Chứng chỉ học lực công nhận tốt nghiệp đại học

Mồ côi cha từ khi 8 tuổi, Như Khanh quyết tâm học hành, dù phải đi làm thuê làm mướn. Hai mươi tuổi, anh tốt nghiệp trường cấp 3 Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh và mơ ước ra Hà Nội học Đại học Bách khoa. Nhưng “biết đâu bất ngờ”, cuối tháng 8-1960 anh nhận được thông báo về việc đi học ở nước ngoài. Sau một năm học tiếng Nga tại Hà Nội, anh về quê nhà Quảng Trị tạm biệt người mẹ tần tảo để khăn gói lên đường sang Liên Xô. Như Khanh bắt đầu quãng đời sinh viên ở khoa Sinh – Hóa, trường ĐH Sư phạm quốc gia Moskva từ ngày 1-9-1961.

Trang thứ hai của tờ chứng chỉ

Chàng sinh viên Như Khanh nhận thức rõ trách nhiệm học hành của mình, kể cả đối với gia đình, bởi anh là con một, niềm hy vọng lớn nhất của mẹ. Ngoài thời gian lên lớp, anh tự học chăm chỉ, đặc biệt là tham gia học nhóm các môn động vật, sinh học phân tử, sinh hóa… Anh thường miệt mài trong phòng thí nghiệm tại trường hoặc ở trại thí nghiệm cách trường khoảng 70-80 cây số. Rồi sau 5 năm nỗ lực, danh hiệu thủ khoa là phần thưởng xứng đáng dành cho anh. Cầm tấm bằng màu đỏ sẫm có chữ “xuất sắc” (ОТЛИЧНО) kèm theo bảng điểm và chứng chỉ học lực số 34441 do trường ĐH Sư phạm quốc gia Moskva cấp ngày 28-6-1966, anh vô cùng hãnh diện.

Nhưng chỉ mấy ngày sau, thầy Chủ nhiệm khoa Vitalii Ivanov đến thu hồi bằng của Như Khanh. Chuyện này thực ra không quá bất ngờ đối với anh, bởi từ năm 1964, Chính phủ Việt Nam đã triệu hồi hàng trăm sinh viên các ngành khoa học xã hội về nước, do lo ngại “chủ nghĩa xét lại” ở Liên Xô sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sinh viên, khiến họ bị “lung lay tư tưởng”, “hữu khuynh”… Như Khanh là sinh viên khoa Sinh – Hóa, thuộc khoa học tự nhiên, nên vẫn được tiếp tục học. Nhưng đến năm 1966, lệnh thu hồi bằng tốt nghiệp được áp dụng ở 3 trường đại học lớn: ĐH Tổng hợp Lomonosov, ĐH Tổng hợp Leningrad và ĐH Sư phạm quốc gia Moskva. Vì thế, dù đạt kết quả xuất sắc như ghi trên chứng chỉ có đóng dấu Quốc huy, anh vẫn phải chịu chung “số phận” như các bạn du học sinh Việt Nam ở 3 trường thời đó: bị thu hồi bằng.

Thầy Ivanov không muốn làm như vậy, song khi gọi điện tham khảo ý kiến ĐH Tổng hợp Lomonosov và ĐH Tổng hợp Leningrad, họ đều khuyên thầy phải thực hiện nghiêm lệnh của trên. Ở trường ĐH Sư phạm quốc gia Moskva, năm ấy khoa Sinh – Hóa chỉ có hai sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là một nữ sinh người Nga và Như Khanh. Thương học trò, thầy Ivanov rút tờ bảng điểm kẹp bên trong bằng và đưa cho Như Khanh giữ làm kỉ niệm. Thầy còn nói sẽ cố xin lại bằng cho anh, nhưng chỉ vài ngày sau anh đã lên tàu về nước và không có dịp gặp lại thầy nữa.

Vậy là Nguyễn Như Khanh trở về Việt Nam đầu tháng 7-1966 mà không có bằng đại học. Thay vào đó, chứng chỉ học lực công nhận tốt nghiệp đại học có giá trị như một “tấm vé thông hành” để anh được phân công công tác. GS Khanh cho biết thêm, sau này, đây cũng là chứng chỉ cần thiết để ông sử dụng vào những việc quan trọng khác, từ thủ tục làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh đến hồ sơ xét phong học hàm phó giáo sư, giáo sư.

Tờ chứng chỉ học lực có kích thước 20,5 x 29,8cm, nay giấy đã ố vàng, quăn các góc và rách mép, cũng vì thế mà GS Nguyễn Như Khanh đã cẩn thận dùng băng dính dán hai đầu nếp gấp ngang. Tất cả hai trang đều là tiếng Nga, nội dung là những thông báo kết quả học tập sau quá trình đào tạo 5 năm (1961-1966). Trên mẫu in sẵn, các thông tin cụ thể được điền bằng bút mực màu đen, phản ánh rõ không chỉ kết quả sinh viên Nguyễn Như Khanh đạt được ở 48 môn học, mà cả về luận văn khoa học và luận văn phương pháp giảng dạy. Từ các môn lý thuyết (tiếng Nga, hóa đại cương, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô…) đến các môn thực hành tại trường (chụp ảnh, chiếu phim) hay thực hành ngoài đồng (thực vật, động vật…) anh đều đạt điểm cao. Chỉ có 2 môn anh đạt điểm khá (Xорошо) là hóa sinh và thực tập phương pháp dạy sinh học. Đồng thời, luận văn “Ảnh hưởng của Gibberllin đến năng suất và một số quá trình hình thái, sinh lý, hóa sinh của khoai tây giống hoa hồng sớm” được đánh giá “đặc biệt xuất sắc” (Особо отлично).

Kể về luận văn khoa học này của mình, GS Nguyễn Như Khanh cho biết: Hoóc môn Gibberllin được một nhà khoa học Nhật Bản phát hiện đầu tiên, nhưng các nước châu Âu chỉ thực sự quan tâm tới nó từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Vào những năm 60 ở Liên Xô, những nghiên cứu về ảnh hưởng của hoóc môn này đối với năng suất cây trồng còn hạn chế[1]. Đợt thực tập hè năm 1963, PGS Dvoretxkaia của trường ĐH Tổng hợp Lomonosov được trường ĐH Sư phạm quốc gia Moskva mời hướng dẫn sinh viên khoa Sinh – Hóa. Như Khanh bắt đầu nghiên cứu về ảnh hưởng của hoóc môn Gibberllin đến sự sinh trưởng của cây khoai tây và đạt được một số kết quả khả quan. Sau đợt thực tập ấy, PGS Dvoretxkaia đề nghị PGS Zoia Vladimirovna Vasileva (Trưởng bộ môn Sinh lý thực vật, khoa Sinh – Hóa, trường ĐH Sư phạm quốc gia Moskva) tiếp tục hướng dẫn Như Khanh.

Nguyễn Như Khanh tham khảo khá nhiều tài liệu của các chuyên gia, nhiều nhất là của Viện sĩ Hambuag K. Z ở Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên Xô và Viện sĩ Trailakhian M. X ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Anh cần làm thí nghiệm trên máy quang phổ, loại máy thời đó còn rất hiếm. Thật may mắn, bộ môn Sinh lý thực vật có một chiếc và PGS Vasileva đồng ý cho anh sử dụng. Anh tranh thủ thời gian nghỉ hè cũng như các ngày thứ bảy, chủ nhật để tiến hành thực nghiệm ngoài đồng và trong nhà kính. Anh theo dõi, ghi chép tỉ mỉ và đưa ra kết quả đối chứng về hàng loạt chỉ số: chiều cao thân cây, trọng lượng cành, trọng lượng lá, chiều dài và trọng lượng rễ, tốc độ nảy mầm, năng suất củ, hàm lượng đường đơn, hàm lượng tinh bột, hàm lượng các hợp chất nitơ…

Tháng 3-1966, luận văn hoàn thành, được đánh máy thành 3 bản, Như Khanh dành 2 bản đẹp (chữ rõ nét) nộp cho trường, còn bản chữ mờ hơn thì anh giữ lại rồi sau đem về Việt Nam[2]. Trong quá trình làm thí nghiệm trước đó, anh tự chụp ảnh và rửa ảnh, có ảnh đẹp, ảnh xấu. Anh chọn những ảnh đẹp nhất dán vào 2 quyển luận văn để nộp. Trong phần Lịch sử nghiên cứu vấn đề, đối với những tên bài báo và công trình nghiên cứu của các tác giả phương Tây công bố bằng chữ Latin, anh phải viết tay. Cuốn luận văn dày 66 trang, trình bày 5 kết quả nghiên cứu chủ yếu về ảnh hưởng của Gibberllin đối với cây khoai tây: 1- Xử lý ngoài rễ bằng Gibberllin ở nồng độ thích hợp sẽ thúc đẩy quá trình ra hoa, ra nhánh, tăng năng suất trung bình 20%; 2- Làm giảm số lượng diệp lục trong lá, giảm hàm lượng nước, tăng quá trình quang hợp, hô hấp, thoát hơi nước; 3- Làm thay đổi cấu trúc giải phẫu của lá; 4- Làm tăng hàm lượng tinh bột, đường đơn, phốt pho và nitơ trong lá; 5- Phá ngủ khoai tây, kích thích nảy mầm. GS Nguyễn Như Khanh còn nhớ: Có củ khoai tây lớn tới hơn 1kg, nhiều người tò mò đến xem. Hồi ấy, việc dùng Gibberllin để phá ngủ khoai tây có ý nghĩa thực tiễn lớn, bởi nó giải quyết yêu cầu cung ứng giống cho mùa vụ mới ngay sau khi thu hoạch[3].

Ở khoa Sinh – Hóa, Nguyễn Như Khanh là một trong số ít sinh viên cùng khóa được chọn vào diện làm luận văn tốt nghiệp. Hội đồng chấm luận văn do GS.TS Uranov làm chủ tịch dành cho anh nhiều lời khen ngợi. Không những thế, tờ báo ленинец (Leninets) ngày 4-4-1966 đưa tin với nhận xét: Công trình khoa học của sinh viên Nguyễn Như Khanh năm thứ 5 đến từ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhận được đánh giá đặc biệt. Xét về độ sâu và tính nhiều mặt của những thí nghiệm được khái quát hoá, công trình nghiên cứu hoàn thành ở cấp độ một luận án phó tiến sĩ[4].

Trang báo viết về luận văn của SV Nguyễn Như Khanh

Từ bản luận văn này, PGS Vasileva khuyên Như Khanh viết bài đăng tạp chí. Bà còn đề nghị GS.TS Blagoveshenski ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô hướng dẫn Như Khanh làm luận án phó tiến sĩ, và GS Blagoveshenski đồng ý. Nhưng khi ấy, anh không chút mảy may nghĩ tới việc phấn đấu đạt học vị cao hơn, mà trong lòng chỉ canh cánh một nỗi lo lớn nhất: Tôi từng nghĩ, nếu mẹ chết tôi cũng sẽ chết theo. Bà đã ở vậy nuôi tôi kể từ khi bố qua đời, làm sao có thể để mẹ ở nhà một mình mãi trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt![5]. Anh quyết định trở về Việt Nam. PGS Vasileva tặng anh tờ báo Leninets kể trên như một món quà tạm biệt.

Trò chuyện với GS Nguyễn Như Khanh, dường như lần nào ông cũng “khoe” tờ chứng chỉ học lực trước tiên. Nó không chỉ gợi cho ông nhớ về chuyện học tập thời sinh viên, mà còn đưa ông trở lại với cả một bầu trời kỷ niệm sâu sắc ở Liên Xô. Ông nhớ thầy cô, bạn bè, nhớ những lần đi thực nghiệm ngoài đồng, nhớ chuyện tốt nghiệp loại ưu và bị thu lại bằng… Ông cũng không thể quên tấm chân tình của người dân xứ sở Bạch dương, như ông chia sẻ: Có lần, 10 giờ tối, một cụ già vẫn tận tình đưa tôi đi một quãng đường dài để về ký túc xá. Mới lần đầu quen nhau trên chuyến tàu, có bạn sẵn sàng mượn tiền bạn khác chỉ để mời tôi đi ăn. Người Nga rất nhiệt tình, tốt bụng và đối xử với người Việt như người nhà. Họ giúp Việt Nam không hẳn vì họ giàu[6].

Nguyễn Thị Hợp

_____________

*GS.TS Nguyễn Như Khanh, chuyên ngành Sinh học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý – Hóa sinh, khoa Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Như Khanh, 21-10-2016, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[2] GS.TS Nguyễn Như Khanh đã tặng quyển luận văn này cùng với chứng chỉ học lực cho Trung tâm DSCNKHVN.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Như Khanh, 21-10-2016, đã dẫn.

[4] Thông tin giới thiệu về sinh viên Nguyễn Như Khanh và luận văn tốt nghiệp của anh, báo ленинец ngày 4-4-1966, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN (PGS.TS Bùi Hiền dịch).

[5] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Như Khanh, 23-3-2017, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Như Khanh, 21-10-2016, đã dẫn.