Nhật ký thực tập của GS Nguyễn Ngọc Lung

Năm 1956, hai năm sau khi tốt nghiệp trường cấp II Xuân Huy ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Ngọc Lung vào học trường Trung cấp Nông lâm ở Hà Nội. Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng nghĩ đây là xuất phát điểm đầu tiên để có được một cái nghề, nên Nguyễn Ngọc Lung quyết tâm học tập.

Trong 3 năm học với khoảng 15 lần đi thực tập là những kỷ niệm không bao giờ quên với GS Nguyễn Ngọc Lung. Biết bao sự kiện, bao kỷ niệm của một thời đầy khó khăn và cũng rất sôi nổi đã được ông ghi lại đầy đủ trong cuốn Nhật ký thực tập của mình. Giở từng trang nhật ký, hành trình thực tập của Nguyễn Ngọc Lung như được tái hiện rõ nét.

Tháng 4-1958 là thời gian khởi đầu cho những đợt thực tập đó. Niềm vui nhân lên gấp bội khi nơi đầu tiên ông được đến thực tập lại chính là nơi ông đã từng sống hồi tản cư, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của thời thơ ấu ùa về trong ký ức của ông,“Cách đây 6 năm mình đã lặn lội ở rừng, hồi ấy đang học lớp 5 phải tản cư lên đây, vẫn rừng rú này mà hồi ấy thành một tiểu thành phố đến nay chẳng còn nhà nào nữa. Ngày mai sẽ tiếp tục vào rừng sẽ ôn lại bao nhiêu kỷ niệm, ngày mai, ngày mai ta sẽ không buồn nữa, đi câu cũng vui thích…” [1].

Nhưng thật không trọn vẹn vì suốt quãng thời gian thực tập ở Phú Thọ chân ông bị đau, không đi lại được, nhận được sự chăm sóc đầy tình thương từ tập thể nên ông được an ủi phần nào. Sau những ngày ở Phú Thọ, ông quay lại trường với quyết tâm học để thi thật tốt, và có lẽ quyết tâm lớn nhất và khao khát mãnh liệt nhất là trở thành một Đoàn viên. Sự kiện chị gái được đứng trong hàng ngũ của Đoàn đã thôi thúc ông cân nhắc lại bản thân mình từ cách sinh hoạt hằng ngày cho tới việc học tập,“Rút kinh nghiêm, ít ăn, ít tiêu.Từ nay phải dứt khoát để thời giờ học hành, không thể tơ lơ mơ được nữa rồi. Phải tranh thủ mà đặt quyết tâm đi, tư tưởng lúc này là rất lười học, thích ăn chơi, phải gạt phăng sang một bên mà tiến lên…”[2].

Ba tháng sau, Nguyễn Ngọc Lung cùng các bạn lại khăn gói lên đường đến mảnh đất xã Chiến Thắng của tỉnh Bắc Giang lao động, vận động nhân dân làm luống trồng cây, cấy lúa… Nơi đến quá khác xa với những gì mà ông tưởng tượng, cuộc sống nhân dân kham khổ, thêm vào đó thiên nhiên khắc nghiệt. Công tác vận động gặp nhiều khó khăn vì nông dân làm ruộng chẳng ai có đủ thời gian để nghe tuyên truyền,“Cái xứ làm ruộng 2 phần cát một phần bùn, đất đai cằn cỗi, cỏ không có mà đun, con cái cả đàn nheo nhóc bẩn thỉu, nhà có 6 người mà ăn 1kg gạo một ngày, bao giờ cho chấm dứt được cuộc đời lam lũ đói khổ của người dân cày Bắc Giang này…”[3]. Mặc dù vậy, ông và các bạn hòa nhập nhanh vào cuộc sống, lao động giúp nhân dân nhiệt tình, trong sáu ngày nhóm đã tham gia đủ các công việc của đồng áng.

Sau đó ông được chuyển sang lao động ở xóm Quang Trung, nhưng tình hình khó khăn chung cả xã nên xóm này cũng không hơn gì xóm trước “Ở đây cơm ăn ngày hai bữa đủ no, thức ăn từ ngày mới vào được hai bữa rau muống luộc chấm nước mắm loại thượng hạng 300đ một chai, còn toàn ăn dưa và nước dưa chấm tương, bã rượu, mỗi ngày cho thêm một bát nước dưa cả gốc cải già, từ ngày về gia đình này ta không biết màu bóng loáng của mỡ lợn Bắc Giang ra sao cả…” [4]. Tình hình đói kém bao trùm cả xã, ai cũng hiểu nơi đồng khô nắng cháy này con người ta không muốn thế mà vì mảnh đất này không được thiên nhiên ưu đãi. Có lẽ ông cùng các bạn sống ở đây không phải là nhờ cơm mà chính là nhờ tình cảm của nhân dân. Rời xa mảnh đất này ông và các bạn vẫn còn lưu luyến mãi. Chuyến đi này xem như một thử thách về lao động và công tác quần chúng.

Sau đợt lao động ở Bắc Giang, trường tổ chức Khóa học chính trị xã hội chủ nghĩa. khóa học này đem lại kết quả một cách rõ rệt về tư tưởng cho cá nhân học viên Nguyễn Ngọc Lung, ông nhận thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn so với một năm trước đây, khi ông còn là một con người dễ tự ái, suy nghĩ nông cạn nhất thời, “Không sao quên được những ngày sau khi tuyên bố học bổng của năm 1957, hồi đó phát ngôn bừa bãi, bất mãn nói lung tung, xin giấy thôi học, một việc mạo hiểm hơn bao giờ hết là định chữa học bạ xin vào lớp 10 phổ thông hoặc lớp 9…”[5]. Trải qua một năm kinh nghiệm ông thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Năm 1958 có lẽ là năm thành công rực rỡ nhất đời sinh viên của Nguyễn Ngọc Lung. Ông không còn bất mãn như trước mà thay vào đó là sự phấn đấu không ngừng về học tập cũng như rèn luyện tư tưởng. Món quà xứng đáng của những nỗ lực đó chính là việc ông được hưởng suất học bổng toàn phần và được kết nạp vào Đoàn. Ông ghi trong Nhật ký mấy câu thơ của nhà văn Pháp Lémine để tự động viên mình:

“Quá khứ là kinh nghiệm

Hiện tại là đấu tranh

Tương lai là ở mình”

Môn Đo đạc thực tập ở Thái Nguyên kết thúc cho năm học 1958, tuy đây là đợt công tác vất vả nhưng với sức trẻ đầy nhiệt huyết nên ai cũng hăng say nhiệt tình,“Ngày đầu tiên tiến hành công tác đạc khung, bàn chân băng qua bao núi đồi gai góc, lao bao nhiêu dốc và trở ngại – Hôm nay mờ cả mắt vì ngắm máy, chủ nhật này ra Thái Nguyên mới được…”[6]. Tuy phía trước còn nhiều chông gai vất vả nhưng ông cảm thấy mình đã đủ tự tin để bước đi trên con đường đó. Và cũng chính tại nơi đây lần đầu tiên trong đời ông được tổ chức sinh nhật, niềm xúc động dâng trào khó tả, “Tổ chức sinh nhật lần thứ mười chín cũng là lần đầu tiên có tổ chức sinh nhật của mình. Từ hôm nay bước sang tuổi hai mươi, tuổi mà mình mong đợi đã lâu vì nó trưởng thành về thể lực lẫn tính tình tâm hồn con người trẻ…” [7].

                                                            

Trang 30 và 31 trong cuốn nhật ký của GS Nguyễn Ngọc Lung

Mảnh đất nơi này đã làm cho tâm hồn ông xao xuyến, để ghi dấu kỷ niệm cho lần thực tập tại mảnh đất Việt Bắc thân yêu này ông sáng tác một đoạn thơ:

Xe đến Thái Nguyên đã ngọ rồi

Thủ đô Việt Bắc đón tiếp tôi

Lần đầu tôi đến nơi xa lạ

Phố Hỉ quen mùi với sắn xôi

Đồi núi vui cười đầy nhựa sống

Sông Cầu thác Luống phố đông vui

Ngày ngày leo núi đi đo đạc

Lâm nghiệp đời ta có núi đồi.

Ngày 22-2-1959, ông cùng các bạn chuẩn bị cho đợt thực tập mới, địa điểm mà trường thực tập là một vùng đất thắt eo Trung Bộ gió Lào cát trắng – Quảng Bình. Các bãi cát dài ở đây không trồng trọt được, mùa cát bay lấp hết những cánh đồng, làng mạc, chợ búa. Chính phủ thành lập một lâm trường gọi là Lâm trường chống cát bay, trồng toàn phi lao. Nhưng có nơi phi lao không mọc được, nhóm thực tập có nhiệm vụ phải nghiên cứu thế nào để trồng được. Vậy là không khí chuẩn bị cho chuyến thực tập vào Quảng Bình lại bao trùm một nửa khu A của trường Trung cấp Nông lâm, nhưng ai cũng hân hoan muốn được đi vào vùng đất mới lạ này. Hành trình vào miền Trung thật nhộn nhịp, ai cũng nao nao vui sướng. Qua xứ Thanh, xứ Nghệ bao nhiêu cảnh mới đẹp hùng vĩ làm cho đoàn thực tập háo hức, tò mò, "Qua đèo Ngang cảnh mây trời nước biển tả sao cho đẹp xiết, một bên vách núi chênh vênh, một bên sóng biển vỗ oàm oạp tung bọt nước trắng dưới vực sâu". [8]. Ông ấn tượng nhất là lần đầu tiên được đi xem chống cát bay. Chạy nhảy trên bãi cát hiền hòa, rất đẹp, dài đến 5km để đi ra biển, các ông rất thích nhưng khi học lý thuyết, ông hiểu ra 5km cát này đã lấp bao nhiêu làng mạc, cánh đồng. Và cũng lần đầu tiên được đắm mình trong dòng nước mặn của vùng biển bao la ông mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của đất nước, thêm vào đó người dân miền Trung thật thà chất phác làm cho ông và các bạn ngày chia tay không khỏi quyến luyến.

Kết thúc năm học cuối,buổi học cuối cùng diễn ra trong phấn chấn nhưng xen lẫn lưu luyến, tiếc nuối. Ngôi trường Trung cấp Nông lâm ghi dấu biết bao kỷ niệm ba năm học tập, giờ đây sắp phải chia xa, dường như cảnh vật và con người đều bịn rịn không nỡ xa nhau."Buổi học cuối cùng để kết thúc đời học sinh đã diễn ra trong chiều ngày hôm nay với một không khí hết sức phấn khởi và luyến tiếc, tuy đã hết giờ nhưng trời lại mưa to liền trong một giờ, điều đó có nghĩa là ý trời chưa muốn cho những người từ bỏ cuộc đời học tập của họ một cách quá sớm, cần nhớ ngày 27-8 là ngày kết thúc tuổi học sinh và cũng chưa bước đi một bước mới được." [9].

Tháng 9-1959, ông bước vào đợt chỉnh huấn chính trị để kết thúc ba năm học. Nếu như trong các buổi học chính trị của năm thứ hai trước đó ông được xem là một cây lý thuyết, ham nói, thích tranh luận, thì đợt học này ông đã bị phân tâm không giữ được truyền thống đó, hơn bao giờ hết ông tự phê bình bản thân mình để tập trung tư tưởng, ông viết"Với bạn Lung, thật rằng bạn chưa tập trung tư tưởng đâu, cần chấn chỉnh ngay. Sáng nay thảo luận hình như bạn phát biểu có một câu và câu đó hoàn toàn nông cạn không có ý nghĩa gì cả"[10]

Sau đợt chỉnh huấn, ông được phân về tập sự ở Học viện Nông Lâm, trong cuộc họp ở văn phòng Ban Giám hiệu hôm ấy ông còn nhớ mãi lời căn dặn của thầy Hiệu trưởng: "Không tự ti, song hết sức khiêm tốn sẽ được sinh viên và nhân dân yêu mến, không nề hà bất cứ một công tác gì" [11]. Lời căn dặn của thầy như là kim chỉ nam để soi đường chỉ lối cho ông trong những ngày tháng chập chững đầu tiên bước vào nghề.

Được về tập sự ở Học viện Nông Lâm Văn Điển, công việc chủ yếu của ông là vẽ bản đồ đất Lâm trường, học Thổ nhưỡng và tổng kết. Tuy nhiên ông đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình công tác vì thiếu kinh nghiệm, áp lực thời gian công việc rất lớn. Nhưng hiểu rằng "Vạn sự khởi đầu nan", nên ông không nản chí, tiếp tục tích lũy kinh nghiệm từ những thất bại đó để đi đến thành công.

Sau đợt tập sự ông về sống ở Lâm trường Phú Thọ một thời gian, đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định nhất với sự nghiệp của ông, ông bước hẳn vào ngành Trác thụ, bộ môn mà trước đây ông yêu thích và mong ước sau này được làm công việc liên quan. Ông viết: "Tôi không ngại vì nó gian khổ mà ngược lại tôi thích nó ở điểm ấy, ví dụ ngày hôm nay đi thám sát theo khe rừng trời mưa rét và ướt hết, vắt lại rất nhiều, lên một cơn sốt, song tôi lại cảm thấy tự hào vinh dự…" [12].

Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Trung cấp Lâm nghiệp, ông là một trong năm người được cử về Học viện Nông Lâm làm công tác hỗ trợ nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay ông đã trở thành một vị Giáo sư thành đạt, nhưng những năm tháng giúp ông tôi luyện bản lĩnh và động lực vượt lên gian khó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông, bây giờ được khơi dậy khi ông cùng chúng tôi lật giở những trang Nhật ký thực tập – một trong những di sản của nhà khoa học.

Lê Thị Trinh

_______________________

[1] Nhật ký của GS Nguyễn Ngọc Lung, năm 1958-1961.

[2[; [3]; [4];[5]; [6]; [7]; [8]; [9]; [10]; [11]; [12] Như trên.