Tập báo cáo "Nghiên cứu và đánh giá tổng hợp các tiềm năng tự nhiên và kinh tế – xã hội nhằm phát triển sản xuất của ba chương trình kinh tế lớn hiện nay ở huyện Quỳnh Lưu", gồm 312 trang đánh máy chữ, khổ giấy 20,5cm x 29cm, bìa màu xanh, đã bị long gáy nên PGS Nguyễn Thế Thôn phải bọc thêm lớp vải bên ngoài. Trong đó trình bày kết quả nghiên cứu toàn diện kinh tế – xã hội huyện Quỳnh Lưu ở Nghệ Tĩnh[1] của ông và các cộng sự[2] trong thời gian từ tháng 8-1988 đến tháng 11-1989.
PGS Nguyễn Thế Thôn chia sẻ: Ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã quan tâm phát triển kinh tế biển, nhiều chương trình nghiên cứu biển được tiến hành. Đây là chuỗi công trình nghiên cứu về biển hoàn chỉnh và công phu[3]. Tháng 12-1986, Đại hội VI của Đảng đề ra ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đó, một chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (mã số 48B, 1986-1990) được đề ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung vào các lĩnh vực như nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, nghiên cứu điều kiện tự nhiên và xã hội các tỉnh ven biển…
PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 25-4-2017
Trong phạm vi chương trình này, Trung tâm Địa lý tài nguyên được Viện Khoa học Việt Nam[4] giao chủ trì đề tài 48B-V1, "Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên ven biển và hải đảo ven bờ"[5]. Năm 1987, PTS Nguyễn Thế Thôn là cán bộ Viện Các khoa học về Trái đất được Ban chỉ đạo đề tài[6] mời phụ trách mảng nghiên cứu, đánh giá tổng hợp các tiềm năng tự nhiên và kinh tế – xã hội huyện Quỳnh Lưu. Đây là một hợp phần hay một nhánh của đề tài: Đề tài 48B-V1 chọn nghiên cứu thực tế ở hai huyện ven biển là Quỳnh Lưu (Nghệ Tĩnh) và Cẩm Phả (Quảng Ninh), huyện Quỳnh Lưu do tôi phụ trách[7].
Quỳnh Lưu sau Đại hội IV của Đảng (1976) đã được Bộ Chính trị chọn làm nơi xây dựng thí điểm mô hình xã hội chủ nghĩa cấp huyện theo hướng công – nông nghiệp hiện đại. Nhiều xóm làng di dời lên đồi núi để lấy đất cải tạo thành những cánh đồng lớn. Các khẩu hiệu nổi tiếng một thời như "Mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội", "Thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn, đi lên chủ nghĩa xã hội"… đều khởi nguồn từ đây. Tuy là một huyện ven biển nhưng cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu về kinh tế – xã hội huyện Quỳnh Lưu nhằm xem xét lại cơ cấu nền kinh tế của huyện, đặc biệt là định hướng phát triển kinh tế biển[8]. Kinh phí cho nghiên cứu được lấy từ chương trình 48B.
Ngày 2-8-1988, PTS Nguyễn Thế Thôn vào Nghệ Tĩnh gặp Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạch Hưng Đào để trao đổi về việc nghiên cứu huyện Quỳnh Lưu. Ông Đào không tán thành: Huyện Quỳnh Lưu đã được Bộ Chính trị duyệt quy hoạch xây dựng thành một huyện công nông nghiệp. Bây giờ đề tài nghiên cứu theo tính hướng biển thì tỉnh không đồng ý vì mâu thuẫn với chủ trương của Trung ương đề ra[9]. Ông Thôn phân tích: Huyện đã quy hoạch và tiến hành xây dựng kinh tế công nông nghiệp gần 10 năm rồi nhưng không thành công. Nay chúng tôi nghiên cứu với mục đích xem lại cơ cấu kinh tế huyện còn phù hợp với tình hình hiện nay hay không, chỗ nào không phù hợp thì huyện, tỉnh có thể xem xét và bổ sung[10]… Cuối cùng, ông Đào đồng ý cho đề tài khảo sát tình hình thực tế tại Quỳnh Lưu.
Thăm những cánh đồng lớn, PTS Nguyễn Thế Thôn thấy có nhiều vấn đề trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp giai đoạn 1976-1980 của huyện, đặc biệt là thiếu am hiểu về địa lý – địa mạo. Về lý thuyết, để máy cày 50 mã lực hoạt động, cần có những vùng đất bằng phẳng rộng hàng chục mẫu. Địa hình các xã khác nhau, có đất cao, đất thấp, đất trũng, cần tiến hành cải tạo, nhưng không đơn giản là san phẳng, mà phải có biện pháp thích hợp cụ thể. Xã Quỳnh Hậu đã cải tạo mặt bằng rất cẩn thận bằng cách bóc lớp đất màu và gom vào một chỗ, rồi sau khi san địa hình thì lại đem đất màu phủ lên trên, do đó năng suất lúa không bị ảnh hưởng. Nhưng ở các xã như Quỳnh Vinh, Quỳnh Tân, người ta san phẳng địa hình một cách tùy tiện, làm mất đi lớp đất màu, dẫn tới đất xấu và lúa năng suất thấp. Xã Quỳnh Thuận là vùng trũng, khi cải tạo đã phá hết bờ thửa khiến ruộng không giữ được nước ngọt sau mùa mưa, dẫn đến tình trạng nhiễm phèn mặn, nhiều diện tích đành phải bỏ hoang hoặc chỉ cấy được một vụ lúa. Từ thực tế như vậy, ông Thôn nhận xét: Qua việc cải tạo đất ở huyện Quỳnh Lưu đã cho thấy nhiều vấn đề đi ngược lại giá trị tự nhiên vốn có, không chú ý đến điều kiện tự nhiên[11].
Triển khai nghiên cứu ở huyện Quỳnh Lưu, PTS Nguyễn Thế Thôn phân công công việc cho các thành viên tham gia đề tài, như: Phạm Trọng Ảnh nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, Bùi Sinh phụ trách thống kê tình hình nông – lâm – ngư nghiệp, PTS Vi Văn Vị vẽ bản đồ các xã[12]… Trong tổng số 42 xã của huyện, ông Thôn trực tiếp tìm hiểu đời sống kinh tế của người dân ở 28 xã. Các cán bộ nghiên cứu ở nhờ nhà dân và được chính quyền địa phương trợ cấp gạo. Tuy đề tài có kinh phí, nhưng tiền đề tài của Nhà nước cấp cho rất ít, những người làm khoa học như chúng tôi lúc đó dựa trên niềm đam mê, nhiệt huyết và sự yêu nghề là chính[13].
Với quan điểm nghiên cứu địa lý không đơn thuần chỉ là tìm hiểu điều kiện tự nhiên, mà cần gắn với việc giải quyết thực tiễn kinh tế – xã hội[14], hàng ngày ông Thôn thường đi bộ đến các xã để xem xét tình hình chăn nuôi của hợp tác xã hoặc ra cánh đồng tìm hiểu thực tế trồng trọt của nông dân. Ông quan sát và ghi chép tỉ mỉ về từng loại cây trồng, năng suất mỗi vụ… Ông đặc biệt quan tâm việc người dân không trồng nhiều ngô vụ đông, bởi năng suất thấp. Sau khi biết nguyên nhân ở khâu gieo hạt, ông khuyến nghị bà con trồng ngô đúng thời gian: Do huyện Quỳnh Lưu chịu ảnh hưởng của không khí lạnh miền Bắc chậm hơn vùng đồng bằng Bắc bộ, nên gieo hạt ngô phải trước ngày 20-9 hàng năm[15]. Trồng theo cách này, sau 3 tháng, khi cây ngô trổ cờ sẽ tránh được gió mùa Đông bắc, bắp phát triển bình thường và khắc phục được tình trạng năng suất thấp.
Tháng 8-1989, quá trình khảo sát thực tế tại Quỳnh Lưu kết thúc, ông Nguyễn Thế Thôn trở về Hà Nội và làm báo cáo tổng kết đề tài. Sau hơn một tháng, trên cơ sở các tư liệu thu thập tại địa phương của mọi người cùng tham gia, ông hoàn thành bản báo cáo kết quả nghiên cứu gồm 8 chương: Chương I: Địa chất, địa mạo, khoáng sản và nước dưới đất; Chương II: Khí hậu, thủy văn, hải văn và nguồn lợi biển; Chương III: Đất và thảm thực vật; Chương IV: Cảnh quan và các tiểu vùng tự nhiên; Chương V: Đánh giá tổng hợp các tiềm năng tự nhiên; Chương VI: Cư dân và văn hóa xã hội; Chương VII: Hiện trạng các ngành kinh tế và các tiểu vùng kinh tế; Chương VIII: Quan điểm chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và tổ chức sản xuất lãnh thổ ở huyện Quỳnh Lưu. Kèm theo là 17 bản đồ thể hiện những vấn đề khác nhau: phân bố lượng mưa, thảm thực vật, khoáng sản, cảnh quan… Ông hài lòng với những sản phẩm đó: Đây là tập báo cáo nghiên cứu công phu và tỉ mỉ của tôi và các cộng sự[16].
Tập báo cáo kết quả nghiên cứu huyện Quỳnh Lưu, tháng 11-1989
Ngày 19-10-1989, hội đồng khoa học do Trung tâm Địa lý tài nguyên thành lập tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở kết quả nghiên cứu huyện Quỳnh Lưu. PTS Nguyễn Thế Thôn khẳng định kiến nghị của đề tài là huyện này nên chú trọng phát triển theo hướng nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. PTS Phạm Quang Hạnh và TSKH Lê Đức An có chung nhận xét: Công trình có số liệu chi tiết, đầy đủ cả về tự nhiên và kinh tế – xã hội, và là một trong những công trình hoàn thiện có tính chất nghiên cứu điểm của chương trình nghiên cứu dải ven biển của nhà nước[17]. Trong ý kiến phản biện, PTS Nguyễn Viết Thịnh chỉ ra những thành công nổi bật: Tác giả đã nêu được những kiến nghị bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kèm theo là những kiến nghị về tổ chức hành chính để hoàn chỉnh quy hoạch tổng hợp. Tôi cho rằng các đề xuất của tác giả với cây ngô đông, cây dâu… ở những nơi có điều kiện thuận lợi là hoàn toàn chính xác[18]. Chủ tịch hội đồng là GS Nguyễn Thượng Hùng đánh giá: Đề tài đã đặt cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện tự nhiên của huyện. Từ đó, tác giả đưa ra dự kiến quy hoạch mới cho huyện Quỳnh Lưu[19].
Ngày 17-12-1989, công trình này được hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên ngành cấp tỉnh nghiệmthu tại huyện Quỳnh Lưu[20]. Nhiều người từ các xã trong huyện cũng đến tham dự. Có người dân hỏi: Tại sao không nên nuôi lợn bằng khoai lang?[21] và ông Thôn phân tích rằng: Nếu dùng khoai lang nuôi lợn thì 6 tháng mới được một lứa, còn nuôi bằng ngô chỉ mất 4 tháng, nguyên nhân là hàm lượng dinh dưỡng trong ngô và khoai khác nhau, mang lại giá trị kinh tế khác nhau[22]. Về vấn đề nuôi tôm, huyện Quỳnh Lưu có nhiều đầm, hồ và 34km đường bờ biển, có triển vọng nuôi tôm và khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, do chủ trương phát triển công nông nghiệp nên việc nuôi tôm chưa được chú trọng, chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, năng suất thấp. Ông Thôn khuyến nghị nên có chính sách và quy hoạch để phát triển nuôi tôm, cần nuôi theo hình thức thâm canh với sự đầu tư vốn và kỹ thuật để đạt năng suất cao. Cùng với việc thúc đẩy nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, huyện cũng nên đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động kinh tế này.
Cuối buổi họp hôm ấy, hội đồng kết luận: Đề tài đánh giá được tiềm năng tự nhiên, kinh tế – xã hội, làm căn cứ cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế những năm tới của huyện Quỳnh Lưu. Các kết luận của đề tài là căn cứ cho việc xây dựng các luận chứng kinh tế kỹ thuật để phát triển một số tiềm năng thế mạnh của Quỳnh Lưu như nuôi tôm, đánh bắt và chế biến hải sản, trồng ngô, dâu… Tuy nhiên, thế mạnh về biển Quỳnh Lưu chưa được nghiên cứu đúng mức[23]. Điều này được ông Nguyễn Thế Thôn giải thích: Thời điểm đó, kinh tế biển chưa được Trung ương chú trọng như bây giờ bởi đất nước còn nghèo, cần phải đủ ăn, thoát đói trước, nên tôi và mọi người tập trung nghiên cứu sâu các xã làm nông nghiệp[24].
Ngày 12-5-1990, tỉnh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức hội nghị tổng kết công tác khoa học kỹ thuật giai đoạn 1986-1990. Theo lời mời của Ủy ban Khoa học kỹ thuật tỉnh, Viện Khoa học Việt Nam chọn ba công trình nghiên cứu để báo cáo tại hội nghị của tỉnh, trong đó có công trình nghiên cứu huyện Quỳnh Lưu do PTS Nguyễn Thế Thôn phụ trách. Đối với ông, đây là dịp báo cáo thành quả nghiên cứu để mừng công dâng Bác, một đóng góp nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa.
Năm 2000, trên đường về thăm quê ở huyện Lệ thủy, Quảng Bình, PGS Nguyễn Thế Thôn ghé vào huyện Quỳnh Lưu. Đời sống nhân dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc, kinh tế mở mang, nhất là nuôi trồng thủy sản và nuôi hươu, vùng phía tây của huyện trồng nhiều cao su và dứa. Kết quả nghiên cứu của đề tài do ông phụ trách năm xưa đã có phần giúp ích cho Quỳnh Lưu phát triển kinh tế – xã hội. Tháng 6-2017, khi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tập báo cáo nghiên cứu này, ông chia sẻ: Trong cuộc đời làm khoa học của tôi, kết quả nghiên cứu ở huyện Quỳnh Lưu thu nhiều kết quả tốt, giúp một số xã trong huyện thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là nâng cao năng suất cây ngô … Những kết quả nghiên cứu của tôi và các cộng sự trong bản báo cáo phần nào được ứng dụng vào thực tế, đó là thành công đối với một công trình nghiên cứu khoa học[25].
Ngô Văn Hiển
______________________
* PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, chuyên ngành Địa lý, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật môi trường, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
[1] Tỉnh Nghệ Tĩnh thành lập năm 1976 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đến năm 1991 hai tỉnh được tái lập như trước. Huyện Quỳnh Lưu nay thuộc tỉnh Nghệ An.
[2] Các cộng sự gồm: Phan Ngọc Tùng, Nguyễn Viết Ninh, Hoàng Xuân Sanh, Phạm Trọng Ảnh, Nguyễn Cao, Phan Xuân Chất, Lê Công Chính, Tạ Đình Chính, Hồ Như Hồng, Nguyễn Đức Hùng, Uông Đình Khanh, Nguyễn Khắc Lam, Phan Xế Lộc, Trần Quang Ngãi, Bùi Sinh, Nguyễn Công Sử, Chu Xuân Thắng, Lê Văn Thìn, Võ Đức Tuyến, Vi Văn Vị.
[3] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 22-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các chương trình nghiên cứu đó bao gồm: chương trình Thuận Hải – Minh Hải (giai đoạn 1977-1980), chương trình 48.06 (1981-1985), chương trình 48B (1986-1990), chương trình KT.03 (1991-1995), chương trình KHCN.06 (1996-2000).
[4] Viện Khoa học Việt Nam năm 1993 đổi tên thành Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2008 thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2012 thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trung tâm Địa lý tài nguyên nay là Viện Địa lý.
[5] Đề tài 48B-V1 là một trong 7 đề tài thuộc chương trình 48B.
[6] Ban chỉ đạo đề tài 48B-V1 gồm 4 người: Trần Văn Danh (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh, Trưởng ban), Trần Anh Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh), Tô Huy Vẫn (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu) và TSKH Lê Đức An là Ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình 48B trực tiếp phụ trách vấn đề khoa học liên quan đến đề tài này.
[7][8][9][10][11] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 22-6-2017, đã dẫn.
[12] Phạm Trọng Ảnh là cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bùi Sinh là cán bộ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, Vi Văn Vị là cán bộ Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
[13][14][15][16] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 22-6-2017, đã dẫn.
[17] Biên bản họp hội đồng khoa học ngày 19-10-1989, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 2.
[18] Bản phản biện đề tài của PTS Nguyễn Viết Thịnh ngày 12-10-1989, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr. 6.
[19] Biên bản họp hội đồng khoa học ngày 19-10-1989, đã dẫn.
[20] Hội đồng gồm 11 người, do PTS Trần Văn Danh làm Chủ tịch, GS Nguyễn Thượng Hùng và TSKH Lê Đức An làm Phó chủ tịch.
[21][22] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 22-6-2017, đã dẫn.
[23] Bản thông báo số 152 /KHKT về kết quả họp Hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên ngành cấp tỉnh đánh giá đề tài khoa học “Nghiên cứu và đánh giá tổng hợp các tiềm năng tự nhiên và kinh tế – xã hội nhằm phát triển sản xuất của 3 chương trình kinh tế lớn hiện nay của huyện Quỳnh Lưu”, 17-12-1989, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[24][25] Tài liệu ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, 22-6-2017, đã dẫn.