Trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng ở khu tập thể Nam Đồng có nhiều kỷ vật được ông cất giữ cẩn thận, trong đó có chiếc cạp lồng bằng nhôm có quai xách, chiều cao 13.8, đường kính 11cm, gồm có ngăn sâu hơn đựng cơm, và ngăn đựng thức ăn, rau…Trải qua thời gian, chiếc cạp lồng nhôm đã cũ kỹ, phần đáy bên trong đã xạm màu, có nhiều vết xước. Có chút quyến luyến khi chia tay với “người bạn” thời bao cấp để trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Giáo sư bồi hồi kể:
Trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968 phục vụ chiến trường Khu V thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia công tác tổ chức bảo đảm Quân y, đặc biệt là công tác cứu chữa thương binh ở các đơn vị chiến đấu. Cuối năm 1968, sức khỏe của ông giảm sút do sốt rét nên Cục Quân y điều ông về Viện Quân y 108 công tác. Từ năm 1968 đến năm 1977, ông giữ chức Phó Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, nó tồn tại ở miền Bắc trước những năm 1975 và rõ nét nhất vào 1976-1986. Hàng hóa được Nhà nước phân phối theo tem phiếu. Chế độ tem phiếu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối một số mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, vải vóc… theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật. Cán bộ nhân viên nhà nước được nhận một phần lương bằng tiền mặt, tiêu chuẩn lương thực, nhu yếu phẩm theo tem phiếu được tính là một phần thu nhập để đảm bảo cuộc sống.
Thời kỳ bao cấp, việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm mất nhiều thời gian, Giáo sư Tùng nhớ lại: “Các cô bán thịt thời bao cấp là “bà chúa” vì từ Giáo sư đến người dân đều phải xếp hàng khi mua [1]. Việc ăn uống ở ngoài rất đắt và bất tiện vì lương thực thực phẩm đều bị quản lý chặt chẽ qua tem phiếu. Các hàng ăn của nhà nước có quy tắc rất nghiêm “Ngày ấy nếu ai ra cửa hàng ăn thì phải mang theo tem gạo, đưa tem gạo 100g hay 200g thì họ lấy cơm cho…” [2].
Cũng như các cán bộ nhân viên nhà nước ngày ấy, để thuận tiện và đảm bảo chất lượng hơn trong bữa ăn khi đi làm, bà Tạ Xuân Tuyết – vợ Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng đã mua chiếc cạp lồng và hàng sáng cần mẫn nấu cơm cho vào cạp lồng để ông và con mang đi ăn trưa. Ông tâm sự: “Thời đấy từ Cục trưởng, Viện trưởng trở xuống đều mang cà mèn (cạp lồng) đựng cơm mang đến cơ quan để ăn trưa”.[3]
Và như vậy, hàng ngày chiếc cạp lồng luôn theo ông trên đường từ nhà đến cơ quan và đã trở thành “người bạn đường” thân thiết không thể tách rời. “Chiếc cà mèn (cạp lồng) này nó dính vào cơ thể tôi trong suốt mấy năm công tác ở Viện 108, hàng ngày mỗi sáng vợ tôi chia thành ba cạp lồng đựng cơm, rau và thức ăn cho tôi, vợ tôi, con trai để mỗi người xách đi dùng bữa trưa”[4].
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, công việc bộn bề với vai trò Phó Viện trưởng của Bệnh viện Quân y khi đất nước đang chiến tranh, GS Thúc Tùng luôn là tấm gương với lối sống giản dị. Cũng như bao cán bộ nhân viên trong Viện, cạp lồng của ông có cơm, ngăn trên đựng rau và mấy con cá nhỏ, không có canh mang theo nên cần thì thay bằng nước lọc, thỉnh thoảng có ít thịt.
Thời bao cấp đã lùi xa, trong cuộc sống hiện tại, khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao rõ rệt, họ có điều kiện dễ dàng trang bị những đồ dùng để phục vụ cho cuộc sống, nhưng đối với GS Nguyễn Thúc Tùng – một nhà khoa học 97 tuổi, ông vẫn “nâng niu” chiếc cạp lồng như kỷ vật quý giá bởi nó chứa đựng ký ức về một thời xưa cũ. Và hơn thế, nó mang hơi ấm tình yêu thương trong gian khó của người vợ, người bạn đời.
Ngày 13-10-2011 GS Nguyễn Thúc Tùng trao tặng chiếc cạp lồng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi xin được trân trọng và gìn giữ kỷ vật mang dấu ấn của một thời khó khăn và nghị lực.
Lê Thị Hoài Thu
____________________
[1], [2], [3], [4]: Trích băng phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng, ngày 7-11-2011.