Tôi chào đời tại thị xã Tuyên Quang vào năm 1930. Năm 1948, tôi thi đỗ vào trường trung học kháng chiến Chu Văn An ở Đào Giã – Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được Bộ Giáo dục trưng tập đi dạy học ở trường cấp II Nguyễn Thái Học tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc (1950-1954). Cuối năm 1954, tôi được chuyển về làm Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông của Ty Giáo dục Vĩnh Phúc. Trong một Hội nghị toàn thể các Hiệu trưởng họp ở Ty giáo dục Vĩnh Phúc, bài báo cáo của tôi được ông Nguyễn Hữu Dung – Phó giám đốc Nha giáo dục Phổ Thông về dự rất khen, sau đó ông Dung đã điều tôi về làm cán bộ nghiên cứu Nha Giáo dục (trụ sở ở phố Lý Thái Tổ). Đến tháng 8-1957, tôi được Nha giáo dục cử đi học Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi trở thành cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử của trường này. Là một người thầy đã đi thỉnh giảng ở nhiều trường Đại học sư phạm trong và ngoài nước, như ở Đại học Sư phạm Lào, Campuchia nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất với thời gian làm chuyên gia ở đất nước Angola (1983-1985; 1989-1995).
Ngày 11-11-1975, nước Cộng hòa Angola tuyên bố độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ một ngày sau, quốc gia miền nam châu Phi này đã chính thức đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam (tức 12-11-1975). Giai đoạn những năm 1980 – 1996, Chính phủ Việt Nam và Angola có ký kết nhiều hiệp định hợp tác trong đó có hiệp định về việc cử chuyên gia Việt Nam sang Angola công tác trong lĩnh vực giáo dục và y tế, nông nghiệp.
Trải qua hai cuộc kháng chiến đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, thống nhất toàn vẹn đất nước nên uy tín của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, họ rất ngưỡng mộ, khâm phục, ca ngợi và học tập Việt Nam, nhất là các nước thuộc địa cũ ở châu Phi. Vì lẽ đó, năm 1983, khi sang tới đất nước Angola, đoàn chuyên gia được người dân niềm nở đón chào. Đây là đoàn chuyên gia giáo dục đầu tiên của Việt Nam sang Angola do ông Phạm Cốc[1] làm trưởng đoàn, có 21 người được chọn từ các bộ môn của trường đại học sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Vinh và một số ít từ trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Khoa Lịch sử, trường Hà Nội có tôi và thầy Trần Văn Trị[2] đi làm chuyên gia ở trường Đại học sư phạm Lubango (thủ phủ của tỉnh Huila, Angola).
Chúng tôi đi máy bay đến sân bay Charles de Gaulle của Pháp, dừng nghỉ 4 giờ đồng hồ rồi tiếp tục bay. Lần đầu tiên đi bằng phương tiện máy bay, tôi hồi hộp đến khó tả, sân bay Charles de Gaulle bóng đến nỗi tôi tưởng tượng mình bước đi có thể trượt ngã. Xuống sân bay Quatro de Fevereiro của Anglola, đoàn đi xe về ngay Lubango. Đây là một nơi dân cư không đông đúc, khí hậu mát mẻ như Đà Lạt của Việt Nam, nhiều hoa, đủ chủng loại màu sắc, tôi thường gọi đó là “Thành phố hoa”.
PGS Nguyễn Xuân Trúc (thứ 3 từ trái) cùng đồng nghiệp tại đỉnh đèo Leba, Angola, ngày 9-6-1985
Ấn tượng ngày đầu tiên trên đất nước Angola khiến tôi rất xúc động, khi đang đi trên đường phố tôi gặp một chiếc ô tô đi qua rồi vòng lại, một người Angola bước xuống hỏi tôi: “Việt Nam ?”, tôi gật đầu, ngay lúc ấy tôi tặng ông chiếc mũ cối bộ đội tôi đang đội trên đầu, người đó ôm chầm lấy tôi và nói: Việt Nam anh hùng lắm! Đoàn chuyên gia chúng tôi được Chính phủ Angola rất coi trọng, thể hiện ở việc đón tiếp, sắp xếp chỗ ăn ở tại hai khách sạn lớn nhất, sang trọng nhất của Lubango, chuyên gia là nam giới ở khách sạn Sinpore, còn nữ ở khách sạn Hula. Năm đầu chúng tôi ăn tại khách sạn đang ở, thưởng thức các món ăn rất ngon và không phải chi một khoản phí nào. Hồi ấy, trường Đại học Sư phạm Lubango mới thành lập nên đoàn chuyên gia Việt Nam sang không chỉ hỗ trợ giảng dạy chuyên môn mà còn đào tạo cả nhân lực cho trường. Ông Trần Văn Trị cùng dạy bộ môn Lịch sử thế giới với tôi được cử làm Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử của trường này (Chủ nhiệm là một người Angola, nhưng trình độ còn hạn chế + một Phó chủ nhiệm người Paraguay đã sang dạy trước đó). Hồi ấy, chính đoàn chúng tôi hỗ trợ trường bạn soạn thảo chương trình giảng dạy các bộ môn. Riêng chương trình môn Lịch sử do các chuyên gia Việt Nam soạn thảo từ năm 1985, hiện nay trở thành chương trình giảng dạy chính thức của trường Đại học Sư phạm Lubango, Angola. Khi đoàn chúng tôi sang Lubango giảng dạy thì hầu hết cán bộ nhân viên ở các cơ quan của tỉnh Huila đều đi học theo hình thức tại chức, vừa học vừa làm, mỗi lớp vài chục sinh viên. Ông Trần Văn Trị dạy môn Lịch sử thế giới cổ trung đại, tôi dạy Lịch sử thế giới cận hiện đại, còn lịch sử Angola do người Angola dạy. Tôi mới được học tiếng Bồ Đào Nha 4 tháng ở Việt Nam nên năm đầu sang chuyên gia còn gặp rất nhiều khó khăn vì ngôn ngữ chưa thực sự trôi chảy, hàng đêm tôi phải thức rất khuya đến 2 giờ sáng để soạn giáo án cũng như dịch giáo án từ tiếng Việt sang tiếng Bồ Đào Nha để thuận tiện cho lên lớp. Mặc dù đã giảng dạy nhiều năm ở Việt Nam nhưng khi đứng lớp giảng một số buổi đầu tại đây tôi gần như đọc chính tả, viết bảng cho sinh viên chép, không giảng sâu được nhiều do rào cản về ngôn ngữ. Sau 5 tháng, vốn ngoại ngữ khá lên tôi mới tự tin giảng dạy chuyên sâu. Khóa học ấy, tôi được phân công hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho học viên Artur Silva, khi đó là Phó bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Huila. Tôi hơi bất ngờ khi lần đầu tiên tiếp cận với Artur Silva: da đen bóng, cao gần 2 thước, đứng gần tôi như người khổng lồ bên người tí hon nhưng tôi lại là thầy. Vì công việc bận rộn nên Artur không đến học đầy đủ các buổi, chủ yếu do thầy cung cấp tài liệu tự học. Tôi hướng dẫn sinh viên Artur làm khóa luận tốt nghiệp với chủ đề về hai nhân vật José Julián Martí Pérez ở Angola và Hồ Chí Minh ở Việt Nam để thấy sự tương đồng và khác biệt ở hai vị lãnh tụ này. Artur rất bận rộn nên tôi phải dồn nhiều công sức định hướng, tìm tài liệu để sinh viên này hoàn thành khóa luận một cách tốt nhất. Cuối tháng 6-1985, Artur bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng chấm gồm Chủ nhiệm khoa Lịch sử (Chủ tịch Hội đồng), phản biện là người Paraguay và ông Trần Văn Trị, Ủy viên là người Mali. Điều đặc biệt, buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp này có hầu hết cán bộ, nhân viên của Tỉnh ủy, Ủy ban của Huila đến tham dự ngồi kín hội trường. Sau khi bảo vệ thành công, Artur đã mời tôi, thầy Trần Văn Trị và trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam về nhà riêng của ông để dự tiệc mặn. Khi buổi tiệc bắt đầu, xuất hiện một ông già tóc bạc, ông xúc động nói: Tôi là bố của Artur. Thời thực dân tôi làm nghề đập đá và hoàn toàn mù chữ. Nay nhờ Nhà nước được độc lập, gia đình tôi có một cử nhân. Tôi xin thành thực cảm ơn sự giúp đỡ tích cực của các thầy giáo Việt Nam. Angola và Việt Nam tuy ở rất xa nhau nhưng cùng chung một mặt trận chống đế quốc.
Cũng trong tháng 6-1985, Artur từng lái xe riêng đưa tôi và một số đồng chí trong đoàn Việt Nam đi vãn cảnh và tham quan các khu danh thắng của Angola như Benguela, một thành phố rất đẹp bên bờ Đại Tây Dương, sau đó đi xuống miền Nam vượt qua sa mạc Namibe, đến biên giới Namibia. Lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là sa mạc: cát trắng mênh mông, không một bóng nhà, chỉ có những cây Welwitschia Mirabilis (cây bạch lan) mọc rải rác trên sa mạc, người dân ở đây thường gọi là cây lưỡi rắn ăn thịt (vì khi các con chuột đến gần, lá cây sẽ cuộn lấy con chuột và tiết ra dịch tiêu hóa để giết chết con mồi). Tới biên giới Namibia, gặp các chiến sĩ giải phóng quân của tổ chức nhân dân Tây Nam Phi (Swapo) do ông Sam Nujoma thành lập vào tháng 4/1960, họ đã dẫn chúng tôi lên đỉnh đèo Leba – một danh thắng nổi tiếng của đất nước Angola. Vùng Namibia còn là thuộc địa của Nam Phi, vẫn còn đó một số ngôi nhà đổ nát, và những bức tường lỗ chỗ vết đạn. Người Namibia thuộc bộ tộc người Bantu và 11 bộ tộc khác nhưng ngôn ngữ chính thức của Namibia dưới thời thực dân Nam Phi là tiếng Anh nên họ nói với chúng tôi bằng tiếng Anh rất lưu loát. Các chiến sĩ giải phóng quân Swapo nói với chúng tôi: Việt Nam và Namibia ở rất xa nhau nhưng chúng ta cùng chung một chiến hào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Cùng chung một chiến hào đó là cảm giác rõ rệt của chúng tôi khi đứng ở biên giới Namibia, cũng như ở Angola nói chung. Angola chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tinh thần chống đế quốc của Việt Nam năm 1954, khi ta đánh thắng thực dân Pháp giải phóng một nửa đất nước. Ở Angola, năm 1956 bác sĩ Agostinho Neto thành lập Đảng lao động MPLA theo đường lối cộng sản. Sau cách mạng Hoa Cẩm chướng của Bồ Đào Nha tháng 4-1974, Angola tuyên bố độc lập và thành lập chính phủ liên hiệp vào năm 1975, gồm ba đảng Đảng Lao động (MPLA), Đảng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola (FNLA), và Liên minh Dân tộc vì Độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA). Nhưng sau đó FNLA và UNITA quay lại chống MPLA, phát động nội chiến. Trong thời điểm này, theo lời kêu gọi của Angola, quân của Cu Ba đã ra sức ủng hộ chiến đấu đầy lùi quân Nam Phi và UNITA xuống phía Nam). Sau đó, quân Cuba rút, chỉ để lại các chuyên gia giáo dục và y tế. Thời điểm này các chuyên gia Việt Nam – Cu Ba khá thân thiết. Thể hiện ở sự kiện năm 1984, gia đình người Nam Phi da trắng gốc Anh sống trên tầng trên của phòng tôi và thầy Trị bị sát hại bằng bưu kiện có đặt bom. Người vợ và con gái bị chết, người chồng bế con trai đi chơi nên thoát nạn. Lúc đó chúng tôi mới biết họ là người đứng đầu hội những người Nam phi chống phân biệt chủng tộc từng bị bắt, khi được thả tự do họ sang Lubango dạy học và bị bọn Apartheid truy đuổi sát hại. Được tin, các đồng chí Cu Ba lập tức cho ô tô sang đón đoàn Việt Nam đến chung cư của các chuyên gia Cu Ba để tạm lánh mấy hôm. Trên tường nhà chung cư của các chuyên gia Cu Ba dán các khẩu hiệu chính trị, trong đó có câu của Fidel Castno: Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng đổ máu của mình. Lúc đó chúng tôi thấy thấm thía một điều: Các dân tộc khác nhau như Việt Nam, Angola, Cu Ba, Nam Phi…thuộc các lục địa khác nhau mang màu da khác nhau nhưng cùng chung một lý tưởng, một mục tiêu chiến đấu giống nhau. Họ cùng ở một chiến hào chống đế quốc thực dân và phân biệt chủng tộc nên họ rất thân thiết với nhau.
PGS Nguyễn Xuân Trúc (bên phải) và Trưởng đoàn chuyên gia Cu Ba tại trường Đại học Sư phạm Lubango, Angola, năm 1985
Trong thời gian làm chuyên gia giáo dục ở Angola, còn nhiều kỷ niệm nhỏ nhưng tôi không bao giờ quên: Nhân ngày Quốc khánh Việt Nam 2-9-1984, chúng tôi tổ chức một buổi chiếu phim Việt Nam cho tất cả các sinh viên trường Đại học Lubango và các chuyên gia quốc tế làm việc ở Lubango (chuyên gia Liên Xô, Tiệp Khắc, Anh, Pháp, Mỹ). Phim chiếu hôm đó là “Mối tình đầu”, đây là một bộ phim tình cảm – xã hội của đạo diễn Hải Ninh, do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản mà bối cảnh là cuộc chiến đấu của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn thời Ngụy quyền chiếm đóng. Khi ấy, vốn tiếng Bồ Đào Nha của tôi đã khá tốt, tôi được cử là người thuyết minh phim. Đây là lần đầu tiên trong đời và cũng là lần cuối cùng tôi đi thuyết minh từ tiếng Việt Nam sang tiếng Bồ Đào Nha. Phim này tôi đã được xem ở trong nước nhiều lần nên rất thích, thuyết minh với một cảm xúc mạnh mẽ, khi nhìn xuống hội trường tôi thấy một số phụ nữ người Angola khóc thút thít. Năm sau, cũng ngày quốc khánh chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm, sau đó trình bày một số bài hát Nga và Việt Nam. Khi chúng tôi hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cả hội trường mấy trăm cán bộ nhân viên và chuyên gia của trường đều đứng dậy hát theo. Họ nồng nhiệt bắt nhập phần sau “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” rất say sưa và đúng nhạc điệu. Sau buổi đó, tôi cũng được các đồng nghiệp Angola kể lại rằng năm 1975, khi Việt Nam giải phóng Sài Gòn, nhân dân thủ đô Luanda vỗ tay reo mừng, tất cả báo chí Angola đăng trên trang đầu title lớn: Saigão caia (Sài Gòn sụp đổ). Tôi được biết, một trong số đại lộ to đẹp nhất tại thủ đô Luanda của Angola mang tên Avenida Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1984, Chính phủ Việt Nam và Angola ký hiệp định song phương, các chuyên gia giáo dục được nhận lương tháng là 100 đô-la. Nhưng do đã từng trải qua thời kỳ khó khăn tại Việt Nam, nên tôi vẫn cảm thấy rất bình thường. Cuối năm 1984, chuyển sang tự túc bữa ăn, chúng tôi được Chính phủ Angola bán lương thực cho giá rất rẻ, nhiều hàng hóa thực phẩm chúng tôi không dùng hết lại mang đổi cho người dân sống gần nơi chúng tôi ở để lấy gà, trứng phụ thêm bữa ăn. Cũng phải kể thêm, khi tôi nhận được quyết định cử đi chuyên gia Angola (1983) thì cũng là lúc vợ tôi – bà Nguyễn Tú Thận mới qua đời. Con trai duy nhất của chúng tôi là Nguyễn Xuân Tùng cũng tròn 20 tuổi, dù rất hụt hẫng, đau buồn nhưng vì nhiệm vụ tôi phải để con ở nhà và nhờ bà cô thỉnh thoảng ghé qua thăm nom. Năm đầu tiên mới sang, chưa hiểu rõ đường đi, lối lại và nắm bắt giá cả nên chúng tôi không ai mang thêm hàng hóa để kiếm thêm thu nhập. Hè năm 1984 về nghỉ phép, tôi đi qua thủ đô Luanda nên đã khảo sát giá cả, hết kỳ nghỉ chúng tôi mang số lượng nhỏ bàn chải đánh răng, bút bi mang sang Angola để bán. Hàng tháng tôi tích cóp gửi cho con trai 4 hộp sữa nhãn hiệu Nido hoặc Lactogen cùng một số đồ gia dụng. Tôi biết khi vợ tôi qua đời con cái thiệt thòi nhất nên dù đời sống chuyên gia còn khó khăn nhưng hàng tháng tôi đều viết thư và gọi điện về hỏi thăm, động viên con trai học tập, giữ sức khỏe. Kết thúc đợt chuyên gia này tôi cũng mua được 2 chiếc Honda của Nhật Bản, thời ấy bán một chiếc được 3 cây rưỡi vàng, đủ để mua một căn hộ nhỏ ở phố Giảng Võ hiện nay.
Đầu năm 1989, tôi lại được trường cử sang chuyên gia ở Angola lần thứ 2 tại Học viện cao cấp khoa học giáo dục(Viết tắt ISCED) Luanda, tôi gặp lại học trò Artur, lúc này đã là Thứ trưởng Bộ giáo dục nước Cộng hòa Angola. Ông Artur đến tận trường thăm tôi và vui mừng giới thiệu với Giám đốc Học viện: Đây là thầy của tôi! Tôi rất biết ơn thầy. Lớp học tôi dạy ở trường này phần lớn là các cán bộ lãnh đạo hoặc phu nhân của các cán bộ lãnh đạo Anglola,trong đó có ông Davoca, Bí thư tỉnh ủy Huambo. Sang lần này với thời gian kéo dài 6 năm, đặc biệt trong hai năm cuối tôi có ký hợp đồng cá nhân và nhận 2500 USD/tháng (nộp lại cho Nhà nước Việt Nam 36 %) nên so với các đồng nghiệp đang ở Việt Nam thì thu nhập cao hơn nhiều. Tôi vẫn tự xây dựng chương trình giảng dạy môn Lịch sử thế giới cận hiện đại bằng tiếng Bồ Đào Nha, chương trình này tôi cũng đã áp dụng ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì thời điểm này, điều kiện kinh tế vật chất còn nhiều khó khăn, nguồn tài liệu phục vụ cho giảng dạy còn khiêm tốn nên khi sang tôi chủ yếu giảng dạy dựa vào giáo trình Lịch sử thế giới hiện đại do chính tôi biên soạn. Nhiệm vụ giảng dạy của tôi chủ yếu là đưa thông tin vấn đề, hướng dẫn và điều khiển quy trình học tập của sinh viên và để họ tự nghiên cứu là chính. Trong mỗi lớp học, tôi thường tổ chức thành các nhóm nhỏ, đưa các vấn đề để các nhóm thảo luận. Có thể nói, từ năm 1986-1996, Việt Nam tăng cường nhiều lượt chuyên gia sang công tác tại Angola. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn vất vả, đặc biệt trong thời kỳ nước bạn có nội chiến (1976 – 2002), khi các chuyên gia nước khác về nước hết, nhưng chuyên gia Việt Nam vẫn bền bỉ trụ lại lục địa đen này và chung tay góp sức xây dựng Angola như ngày hôm nay. Tôi cũng vinh dự đã góp một phần công sức trong đào tạo cho đất nước này. Năm 1995, tôi làm đơn xin nghỉ để về nước vì thấy mình tuổi đã cao. Thứ trưởng Artur đã cố thuyết phục tôi ở lại nhưng tôi kiên quyết xin về. Tôi còn nhớ ông Kambwa – Giám đốc Học viện cao cấp khoa học giáo dục (ISCED) Luanda từng nói với tôi: Những cánh cửa của chúng tôi vẫn mở nếu trong tương lai ông muốn trở lại đất nước chúng tôi.
Giờ đây, mỗi khi ôn lại những kỷ niệm về các học sinh, da đen, da trắng tuy khác màu da, nhưng rất gần gũi và quý trọng người thầy da vàng của họ thỉnh thoảng lại tái hiện trong ký ức tôi, khiến tôi không khỏi xúc động. Với những đóng góp nhỏ bé của tôi trên đất nước Angola qua hai đợt làm chuyên gia, tôi được vinh hạnh nhận Bằng danh dự của Bộ Giáo dục Angola do Thứ trưởng Bộ giáo dục Artur trao tặng, điều mà Ngoài ra tôi cũng nhận được thư khen của Giám đốc Học viện (ISCED): Trong thời gian làm chuyên gia tại Luanda, PGS Nguyễn Xuân Trúc luôn đứng đầu về sự chuyên cần, tận tụy, nhiệt tình và rất tinh thông trong công việc. Chính tinh thần đó, giảng viên Trúc đã giành được nhiều cảm tình và sự kính trọng của thủ trưởng, đồng nghiệp và sinh viên của ông.
Cho đến nay, tôi có thể nói rằng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó có khoa Lịch sử đã có nhiều đóng góp quan trọng về đào tạo nhân lực, hoàn thiện chương trình giảng dạy của nhiều trường Đại học Sư phạm trong và ngoài nước. Sau năm 1975, các cán bộ được đào tạo tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở các trường Đại học Sư phạm, như ông Phạm Hồng Việt, Chủ nhiệm khoa Lịch sử trường ĐH SP Huế; ông Nguyễn Bá Triệu, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐHSP Quy Nhơn…rồi ĐHSP Phnom Pênh, hay các trường ĐHSP ở nước Cộng hòa Angola. Tôi cảm thấy tự hào có một phần công sức của mình trong đó.
Lưu Thị Thúy (ghi)
____________________