Năm 1972, khi đang công tác giảng dạy tại Bộ môn Hình học họa hình, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tôi được nhà trường dự kiến cho đi nghiên cứu sinh ở Liên xô. Trước đó, tôi đã lỡ nhiều đợt đi vì phải phụ trách giảng dạy lớp giáo viên Hình học họa hình và hỗ trợ giảng viên mới là sinh viên khóa 6 được giữ lại trường giảng dạy. Lần này, tôi nghĩ mình chắc chắn sẽ được đi, vì công tác đào tạo đã thu xếp xong. Mọi thủ tục đi nghiên cứu sinh đã hoàn tất, nhưng khi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện phổi phải của tôi có vết mờ to bằng quả trứng. Họ nghi tôi bị lao phổi nên tôi phải ở lại điều trị.
Trong hoàn cảnh miền Bắc thời kỳ đó đang bị đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, tôi phải về điều trị ngoại trú tại Bệnh viện ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các bác sĩ đã chẩn đoán và kê đơn thuốc cho tôi điều trị tại nhà. Gia đình tôi khi đó sơ tán về Đô Đàn, Quế Võ (Bắc Ninh). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn: Mẹ già, con nhỏ, vợ tôi đang học năm cuối trường Đại học Xây dựng, sắp làm đồ án tốt nghiệp, nên dù đang điều trị, thường ngày tôi phải quán xuyến việc nhà và chăm sóc cho người thân.
Vừa lo việc gia đình, tôi vừa phải đảm nhận những công tác giảng dạy của trường Xây dựng lúc này đóng tại khu sơ tán Hà Bắc. Với vai trò là Phó chủ nhiệm Bộ môn Hình học Họa hình và Vẽ kỹ thuật, hàng ngày, tôi phải thường xuyên đạp xe đi đi về về trên con đê hơn 10km qua bến Ngăm – bên bờ sông Đuống – để thăm các lớp học, giúp đỡ anh em kỹ sư khóa 6 mới lên giảng dạy.
PGS.TS Đoàn Như Kim chia sẻ những kỷ niệm trong buổi làm việc với cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Từ khi bị lao, tôi phải ăn riêng và cách ly để tránh lây bệnh cho người thân. Trong thời gian đó, anh Phan Ngọc Châu (Chủ nhiệm Bộ môn Sức bền vật liệu) đến thăm và gửi cho tôi một lá thư. Anh đi xe đạp, đường xa, mồ hôi dính cả vào lá thư, vì thế có chỗ mực đã bị nhòe. Khi mở thư ra, tôi không tin ở mắt mình: Đó là thư của đồng chí Tạ Quang Bửu -Bộ trưởng Bộ Đại học. Anh Châu nói đùa: “Cậu việc gì phải đi Liên Xô nữa, cậu được anh Bửu phong là Phó Tiến sĩ rồi, không phải bảo vệ nữa”.
Tôi nghĩ mãi mới đoán ra vì sao mình lại có bức thư này: Chắc là hôm tôi ốm, ho ra máu, vợ tôi lo lắng quá đến nhà anh Nguyễn Văn Hường (khi đó là Chủ nhiệm Khoa Cơ bản) để xin phép cho tôi nghỉ. Anh Hường là người quý tôi, lại nắm rõ hoàn cảnh của tôi nên luôn thông cảm. Nhân một lần nói chuyện với anh Bửu, anh Hường đã trình bày hoàn cảnh của tôi. Sau khi nghe xong chuyện, anh Bửu đã viết một lá thư giới thiệu tôi với anh Phạm Khắc Quảng[1], Giám đốc Bệnh viện A để tôi được điều trị trong đó.
Hồi đó không có máy photocopy, nên tôi không lưu lại được bức thư của anh Bửu để làm kỷ niệm. Nhưng tôi vẫn nhớ lá thư anh Bửu viết trên giấy khổ A4, ở góc bên trái phía trên có chữ Tạ Quang Bửu. Thư anh viết chữ to, nét chữ phóng khoáng, nội dung đại ý như sau :
Kính gửi anh Phạm Khắc Quảng
Tôi đang phá các thủ tục đây. Tôi có anh bạn là anh Đoàn Như Kim, Phó Tiến sĩ, công tác tại Đại học Xây dựng là một trong nhưng người giỏi nhất về Hình học họa hình và Vẽ kĩ thuật của nước ta, chẳng may bị bệnh phổi. Rất mong anh điều trị một cách radical[2]. Cuối thư, anh ký chữ to: Tạ Quang Bửu
Đọc thư tôi hiểu thêm về anh Bửu, một nhà trí thức lớn, rất rộng lượng và quan tâm các nhà khoa học trẻ. Anh Bửu đã giới thiệu tôi là bạn, thực ra tôi chỉ là người học trò nhỏ của anh. Tại Bệnh viện A, tôi được gặp anh Quảng. Sau khi đọc xong lá thư của anh Bửu gửi, anh Quảng tiếp đón tôi niềm nở và chỉ thị cho bác sĩ cho tôi vào viện điều trị nội trú ngay.
Vào bệnh viện, tôi được đưa vào khu bệnh nhân nặng nằm chờ. Nhiều bác sĩ đã đến khám cho tôi nhưng không đưa ra cách chữa trị, người thì bảo tôi bị lao giai đoạn cuối, người thì bảo tôi bị áp-xe phổi… Anh Quảng rất bận, phần lớn thời gian anh ở nơi Bệnh viện sơ tán. Trong khi nằm chờ đợi, hàng ngày tôi được bác sĩ tiêm Streptomicine, Vitamine B1 và cấp thuốc Rimifon.
Tôi sốt ruột không biết bao giờ mình mới được điều trị. Vợ tôi cũng hiểu được nỗi lo lắng này. Cô ấy không biết làm thế nào bèn đánh liều lên gặp Hiệu trưởng nhà trường. Anh Dạn là người luôn muốn giữ tôi ở lại trường, biết tôi đã cống hiến rất nhiều trong việc xây dựng bộ môn, nên khi nghe nhà tôi nói chuyện, anh nhiệt tình viết thư ngay cho GS Hoàng Đình Cầu[3], chuyên gia giỏi về mổ phổi. Thời gian đó, anh Cầu mới được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế, công việc rất bận nhưng thứ năm hàng tuần vẫn có mặt ở bệnh viện A để hội chẩn và tham gia mổ những ca nặng.
Thư anh Dạn gửi cho anh Cầu được viết trên tờ giấy nhỏ (khổ A4 cắt đôi) lời lẽ chân tình. Đoạn cuối có câu: "Chúc mừng anh mới được đề bạt". Tôi đưa lá thư của anh Dạn cho anh Cầu. Ngay lập tức, thứ năm tuần đó tôi được hội chẩn. Sau khi xem xét kỹ bệnh tình của tôi, anh Quảng và anh Cầu quyết định tôi phải mổ, vì nghi ngờ có thể bọc nước trong phổi của tôi là một cái kén (kyste bronchogène). Tôi sẽ phải cắt thùy dưới phổi phải[4].
Một tuần sau, tôi lên bàn mổ. Thú thật tôi lo lắng, mất ngủ; lo cho gia đình, nghĩ đến cha mẹ già, nghĩ đến sự nghiệp dang dở…Chiều thứ ba – trước khi lên bàn mổ 2 ngày – tôi đang nấu cơm bằng bếp dầu hỏa thì có đoàn cán bộ gồm 5-6 người mặc áo blouse trắng, đi đầu là Giám đốc đến thăm khu vực của chúng tôi. Tôi đang mải đảo cơm, vì nước trong nồi đã cạn. Khi quay ra thì cả đoàn đã đứng sau lưng mình. Anh Quảng nói to: "Anh Kim này! Anh Bửu đến thăm anh đây ". Tôi vội đứng lên, vô cùng bối rối và hết sức ngạc nhiên. Anh Bửu vui vẻ nói giọng miền Trung: "Anh cứ yên tâm, tôi đã nhờ người mổ giỏi nhất đến mổ cho anh đấy". Anh Bửu quay sang nói với anh Quảng: "Bệnh nhân trước khi mổ mà khỏe mạnh thế này thì rất triển vọng!"
Ca mổ của tôi kéo dài 4 tiếng, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Sau mổ, tôi được đưa vào hậu phẫu. Khoảng 6 giờ chiều, tôi mới bắt đầu tỉnh, nhìn lên trần nhà thấy toàn một màu đỏ. Khi tôi mở mắt thì nghe thấy tiếng anh Quảng nói rất to: "Kim tỉnh rồi à ! thế là thành công, tôi sẽ báo anh Bửu biết, để anh mừng nhé. Tốt rồi …". Sau đó tôi lại thiếp đi. Đến trưa hôm sau, tôi tỉnh hẳn, bắt đầu thấy đau và rất mệt.
Trong khi nằm viện, Phòng tổ chức cán bộ có ý kiến để tôi nghỉ giảng dạy vì tôi đã mất gần một lá phổi, điều kiện sức khỏe không cho phép tiếp tục dạy. Khi đó tôi suy nghĩ rất nhiều và có ý định muốn chuyển công tác. Tôi được biết Bộ Ngoại giao đang cần tìm một cán bộ thông thạo 2-3 ngoại ngữ, đồng thời nắm được khoa học kỹ thuật và các vấn đề về văn hóa. Hồ sơ của tôi hội tụ được các tiêu chuẩn trên, nên được Bộ ngoại giao chấp thuận. Tôi gần như đã chắc chắn sẽ được nhận làm việc tại Văn phòng Đại diện VN ở UNESCO.
Sau một tháng nằm viện, tôi về nhà và suy nghĩ phải đến thăm anh Bửu, một phần là cảm ơn anh đã quan tâm, giúp đỡ, giới thiệu mình trong thời gian qua, phần nữa là tôi cũng có ý định nhân dịp này xin chuyển công tác.
Tôi đến thăm anh Bửu vào một sáng đầu thu. Nhà anh Bửu ở đầu phố Hoàng Diệu. Đó là ngôi nhà hai tầng: Tầng dưới là phòng của tướng Vương Thừa Vũ, anh Bửu ở tầng trên. Anh đón tiếp tôi niềm nở, hỏi thăm về về ca mổ và tình hình sức khỏe của tôi… Anh nhận xét: Bác sĩ đánh thuốc mê cho tôi như vậy là hơi sâu. Tôi thực sự ngạc nhiên về tầm hiểu biết rất rộng của anh về y học và tất nhiên là về khoa học trong đó có môn học của tôi. Anh nói : "Hình học Họa hình là ngành Hình học ứng dụng, rất cần cho các kỹ sư. Nó phát triển khả năng tư duy không gian của sinh viên… Ở Pháp, khi tôi học ở Centrale[5], môn này tôi được 19 trên 20 điểm". Anh tiếp tục nói: "Cán bộ dạy Toán, Lý, Hóa thì có trường Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp đào tạo, nhưng về Hình học Họa hình không có nơi nào đào tạo thầy giáo cả, do đó tôi mới cho mở lớp đào tạo giáo viên Hình họa và Vẽ kĩ thuật ở trường anh. Các anh được các chuyên gia Liên Xô đào tạo là cái vốn rất quý của đất nước. Hiện nay ta thiếu rất nhiều cán bộ về môn này. Anh chớ có bỏ giảng dạy. Tôi có quen một giáo sư người Rumani, ông ấy cũng bị cắt phổi, nhưng vẫn dạy đến trên 60 tuổi. Dạy học dùng thanh quản nhiều. Anh cứ yên tâm nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Tôi sẽ điện cho anh Dạn để trong thời gian này cho anh làm việc ở Hà Nội. Anh đã viết sách lý thuyết về Vẽ kỹ thuật, nay soạn cho xong phần Bài tập…". Khi tiễn tôi ra cửa, anh Bửu đột nhiên dừng lại đặt tay lên vai tôi và nói: "Đã sang thu rồi, trời lạnh đấy. Bệnh phổi cần tránh bị lạnh! Anh nhớ là chớ có bỏ giảng dạy!".
Trên đường về, đầu óc tôi nghĩ miên man: Anh Bửu như người anh cả của Bộ Đại học, đã quan tâm đến tôi và đã khuyên tôi chí tình như vậy, làm sao tôi có thể bỏ giảng dạy. Làm sao tôi có thể phụ lòng tốt của GS Tạ Quang Bửu, của Hiệu trưởng Nguyễn Sanh Dạn, anh Hường, GS.BS Hoàng Đình Cầu… của bao người đã quan tâm, chăm sóc tôi! Và tôi lại lao vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi đi dạy tại Algérie, thành lập lớp Xây dựng Pháp ngữ, soạn từ điển… và gần đây tôi lại giúp Trường Xây dựng thành lập lớp Kiến trúc Pháp ngữ. Đến bây giờ, tôi vẫn tiếp tục giảng dạy.
Phạm Hải (ghi)
(*) Bài viết do Nghiên cứu viên ghi chép, biên tập lại theo lời kể của PGS.TS Đoàn Như Kim,
[1]Anh Phạm khắc Quảng và anh Bửu trước học ở Pháp, nên các anh đều quen biết nhau.