Học xong lớp 5 tại trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền[1], tháng 11-1953 Trần Thị Băng Thanh được cấp học chỉ có 4 trang viết bằng mực xanh và mực tím trên mẫu in sẵn, giấy màu nâu, kích thước 14,6cm x 18,9cm. Sau đó, Băng Thanh học lớp 6 trong năm 1954, nhưng từ tháng 4 đến tháng 6 học tại trường Phổ thông cấp II Nguyễn Trãi[2] ở Thanh Hóa, từ tháng 7 đến tháng 11 học tại trường Phổ thông cấp III Cù Chính Lan ở Hà Nam. Vì thế, lớp 6 có sổ thành tích học tập do trường Nguyễn Trãi cấp, sổ gồm 8 trang giấy trắng khổ 15,2cm x 20,5cm, mới chỉ sử dụng 3 trang và viết bằng bút máy mực tím; đồng thời có cả học chỉ của trường Cù Chính Lan, cũng 4 trang, viết bằng mực xanh và mực tím trên mẫu in sẵn.
Năm 1946, Trần Thị Băng Thanh đang học lớp sơ đẳng[3] thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, nên phải theo gia đình đi tản cư ở Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa. Mãi đến năm 1951, Băng Thanh mới được đi học tiếp. Năm sau, khi đang học lớp 4 – năm cuối cấp I[4] ở xã Đại Đồng (nay là xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa), Băng Thanh và hơn một chục bạn đã có ý định sẽ thi vào trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền cách nhà khoảng 3 cây số. Ngay trong kỳ nghỉ hè năm ấy, cả bọn nhờ một thanh niên tên là Huyến phụ đạo môn toán và môn văn. Anh Huyến đang chuẩn bị đi học dự bị đại học, anh nhận lời dạy mà không cần thù lao. Anh có tài kể chuyện khoa học viễn tưởng và chuyện trinh thám rất cuốn hút, Băng Thanh nhớ nhất truyện “Đầu giáo sư Dowel”[5] của A. R. Beliaev. Liên tục mấy tháng hè, mỗi tuần mấy buổi tối, lớp phụ đạo học từ 7 giờ đến 9 giờ 30 hoặc 10 giờ.
Sau khi tốt nghiệp cấp I vào tháng 11-1952, Băng Thanh tham dự kỳ thi lên lớp 5, thi tại sân nhà bà địa chủ Tô ở làng Ngò (nay là làng Đồng Chí, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền đóng ở làng này, gia đình bà cho trường mượn nhà để dạy học, họp hành và tổ chức thi. Vì sợ máy bay Pháp phát hiện và ném bom, phải thi vào buổi tối, chẳng những không dám thắp đèn ngoài sân mà trong nhà cũng chỉ có ngọn đèn nhỏ. Theo vần ABC, các thí sinh lần lượt được gọi vào thi. Ngồi chờ ở sân, ai cũng hồi hộp, lo lắng… Kể về kỳ thi năm ấy, PGS Băng Thanh chia sẻ: Đã sợ thì chớ lại còn rủ nhau thi vào một trường danh tiếng và yêu cầu chất lượng cao như thế. Chúng tôi lo lắm, đến nỗi ngày hôm sau đi thi thì tối hôm trước tôi cùng cô bạn Nguyễn Thị Thu Hoàng còn ngồi học với nhau, và đêm thì ngủ mê không làm được bài. Trong đời, chưa có kỳ thi nào mà tôi lo lắng như thế, vì rất sợ trượt. Lần đầu đi thi nên tôi chuẩn bị kỹ lắm[6]. Nay bà không nhớ hôm ấy đã thi thế nào, chỉ biết sau một thời gian thì nhận được tin báo đỗ và nhập học đầu năm 1953[7].
Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do nhưng vẫn phải lo đối phó với hoạt động đánh phá của máy bay Pháp. Phải học buổi tối. Ở chợ có bán đèn hoa kỳ, đèn kính, đèn tự chế, nhưng phần lớn học sinh dùng đèn tự chế, có thể mua hoặc được người lớn trong nhà làm cho, những bạn khéo tay còn tự làm đèn cho mình. Hai bạn học cũ của PGS Băng Thanh là PGS.TS Trần Đình Ngạn và PGS.TS Phạm Tú Châu[8] cũng kể lại rằng, hồi ấy thường dùng vỏ hộp kem đánh răng hay ống đựng nước cất, lọ đựng thuốc peniciline để làm đèn, nhét đầy bông vào và đổ dầu hỏa cho thấm vào bông; lấy vỏ chiếc van xe đạp gắn vào rồi luồn sợi bông qua ống van làm bấc đèn; lấy chiếc vỏ chai cắt bỏ cả trên và dưới để làm bóng đèn. Băng Thanh khi đó đã 15 tuổi và không sợ ma nên thường đóng vai trò chỗ dựa tinh thần cho nhóm bạn đi học cùng. Trong đó có một bạn lớp trên tên là Loan rất sợ ma, thường đòi đi vào giữa. Có đoạn, những khóm tre cao và rậm um tùm hai bên đường, trời tối đi qua càng thấy tối đen và vắng vẻ. Mấy bạn nam nghĩ ra trò bất ngờ tắt đèn và hò nhau chạy để Loan khóc thét chạy theo, thậm chí mấy bạn tinh nghịch này còn vượt trước một quãng rồi nằm cả ra đường và phủ giấy trắng lên mặt, khiến Loan chạy tới nơi càng hoảng sợ mà hét lên thất thanh.
Không chỉ xách đèn, mỗi học sinh còn phải mang bàn theo. Bàn đóng bằng gỗ, nhỏ và nhẹ, gấp lại được như kiểu bàn của những người đi bán dạo kẹo kéo hay lạc rang, có hai dây quai để đeo. Kèm với bàn còn có chiếc ghế nhỏ để ngồi, sau này cải tiến thành chiếc hộp nhỏ gắn phía dưới bàn để đựng đồ, có chốt cố định và tháo rời làm ghế ngồi (xem ảnh dưới).
Học sinh lớp 7A trường cấp III Cù Chính Lan ngồi học bên những chiếc bàn gấp trong một buổi phụ đạo, 1955
Trường Nguyễn Thượng Hiền có những thầy giáo giỏi được đào tạo thời Pháp, một số thầy dạy cả cấp II và cấp III, như thầy Hiệu trưởng Đào Văn Định, thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy Phó Đức Tố… Các thầy không mất nhiều công sức trong việc tổ chức hoạt động hay kèm cặp học sinh, bởi đã có hệ thống hiệu đoàn trong trường. Hiệu đoàn là tổ chức đại diện của học sinh, có hiệu đoàn trưởng, hiệu đoàn phó và một số ủy viên chịu trách nhiệm từng công tác, đều ở độ tuổi 18 đến 20; có các ban phụ trách học tập, lao động, văn nghệ… Ban chấp hành hiệu đoàn có khả năng tổ chức công việc chung của trường. Bên cạnh hiệu đoàn còn có đội thiếu nhi và đoàn thanh niên, với ban chỉ huy phân đội, phân đoàn. Mỗi lớp là một phân đoàn, phân đội, lớp lớn là chi đoàn, chi đội. Trong lớp có một lớp trưởng, hai lớp phó. Hàng tuần, đại diện các lớp, các phân đội, phân đoàn cùng với ban chấp hành hiệu đoàn tổ chức họp, bình xét khen thưởng và kỷ luật cho từng lớp. Dựa vào đó, cứ đến tối thứ bảy toàn trường lại tập trung ở sân nhà bà địa chủ Tô để nghe các thầy tuyên dương hoặc phê bình các lớp. PGS Băng Thanh cho biết: Mấy anh lớp trên xuống phụ trách rất vui vẻ. Nhờ có ban chấp hành hiệu đoàn mà các thầy có vẻ rất nhàn. Cách làm đó tôi thấy rất nghiêm mà dân chủ. Các thầy không phải quát nạt mà học sinh tự giác trong mọi việc[9].
Cùng lớp với Băng Thanh, học sinh khác nhau về cả thành phần xuất thân, độ tuổi và trình độ. Một số đã được học cấp I ở trường Pháp và biết tiếng Pháp. Một số học ở nông thôn, học lực yếu. Quan hệ thầy – trò khá hòa đồng, thoải mái, nhưng vẫn bảo đảm kỷ cương và học hành nghiêm túc. Đặc biệt, thầy chủ nhiệm dạy toán là một thầy giáo trẻ, học sinh gọi bằng anh, đôi khi quá đà còn bá vai, bá cổ, kéo tay thầy. Thầy Phương dạy địa lý chỉ cần đưa tay vẽ hai khoanh là có hình quả địa cầu rất đẹp. Thời ấy, như PGS Phạm Tú Châu chia sẻ: Kiến thức học sinh được học dựa hoàn toàn vào lời các thầy giảng, không có sách giáo khoa hay sách tham khảo, môn địa lý thì không có bản đồ[10].
Nhờ học tốt và gương mẫu trong hoạt động của trường lớp nên Băng Thanh được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Trong học chỉ lớp 5 cấp ngày 17-11-1953 cho biết, điểm trung bình 8 môn học (giảng văn, luận, sử, địa, chính trị, toán, lý – hóa, vạn vật) của Trần Thị Băng Thanh là 7,62, xếp thứ nhất trong số 75 học sinh, và được khen thưởng về học tập.
Cuối năm đó, trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền chuyển về Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình. Một số học sinh ở lại Thanh Hóa, trong đó có Băng Thanh. Vì vậy, trong lời phê của thầy hiệu trưởng Đào Văn Định vào học chỉ lớp 5 có ghi: Vì không có điều kiện theo trường ra khu 3 … giới thiệu trò Thanh sang một trường ở Thanh Hóa. Trước khi trường chuyển ra Ninh Bình, hai thành viên của ban chấp hành hiệu đoàn đưa Băng Thanh và các bạn ở lại tới trường Phổ thông cấp II Nguyễn Trãi (ở làng Hoạch Thôn, xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) để nhập học lớp 6.
Học chỉ và sổ thành tích học tập của học sinh Trần Thị Băng Thanh, 1953-1954
Vậy là Trần Thị Băng Thanh vào học lớp 6B của trường Nguyễn Trãi. Tại đây, Băng Thanh cũng làm lớp phó học tập và ngày 26-3-1954 được kết nạp Đoàn: Kết nạp Đoàn buồn cười lắm, tôi cảm thấy vừa thiêng liêng, vừa ấu trĩ. Lễ kết nạp như hoạt động bí mật vậy. Tôi không biết đầu đuôi thế nào, đến khi mấy bạn trong chấp hành chi đoàn bảo viết đơn thì tôi viết, rồi kết nạp. Sau đó, chúng tôi có những cuộc họp rất nghiêm túc, nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, đoàn viên thì không được học dốt. Tuy nhiên, vẫn có những đoàn viên học kém, đó là các anh từ vùng địch ra, chưa được học có hệ thống, thậm chí đã có vợ ở nhà, vào học ngay lớp 5 hoặc lớp 6, nên kiến thức có nhiều chỗ hổng, tới mức phân số cũng không biết[11].
Cuốn sổ thành tích học tập lớp 6 cho hay, Trần Thị Băng Thanh chỉ học ở trường Nguyễn Trãi học kỳ I, trong đó ghi từ tháng 4 đến tháng 6-1954. Chương trình lớp 6 gồm 11 môn học, mỗi tháng đều tổ chức thi và điểm trung bình các tháng như sau: điểm tháng 4 là 6,86 (xếp thứ 4 trong tổng số 41 học sinh); điểm tháng 5 là 7 (xếp thứ 3 trong 38 học sinh); điểm tháng 6 là 6,75 (xếp thứ 7 trong 36 học sinh). Sau 3 tháng đó, nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ và miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trường Phổ thông cấp II Nguyễn Trãi trở về Hà Đông. Vì thế, đa số giáo viên và học sinh của trường chuyển sang hai trường cấp III đóng ở tỉnh Hà Nam là trường Cù Chính Lan và trường Nguyễn Quốc Trị. Hai trường này đào tạo cả cấp II và cấp III, cùng mới được thành lập năm 1954 trên cơ sở tách từ trường Phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền. Băng Thanh học trường Phổ thông cấp III Cù Chính Lan.
Đến nay, PGS Băng Thanh vẫn rất cảm phục khả năng tổ chức của ban chấp hành hiệu đoàn trong việc chuyển trường năm ấy. Họ chỉ hơn Băng Thanh một vài tuổi, nhưng đã tổ chức thành công một chuyến di chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nam cho hai lớp 6, hai lớp 7 và gia đình các thầy; mọi việc từ hướng dẫn đường đi, chỗ nghỉ, đến phụ giúp các thầy gánh đồ đạc, thuê thuyền, rồi việc đóng bè chở đồ bằng đường sông… đều suôn sẻ. Bà nhớ rõ: Chúng tôi mỗi người đeo một ba lô đựng quần áo, tay xách bàn học đi theo các anh ấy, bảo nghỉ là nghỉ, đi là đi, không có lôi thôi gì hết[12]. Cả thầy và trò cùng đi bộ từ Hoạch Thôn (Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa), đến Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa) thì nghỉ lại một đêm, hôm sau đi tiếp đến Phố Cát (vẫn ở huyện Thạch Thành), rồi tới Gián Khuất (Gia Viễn, Ninh Bình), sau đó thuê thuyền cho nữ sinh và các bạn thiếu nhi đi tiếp, các bạn nam khỏe thì đóng bè chở đồ ngược sông Đáy, nghỉ lại một đêm ở Phủ Lý, sáng hôm sau thầy trò gồng gánh đồ đạc đi tiếp, còn bè chở đồ theo dòng Châu Giang về địa điểm tập kết là Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam. Học ở đây được một học kỳ, trường Cù Chính Lan lại chuyển đến Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, cùng tỉnh Hà Nam.
Tại trường Phổ thông cấp III Cù Chính Lan, Băng Thanh học lớp 6A, làm lớp phó học tập. Với vai trò tích cực của hiệu đoàn, tinh thần tự quản trong học sinh rất cao và có hiệu quả. Mỗi lớp chia thành 4-5 tổ, mỗi tổ đều có học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu kém để chia nhóm giúp đỡ nhau. Băng Thanh cũng kèm cặp những bạn học yếu trong nhóm. Trần Đình Ngạn những lúc rảnh rỗi thường cùng dăm bảy bạn ra gốc cây hay bờ ao trải chiếu ngồi truy bài. Có những buổi học về tư tưởng chính trị, về Đảng và giai cấp công nhân, dù còn nhỏ nhưng học sinh đã tự tìm hiểu, đọc tài liệu rồi trao đổi nhận thức với nhau. Theo PGS Băng Thanh giải thích, học sinh thời ấy đa số thuộc diện bỏ học đi kháng chiến rồi mới tiếp tục học lại, khi lên lớp 6 thì khoảng 13 đến 16 tuổi, có người đã lập gia đình, có người vì hoàn cảnh mà phải tự lập, vì vậy họ đã tự ý thức được cuộc sống và tự giác trong học tập. Mặt khác, đa số đi học xa nhà, tuy sống xa bố mẹ nhưng được sinh hoạt trong môi trường mà tất cả mọi người đều nỗ lực học tập, nên không thể lười biếng được. Thêm nữa, dư luận xã hội về đạo đức học tập cũng mạnh mẽ, làm cho người quay cóp bài hay lười học bài tự thấy xấu hổ. Thay vì nhắc bài cho nhau trong giờ kiểm tra, việc truy bài là cách giúp đỡ bạn phổ biến, chỗ nào bạn không hiểu thì tận tình giảng giải.
Để nắm được diễn biến tư tưởng cũng như hành động của học sinh, ban chấp hành hiệu đoàn ở trường Cù Chính Lan quy định mỗi học sinh có một cuốn sổ tay, gọi là “sổ thanh niên thế hệ”, hàng ngày ghi vào đó những việc đã làm, những suy nghĩ, tâm tư… Mỗi nhóm có một anh hay chị lớp trên phụ trách, và như bà Băng Thanh chia sẻ: Tất cả đều do cán bộ hiệu đoàn và các bạn tự làm, các thầy chỉ giúp đỡ khi có đề xuất. Các anh ấy tự thấy có trách nhiệm giúp lớp dưới rèn luyện, nhất là về tư tưởng, tác phong, đạo đức. Về tư tưởng, bao giờ cũng phải tâm niệm rằng “học tập để phục vụ nhân dân”, thậm chí có những buổi học cũng hô khẩu hiệu như thế. Bạn bè thì giúp đỡ nhau, có nhóm còn cưu mang một bạn trong cả thời gian dài, tất nhiên mỗi bữa chỉ vài lưng cơm, nhưng đủ sức để học[13].
Năm lớp 6 ở trường Phổ thông cấp III Cù Chính Lan, Trần Thị Băng Thanh đạt điểm trung bình của 11 môn trong học kỳ I là 7,03, học kỳ II là 7,84, đứng đầu trong tổng số 53 học sinh. Trong học chỉ, các thầy cô giáo đều nhận xét “Khá”, “Giỏi”, “Tích cực, chăm tham gia ý kiến”…, và ngày 30-11-1954 thầy hiệu trưởng phê: Học chăm. Kết quả tốt. Công tác có nhiều cố gắng nhưng chưa đều. Có chú ý tu dưỡng, sửa chữa khuyết điểm. Đầu năm 1955, Trần Thị Băng Thanh vào học lớp 7A tại trường này. Mặc dù học chỉ lớp 7 không còn, nhưng PGS Trần Thị Băng Thanh vẫn nhớ nhiều kỷ niệm trong năm học cuối cấp II đó.
Năm 1955, tròn một năm sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tất cả các trường cấp III trong kháng chiến chống Pháp đóng tại Thanh Hóa, Ninh Bình… đều hội tụ về tỉnh Hà Nam và hình thành trường Phổ thông cấp III Liên khu III[14], do thầy Đào Văn Định làm hiệu trưởng. Trần Thị Băng Thanh chuyển từ trường Cù Chính Lan về học lớp 7B của trường Phổ thông cấp II thị xã Phủ Lý. Các thành viên của ban chấp hành hiệu đoàn như Đoàn Đình Ca, Nguyễn Việt Cồ, Phạm Minh Hạc theo trường về Nam Định học cấp III và chỉ để lại hai ủy viên của hiệu đoàn cũ. Thời kỳ này Băng Thanh tham gia ban chấp hành hiệu đoàn, khi được giao phụ trách các lớp cấp II ở lại Hà Nam thì rất hoang mang: Ở lại tôi không biết xoay sở thế nào nên sợ lắm. Hiệu đoàn trưởng gọi tôi bằng đồng chí, bảo rằng đồng chí lấy tinh thần của một đoàn viên, chịu trách nhiệm với công việc chứ không thể run sợ, không thể bi quan. Thế là từ đồng chí đem lại cái gì đó ấm áp. Sau đó họ đi và chúng tôi thì ở lại. Chúng tôi tổ chức lại hiệu đoàn rất tử tế, phụ trách hoạt động của ba lớp 5-6-7 trong một học kỳ cuối và học kỳ chờ[15].
PGS Băng Thanh cho biết, do năm học trong vùng bị quân Pháp chiếm đóng tính từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, nên khi học sinh ở đó chuyển về Hà Nam, để họ không phải học đuổi chương trình của vùng kháng chiến, nhà trường quyết định sau khi kết thúc năm học 1955, học sinh vùng kháng chiến sẽ có thêm một học kỳ chờ (tháng 1 đến tháng 5-1956). Trong học kỳ chờ, học sinh phải ôn luyện, kèm cặp lẫn nhau; các thầy thì dạy nâng cao và tổ chức phụ đạo. Trong lớp có một học sinh hổng kiến thức từ lớp dưới, Băng Thanh nhận giúp đỡ bạn này học rồi đạt kết quả tương đối tốt trong kỳ thi tốt nghiệp. Băng Thanh còn là cán bộ phụ trách văn nghệ, nên dù không biết hát nhưng vẫn tham gia biểu diễn.
Học sinh từ vùng ven Hà Nội, từ Thái Bình, Nam Định… cũng về học ở trường Phổ thông cấp II thị xã Phủ Lý. Trường sử dụng lán cũ của một công trường cho học sinh ở, giường toàn đóng bằng tre. Học sinh cùng nhau tổ chức nấu ăn, sinh hoạt, học tập và giúp nhau tìm việc làm để có tiền trang trải cuộc sống[16].
Lớp 7B do thầy Nguyễn Xuân Tự làm chủ nhiệm. Trong hồi ức của PGS Trần Thị Băng Thanh: Thầy dạy văn hay và có lẽ một phần do thầy nói giọng Huế, mà tôi lần đầu nghe giọng ấm áp như thế nên thích. Thứ hai là thầy cũng hiền và có tâm hồn, giảng bài “Từ ấy” rất hay nên tôi rất thích học văn. Kết quả môn văn của tôi cũng rất khá. Ông ấy quý học trò nên lớp 7B chúng tôi thường gọi ông là “mẹ”[17]. Thầy môn toán thì dạy khó hiểu, lại nghiêm khắc, khó tính và lạnh lùng, nên bị học sinh ghét và gọi là “dì ghẻ”, tới mức một số bạn viết đơn kiến nghị nhà trường đổi giáo viên, khiến cả thầy và hiệu trưởng đều rất sốc. Nhưng thầy đã đề nghị nhà trường cho tiếp tục dạy và hứa sẽ cải thiện cách dạy, đến khi nào học trò hiểu được bài và thầy trò hiểu nhau, lúc ấy sẽ quyết định có chuyển sang dạy lớp khác hay không. Thầy cũng thẳng thắn trước học sinh: “Tôi biết rằng tôi đã làm các em khó khăn trong việc học hành. Tôi xin nhận khuyết điểm ấy. Nếu chúng ta không làm việc tiếp thì không thể hiểu nhau và tôi cũng không sửa được lỗi của mình. Nên tôi xin một thời gian nữa để thầy trò mình tiếp tục, chúng ta cùng cố gắng. Nếu sau này chúng ta có thể hiểu được nhau và hai bên cùng đạt được kết quả, thì tôi rất vui và các em cũng rất vui”, và lớp 7B cũng rất thiện chí, như PGS Băng Thanh kể tiếp: … cán bộ đoàn, cán bộ lớp như tôi rất vui, chúng tôi nói: “Vâng, chúng em xin lỗi thầy vì không nghĩ kỹ”. Sau đó thì thầy vẫn ở lại dạy, cuối cùng quả thật đó là thầy dạy toán tốt, dạy rất cẩn thận, dễ hiểu[18].
Những năm học cấp II đã lùi xa về quá khứ, nhưng PGS Băng Thanh vẫn nhớ nhiều về việc học văn: Thầy truyền được cảm hứng, cái hay của tác phẩm, cũng không bắt học sinh phải thuộc bao nhiêu nội dung bài giảng, thầy cứ giảng, trò cứ ghi. Giờ kiểm tra, thầy giao cho viết bài luận về vấn đề nào đó, học sinh viết thoải mái, miễn sao đủ ý. Cách làm ấy đã giúp học sinh sớm bộc lộ năng khiếu[19].
Cuối năm học cấp II, nhà trường phát động viết báo tường, Băng Thanh lúng túng nên đem chuyện “Đầu giáo sư Dowel” được nghe kể hồi hè năm 1952 viết lại, có thêm câu cú và thêm “mắm muối”, nhưng lại được khen, thậm chí thầy dạy toán nói với các bạn trong lớp tôi rằng về sau cô này sẽ thành một tài năng văn học[20]. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp cấp II, Trần Thị Băng Thanh sang Nam Định học tại trường Phổ thông cấp III Liên khu III.
Ba năm học ở bốn ngôi trường, đó là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm, góp phần định hình tính cách và khơi gợi con đường đi vào văn học của PGS Trần Thị Băng Thanh. Gắn liền với với 3 chứng chỉ – 3 kỷ vật còn lại đến nay, những ký ức về thời học cấp II không chỉ có ý nghĩa với riêng bà, mà còn là những tư liệu để hiểu biết về công tác giáo dục cũng như cuộc sống của thầy và trò thời bấy giờ.
Lê Thị Hằng
_______________________________
* PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, chuyên ngành Văn học, nguyên Phó trưởng phòng Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học.
[1] Còn gọi là trường Chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, đào tạo cả cấp II và cấp III; nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
[2] Do phải tản cư, trường Nguyễn Huệ ở Hà Đông chuyển vào Thanh Hóa, đổi tên thành trường Nguyễn Trãi; nay là trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội.
[3] Theo chương trình giáo dục thời Pháp thuộc, cấp I gồm 6 lớp: đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, lớp nhì năm thứ nhất, lớp nhì năm thứ hai và lớp nhất. Kết thúc lớp sơ đẳng, học sinh thi để lấy bằng Sơ học yếu lược; tốt nghiệp cấp I thì được cấp bằng Sơ đẳng tiểu học.
[4] Thực hiện cải cách giáo dục năm 1950, hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta chuyển từ 12 năm sang 9 năm, phân chia ba cấp học như sau: cấp I từ lớp 1 đến lớp 4; cấp II từ lớp 5 đến lớp 7; cấp III gồm lớp 8 và lớp 9.
[5] “Đầu giáo sư Dowel” viết về phát minh tái sinh đầu người chết, từ đó mở ra triển vọng cải tử hoàn sinh cho con người. Tuy nhiên, GS Dowel đã chết một cách bí ẩn, đầu của ông bị kẻ phụ tá làm cho tái sinh để phục vụ tham vọng điên cuồng của hắn, và hắn đã gây ra bi kịch cho nhiều người, rồi cuối cùng hắn phải trả giá cho hành động đi ngược quy luật sống.
[6] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 21-6-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Bấy giờ, ở vùng tự do, năm học tính từ tháng 1 đến tháng 12 của năm.
[8] PGS.TS Trần Đình Ngạn sinh năm 1940, chuyên ngành Y học, nguyên PGĐ Bệnh viện Quân y 103; ông cùng học cấp II và cấp III với PGS Băng Thanh. PGS.TS Phạm Tú Châu (1935-2017), chuyên ngành Văn học, nguyên Phó ban Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học; bà học trên PGS Băng Thanh một lớp ở trường Nguyễn Thượng Hiền.
[9] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phạm Tú Châu, 19-11-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.
[12] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 21-6-2016, đã dẫn.
[13] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.
[14] Khi sáp nhập, trường chỉ đào tạo cấp III nên học sinh cấp II phải chuyển về các trường cấp II khác học tiếp.
[15] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.
[16] Lúc này Băng Thanh ở nhờ nhà chị gái của ông Lê Tư Lành, đại biểu Quốc hội. Ông Lê Tư Lành (1914-1995) là nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
[17] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.
[18] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.
[19] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 11-10-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[20] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, 5-7-2016, đã dẫn.