Ấm ngọn lửa đam mê và trách nhiệm với cộng đồng

Không chỉ trong ngành Y mà rất nhiều người trên cả nước và ở nước ngoài biết đến ông với tư cách là một nhà khoa học nổi tiếng, một nhà quản lý giỏi giang, một thầy thuốc giỏi nghề, một nhân cách thấm đẫm tình đồng loại. GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, bằng bản lĩnh nghề nghiệp và lòng yêu nước nồng nàn, đã  cùng các đồng nghiệp trong Viện sáng tạo và làm nên nhiều thành công mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trí tuệ và tâm huyết của ông là sự kết tinh từ một tập thể đoàn kết, giỏi nghề và hết lòng vì người bệnh. Cho nên những thành công và thành tích rất đáng trân trọng của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương những năm qua không tách rời vai trò lãnh đạo trực tiếp và những đóng góp quan trọng của AHLĐ-TTND.GS.TS Nguyễn Anh Trí.

AHLĐ -TTND.GS.TS Nguyễn Anh Trí Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Tôi không dám tham vọng kể đầy đủ về ông trong một bài viết ngắn này. Vả lại, hầu như mọi người đã biết về ông, đọc về ông rất nhiều rồi. Mấy ai không biết GS-TS Nguyễn Anh Trí là một thầy thuốc giàu tâm đủ tài, là một con người mà nhân cách đáng trân trọng của ông đã thuộc về cộng đồng, được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh ? Song, ở một góc nhìn khác cũng rất đáng trân trọng, vẫn còn những điều giáo sư – bác sĩ  Nguyễn Anh Trí cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân mà có kể thêm, viết nữa vẫn chưa chắc đã là đủ được.

Từ nhân tố con người

Hoàn toàn có thể coi GS.TS Nguyễn Anh Trí là “Kiến trúc sư Trưởng” của Hệ thống Huyết học – Truyền máu Việt Nam. Không chỉ vì sự kiến tạo những cơ chế, phương thức hoạt động mới đầy hiệu quả của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, mà ông còn là người khởi xướng “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” thu hút được hàng  chục vạn người tham gia hiến máu nhân đạo để hàng năm tạo lập được một lượng máu dự trữ lớn vô cùng quý giá, góp phần cứu sống hàng vạn bệnh nhân mỗi năm nhờ được tiếp máu kịp thời. Nếu trước đây, 100% số lượng máu nhận được là từ người người bán máu chuyên nghiệp (với số lượng rất ít) thì đến năm 2014 lượng máu có được đã tăng lên gấp rất nhiều lần và có đến 96% số máu đó là từ người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Đó là sự thay đổi về chất của nguồn người hiến máu mà những nỗ lực trong nhiều năm qua của cá nhân GS Nguyễn Anh Trí và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã mang lại. Cùng với đó là tư duy nhìn xa trông rộng của ông, đặc biệt là vấn đề xây dựng bộ máy và đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Ông chăm lo và coi trọng đến việc cử các y bác sĩ trong hệ thống đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn cả trong và ngoài nước, kể cả ở những nước có nền y học tiên tiến bậc nhất như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapo…

Với sự quan tâm đặc biệt đó của ông và của ngành Y tế, đến nay đã có hàng trăm bác sĩ trẻ được tham gia các khóa đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài, góp phần quan trọng thực hiện thành công các nhiệm vụ khó khăn của Viện. GS-TS Nguyễn Anh Trí cũng đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, tổ chức mạng lưới chuyên ngành huyết học và truyền máu trên khắp cả nước, góp phần rút ngắn thời gian của hành trình phát triển tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực này. Ngay tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhiều năm qua, từ những chủ trương có tính dài hạn của ông và Ban lãnh đạo Viện, một hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến đã được trang bị, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về máu đạt kết quả cao. Tại Viện hiện có hàng nghìn bệnh nhân đang nằm điều trị và họ luôn nhận được sự quan tâm chăm lo chu đáo của các y bác sĩ. Trong Viện còn có Trung tâm truyền máu Hà Nội với lượng máu tiếp nhận được đã lên tới hơn 200 nghìn đơn vị máu/năm, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn, chất lượng cho hơn 120 bệnh viện thuộc 16 tỉnh, thành phía Bắc. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mà TS-BS Nguyễn Anh Trí chính là người chèo lái.

Những tận hiến thầm lặng

Có thể nói những tận hiến thầm lặng của GS-TS Nguyễn Anh Trí và tập thể y bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mang một ý nghĩa lớn lao cùng những giá trị không dễ gì đo đếm hết được. Cũng bởi ông luôn đau đáu trong lòng về bao số phận nghiệt ngã của những con người không may mang bệnh; trăn trở làm sao nền y học nước nhà phát triển theo kịp trình độ tiên tiến của các nước phát triển để việc khám chữa bệnh cho nhân dân đạt được hiệu quả cao. Ông quan niệm bệnh nhân là những khách hàng đặc biệt của Viện. Chính bệnh nhân góp phần duy trì và phát triển bộ máy, góp phần tạo nguồn kinh phí phát triển bệnh viện, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế. Vì vậy, ông đã xây dựng trong Viện một nếp ứng xử đậm chất văn hóa – mà một trong những biểu hiện đó là cán bộ, y bác sĩ của Viện không chỉ làm tốt nhiệm vụ và luôn hết lòng vì bệnh nhân, mà còn phải biết nói lời cảm ơn bệnh nhân, cảm ơn những người đã đóng góp cho quá trình phát triển của Viện. Cái lẽ tưởng như rất thường tình ấy mà đâu phải nơi nào trong ngành Y tế cũng đã làm được.

Đặc biệt, trong thời gian qua, GS-TS Nguyễn Anh Trí, xuất phát từ nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp, đã chủ động đề xuất và trực tiếp chỉ đạo tập thể Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thực hiện nhiều Chương trình, Dự án quan trọng, mang lại những kết quả thực sự quý giá. Gần đây nhất là Chương trình “Máu cho biển đảo, vùng sâu, vùng xa  ” và Dự án xây dựng “Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng” .

Nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ có con người sinh sống giữa  biển khơi, và vẫn còn những vùng sâu, vùng xa có không ít khó khăn. Về mặt y tế, một trong những cái khó và nan giải là phải làm sao để giải quyết máu phục vụ cấp cứu người ở những nơi đó khi cần thiết ? Tuy không phải lúc nào cũng cần, nhưng khi đã cần thì có khi chỉ cần 1 đơn vị máu là cứu sống được một con người!  Nhưng lấy máu ở đâu cho việc đó, và nếu có máu thì bảo quản thế nào để có máu dự trữ cho lúc cần? Phải trải qua thực tiễn rất nhiều và tích cực tìm tòi, nghiên cứu rồi đúc kết, GS Trí và các cộng sự của mình mới đưa ra một phương thức dự trữ máu vừa mang tính chủ động cao, vừa không tốn chi phí bảo quản (thực tế ở nhiều hòn đảo không thể có tủ lạnh để bảo quản lâu được), mà cũng mang đậm tính nhân văn. Đó là tổ chức Lực lượng hiến máu dự bị để  xây dựng “Ngân hàng máu sống” ngay tại các vùng đó.  Cách làm là: kiểm tra sức khỏe, vận động những người có đủ điều kiện và nhiệt tình tham gia vào Lực lượng hiến máu dự bị, có địa chỉ, số điện thoại sẵn sàng. Khi cần thì mời đến hiến máu. Đã có những lần tổ chức báo động thử trong tình trạng cấp cứu cần máu, chỉ sau 8 – 15 phút là người cung cấp máu đã có mặt để sẵn sàng hiến máu. Việc tạo được “Ngân hàng máu sống” như vậy, đã giải quyết được tình trạng vừa thiếu máu, vừa thiếu tính chủ động mà bấy lâu nay các vùng hải đảo và vùng sâu vùng xa gặp phải. Giữ máu ngay trong cơ thể người quả thực không còn cách nào tối ưu hơn. Đây có thể coi là một sáng kiến đặc biệt xuất sắc được khởi nguồn từ nhiệt huyết và lòng yêu nghề cháy bỏng của GS-TS Nguyễn Anh Trí và các đồng nghiệp của ông.

Một trong những thành tựu mới nữa của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là xây dựng “Ngân hàng Tế bào gốc Máu dây rốn cộng đồng”. Đây là một lĩnh vực khoa học chuyên sâu, đòi hỏi trình độ cao và nhiều tâm huyết của các nhà chuyên môn trong Viện. Nói về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hy vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Khoa học về tế bào gốc đang đạt được những kết quả tốt đẹp và phát triển rất nhanh chóng ở mọi phương diện, góp phần tích cực vào công tác điều trị cho người bệnh. Chủ đề nóng và tươi mới này sẽ tiếp tục được các nhà khoa học ở Việt Nam tiếp cận và chinh phục để thúc đẩy phát triển rực rỡ hơn, bền vững hơn và có tính hội nhập cao hơn”. Ông cũng cho biết thêm: “Máu dây rốn trong cộng đồng là nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào, nếu chúng ta biết tận dụng nó thì máu dây rốn sẽ trở thành một “thần dược” quý giá, là nguồn Tế bào gốc phong phú để phục vụ trong việc ghép Tế bào gốc cho bệnh nhân mắc các bệnh máu lý hiểm nghèo”. Thành công của Dự án mang đến niềm vui, hy vọng hồi sinh cho rất nhiều bệnh nhân không may bị ung thư máu và một số bệnh nặng khác nữa. Kể với chúng tôi về điều này, GS-TS Nguyễn Anh Trí không giấu được niềm vui và sự xúc động; bởi vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua đó, ông chính là “linh hồn” của dự án hết sức ý nghĩa và giá trị này.

Để có nguồn “nguyên liệu” đạt chất lượng cao, Viện đã kết hợp với Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để xin dây rốn của các phụ sản đã được quản lý thai sản với những mẫu đạt chất lượng tốt. Sau đó được xử lý và xét nghiệm chuyên sâu, rồi tế bào gốc được bảo quản để phục vụ các ca ghép trị bệnh. Tính đến tháng 4 năm 2015, Viện Huyết học-Truyền máu TW đã ghép được hơn 150 ca (chỉ riêng năm 2014 đã ghép được 50 ca), với kết quả thành công từ 75-85%. Số lượng bệnh nhân được ghép có thể chưa nhiều do thời gian còn ngắn (Viện mới bắt đầu từ 2006), nhưng quan trọng hơn chính là thành công về kỹ thuật, về chuyên môn của đội ngũ các thầy thuốc cũng như khẳng định một hướng đi đúng, cách làm hữu hiệu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Đạt được những thành công trong lĩnh vực chuyên sâu rất có ý nghĩa này, công sức và trí tuệ của GS-TS Nguyễn Anh Trí là không nhỏ, nếu không muốn nói là có vai trò quyết định. Đó là thành công của lòng nhân ái, của một định hướng đúng về chiến lược phát triển, luôn đặt lợi ích Quốc gia dân tộc lên trên hết; đây cũng là thành công của công tác cán bộ với rất nhiều các y bác sĩ của Viện có trình độ cao, có chuyên môn giỏi, đã được học tập, đào tạo ở các nước tiên tiến.

GS.TS Nguyễn Anh Trí xứng đáng với những Danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân… Ở ông luôn ấm áp ngọn lửa của niềm đam mê và trách nhiệm lớn lao trước cộng đồng. 

Đình Tuyển
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/