Chiếc áo len thời bao cấp

Thời bao cấp đã kết thúc từ mấy chục năm trước, nhưng vẫn đọng lại dấu ấn sâu đậm không dễ quên đối với những người đã từng trải qua. Với cô Hoàng Châu Thanh cũng vậy, đây là giai đoạn cuộc sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng lại có nhiều kỷ niệm ngọt ngào, thân thương. Đặc biệt, hình ảnh người cha mẫu mực khiến cô cảm thấy như mình vẫn mãi là cô con gái bé bỏng của ba mẹ. Cha cô là GS Hoàng Phê (1919-2005), một trong những nhà ngôn ngữ học đầu ngành ở Việt Nam, người có công “khai sinh lập viện” của Viện Ngôn ngữ học. Ông được biết đến như vị “kiến trúc sư trưởng” của cuốn Từ điển tiếng Việt, xuất bản lần đầu năm 1988, mà theo nhà ngôn ngữ học Hồ Hải Thụy thì cho đến nay vẫn làcông trình đứng đắn, mẫu mực, đáng tin cậy nhất1. GS Hoàng Phê cũng được giới ngôn ngữ học nhìn nhận là người có dấu ấn riêng qua các công trình đã xuất bản, như: Logic – ngôn ngữ học (1989), Từ điển chính tả (1995), Từ điển vần (1996), Chính tả tiếng Việt (1999).

Cô Hoàng Châu Thanh cho biết, ba cô không chỉ nghiêm túc, khắt khe với công việc chuyên môn, mà còn rất nghiêm khắc trong chuyện giáo dục con, dù cô là con một, từ việc học hành đến nết ăn, nết mặc. Khi còn nhỏ, cô được ba mua cho rất nhiều sách truyện, không chỉ sách tiếng Việt mà còn cả sách tiếng Nga, tiếng Trung mua ở Nhà sách Ngoại văn trên phố Tràng Tiền. Những quyển truyện nước ngoài ấy, ba vừa dịch, vừa kể, có khi còn dạy con đánh vần. Cô Thanh vẫn nhớ:Cứ thuộc câu chuyện nào ba kể, tôi hí hửng mang sách bố mua khoe với các bạn ở trường Kiến thiết, rồi kể lại cho các bạn nghe2. Trước bữa ăn, ba thường nhắc nhở con gái, đại loại là:Không được lãng phí, thức ăn đã vào trong bát là phải ăn hết. Nếu ngồi ăn cơm chung, phải quan sát mọi người, biết kính trên nhường dưới, không được ăn uống ào ào, tùy tiện!3.

Cô Hoàng Châu Thanh cùng ba mẹ và bà nội, ảnh chụp tại nhà 64, phố Bà Triệu, Hà Nội, 1960

Theo định mức phân phối bằng tem phiếu trong thời bao cấp, hàng năm mỗi người được mua mấy mét vải để may mặc. Tuy nhiên, phải tiết kiệm, mặc quần áo vá là chuyện thường tình. Ba Phê khuyến khích con tận dụng đồ mặc cũ để tạo ra quần áo “mới”, chẳng hạn như biến chiếc quần dài thành quần cộc mặc những tối mùa hè, hay biến quần cũ thành mới bằng cách tháo đường chỉ, lộn mặt trong ra ngoài rồi may lại… Về khoản may vá, thêu thùa, cô Thanh rất tự tin vì được mẹ đào tạo từ nhỏ. Cô khâu tay đẹp như may và thường tự may vá quần áo cho các thành viên trong gia đình, nên cả nhà hầu như chẳng bao giờ phải tốn tiền sửa quần áo ở cửa hiệu. Nhờ khéo tay, khi mười mấy tuổi cô thường đan giúp các bạn có mẹ làm trong tổ đan len ở khu vực chợ Giời4, đan khăn, áo trẻ con và áo người lớn để lấy tiền công.

Năm 18 tuổi, thay vì chọn ngành y hay ngôn ngữ như mẹ và ba, cô Thanh quyết định theo học chuyên ngành Chế tạo máy ở trường Đại học Bách khoa. Ba mẹ đều tôn trọng, ủng hộ sự lựa chọn đó của cô. Sau khi tốt nghiệp năm 1971, cô công tác ở Ban kiến thiết các công trình về nước, thuộc Cục Quản lý công trình công cộng Hà Nội, trụ sở tại số 32 – phố Hai Bà Trưng. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, cô dự định sẽ chuẩn bị món quà đặc biệt tặng ba. Và đó chính là chiếc áo len mà cô giới thiệu với chúng tôi.

Sự ra đời chiếc áo len này là một câu chuyện khá thú vị, dường như chỉ thời bao cấp mới có. Cô Thanh còn nhớ tất cả. Khi ấy là mùa hè năm 1971, mẹ cô là bà Châu Thị Hạnh được cơ quan – Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương5phân phối cho một chiếc áo len từ hàng viện trợ của nước ngoài. Thời bấy giờ, trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, hàng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác trở nên rất quý. Dù là loại hàng gì, các cơ quan, xí nghiệp nhận về rồi phân chia cho cán bộ, công nhân viên.

Chiếc áo len mẹ Hạnh đem về là áo trẻ em, màu ghi xám và còn mới nguyên. Ngay khi nhìn thấy chiếc áo, cô Thanh đã thích mê. Cô liền xin mẹ rồi tháo ra lấy len để đan áo cho ba Phê. Dù chiếc áo kia có hai ống tay dài nhưng chỉ là áo trẻ em, nên len có được không nhiều, vì thế cô quyết định đan áo cộc tay. Vậy nhưng đan chưa xong thân áo thì hết len. Ngày ấy, muốn có cuộn len cũng không phải dễ dàng, thậm chí có tiền cũng chưa chắc đã mua được.

Chiếc áo đan dở nằm im một chỗ hết ngày này qua tháng khác, mà cô Thanh không biết bao giờ mới kiếm được len để đan tiếp. Rồi tình cờ, một lần vào cửa hàng Bách hóa tổng hợp ở đầu phố Hàng Bài (thường gọi là Bách hóa Tràng Tiền), cô mua được chiếc quần len có màu tương đối giống với chiếc áo đan dở. Đến nay cô vẫn nhớ như in lần gặp may ấy. Vì cửa hàng Bách hóa Tổng hợp cách cơ quan chỉ khoảng 100m, nên cô kỹ sư trẻ thường tranh thủ ra “săn” hàng, biết đâu gặp đúng lúc có bán hàng gì mới về. Hôm đó, thấy mọi người xếp hàng dài dằng dặc để mua đồ mặc, cô cũng đứng vào và kiên nhẫn chờ đợi. Đến lượt cô, người bán hàng bốc trúng chiếc quần len màu ghi xám.

Như cô Thanh kể lại:Tôi mừng như không thể mừng hơn!6. Hết giờ làm, cô vội về nhà và so sánh chiếc quần mới mua với chiếc áo còn dở dang thì thấy cả màu sắc và chất liệu không khác nhau là bao. Việc có được chiếc quần len như thế đã trở thành niềm vui bất ngờ của cả nhà suốt mấy ngày liền.

Chiếc áo len của cố GS Hoàng Phê, do con gái Châu Thanh đan tặng cha

Có len gỡ ra từ chiếc quần, cô Thanh hào hứng đan nốt thân áo và gấu áo. Ngay trong năm 1971, trước khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, áo đã kịp đan xong. Chứng kiến cả quá trình con gái đã tận tâm làm cho mình món quà này, GS Hoàng Phê không khỏi xúc động khi mặc thử lần đầu. Chiếc áo cộc tay với cổ hình trái tim, mặc vừa vặn, ôm khít người. Kiểu dáng và mẫu mã đều đơn giản, nhưng đan đều tay, trông như áo dệt, đoạn đan nối tuy không cùng màu nhưng khác không nhiều.

Đây có lẽ là chiếc áo len thứ hai của GS Hoàng Phê. Theo cô Thanh, trước đó ông chỉ có một chiếc áo len màu nâu do người cháu gái đan tặng năm 1946, khi ông từ Quảng Nam ra Hà Nội tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Chiếc áo ấy đã sờn và rách từ lâu. Thế nên đầu mùa đông năm 1971, ông diện ngay chiếc áo do con gái mới đan xong. Ông mặc thường xuyên và không ngại khoe với các đồng nghiệp ở Viện Ngôn ngữ học rằng đây là áo của con gái tự tay đan tặng ông.

Qua thời gian, chiếc áo dần phai màu và bị rão len. Khi đi học ở Tiệp Khắc về năm 1981, cô Thanh mua về nhiều len, rồi đan cho ba mấy cái áo nữa. Thế nhưng GS Hoàng Phê vẫn thích mặc chiếc áo len cũ ấy, và ông đã sử dụng cho đến những năm tháng cuối đời. Sau khi ông mất vào năm 2005, hầu hết các kỷ vật gắn bó với ông đều được cô Hoàng Châu Thanh gìn giữ cẩn thận. Chiếc áo len kể trên được cô gấp gọn gàng và cất trong tủ quần áo của ba. Nhớ ba, thỉnh thoảng cô lại lấy chiếc áo ra ngắm nghía7.

Chiếc áo len cộc tay mà GS Hoàng Phê để lại đã trở thành hiện vật kể về một mảng nhỏ trong cuộc đời của một nhà ngôn ngữ học tên tuổi ở Việt Nam. Chiếc áo đan kiểu “chắp vá” bằng hai loại len một cách bất đắc dĩ như vừa kể trên, cũng là vật chứng cho câu chuyện cuộc sống thời bao cấp đầy gian khó mà GS Hoàng Phê cũng như toàn thể nhân dân ta đã trải qua. Và nhiều công trình nghiên cứu của GS Hoàng Phê đã ra đời trong những năm ông mặc chiếc áo len đó.

Nguyễn Điệp

_____________________________

1. Hồ Hải Thụy, “Từ điển tiếng Việt sau gần một phần ba thế kỉ”, Giáo sư Hoàng Phê với tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt, Nxb. Dân trí, Hà Nội, 2019, tr.257.

2. Tài liệu ghi âm bà Hoàng Châu Thanh, 26-2-2019, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN. Trường cấp I Kiến thiết ở gần ngã tư Nguyễn Du – Bà Triệu, Hà Nội.

3. Tài liệu ghi âm bà Hoàng Châu Thanh, 26-2-2019, đã dẫn.

4. Ngày ấy, con gái của các gia đình tham gia tổ đan len thường phải đan phụ giúp mẹ, mang cả len đến trường và đan trong giờ ra chơi, thậm chí có bạn còn đan lén trong giờ học.

5. Nay là Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế.

6. Tài liệu ghi âm bà Hoàng Châu Thanh, 26-2-2019, đã dẫn.

7. Tháng 12-2018, bà Hoàng Châu Thanh đại diện gia đình đã trao tặng hơn 2000 tài liệu, hiện vật của GS Hoàng Phê cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có chiếc áo len này. Hiện chiếc áo đang được giới thiệu trong trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.