Ấn tượng một trưng bày

Điểm đến tham quan đầu tiên tại tòa nhà Quyển sách là trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”. Những hiện vật và câu chuyện tại trưng bày đã làm tôi thực sự bất ngờ. Trong trưng bày “chỉ” giới thiệu 14 công trình khoa học nhưng thực sự đã điểm xuyết những dấu ấn lịch sử của nền khoa học Việt Nam với sự đóng góp to lớn của những tập thể, cá nhân cụ thể. Mỗi công trình đều chứa đựng những tâm huyết, sự sáng tạo và hy sinh của các nhà khoa học, đúng như chủ đề của trưng bày muốn hướng tới: “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến”. Trước đây, tôi vốn không thích những gì liên quan đến khoa học khó hiểu, nhưng qua những tài liệu, hiện vật biết kể chuyện, tôi đã có cái nhìn khác, mới mẻ về nền khoa học nước nhà.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương từng công tác tại Công ty Phát hành Báo Chí Trung ương

Từng tham quan nhiều trưng bày, mỗi trưng bày đều có một phong cách, hình thức, nhưng khi đến với trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, tôi lại có một ấn tượng sâu sắc và cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Ở đó mọi thứ đều giản dị, dễ hiểu và thực sự thu hút người ta bằng những câu chuyện “sống” đầy cảm động với nhiều chân dung của các nhà khoa học nổi tiếng như GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Đạo… Trưng bày đã cho người xem cảm nhận và hiểu được những sáng tạo khoa học, đồng thời hé mở nguyên nhân thành công của các nhà khoa học.

Mỗi tài liệu hiện vật được trưng bày tại đây đều gắn bó với các nhà khoa học, ẩn chứa những câu chuyện dài cảm động. Được nghe kể chuyện đời, chuyện nghề mới thấu hiểu được giá trị đích thực của lao động khoa học như thế nào. Cụm công trình “Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Penicillin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp” của GS.AHLĐ-Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ”, gửi đến một thông điệp rõ ràng, để thành công đôi khi phải có những phẩm chất đáng quý, vượt lên hoàn cảnh khó khăn và cả chấp nhận sự hi sinh. GS Đặng Văn Ngữ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí là cả tính mạng cho khoa học và cho Tổ quốc. Ông tình nguyện vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu và chữa trị sốt rét năm 1967. Để rồi như định mệnh đã sắp đặt, đây cũng chính là chuyến đi cuối cùng. Ông đã hy sinh ngay tại chiến trường Trị Thiên-Huế, để lại nhiều dự định khoa học còn dang dở.

Nếu như câu chuyện của GS Đặng Văn Ngữ làm tôi thực sự xúc động về một nhà khoa học suốt đời cống hiến, thì câu chuyện bị “vợ mắng” của KS Trần Phú Thành lại làm tôi thú vị ở một cách nhìn khác, vì chưa bao giờ tưởng tượng được tình huống ấy như thế nào. Cũng phải thôi KS Trần Phú Thành đi làm từ 4h sáng tới 8h tối, khi về lại lấy bản đồ ra xem. Nếu đặt mình là người vợ chắc tôi cũng phát bực lên mất. Những tưởng ông chỉ biết làm việc khoa học, nhưng không, làm việc đến 11h tối, ông lại đi gánh đầy thùng phuy nước cho vợ.

Để có những công trình giá trị phục vụ cho nhu cầu thực tiễn của đất nước, các nhà khoa học phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình, để dành thời gian nhất cho những “đứa con” khoa học. GS Trần Bảng, người được mệnh danh là “Trùm chèo” của Việt Nam. Ông dành nhiều thời gian cho nghệ thuật chèo đến nỗi vợ ông còn ghen với chèo. Tôi vô cùng thích thú khi được đọc bức thư của ông gửi cho vợ. giải thích về niềm đam mê của mình dành cho chèo. Những câu chuyện rất đời thường đấy, cho thấy ở mỗi nhà khoa học đều có một tình yêu cháy bỏng, một niềm đam mê vô tận với khoa học. Họ luôn sống hết mình vì niềm đam mê và sẵn sàng hy sinh tất cả hạnh phúc của bản thân, thậm chí là cả mạng sống của mình để theo đuổi nó.

Không gian trưng bày đã tái hiện lại những nét cơ bản nhất những chặng đường, giai đoạn/thời kỳ khác nhau của lịch sử khoa học Việt Nam từ sau năm 1945. Trong không gian ấy, tôi dường như được nghe chính các nhà khoa học kể chuyện và chợt nhận ra các nhà khoa học đáng trân trọng biết bao nhiêu, lịch sử Việt Nam anh dũng biết bao nhiêu!

Nguyễn Thùy Trang