Ấn tượng Angola

Năm 1986, khi đang công tác tại trường Đại học Y Hà Nội, tôi được cử đi làm chuyên gia tại Angola. Trước khi đi, tôi cùng đồng nghiệp phải trải qua khóa học tiếng được tổ chức tại bộ môn Giải phẫu bệnh (12 Lê Thánh Tôn-Hà Nội). Với tôi tiếng Bồ Đào Nha không khó vì có nhiều từ giống tiếng Pháp, ngữ pháp đơn giản hơn tiếng Pháp, tuy nhiên khác nhau phần phát âm, đặc biệt là đặt trọng tâm. Đợt đi này có 6 cán bộ đến từ các chuyên ngành khác nhau: Dược lý, Giải phẫu bệnh, Lao, Vệ sinh dịch tễ, Vi sinh, Ký sinh trùng. Sau 6 tháng học tập, tôi có thể giao tiếp được, thậm chí trình bày một bài giảng ngắn… Chúng tôi tiếp tục công tác để chờ nước bạn làm thủ tục tiếp nhận và gửi vé máy bay. Sau khoảng 2 tháng, mọi thủ tục đã hoàn tất, chúng tôi chuẩn bị lên đường.

Tháng 8 năm 1986, đoàn lên đường sang Angola. Hành trình bắt đầu từ sân bay Nội Bài, bay đến Moskva, rồi nghỉ tại nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam vài ngày để chờ máy bay của Angola sang đón. Chúng tôi đã biết về kế hoạch dừng chân ở Moskva và một số mặt hàng ở đây có nhu cầu, nên đây là thời gian chúng tôi tranh thủ bán những món hàng mang theo như bột nghệ (bột cari), đồng hồ đeo tay điện tử, áo phông nữ, son môi. Chúng tôi cũng có dịp đi tham quan những địa danh nổi tiếng như điện Kremlin, Bảo tàng Bức tranh tròn Borodino, Tháp truyền hình Ostankino cao 540m… Sau đó, cả đoàn lên chiếc Boing của hãng hàng không Angola (TAAG), có hơn 200 ghế ngồi, nhưng chỉ chở hơn 30 hành khách Việt Nam đi làm chuyên gia ở Angola. Sau vài tiếng bay trên bầu trời Liên Xô, máy bay đáp xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris. Tôi vui sướng với niềm ước ao được đặt chân lên thủ đô Paris, nhưng tiếc thay vì là khách transit nên không được vào trong thành phố. Sau 4 tiếng, máy bay tiếp tục hành trình, lúc này đã quá nửa đêm nên ai cũng mệt và buồn ngủ. Vì máy bay còn thừa nhiều chỗ nên mỗi người chọn cho mình một hàng ghế để nằm ngủ cho thoải mái. Sáng hôm sau máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Luanda (Quatro de Refereiro), ai nấy đều háo hức và hồi hộp nhìn qua các khuôn cửa máy bay. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một sân bay khá lớn nhưng thưa thớt vài chiếc máy bay của Liên Xô, Cuba và của hãng TAAG Angola. Nhà ga vắng vẻ, ngoài đoàn Việt Nam, có một số khách là các quân nhân Cuba… Sau khi lấy đồ đạc, cả đoàn qua phòng hộ chiếu làm thủ tục nhập cảnh, những người trên hàng đầu quay lại và thông báo hộ chiếu chưa có Visa nên không được nhập cảnh. Lúc này mọi người mới tìm hiểu và biết rằng Angola chưa có Đại sứ quán ở Việt Nam, nên phải xin visa ở Moskva, Liên Xô. Tình thế lúc này tiến thoái lưỡng nan, chúng tôi bàn bạc tìm ra được cách giải quyết là chọn một thành viên trong đoàn đã từng làm việc ở Angola, biết địa chỉ Đại sứ quán Việt Nam, thông thạo tiếng Bồ, rồi xin phòng hộ chiếu cho phép ra ngoài. Quãng đường khá xa, đi đến Đại sứ quán Việt Nam và quay về mất khoảng 4-5 giờ, ở phòng chờ hơn 30 con người mệt mỏi, lo lắng, nằm, ngồi la liệt, đói và khát. Ba giờ chiều hôm đó, vị đại diện của đoàn đi cùng một nhân viên sứ quán đến và mang theo một túi bánh mì to (không nhân) và nước uống phát cho mọi người. Cán bộ sứ quán thu toàn bộ hộ chiếu mang đến Vụ lãnh sự Bộ Ngoại giao Angola để xin cấp visa. Thủ tục làm xong vào cuối giờ chiều và chờ đến ngày hôm sau mới có được visa. Đây là một kỷ niệm buồn mà tôi không bao giờ quên.

Ô tô của Bộ Giáo dục Angola đưa đoàn về nơi tạm trú gọi là Casa transito ở thủ đô Luanda chờ ngày nhận công việc. Đây là một biệt thự nhiều tầng, được Bộ dùng làm nhà khách phục vụ những người chờ đi các tỉnh hoặc khách vãng lai. Mỗi phòng ở 4-5 người. Giáo sư Trần Ngọc Ân mô tả: Phòng vệ sinh chung có bồn tắm bằng sắt tráng men, ăn uống miễn phí, đi về tự do, nhưng điện thì phập phù, nước mỗi ngày bơm 2 lần, ngoài giờ bơm các vòi hoàn toàn không có nước, vì vậy mọi người phải dùng bồn tắm để trữ nước dùng cả ngày, muốn tắm giặt phải chờ lúc bơm nước. Bữa cơm gồm có cơm trắng (thường nấu chưa chín kỹ), một ít nước sốt, một khúc cá hộp, hoặc một thứ súp đặc bằng bột mì hay khoai tây nghiền (kiểu như bánh đúc) và vài khúc cá khô hay mì xào với thịt bò. Với tôi, so với cuộc sống bao cấp trong nước thì điều kiện ăn, ở như thế này khá tốt. Thời gian ở nhà khách, chúng tôi đi tham quan Luanda, Đại sứ quán Việt Nam, đi thăm khu ở tập thể của chuyên gia Việt Nam. Tôi nhận thấy, các tuyến phố vắng lặng, có rất ít các cửa hiệu hoạt động nên cần mua gì đều phải ra chợ. Tôi cùng một số người trong đoàn tranh thủ ra chợ bán các mặt hàng mang từ nhà sang như bàn chải đánh răng, bóng bay thổi cho trẻ con, có tiền chúng tôi thường mua sữa bột của hãng Nestlé loại 1kg, thuốc tây chủ yếu là kháng sinh như Rifampicin (lọ 100 viên), quần áo cũ… để gửi về Việt Nam. Tôi chịu khó đi tìm và mua được những thứ quý và rẻ như bộ cốc pha lê Pirex của Pháp, bộ bình pha sữa, vài cái áo da mode còn mới. Có hai cách gửi hàng hóa, một là gửi người quen về phép hoặc đóng thùng gửi bưu điện. Cứ vài tuần tôi lại gửi hàng về nhà qua đường bưu điện. Mỗi lần đi gửi hàng là một cuộc đấu trí rất căng thẳng do hải quan kiểm tra thùng hàng gắt gao. Đôi khi hàng bị lấy mất hoặc thất lạc trong quá trình vận chuyển.

Trường Đại học Agusto Neto có nhiều khoa, trong đó khoa Y có ở hai cơ sở của trường là thủ đô Luanda và Huambo. Tôi thuộc nhóm làm việc tại Huambo. Trước khi đi chúng tôi có buổi gặp gỡ với hiệu trưởng và trưởng khoa để nắm bắt tình hình của trường, của khoa và nhận nhiệm vụ công tác.

 

 Bác sĩ Trần Ngọc Ân (đứng) cùng đồng nghiệp làm việc tại Huambo Angola, năm 1987

Huambo cách thủ đô Luanda khoảng 600km, bay mất khoảng hơn 1 giờ. Mọi người được sắp xếp ở trong một chung cư cao tầng. Hai chuyên gia được bố trí ở cùng một căn hộ gồm hai phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh sử dụng chung. Điều kiện sinh hoạt văn hoá nghèo nàn, không radio, không tivi, không sách báo… Ở đây vẫn xẩy ra tình trạng thiếu nước, mỗi ngày nước được bơm 1 lần trong vòng 1 tiếng. Ai cũng tranh thủ tích trữ nước vào bồn tắm, sau này mọi người còn nghĩ ra cách bít các lỗ thoát ở sân thượng tạo nên một bể lộ thiên để hứng nước mưa, rồi dẫn xuống các bể chứa dùng dần. Tôi ở cùng đồng nghiệp Dương Hữu Lợi. Món ăn chúng tôi thường nấu là món bắp cải luộc với cà chua, cá biển thì mỗi tháng được cung cấp 1-2 lần, mỗi lần vài cân cá nục hoặc cá trích đông lạnh, để trong tủ lạnh ăn dần, kho, rán hoặc rim cà chua; thịt bò và trứng gà ở đây là của hiếm và đắt.

Theo hợp đồng ký kết với nước bạn thì chuyên gia được trả 1.000USD/ 1 tháng, trong đó nhà nước ta thu lại 900USD, người lao động được giữ 100 USD. Số tiền này được tính ra tiền địa phương là 4.000 Kwanzas (K), chuyên gia được lĩnh hàng tháng. Mỗi tháng, chúng tôi được mua 1 tút thuốc lá với giá rẻ 500K, nhưng có thể ra chợ bán 2000K, 1 két bia mua với giá 500K thì bán được 3000K, thế là tôi để dành thêm được một khoản.

Ở Huambo cũng có chợ ngoài trời giống như ở Luanda nhưng ít hàng hoá hơn. Phương tiện đi lại trong thành phố ở đây chủ yếu là xe bus nhỏ khoảng 12-16 chỗ, với giá 500K bất kể là đi đâu. Khi xuống xe, nếu có vật gì nặng hoặc cồng kềnh thì đã có đội khuân vác toàn trẻ con, tuổi từ 10-12 tuổi, tóc xoăn, mặc quần áo của người lớn rách và bẩn, luôn túc trực nhao đến xin đội thuê với giá 50K.

Bệnh tật ở Angola chủ yếu là nhiễm trùng, ký sinh trùng và bệnh do di truyền. Trên 80% dân số đều mắc sốt rét ít nhất một lần trong đời, ngày nào ở bệnh viện cũng có người chết vì sốt rét ác tính. Tỷ lệ mắc các bệnh giun sán khá cao, nhất là trẻ con. Một số bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng khác như sốt vàng, bệnh ngủ do tiêm mao trùng, bệnh giun máng, nhiễm nấm ở tứ chi và nội tạng giảm nhiều trong những năm sau này. Các bệnh máu di truyền do kết hôn cận huyết thống còn khá phổ biến nhất là nhóm bệnh Huyết sắc tố (Thalassemie).

Tôi thường cùng đồng nghiệp đi bộ qua vài dãy phố và công viên để đến trường. Tôi giảng dạy môn lâm sàng cho sinh viên học năm thứ 3. Lớp này có khoảng 20 sinh viên. Trước khi lên lớp, các thầy soạn giáo trình bằng tiếng Bồ Đào Nha. Thời gian đầu, do phát âm không đúng trọng âm nên thường bị sinh viên chỉnh lại. Tiếng Bồ là ngôn ngữ chính của Angola nên tài liệu và sách giáo khoa phần lớn nhập từ Bồ Đào Nha, Braxin, một số bằng tiếng Tây Ban Nha nhập về từ Cu Ba, Tây Ban Nha… Mỗi tuần chúng tôi dạy 3- 4 ngày vào buổi sáng hoặc chiều.

Đoàn chuyên gia Việt Nam có khoảng 20 người làm việc ở Huambo, trực tiếp giảng dạy ở các khoa Giáo dục, Y khoa, Lâm nghiệp. Đoàn có một trưởng đoàn do Đại sứ quán chỉ định và thành lập một chi bộ. Mỗi tháng đoàn có một buổi sinh hoạt chung… Vào dịp Tết âm lịch năm Đinh Mão, các chuyên gia Việt Nam ở Huambo tổ chức liên hoan. Chuyên gia các nước Bugarie, Liên xô, Cuba cùng tham gia và góp vui bằng những tiết mục ca hát và khiêu vũ….

Hai năm làm chuyên gia ở Angola là quãng thời gian để lại ấn tượng sâu trong tôi, cả về con người, cảnh vật và đời sống cũng như công việc chuyên môn. Đã hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn rất nhớ từng chi tiết nhỏ.

Nguyễn Thị Phương Thúy (ghi)