Theo phong tục của người Mali, dao găm là một biểu tượng đẹp gắn liền với chàng kỵ sỹ cứu người. Kỷ vật này gợi cho GS Phạm Văn Phúc nhớ về những kỷ niệm một thời với đất nước và con người Mali.
Năm 1961, khi đang là giảng viên tại Bộ môn Ngoại trường Đại học Y Hà Nội và Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa tại Bệnh viện Việt – Đức, bác sỹ Phạm Văn Phúc được Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch cử làm Trưởng đoàn phẫu thuật của Đoàn chuyên gia Y tế tại Mali. Trong đoàn còn có các bác sỹ thuộc các chuyên ngành khác nhau như: BS Nguyễn Bá Cẩn (Sản khoa), BS Nguyễn Văn Phú (Răng hàm mặt), BS Nguyễn Ngọc San (Nội khoa). Hồi ấy, do đang thiếu cán bộ Y tế nên Mali đã mời chuyên gia Y tế của các nước: Pháp, Tiệp Khắc, Liên Xô, Nam Tư, Bungary, Việt Nam… sang giúp đỡ. Vì đây là lần đầu tiên nước ta cử cán bộ sang làm chuyên gia Y tế ở Mali nên đoàn đã được lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm tổ chức một bữa tiệc thân mật, với những lời dặn dò chân tình: phải hòa đồng với đồng nghiệp các nước…
Con dao găm do Bộ trưởng Bộ Y tế Mali tặng GS.TS Phạm Văn Phúc
Đến Mali, các thành viên trong đoàn chuyên gia y tế Việt Nam được phân công làm việc ở những bệnh viện khác nhau. Bác sĩ Phạm Văn Phúc làm việc tại Bệnh viện Point G Bamako[1]. Trong khoảng thời gian 4 năm (1961-1965), ông đã mổ và cứu chữa cho 200 bệnh nhân bị dò bàng quang âm đạo do đẻ khó mà trước đó chưa được chữa trị; ngoài ra ông còn xử lý các bệnh về gan, ung thư gan, ung thư dạ dày, tắc ruột, gãy xương, chân voi, chỉnh hình chân vẹo, chỉnh hình vú.
Trong số bệnh nhân được BS Phúc cứu chữa, có hai trường hợp khiến ông nhớ mãi và đây cũng là hai trường hợp đã được ông báo cáo tại Hội nghị Y tế ở Mali.
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng mặt tái xanh, huyết áp bị tụt. Sau khi khám lâm sàng, bác sỹ Phạm Văn Phúc đã chẩn đoán bệnh nhân bị chảy máu trong. Ông tiến hành mổ và đúng như chẩn đoán: bệnh nhân chửa ngoài tử cung, bị vỡ nên chảy máu. Khi tiến hành rạch màng bụng thì tim bệnh nhân ngừng đập, ông đã xử lý nhanh: kéo tử cung, cặp chặt chỗ mạch máu đang chảy và làm thao tác bóp tim, đồng thời truyền dịch, máu. Sau 1 phút thì tim bệnh nhân đập lại.
Một trường hợp khác, bệnh nhân người Liban nhập viện trong tình trạng thở thoi thóp, mê man bất tỉnh nên bác sỹ không thể hỏi bệnh. Sau khi khám vùng bụng, ông chẩn đoán bệnh nhân này bị viêm toàn bộ phúc mạc, do thủng tử cung. Khi phẫu thuật đúng như chẩn đoán và bệnh nhân được ông cứu chữa kịp thời. Đây là một trong rất nhiều trường hợp nguy kịch mà ông đã điều trị thành công trong thời gian công tác ở Mali.
GS.TS Phạm Văn Phúc ngắm con dao găm- kỷ vật nhiều ý nghĩa về đất nước, con người Mali
Ngoài thời gian khám chữa bệnh, trong những giờ phút nghỉ ngơi, bác sĩ Phạm Văn Phúc thường trò chuyện với trẻ em và bệnh nhân nơi đây. Ông là người thân thiện, luôn quan tâm đến người khác nên được bệnh nhân, đồng nghiệp quý mến. Vào một buổi chiều thứ 7, khi đang trò chuyện với bệnh nhân thì có một trường hợp cần cấp cứu, ông nhanh chóng cùng y tá đẩy cáng ra đón bệnh nhân. Hành động này của ông được Tổng thống Mođibo Kayta, khi đến thăm Bệnh viện chứng kiến và đã nêu gương trước toàn thể bệnh viện “Bác sĩ Phúc đẩy cáng bệnh nhân, việc làm này đã tôn vinh dự cho ông ấy".
Một lần khi ông chuẩn bị vào phòng mổ, có người nghệ sỹ già, khiếm thị, rất nổi tiếng của Mali đến gặp và nói "Tôi biết ông là một bác sỹ giỏi, rất thương bệnh nhân. Tôi cảm ơn ông nhiều lắm". Sau đó ít hôm bác sỹ Phạm Văn Phúc được biết trên Đài phát thanh của Mali đã phát bài hát ca ngợi mình. Trên nền nhạc dân gian du dương bài hát với những ca từ đẹp làm ông rất vui "…nếu có ốm đau bệnh tật hãy đến bác sỹ Phúc để chữa trị…". Và ông càng hãnh diện hơn vì đây cũnglà một trong hai bài hát ca ngợi cá nhân được phát trên Đài phát thanh Mali, sau bài hát ca ngợi Tổng thống Mođibo Kayta.
Bên cạnh việc cứu chữa cho bệnh nhân, bác sỹ Phạm Văn Phúc cũng đã viết nhiều công trình nghiên cứu và gửi đăng trên báo Afrique Médical dành cho các nước ở Châu Phi: Senegal, Mali, Madagasca, Mauritanie, Antilles, Martimique.
Năm 1965 chuyến công tác tại đất nước Mali của BS Phạm Văn Phúc kết thúc tốt đẹp. Bộ trưởng Y tế Dolo Sominé đã ra tận sân bay tiễn ông trở về Việt Nam, đồng thời thay mặt nhân dân Mali trao tặng ông con dao găm với tất cả tình cảm yêu mến và kính trọng.
Trở về quê hương và tiếp tục nhiệm vụ của người bác sĩ, Phạm Văn Phúc vẫn lưu giữ món quà quý của đất nước Mali một cách cẩn thận và trân trọng gần 50 năm qua. Đến năm 2013 GS.TS Phạm Văn Phúc đã trao tặng con dao găm – một kỷ vật nhiều ý nghĩa về một thời trên đất nước Mali cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và phát huy những giá trị.
Nguyễn Thị Phương Thúy
_____________________
[1]Bamako là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Mali. Thành phố này nằm bên sông Niger, gần các thác chia các thung lũng thượng và hạn sông Niger ở tây nam quốc gia này. Bamako là trung tâm hành chính, thương mại lớn của Maili.