Năm 1973, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có chủ trương nghiên cứu xây dựng nội dung về Giáo dục học Trung học chuyên nghiệp để bồi dưỡng cho giáo viên các trường đào tạo khoa học kỹ thuật, đồng thời tham khảo các tài liệu về lĩnh vực này của các nước Xã hội chủ nghĩa để bổ sung cho tài liệu giảng dạy ở trong nước. Khi đó, kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh là cán bộ nghiên cứu tại Cục Đào tạo thuộc Tổng cục Hóa chất Hà Nội và ông là một trong 13 cán bộ ở một số cơ quan được cử sang thực tập tại trường Trung học chuyên nghiệp Hóa chất Praha, Tiệp Khắc. Đoàn do ông Phan Hoàng Mạnh – Vụ phó Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề làm Trưởng đoàn.
Mỗi cán bộ trong Đoàn được phát một cuốn sổ thực tập theo mẫu để ghi chép nội dung thực tập. Ngay trang đầu cuốn Sổ thực tập của Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh ghi rõ mục đích của việc đi học nhằm: "Không những nắm được nội dung nước bạn truyền đạt, nâng cao nghiệp vụ của cá nhân mà còn nhằm tìm hiểu nội dung sư phạm trung học chuyên nghiệp của Tiệp Khắc để góp phần xây dựng nội dung sư phạm trung học chuyên nghiệp của nước ta, đồng thời sưu tầm và thu thập các tài liệụ»[1].
Trang Bìa cuốn sổ Thực tập của Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh
Trong thời gian đầu Đoàn thực tập phải học môn tiếng Tiệp. Với vốn kiến thức Nga văn đã học 4 năm tại chức nên học viên Nguyễn Quang Huỳnh học khá nhất lớp. Trong sổ ghi rõ kết quả học tiếng Tiệp của ông cả hai kỳ đều đạt điểm 1 (là điểm giỏi tính theo thang điểm của một số quốc gia châu Âu). Đồng thời là thành viên luôn có những «tìm tòi và đề xuất một số vấn đề mới, tiếp thu tương đối khá, sớm tìm hiểu về giáo dục của Tiệp Khắc»[2] nên Đại sứ quán đồng ý cho Kỹ sư Huỳnh rút ngắn thời gian học tiếng Tiệp nửa năm học.
Từ tháng 9- 1974 bắt đầu học tập chuyên ngành, Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh nhanh chóng bắt nhịp với chương trình học tập, thực tập chuyên môn. Nội dung học tập được chia theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 9-1974 đếntháng 12-1974: Tham gia dự giờ giảng lý thuyết trên lớp và các buổi hướng dẫn thí nghiệm để tìm hiểu cách tổ chức và quản lý của Nhà trường với Tổ bộ môn; Tìm hiểu về công tác đào tạo thực tế của Nhà trường. Giai đoạn 2 từ 1-1975 đến 7-1975: Học các môn Sư phạm như Tâm lý học, Triết học, Thực hành bộ môn… để nâng cao trình độ Lý luận sư phạm, chú ý đến những đặc thù của Sư phạm Trung học chuyên nghiệp cũng như Tâm lý ngành. Giai đoạn 3 từ 9-1975 đến 6-1976: Nâng cao trình độ thực hành chuyên môn thông qua việc làm các thí nghiệm cơ bản nhất tại Bộ môn và các xí nghiệp. Cũng trong quá trình thực tập, các học viên còn phải đồng thời tiến hành tìm hiểu nền Giáo dục chuyên nghiệp Tiệp Khắc thông qua các Viện Nghiên cứu Giáo dục chuyên nghiệp Praha; Bộ Giáo dục; Bộ Công nghiệp…
Ngoài nội dung trong kế hoạch thực tập, học viên Nguyễn Quang Huỳnh còn tranh thủ thời gian hè đi học thực tế tại Nhà máy phân đạm Lorosice; Nhà máy chế tạo thiết bị hóa công Hradec Kralové. Và còn theo học tại chức lớp Anh văn thứ nhất của Khoa Triết học, trường Đại học Karhiv, Praha.
Trong suốt thời gian học tập, ông tận dụng triệt để thời gian để tham khảo tài liệu, học hỏi chuyên môn ở nước bạn. Điều đó giúp cho Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh đã tích luỹ được những kiến thức cơ bản về giảng dạy và tổ chức quản lý. Những thu hoạch đó được ông ghi chép chi tiết trong cuốn Sổ thực tập: «Tôi đã tham khảo sách giáo khoa của bạn. Sách giáo khoa về môn học Hóa kỹ thuật có khác với sách Kỹ thuật, đó là điều đáng chú ý. Do việc được tiến hành làm thí nghiệm nên trình độ lý luận cũng như thực hành môn học nâng lên. Tôi đã tham khảo các loại bài tập môn học của trường Đại học cũng như của Trung học, trình độ hiểu biết môn học nâng lên nhất là mặt thực tế. Nội dung môn học được nắm chắc, đánh giá chung được mức độ nội dung của môn học trong phạm vi trung học, có ranh giới rõ rệt với đại học».[3]
Về phương pháp sư phạm ông nhận thức rất rõ: «Một số kiến thức sư phạm được nâng cao do việc học tập tập trung sư phạm. Tôi có chú ý tới việc xây dựng phương pháp bộ môn. Môn học này của bạn chưa có sách về phương pháp bộ môn. Về lý luận Giáo dục của bạn có những điểm cần chú ý, song trong thực tế thực hành sư phạm có những điểm ta không áp dụng được. Có thể học tập ở bạn từng phần trong phương pháp thực hành sư phạm"[4].
Những kinh nghiệm chung về đào tạo Trung học chuyên nghiệp của nước bạn mà học viên Nguyễn Quang Huỳnh đã tiếp thu, được ông ghi lại khá tỉ mỉ: «Từ cách đặt vấn đề trong lĩnh vực đào tạo Trung học chuyên nghiệp hợp lý đến vấn đề tổ chức đào tạo mang tính chất xã hội. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và xí nghiệp….Bên cạnh việc các ngành đào tạo rộng, bạn vẫn có những ngành đào tạo hẹp…Quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng sau tốt nghiệp; đào tạo tại chức trong nhà máy…Giảm nhẹ biên chế, tổ chức gọn nhẹ trong bộ máy quản lý nhà trường….»[5].
Từ những thu hoạch đó, kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh đã rút ra những bài học để có thể cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy khi về nước có thể áp dụng: "Không tham nội dung giảng dạy, giảm bớt lý thuyết không cần thiết, tăng cường thí nghiệm thực hành. Nghiên cứu phương pháp bộ môn thích hợp, tìm được những đặc thù của phương pháp giảng dạy. Trọng tâm là nghiên cứu những bài thí nghiệm cho thích hợp, làm nhiều thí nghiệm. Không cần tiến hành làm đồ án môn học vì không phải yêu cầu của trung học chuyên nghiệp. Cần ổn định sách giáo khoa từng trường, giáo viên mới không cần biên soạn giáo trình, tiến tới quy chế xây dựng sách giáo khoa. Từng bước một có thể xây dựng phương pháp chương trình hóa dưới hình thức kiểm tra trong lớp hoặc trong phòng thí nghiệm. Trường trung học chuyên nghiệp cần học 4 năm nếu là học sinh lớp 7»[6].
Khi về nước, những kiến thức lý thuyết và thực hành về môn Hóa công được ông đưa vào áp dụng thực hiện ngay trong Trường Trung học Hóa chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ những kiến thức, phương pháp tích lũy được trong quá trình học tập thực hành, Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh mong muốn được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh trong thời gian thực tập. Nhưng theo quy định việc chuyển tiếp lúc bấy giờ không thực hiện được. Đến năm 1990, ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ ở trong nước.
Với những vốn kiến thức, kinh nghiệm học được từ Tiệp Khắc cũng như trong quá trình công tác, kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh đã soạn thảo và xuất bản các sách phục vụ cho công tác đào tạo chuyên môn và tổ chức quản lý:Vật liệu trong công nghiệp hóa chất, 1982; Một số vấn đề về sư phạm dạy nghề, 1983 và Sổ tay công nhân thí nghiệm hóa chất, 1985 do ông Chủ biên.
Bên cạnh những dấu ấn về kết quả học tập, thực hành chuyên môn, trong ba năm thực tập, học viên Nguyễn Quang Huỳnh còn để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đơn vị thực tập và trường Trung học Chuyên nghiệp Hóa chất Praha. Ông Rudolf Kucler – Hiệu trưởng Trường nhận xét: "Trong thời gian ở trường đồng chí Huỳnh tỏ ra khiêm tốn, chăm chỉ, cố gắng. Những yêu cầu cơ bản đồng chí Huỳnh đã giải quyết được dễ dàng»[7]. Kết quả thực tập của Kỹ sư Nguyễn Quang Huỳnh được ông Đỗ Quốc Khánh – Bí thư thứ nhất, thừa lệnh Đại Sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc nhận xét: «Đồng chí Huỳnh luôn cố gắng phấn đấu tu dưỡng tư tưởng, tích cực tham gia công tác của tập thể, tinh thần tương trợ giúp đỡ bạn bè trong học tập cần cù, chịu khó, đào sâu suy nghĩ, hăng say nghiên cứu, đã hoàn thành đề cương được giao»[8].
Cuốn Sổ thực tập 28 trang đã bị cũ theo thời gian, giấy ngả vàng, bìa màu xanh đã phai màu, nét chữ đã mờ, nhưng nội dung cuốn Sổ thực tập tại Tiệp Khắc còn lưu mãi những thông tin về một giai đoạn học tập, rèn luyện đầy ý nghĩa của PGS.TS Nguyễn Quang Huỳnh.
Nguyễn Thị Thành-Hoàng Thị Liêm
_______________________