Bên bờ sông Đáy và những ước mơ
Thập niên 50-60, Châu Sơn[1] vẫn là vùng chiêm trũng nằm cạnh con sông Đáy nên mùa mưa nước sông dâng cao ngập các cánh đồng. Những ngày này người lớn thường đi đánh cá, còn đám trẻ con chỉ đi câu, đặt bơ lơ (đó, lờ) hoặc be bờ bắt cá ngoài đồng. Lũ rút hai bên bờ sông đọng lại những bãi phù sa màu mỡ, cỏ mọc xanh um, trở thành địa điểm lý tưởng của đám mục đồng. Trừ những buổi đi học hoặc giúp bố mẹ công việc đồng áng, ngày nào cậu bé Lại Ngọc Đường cũng đánh trâu ra bờ sông cùng chúng bạn thôn Tràng Châu đánh khăng, tắm sông hoặc tranh thủ cắt thêm cỏ cho trâu. Nhưng dù đang chơi hay đang làm, khi tiếng còi tàu từ xa vọng lại cậu liền dừng lại phóng tầm mắt sang bên kia bờ sông nhìn ngắm đoàn tàu đang nhả khói. Trong đầu thoáng nghĩ đoàn tàu kia chạy về đâu, vì sao đoàn tàu chạy được… và cậu mơ ước một ngày nào đó được ngồi trên đầu máy xe lửa kia đi khắp mọi miền. Ngày ấy dù khó khăn nhưng Lại Ngọc Đường rất chăm chỉ, ham học. Đầu thập niên 50, xã Châu Sơn bị quân Pháp càn quét, lớp học phải sơ tán lúc thì ở đình Châu Xá, khi vào tít hang núi Lạc Sơn. Số học sinh cũng vì thế cứ ngày càng vơi đi, cả thôn Tràng Châu chỉ còn 2 học sinh bám lớp học, trong đó có Lại Ngọc Đường. Hàng ngày cậu hẹn người bạn cùng thôn cuốc bộ 5 cây số đến lớp, sức học của Lại Ngọc Đường vào loại khá nên được các thầy quý mến.
Sau buổi học về đến nhà cũng đã quá trưa, cậu ăn vội bữa cơm rồi dắt trâu ra bờ sông và không quên cắp theo quyển vở để tranh thủ làm bài tập. Một lần đang cưỡi trâu cho ăn cỏ trên nấm Ngõ giữa, Lại Ngọc Đường nảy ra ý định vẽ sơ đồ ven sông Đáy trong khi một đơn vị bộ đội đang tập trận ở đây. Và một chuyện hiểu lầm nghiêm trọng đã xảy ra. Chưa vẽ xong thì một anh bộ đội đến giật tờ giấy và quát “đi theo tôi”. Đường mếu máo xin được buộc trâu lại rồi đi theo anh bộ đội trong nỗi lo sợ. Đến trụ sở Ủy ban hành chính xã Châu Sơn, anh bộ đội giới thiệu “tôi là Đoàn Giỏi chỉ huy buổi tập trận” rồi đặt tờ giấy vẽ dở trước mặt vị Chủ tịch Ủy ban với giải trình “thằng bé này vi phạm bí mật huấn luyện của bộ đội” và bàn giao cho xã xử lý. Ông chủ tịch gọi thêm người đến tra khảo “vẽ sơ đồ này theo lệnh của ai? mục đích vẽ sơ đồ là gì?”. Năm ấy Lại Ngọc Đường mới 13 tuổi, cậu ấp úng không giải thích được và chỉ biết xin lỗi. Cũng may bố cậu là Trưởng ban Mặt trận Liên Việt xã Châu Sơn, mẹ là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã từng nuôi giấu cán bộ, bộ đội nên sau một hồi nghe vị chủ tịch triết lý, cậu được về nhà. Cũng vì chuyện này Lại Ngọc Đường lo lắng sẽ ảnh hưởng đến con đường thi cử vào trường cấp 2 thị xã Phủ Lý, song may mắn cậu vẫn thi đỗ và đi học bình thường.
Năm Lại Ngọc Đường 17 tuổi đang học lớp 7, dù rất muốn con trai theo đuổi việc học nhưng bố mẹ cũng nóng lòng mai mối tìm vợ cho anh. Không dưới 10 lần mai mối nhưng Lại Ngọc Đường đều không ưng vì thế bố mẹ buồn rầu. Lại Ngọc Đường vẫn đi học đều và lo cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, cũng như thi vào trường cấp 3 Biên Hòa (Phủ Lý). Hàng ngày anh dậy sớm, ăn tạm củ khoai, củ sắn rồi ra bến đò sang trường cấp 2 thị xã Phủ Lý nằm bên kia sông. Một hôm đi học về trên chuyến đò ngang, anh gặp 4 cô gái đi chợ về, các cô mải bàn luận về phiên chợ không để ý đến ánh mắt của anh học trò đang hướng về một cô gái. Xuống đò mỗi người đi một đường, nhưng hình ảnh cô gái có khuôn mặt trái xoan, mái tóc dài cứ theo đuổi Lại Ngọc Đường suốt quãng đường về nhà. Sau lần đó, mỗi khi qua đò anh mong gặp lại cô gái khiến anh vấn vương trên chuyến đò hôm nào, nhưng đều biệt vô âm tín. Trong lòng mang nỗi tương tư và cũng không muốn để bố mẹ buồn vì chưa chịu lấy vợ, anh kể với mẹ về cô gái. Nghe được tin này mẹ anh vui lắm liền nhờ người dò hỏi. Như duyên số đã định, chị gái Lại Ngọc Đường có người bạn, sau khi nghe mô tả về cô gái kia đã sử dụng phương pháp loại trừ tìm được tên và địa chỉ. Cô gái đó là Lại Thị Thất người ở làng bên. Nhờ mai mối của bạn chị gái, buổi xem mặt đã diễn ra, tuy chỉ vài phút ở sân đình Tràng Châu nhân dịp một buổi diễn tuồng nhưng cô Thất cũng đã cảm mến anh. Năm 1958, Lại Ngọc Đường tốt nghiệp cấp 2, cũng năm đó hai gia đình tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ. Sau đám cưới hai vợ chồng vẫn tiếp tục đi học.
Theo tiếng còi tàu
Sau ba năm vừa lo vun vén gia đình vừa miệt mài học tập, Lại Ngọc Đường kết thúc quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường cấp 3 Biên Hòa, giờ là lúc theo đuổi ước mơ đã ấp ủ bấy lâu. Anh chọn ngành đầu máy xe lửa thuộc khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải để nộp hồ sơ thi đại học. Một ngày cuối tháng 5-1962, Lại Ngọc Đường lên Hà Nội dự thi, hôm đó anh dậy sớm ra ga Phủ Lý mua vé tàu. Lần đầu tiên bước chân vào nhà ga nên có chút bỡ ngỡ, anh cẩn thận xem lịch trình tàu chạy trước khi vào quầy mua vé. Cầm vé tàu trên tay Lại Ngọc Đường liếc nhìn chiếc đồng hồ treo trong nhà ga, vẫn còn khá sớm, anh tìm hàng ghế còn trống để ngồi, hai tay ôm chiếc túi vải trước bụng. Mãi 9 giờ tàu mới chạy, anh tìm số toa rồi lên tàu, các hàng ghế đều không đánh số, anh lựa chọn vị trí gần cửa sổ để được ngắm cảnh. Anh chăm chú quan sát người điều khiển hành trình dưới sân ga: khi tiếng còi hiệu lệnh vang lên và nhân viên điều độ phất lá cờ vàng là con tàu lăn bánh ra khỏi nhà ga, từ từ tăng tốc rồi lướt nhanh, thỉnh thoảng lại kéo một hồi còi dài trên hành trình của nó.
Nghiên cứu sinh Lại Ngọc Đường và GS.TSKH Jerzy Made tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đường sắt Ba Lan, 1989 |
Lại Ngọc Đường có người chị gái lấy chồng ở Hà Nội, trước ngày đi thi, anh viết thư cho chị thông báo ngày giờ lên Hà Nội. Đến ga Hàng Cỏ anh được anh rể đón bằng xe đạp về nhà ở gần trường Giao thông vận tải. Ngày hôm sau anh đến trường làm thủ tục và bước vào thi môn đầu tiên. Giữa cái nắng của ngày hè oi bức, không khí phòng thi càng trở nên ngột ngạt nhưng bằng sự tự tin và quyết tâm đạt mục tiêu vào đại học, Lại Ngọc Đường vẫn cẩn thận kiểm tra từng con số, từng phương trình trước khi nộp bài thi. Thi xong anh lên tàu về quê với niềm tin sẽ trở lại ngôi trường này. Gần một tháng sau, Lại Ngọc Đường vui mừng nhận được giấy báo trúng tuyển của trường Đại học Giao thông vận tải, nhưng vui nhất có lẽ là bố và vợ anh. Từ lâu cụ Lại Tiến Lạc đã kỳ vọng con trai học hành thi cử đỗ đạt, còn vợ anh muốn chồng được bằng bạn bè. Bởi vậy trước ngày Lại Ngọc Đường nhập học, vợ anh đã bán đôi khuyên tai ngày cưới để anh có tiền ăn học.
Sau khi nhập học Lại Ngọc Đường được phân vào học lớp đầu máy toa xe theo đúng nguyện vọng ban đầu của anh. Khoa Cơ khí năm ấy có khoảng 10 chuyên ngành đào tạo chính quy và một số ngành chuyển cấp, quản lý… năm đầu tiên khoa ghép học chung theo chuyên ngành gần nhau, trong đó lớp đầu máy, toa xe, máy xây dựng học chung các môn cơ bản, cơ sở đến năm thứ 3. Niên khóa 1962-1966, lớp đầu máy có 27 sinh viên, hơn nửa trong số đó là cán bộ được cử đi học nhưng duy nhất Lại Ngọc Đường là học sinh phổ thông đã xây dựng gia đình và có đứa con trai đầu lòng. Năm học đầu tiên học đại học Lại Ngọc Đường nhận được 24 đồng tiền học bổng, anh đóng 18 đồng tiền ăn bữa trưa, bữa tối, số còn lại dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Để có bữa ăn sáng, anh mua một chiếc phích, mỗi tối trước khi đi ngủ bỏ vào đó một nắm gạo nếp do vợ gửi ở quê ra, sáng dậy là có cháo ăn. Tưởng rằng với số tiền được nhà trường cấp và lối sống giản dị, tiết kiệm anh sẽ yên tâm học hành vì không phải phụ thuộc gia đình, nhưng sang năm thứ 2 anh chỉ nhận được 2/3 mức học bổng năm thứ nhất, vì chính quyền địa phương xác nhận ông nội anh hành nghề thầy cúng, hoạt động mê tín dị đoan. Vì thế gia đình phải hỗ trợ thêm cho anh số tiền sinh hoạt hàng tháng.
Cuối năm thứ 3 các lớp được tách riêng học theo các môn chuyên ngành, đi thực tập chuẩn bị đồ án tốt nghiệp. Lại Ngọc Đường và nhóm bạn cùng lớp được phân công thực tập trên các chuyến tàu từ Hà Nội đi Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Vậy là ước mơ một ngày nào đó sẽ được ngồi trên đầu máy xe lửa của Lại Ngọc Đường đã thành hiện thực, suốt 15 ngày theo các chuyến tàu, anh chăm chú theo dõi quy trình chạy tàu, quan sát từng thao tác của người lái tàu thay đổi tốc độ chạy, hướng chạy, hãm thường, hãm khẩn… Đồng thời tìm hiểu về kết cấu của đầu máy từ nồi hơi, giá chuyển hướng, bộ phận chạy, bánh xe, thiết bị hãm… và các cụm chi tiết trên đầu máy. Kết thúc thời gian thực tập Lại Ngọc Đường cùng 2 người bạn được thầy Nguyễn Lâm Hòe hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp với đề tài “Thiết kế đầu máy mới chạy trên tuyến Hà Nội – Lào Cai”. Lúc này trường Giao thông vận tải đã sơ tán về Mai Siu (Bắc Giang), thầy trò cùng ở nhờ nhà người dân (phần lớn là dân tộc Sán Dìu) do vậy ảnh hưởng lớn đến việc làm đồ án tốt nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, thầy Nguyễn Lâm Hòe không yêu cầu nhóm phải thiết kế chi tiết giá chuyển hướng mà được chọn giá chuyển có sẵn theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Phần việc chính của Lại Ngọc Đường là thiết kế nồi hơi, hệ thống phụ trợ của nồi hơi và bộ phận truyền động để kéo đoàn tàu. Sau một tuần, anh đã lập được đề cương chi tiết và thầy hướng dẫn Nguyễn Lâm Hòe thông qua. Tốc độ triển khai đồ án theo đề cương khá nhanh. Cả nhóm có 3 tháng để làm đồ án nhưng mới hơn 2 tháng đã hoàn thành. Thời gian còn lại cả nhóm rủ nhau đi kiếm khoai, sắn hoặc câu cá cải thiện bữa ăn. Một lần thầy hướng dẫn đi kiểm tra bắt gặp 3 sinh viên đang câu cá bên bờ suối gần nhà, nhưng 2 bạn kịp lẩn đi trước khi thầy nhìn thấy nên ngày hôm sau chỉ có Lại Ngọc Đường bị thầy gọi lên phê bình.
Thời hạn làm đồ án tốt nghiệp kết thức, ngày 26-6-1966, Lại Ngọc Đường bảo vệ đồ án trước Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp của khoa Cơ khí. Tuy xác định phải hết sức bình tĩnh, song anh vẫn không tránh khỏi đôi chút hồi hộp. Sau 25 phút nghe Lại Ngọc Đường trình bày đồ án, các thành viên hội đồng đặt ra 6 câu hỏi nhưng anh chỉ trả lời suôn sẻ 4 câu, 2 câu còn lại các thầy chưa thực sự hài lòng. Tuy vậy, phần nội dung anh bảo vệ vẫn được các thầy đánh giá loại khá. Tháng 8-1966, Lại Ngọc Đường nhận bằng tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải.
Tiếng còi tàu năm xưa như kèn hiệu thôi thúc Lại Ngọc Đường dấn bước theo chuyên ngành đầu máy, trường Đại học Giao thông vận tải, rồi tiếp tục đưa ông đến với đất nước Ba Lan xa xôi làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ. Ông tự hào khi đã thực hiện trọn vẹn giấc mơ từ thuở chăn trâu cắt cỏ bên bờ sông Đáy thân thương.
Lê Nhật Minh
_______________________________________
* PGS.TSKH Lại Ngọc Đường (1940, quê Hà
[1] Xã Châu Sơn thuộc huyện Kim Bảng (Hà