Âm hưởng từ một buổi làm việc

PGS.TS Hoàng Văn Ma vốn là nhà khoa học mà nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chúng tôi đã từng tiếp xúc, nghiên cứu. Nhưng vì một số lý do, nay chúng tôi mới có cuộc tái ngộ. Cơ duyên là, trong một cuộc hội ngộ của các nhà chuyên môn ngày 29-11-2022, thông qua PGS.TS Vương Văn Toàn – nhà khoa học Trung tâm Di sản đang nghiên cứu sưu tầm, PGS Hoàng Văn Ma đã đặt vấn đề muốn trao tặng tài liệu cá nhân cho Trung tâm lưu giữ.

Tôi cùng một đồng nghiệp phòng Nghiên cứu sưu tầm, Trung tâm Di sản liên lạc ngay với PGS Hoàng Văn Ma. Một cuộc hẹn trong buổi sáng hôm ấy đã được chốt. Hơn nửa giờ sau, chúng tôi đã có mặt tại nhà của PGS Hoàng Văn Ma ở khu làng Việt kiều Châu Âu tại Mộ Lao, Hà Đông. Dù đã sống xa quê hương hơn nửa thế kỷ, dù nghiên cứu rất nhiều ngôn ngữ của các dân tộc, và dù đã từng xuất dương học tập nhưng PGS Ma vẫn giữ cái chất giọng của người miền núi phía Bắc, khi phát âm hay có những vần “é” hay “ố”… Giữa khung cảnh những ngôi nhà biệt thự liền kề, các tòa nhà chung cư mang phong cách đô thị châu Âu, nhưng PGS Hoàng Văn Ma lại trang trí nội thất ngôi nhà của mình mang âm hưởng miền núi. Ngay trong phòng khách là bức tranh Thác Bản Giốc, quê hương ông, choán hết bức tường. Trên bàn tiếp khách rồi cả trong nhà bếp đều bày trí những bình hoa mận trắng muốt làm tôi gợi nhớ về không khí đông xuân trên vùng rẻo cao.

Phu nhân PGS Ma dù đã 86 tuổi, và định cư tại Hà Nội hơn 30 năm nhưng vẫn giữ phong cách người miền ngược. Gặp khách bà vồn vã mời ngồi, lo nước uống và hỏi chuyện rồi kể về chuyện gia đình thật mộc mạc, chân tình. Câu chuyện giữa ông bà và tôi xoay quanh ký ức về quê hương, về truyền thống người Tày. Có lẽ, nơi thăm thẳm trong trái tim của những con người xa xứ khi gặp nhau nên dễ bề thổ lộ. Tất nhiên, trong buổi làm việc chúng tôi trao đổi bằng tiếng Kinh là chủ yếu.

Vợ chồng PGS.TS Hoàng Văn Ma thân tình tiếp đón chúng tôi

Mặc dù âm điệu của tôi và vợ chồng PGS Hoàng Văn Ma không giống nhau nhiều, bởi vùng Bắc Sơn – Lạng Sơn quê tôi, tiếng Tày đã có nhiều biến thể, mượn nhiều tiếng Kinh, song chúng tôi vẫn hiểu hết những gì người đối diện truyền đạt. PGS Hoàng Văn Ma đưa chúng tôi đến bên tủ sách – ông gọi đó là nhật ký cuộc đời bởi bên trong chứa đựng tất cả bản thảo, sách, và các sổ ghi chép từ hơn nửa thế kỷ trước, gắn với cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông. Ông đã bọc và phân loại từng loại tài liệu. Nhìn, ngắm những cuốn vở từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã ố màu và có mùi của thời gian –  một chút ẩm, mốc do cũ kỹ, dường như ông đang nhớ lại từng mảng kỷ niệm về những chặng đường điền dã để lấy tư liệu. Sau một thoáng im lặng, bỗng ông nhẩm đọc lại một tập tài liệu. Rồi vừa đọc ông vừa kể về kỷ niệm đi nghiên cứu người La Ha ở vùng Tà Mít, Mường Than, thuộc Lai Châu hiện nay.

PGS.TS Hoàng Văn Ma cẩn thận lật giở lại từng trang tài liệu

Từ Hà Nội ông ngồi ô tô 2 ngày lên Mường Than và mất 2 ngày đi bộ nữa mới vào đến vùng Tà Mít. Tại đây, ông cùng đồng nghiệp đã có những ngày điều tra theo chủ trương ba cùng (ăn cùng, ở cùng và làm cùng) với người dân. Nghĩa là, hàng ngày ông cùng dân lên rẫy cào ngô, tối về, bên bếp lửa ông ngồi nghe người dân kể chuyện. PGS Hoàng Văn Ma tâm sự, điều tra ngôn ngữ cần phải có sự nhanh nhạy và bén. Không chỉ là hỏi dân mà còn phải nghe họ nói chuyện với nhau rồi ghi chép lại âm điệu. Có làm như thế thì mới chính xác được[1].

Sau hơn 10 ngày nằm vùng ở Tà Mít, kết quả ông và đồng nghiệp thu được không chỉ là thông tin về ngôn ngữ người dân tộc La Ha mà còn là tình cảm với người dân, dù đi hết cuộc đời này ông vẫn không thể quên. Ông gọi đó là “cái nợ” của người nghiên cứu điền dã.

Rồi ông lại kể kỷ niệm một tuần nghiên cứu về người Dao ở Tuyên Quang. Ông cùng các đồng nghiệp được phân ở nhà của thầy Mo. Cán bộ nghiên cứu từ Hà Nội chỉ có gạo mọt độn ngô và sắn nên ngại không dám ăn cùng nhà chủ. Họ mượn chủ nhà nồi và xin muối rồi mua rau của người dân và tự nấu ăn. Ban ngày, người dân bận đi làm, ông cùng các đồng nghiệp xắn áo quần đi giúp dân. Sự nhiệt tình, chân thật của các cán bộ đã làm cho người dân ở đó rũ bỏ những rào cản về ngôn ngữ, vùng miền. Đến ngày thứ 5, họ mời đoàn cán bộ ăn cơm cùng gia đình mà không thu gạo hay tiền. Họ quây quần kể những câu chuyện thầm kín mà theo thông thường những chuyện đó chỉ kể cho người đồng tộc.

Câu chuyện của ông bỗng dừng lại bởi một câu nói thổ ngữ của tôi. Tôi nói từ “lót” hiểu theo nghĩa là quả nhót. Thầy chỉ cho tôi cách nói chuẩn của người Tày mà các văn bản đã công bố: quả nhót nếu gọi là “mác lót” thì sẽ bị nhầm với nghĩa là “lọt”. Phải là “mác lọt” thì tất cả mọi người biết tiếng Tày, nghiên cứu và đọc về tiếng Tày mới không bị nhầm lẫn. Rồi ông dẫn chứng bằng hàng loạt ví dụ khác như từ “lướt” trong tiếng Tày có nghĩa là máu nhưng nó cũng có nghĩa là ngủ chợp mắt. Vì vậy cần phải nói chuẩn khoa học là “lượt”.

Tôi tò mò về cái gọi là “chuẩn khoa học” trong tiếng Tày thì ông chỉ vào chồng tài liệu đang để trước mặt. Ông nói, tất cả những cái được gọi là chuẩn khoa học đều ở đây. Nó chính là các quyển sách về tiếng Tày đã được xuất bản. Để có được những quy chuẩn này thì các nhà nghiên cứu phải nghiên cứu tiếng Tày trên các vùng miền của Tổ quốc rồi thống nhất sử dụng một âm ngữ chung. Nói như vậy không có nghĩa là người Tày ở các vùng miền phải thay đổi cách nói mà là khi phiên âm sang chữ viết thì cần có sự thống nhất tránh gây hiểu nhầm.

Các cuốn sổ điều tra về ngôn ngữ của PGS.TS Hoàng Văn Ma

Rồi ông nói vui: ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng là một ngoại ngữ. Nếu biết ngoại ngữ này thì sẽ dễ học ngoại ngữ khác. Có lẽ vì thế mà ông từ một thanh niên dân tộc thiểu số ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng chỉ biết đến học tập, nương rẫy, khi được cử sang Liên Xô học đại học năm 1959 mới có thể tiếp thu tiếng Nga thuận lợi. Để rồi sau này ông còn có nhiều duyên nợ với người Nga, cùng họ nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc Khơ Mú, La Ha…

Vừa trò chuyện, trao đổi, vừa đọc lại những tài liệu thấm đượm ký ức, và sau một hồi đắn đo, PGS Hoàng Văn Ma quyết định tặng Trung tâm lưu giữ. Nhìn ánh mắt lưu luyến, từng ngón tay lật giở các trang bản thảo của ông, chúng tôi hiểu rằng đây không chỉ là tài liệu mà còn là cuộc đời của ông. Trong thâm tâm, chúng tôi vô cùng cám ơn sự tin tưởng của ông vào hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chúng tôi càng hiểu rõ trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của Trung tâm trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản của các nhà khoa học – những người góp phần gây dựng lên nền khoa học Việt Nam.

Hoàng Thị Kim Phượng

___________________________

1. Tất cả lời kể của PGS.TS Hoàng Văn Ma đều lấy trong tài liệu ghi âm ngày 30-11-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.