Ấn tượng về một nhà khoa học

Ở vị trí, vai trò nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Gần cả cuộc đời gắn bó với chuyên ngành Y học biển và đến nay ông vẫn đang viết tiếp những trang sử vẻ vang đầy tự hào với nghề, ông xứng đáng là một trong những người con ưu tú của quê hương Vũ Xá, Lục Nam, Bắc Giang. Mới đây nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2017, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Đó là câu chuyện về TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, hội viên Hội Y học biển quốc tế, Trưởng Khoa Y học biển – Trường Đại học Y Hải Phòng, Chủ tịch Hội Y học Biển Việt Nam.

TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1955 tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Quê hương ông vốn là vùng đồng chiêm trũng nên cuộc sống người dân nơi đây trước kia chỉ trông chờ vào một vụ lúa trong năm vì vào mùa nước lũ nước ngập trắng đồng. Gia đình ông đông anh em nên kinh tế gia đình cũng rất eo hẹp, tất cả chỉ trông vào hạt thóc, mùa giáp hạt thường xuyên bị đứt bữa, mùa đông giá rét áo ấm cũng không có mà mặc. Tuy nhiên, chính khó khăn ấy đã nuôi dưỡng ông trở thành người có ý chí lạc quan, kiên cường và bền bỉ trong học tập.

TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn

Ông vốn là người ham học nhưng khi ấy xã ông lại không có trường học và phải đi xã khác học nhờ. Lên cấp 3 ông phải lặn lội đi bộ gần 20 km để đến trường học cấp 3 sơ tán về xã Bảo Đài (một xã miền núi của huyện). Vì điều kiện khó khăn ấy nên xã ông ít người có đủ kiên trì để theo tới cùng việc học và ông là một trong số hiếm những người theo học hết chương trình THPT. Có lẽ động lực lớn giúp ông vượt qua được cái thời khó khăn nhất ấy chính là lời tâm sự cũng là lời giáo huấn của bố ông mà tới giờ ông vẫn luôn khắc cốt ghi tâm: “Đời bố mẹ không được đi học, nên cố gắng làm lụng vất vả cho con có cái chữ, các con cố mà học để ấm vào thân”.

Cơ duyên để ông đến với nghề y là vào năm 1973, sau khi tốt nghiệp THPT và dự kỳ thi tuyển sinh vào học đại học với số điểm đủ để được chọn đi học ở nước ngoài cũng như đã được chọn vào ngành an ninh, nhưng cũng khi ấy ông có giấy gọi vào học tại Trường Đại học Y Hà Nội và rồi ông đã quyết định gắn cuộc đời mình với nghề thầy thuốc. Từ nhỏ ông đã có mơ ước được làm một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cứu người. Ông cũng cho rằng khi vào Đại học Y Hà Nội ông sẽ được tiếp xúc với môi trường học tập nghiêm túc, với đội ngũ các thày, cô giỏi chuyên môn và yêu nghề sẽ giúp ông học hỏi và tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới và nhiều điều khác nữa của cuộc sống. Sự nỗ lực học tập không ngừng đã mang lại những kết quả xuất sắc trong quá trình học tập. Để rồi, sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông đứng trước hai lựa chọn ở lại Hà Nội hoặc đi về Cơ sở 2 của Trường Y Hà Nội tại Hải Phòng. Đứng trước sự lựa chọn ấy ông đã may mắn được người thày là GS.TS Lê Thành Uyên định hướng cho một số vấn đề, trong đó có gợi ý đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người đi biển – một chuyên ngành ở các quốc gia có biển đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam thì chưa. Cuối cùng ông quyết định chọn thành phố Cảng để công tác và trở thành một trong số 17 cán bộ, giáo viên đầu tiên về xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng thời ấy, nay là Trường Đại học Y – Dược Hải Phòng. Năm 1998, Trường Đại học Y Hải Phòng được thành lập, khi đó ông giữ vai trò là Trưởng Bộ môn Sinh lý Y học, đồng thời được giao nhiệm vụ phó Giám đốc điều hành Trung tâm Y học và Môi trường biển của Trường nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu phát triển chuyên ngành Y học biển của Nước nhà và tạo điều kiện cho sinh viên vừa học tập vừa thực hành. Thời gian này ông đã tập trung rất nhiều thời gian và công sức cho việc phát triển chuyên ngành y học biển, một ngành mới của nền y học Việt Nam.

Chia sẻ về chuyên ngành y học biển, ông nói: “Vấn đề quan trọng nhất đối với người làm nghề biển là sức khoẻ và khả năng chịu đựng sóng gió. Cùng là vấn đề về sức khỏe, song việc chăm sóc y tế trên biển lại hoàn toàn khác với đất liền. Ở đất liền, phương tiện cấp cứu, giao thông đi lại thuận lợi hơn, nhưng trên biển, đảo khi có ca cấp cứu người dân phải thuê tàu cá mất hàng trăm triệu đồng để vào đất liền với chặng đường nhiều giờ trên biển, diễn biến bệnh tật rất khôn lường, nhiều trường hợp đã tử vong trên đường vận chuyển từ biển vào bờ. Tổ chức mạng lưới y tế trên biển và các vùng hải đảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng mang tính đặc thù riêng không thể áp dụng như mô hình trên đất liền. Vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó cả chế độ, chính sách, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực… Lao động trên biển thường xuyên phải hứng chịu những nỗi lo thường trực như an toàn sức khỏe, an toàn sinh mạng, chưa kể những hiểm nguy rình rập. Ai sẽ giúp được họ?”.

Trăn trở với câu hỏi ấy, TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn nhận thấy việc cần phải có một mô hình tổ chức mạng lưới y tế dành riêng cho khu vực biển, đảo và một chuyên ngành Y học biển ra đời và phát triển đủ tầm vóc là hết sức cấp thiết để có thể đáp ứng được việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và lao động khu vực biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ những ý tưởng và khát vọng đầy nhân văn ấy, ông đã cùng những cộng sự đồng chí hướng và tâm huyết của mình vượt lên bao gian nan thử thách, kiên trì, dũng cảm xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển Việt Nam. Trong hai năm từ 1988-1989, ông được Nhà trường cử đi học sau đại học chuyên ngành Y học biển tại Viện Y học biển và Nhiệt đới nước Cộng hoà Ba Lan, một trung tâm Y học biển bậc nhất châu Âu thời đó. Sau khi hoàn thành khóa học ông trở về nước, bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn đã được đào tạo, ông tham mưu với Lãnh đạo Trường Đại học Y Hải Phòng thành lập Trung tâm Nghiên cứu về Y học biển. Đây là bước ngoặt có tính chiến lược về mặt cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để phát triển nguồn lực Y học biển tương lai cho đất nước. Năm 1995, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Học viện Quân Y với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm một số chức năng sinh học của những người lao động trên biển khu vực Bắc Việt Nam”, đây là đề tài đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Năm 1999, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Bộ môn Y học biển của Trường Đại học Y Hải Phòng. Năm 2001, Viện Y học biển Việt Nam được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Y học và Môi trường biển của Trường Đại học Y Hải Phòng và ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam từ đó. Trên cương vị là người thuyền trưởng của con tàu Y học biển, ông đã xây dựng kế hoạch, chiến lược cho sự phát triển chuyên ngành và đào tạo nguồn lực với các nội dung nghiên cứu chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Y học hàng hải, Y học thuỷ sản; Y học dầu khí; Y học dưới nước và cao áp…

TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn không chỉ là người quản lý giỏi mà còn là một nhà khoa học sáng tạo, tận tâm, tận lực với nghề. Từ năm 1980 đến nay, ông đã hoàn thành và công bố hàng chục công trình, đề tài khoa học được nghiệm thu, trong số đó có 11 đề tài từ cấp Bộ trở lên. Cùng với đó ông đã công bố trên 100 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đồng thời ông tham dự nhiều hội thảo về Y học biển quốc gia và quốc tế tại hàng chục nước có biển ở khắp các châu lục. Mặt khác, TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn cùng đội ngũ lãnh đạo, thầy thuốc, giảng viên, nhân viên viện Y học biển luôn tiên phong có mặt trên khắp mọi nẻo đường biển đảo của Tổ quốc, trực tiếp khám chữa bệnh cho đồng bào và các lao động biển; xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo và thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực y học biển và phát triển mạng lưới y tế biển, đảo; biên soạn, viết và xuất bản nhiều cuốn sách chuyên môn, những cẩm nang quý báu về kiến thức Y học biển, đồng thời tập huấn cấp cứu ban đầu trên biển cho ngư dân, thuyền viên và sỹ quan.

Gần 40 năm gắn bó và tâm huyết với nghề và cho đến tận bây giờ ông vẫn không ngừng cống hiến cho nền y học Việt Nam. Ông đã đào tạo trên 10 lớp chuyên khoa định hướng sau tốt nghiệp về y học biển cho cả ba miền, chương trình có sự phối hợp với các giảng viên của Cộng hòa Pháp, Mỹ. Bên cạnh đó, ông đảm nhiệm hướng dẫn trên một chục NCS, trong đó có 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và hàng chục luận văn cao học, BSCK cấp II cho các học viên của Đại học Y Dược Hải Phòng và Học viện Quân y về lĩnh vực Y học biển, đảo. Ngoài ra, TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn có những đóng góp đáng trân trọng vào việc hình thành mạng lưới, tổ chức y tế biển của khu vực và cả nước. Sự tiên phong trong nghiên cứu khoa học của TTND.GS Nguyễn Trường Sơn trong lĩnh vực Y học biển Việt Nam đã được thế giới biết đến, tin tưởng bởi những thành công và sự đóng góp vô giá cho sự nghiệp Y học biển của ngành Y tế cả nước. Với nhãn quan chiến lược cùng sự nhạy bén trong lãnh đạo, TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn đã giúp Viện Y học biển Việt Nam ký kết và triển khai hợp tác song phương hết sức có hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực và chuyên ngành Y học biển với các đối tác như: Hội Phổi và Phẫu thuật lồng ngực Pháp – Việt; Tổ chức AFEPS Cộng hòa Pháp, Viện – Trường Đại học Y khoa Brest; Hội Y học biển cộng hoà Pháp; Hội Y học biển quốc tế (IMHA); Viện Y học biển và Nhiệt đới cộng hoà Ba Lan; Tập đoàn Y học cao áp Hyperbaric health của Australia; Đại học Kanazawa Nhật Bản và gần đây nhất là Trung tâm Y học hải quân số 1 Hoa kỳ ở San Diego, California… Những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của ngành y tế nói chung và chuyên ngành Y học biển nói riêng, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng và hàng chục bằng khen của Bộ Y tế và của UBND Thành phố Hải Phòng qua các năm.

Từ giông bão đạn bom chiến tranh đến khi đất nước thanh bình, TTND.GS.TS Nguyễn Trường Sơn luôn là chiến sĩ kiên trường trên mặt trận y tế, luôn bên cạnh người bệnh để chiến thắng mọi bệnh tật hiểm nghèo. Con tàu Viện Y học biển Việt Nam mang niềm tin, khát vọng với sứ mệnh thiêng liêng đã vượt muôn trùng sóng gió ra khơi, vươn xa trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân biển đảo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong ông vẫn luôn cuộn chảy cống hiến cho nghề, một hành trình vinh quang không hồi kết.

Ngọc Giáp
Nguồn: http://vietnamhoinhap.vn/n5765