vì quan hệ và quan điểm trong việc hiệp đồng công tác, do đó có những khó khăn. Nghĩ vậy mình cũng hơi buồn (tr. 54, 27-3-1972). Nghe lời khuyên của bạn trong đoàn chuyên khoa về cách ứng xử với đồng nghiệp mới, bà nhanh chóng lấy lại tinh thần và xác định quyết tâm: Hãy phấn khởi vui lên bước vào công tác, hãy rèn luyện một nghị lực cho tốt, vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi trong đợt công tác này. Hãy tin ở sức mình, tự tin để mà công tác tốt, xung quanh mình đã có tập thể, có Chi bộ, có Chi đoàn, có Ban chỉ huy của Đội chuyên khoa (tr. 54, 27-3-1972).
Đầu tháng 4-1972, thực sự bước vào chiến dịch Trị – Thiên, đoàn cán bộ chuyên khoa cùng Đội điều trị 204 bắt đầu cơ động theo các đơn vị chiến đấu để kịp thời cứu chữa thương binh ngay tại chiến trường. Nhưng BS Nữ Hiếu được lệnh chuyển về tuyến sau, dù bà tha thiết xin ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ: Sáng nay thứ 2, buổi giao khoa đầu tiên với ban 3, được đồng chí Hồi (Trưởng ban 3) cho biết sẽ giải quyết số bệnh nhân còn lại sau đó chuyển ra phía trước. Còn tôi phải về phía sau, thật là buồn quá (tr. 72, 3-4-1972). Vì không được làm việc lâu ở chiến trường, nên bà nghĩ mình chưa hoàn thành trách nhiệm mà cấp trên giao phó, vì thế cần phải tranh thủ khoảng thời gian ở lại để tập trung khám chữa bệnh và chăm sóc thương bệnh binh. Với tinh thần dù trong hoàn cảnh nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, bà đăng ký điều trị thêm một số trường hợp bị sơ nhiễm và sốt cao trước khi bàn giao bệnh nhân.
Trước khi BS Nữ Hiếu trở về tuyến sau, chi đoàn 730B và chi bộ Đoàn chuyên khoa tổ chức họp nhận xét về bà trong chuyến công tác phục vụ chiến trường. Đảng ủy Đội 204 cũng nhất trí với những nhận xét đó, đồng thời nhấn mạnh một số ưu điểm: Có tinh thần khắc phục khó khăn trong hành quân, trong phục vụ thương bệnh binh và tham gia xây dựng cảm tình; có tinh thần trách nhiệm, có quan điểm phục vụ thương bệnh binh tốt, là bác sĩ đã tham gia vào mọi công việc của công vụ, y tá, y sĩ phục vụ thương bệnh binh không kể ngày đêm… luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và có động cơ phấn đấu đúng đắn, tinh thần cầu tiến bộ (tr. 83, 17-4-1972). Ngày 15-4-1972, BS Nữ Hiếu bàn giao bệnh nhân, chiều hôm sau bà chính thức nhận được thông báo ra Bắc. Trong tâm trạng bùi ngùi, lưu luyến, bà đã viết: Như vậy ngày mai Hiếu sẽ đi về cụm để rồi trở ra A. Thế là phải thực sự xa chiến trường rồi, xa cuộc chiến đấu đang nóng bỏng ở đây, ta đang vây ép chặt Quảng Trị và Huế (tr. 84, 16-4-1972).
Sáng ngày 17-4-1972, Nữ Hiếu lên đường trở ra Cụm 2, trưa thì đến nơi. Bà rất cảm động trước sự quan tâm của các cán bộ và chiến sĩ công tác ở đây: Hôm nay lại được lệnh chưa đi vội vì các anh bảo chờ xe con, chờ thời cơ thuận lợi nhất và riêng về mình, các anh nói phải chờ thai trên 4 tháng mới cho ra thì mới đảm bảo an toàn. Thật là các anh quan tâm hết mức, do đó làm cho mình cũng suy nghĩ nhiều (tr. 84, 19-4-1972). Trong thời gian chờ đợi, Nữ Hiếu tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm của một bác sĩ bằng việc tích cực hỗ trợ cứu chữa thương bệnh binh, nên được Đảng ủy Cụm 2 nhận xét tốt: Có quyết tâm phấn đấu rèn luyện để phục vụ lâu dài ở chiến trường. Trong công tác có tinh thần trách nhiệm, vận dụng phát huy khả năng chuyên môn phục vụ thương bệnh binh bước đầu tốt (tr. 94, 24-4-1972).
Ngày 25-4-1972, BS Nữ Hiếu được bố trí ra Bắc trên chiếc xe ô tô “Vọt tiến” của Trung Quốc. Bà được giao nhiệm vụ trên xe phải chăm sóc cho bệnh nhân Duyệt bị viêm gan phải ra Viện Quân y 108 điều trị. Chuyến đi ra cũng gian nan không kém khi đi vào chiến trường; mặc dù không phải đi bộ, nhưng vì yêu cầu tránh máy bay địch nên phải di chuyển ban đêm, đường đã nhỏ lại gập ghềnh và có nhiều cua gấp nguy hiểm, nhiều đoạn đi dọc theo suối rất khổ: Qua 4km đường suối, những tảng đá tròn to và xe đi qua thật là khó khăn, xóc vô kể đến nẩy cả đom đóm mắt, đầu cứ đập bôm bốp vào mui xe, còn mạng sườn thì cứ đập vào thành xe đau vô kể (tr. 96, 26-4-1972). Sau khi vượt qua sông Sê Băng Hiêng ở Nam Lào, đoàn xe tiếp tục đi theo đường 15 và vượt sông Cam Lộ. Ngày 26-4-1972, đoàn vượt sông Bến Hải sang bờ bắc: Sau đúng 2 tháng rời Bến Hải, tối hôm qua đúng 0 giờ 50 ngày 26-4 tôi lại vượt Bến Hải trở về bờ bắc, nhưng lần này khác trước là vượt bằng xe ô tô trên đường 14 và tiếp theo đó là đường 15 kéo dài (tr. 96, 26-4-1972).
Ba tháng đi B để lại cho BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu nhiều ấn tượng khó phai. Trong cuốn sổ này, bà sử dụng hết 145 trang giấy, ghi từ mồng 3-2 đến mồng 3-5-1972, những dòng nhật ký viết bằng mực xanh đều tăm tắp. Tuy nay cuốn sổ đã cũ, bung gáy, nhưng trong đó lưu lại được chân thực những cảm xúc và kỷ niệm vô cùng quý giá của bà từ một thời khói lửa.
Hoàng Thị Liêm – Lê Nhật Minh
_______________________________
* PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, chuyên ngành Y học, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
1. Tên gọi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giai đoạn 1960-1995.
2. Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, 9-3-2010, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
3. Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, 9-3-2010, đã dẫn.
4. Ông Nguyễn Lân Dũng khi đó là cán bộ giảng dạy khoa Sinh vật, trường ĐH Tổng hợp, sau là Giáo sư – Tiến sĩ sinh học, Giám đốc Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học.
5. Nguyễn Lân Dũng, Nhật ký, 1972, tr. 9-10, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
6. Nguyễn Lân Dũng, Nhật ký, 1972, tr. 11, đã dẫn.
7. NGND Nguyễn Lân (1906 – 2003), nhà biên soạn từ điển, nhà văn và nhà nghiên cứu; ông đã có công đối với việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lý học, giáo dục học trong hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam.
8. Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Tiếp bước chân cha: Hồi ký về giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr. 434.
9. “Lịch sử Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (1951-2011)”, tr. 167. http://www.quandany.com/Khac/Tintucmoi/tabid/107/smid/657/ArticleID/1138/Default.aspx.
10. Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, 9-3-2010, đã dẫn.