“Anh Đạo vẫn đang ở đây. Tôi tin như thế…”

Trước đây với cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo, tôi thực sự kính phục vì ông là một nhà khoa học lớn, có nhiều tư tưởng đổi mới đối với giáo dục đại học của Việt Nam. Sau khi được đọc những trang viết của PGS.TS Trần Thị Kim Chi, người vợ của ông, tôi thấy ngưỡng mộ ông, một người hạnh phúc vì được yêu thương đến như vậy.

Vẫn nghĩ đó chỉ là một giấc mơ

4 năm qua rồi, vậy mà trong căn nhà này, sự hiện hữu của ông vẫn thật sống động và gần gũi. Phòng khách vẫn treo bức ảnh lớn của ông, những tấm ảnh ông chụp cùng gia đình, sách vở, tài liệu… vẫn như xưa?

Bốn năm qua, tôi vẫn nghĩ việc anh ra đi chỉ là một giấc mơ. Trên bàn làm việc, ngày ngày tôi vẫn để hai cốc nước, cuốn từ điển vẫn mở đúng trang anh đang tra cứu. Chiếc áo anh mặc hôm đó vẫn được vắt trên ghế. Chiếc cặp vẫn để trên giường…

Nhiều người nói, nếu giữ những kỷ vật của người đã khuất thì họ sẽ khó siêu thoát?

Vẫn biết thế, nhưng tôi không thể nào không giữ lại vì cứ nghĩ nếu anh quay lại căn nhà này mà thấy mọi thứ khác đi, anh sẽ buồn. Ngay cả những bộ quần áo mà tôi vẫn hay mặc khi anh còn sống thì giờ có rách, hỏng, tôi vẫn cất giữ cẩn thận, không muốn bỏ đi. Nhiều lúc có cảm giác như anh đang ở nhà. Hơn nữa tôi nghĩ, anh là người rất thông minh nên nếu thực sự có thế giới bên kia thì anh sẽ biết phải làm gì mặc dù tôi vẫn giữ những đồ vật này. Tôi vẫn luôn tin như thế. Và nhiều khi niềm tin ấy mạnh đến nỗi có cảm giác chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ lại được nghe tiếng anh mở cửa vào nhà.

 

Điều gì ở ông khiến bà thương nhớ đến vậy?

Có lẽ vì anh ra đi quá đột ngột, đột ngột đến mức không thể tin được. Hôm đó đang viết dở bài phát biểu cho Đại học FPT, anh nói đi ra ngoài tập thể dục. Trên đường về, anh còn gọi điện cho các con dặn tối lên nhà ăn cơm. Khi đó tôi vừa xem ti vi xong, đang định gọi điện để thông báo một tin gì đó thì có điện thoại báo anh bị tai nạn giao thông. Đến giờ tôi vẫn nhớ khi đỡ anh trên xe cấp cứu, anh gục vào vai tôi và tiếng thở rất to. Tiếng thở đó giờ vẫn còn vang bên tai tôi. Và điều cuối cùng anh nói là anh hạnh phúc vì tôi đã kịp chạy xuống, đã kịp ôm anh trong tay, vì anh chỉ lo ra đi mà không gặp lại tôi.

Bà lặng lẽ lau những giọt nước mắt rồi kể tiếp:

Anh là người rất tình cảm, có chuyện gì cũng hay tâm sự với vợ. Trong nhà có lẽ anh quý nhất bé Nam, đứa cháu nội duy nhất năm nay đã học lớp 10. Khi Nam được 9 tháng, tôi đã đưa cháu từ Úc về nuôi vì bố mẹ chưa về được. Khi Nam đi học mẫu giáo ở Trường Hoa Sen, ngày ngày anh đi làm về đều rẽ qua đón cháu. Kia là bức ảnh chụp hai ông cháu. Ông đang nhìn cháu chơi, ánh mắt ông say mê cháu đến mức có cảm giác không cần gì trên đời nữa.

 

Không thể giao gia đình cho người đàn ông

Điều gì bà thấy tâm đắc nhất ở gia đình mình?

Gia đình tôi cũng bình thường thôi, không lý tưởng lắm đâu. Anh Đạo là người dễ tính, thường thì tôi thích cái gì là anh cũng thích cái đấy. Trong ăn uống anh cũng rất đơn giản. Tôi nấu ăn không đến nỗi tồi nên cuộc sống gia đình yên ấm, ổn thỏa. Tuy nhiên, không phải không có những mâu thuẫn, đôi khi cũng khá găng… nhưng đều được giải quyết bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Đấy, nếu nói tâm đắc nhất thì có lẽ đó là sự thông cảm giữa hai người. Tôi luôn ủng hộ công việc của anh bởi anh là người sống có lý tưởng, có mục tiêu rõ ràng, có trí tuệ và một nghị lực phi thường để phấn đấu đạt mục đích. Tôi rất khâm phục khả năng tập trung làm việc của anh. Về nhà ngồi chờ cơm 15 phút cũng có thể ngồi vào làm việc được.

Trong gia đình mà cả hai người đều làm khoa học, chắc vất vả lắm?

Chỉ có anh Đạo say mê các hoạt động khoa học, còn tôi chỉ làm chuyên môn và công việc gia đình. Mình xác định không thể cả hai người cùng làm việc căng thẳng được. Có lần anh đi họp về muộn, về tôi đã nấu cơm xong xuôi rồi. Nếu cả hai người phảiđi họp về muộn như thế này, vừa đói, vừa mệt, rồi những vấn đề ở cơ quan khéo cãi nhau mất.

Bà có hình dung là, giả sử nếu bà cũng say mê công việc đến mức quên hết mọi thứ trên đời, thì cuộc sống sẽ ra sao?

Tôi không có cái đó. Có lẽ đối với phụ nữ như vậy là may đấy, nếu có thì không lo được cho gia đình. Cái say mê của tôi là lo cho gia đình.

Bà chủ động rút về sau để ông yên tâm phấn đấu?

Không hẳn thế. Tôi biết trong công việc mình không thể bằng anh, nên cố gắng lo những cái mà anh không thể lo được. Từ việc xếp dọn sách vở, tài liệu, cơm nước, chăm sóc gia đình, lo cho con học hành đến cả những việc giúp anh lập trình, tính toán rồi vẽ trên máy… Những việc mà nếu mình không lo thì anh cũng chẳng lo được. Đôi khi tôi vẫn nói đùa, không thể giao con, giao cháu, giao gia đình này cho những người đàn ông được mà phải tự tay mình thôi. Những năm 1982 – 1985, tôi làm nghiên cứu sinh ở Nga, anh bảo cứ đi đi, ở nhà anh lo được, nhưng rồi cũng không đảm đương được gia đình. Đó là thời gian duy nhất và dài nhất tôi xa gia đình.

Tức là cũng có lúc bà đặt sự nghiệp lên trên gia đình?

Nói thực là tôi đi cũng một phần vì lý do kinh tế. Khi đó anh là viện phó Viện Khoa học Việt Nam, là lãnh đạo, đi nước ngoài phải giữ gìn, cùng lắm là mang về mấy cân đường, mấy mét vải làm quà… vì thế kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Tôi đã phải bảo: "Anh đi thế này thì nhà cũng không có tiền để cho con học thêm", rồi tự mình đành phải dứt ra để đi. Cũng suy nghĩ mãi mới đi. Khi về thì cũng đỡ khó khăn.

 

 

Người ta nói các nhà khoa học thường hay cực đoan, bà có thấy thế không?

Tôi thấy, ngoài say mê công việc ra thì anh Đạo cũng không đến nỗi cựcđoan. Giữa hai người tất nhiên là cũng có cái hợp, cái không hợp, nhưng không hợp là những cái nhỏ thôi, không đáng kể. Để sống được với nhau, mỗi người phải tự nhìn nhận mình để hòa hợp. Đôi khi phải hy sinh cái này cái khác. Mỗi người cũng phải biết thế mạnh của mình là gì. Thế mạnh của tôi là gia đình.

Xin cảm ơn bà! Buổi tròchuyện này đã giúp tôi hiểu thêm nhiều về GS Nguyễn Văn Đạo, một nhà khoa học lớn của Việt Nam.

 

 

GS.VS Nguyễn Văn Đạo sinh ngày 10/8/1937 tại Chí Tiên, Thanh Ba, Phú Thọ. Năm 1957, ông tốt nghiệp ngành toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1965, bảo vệ luận án Tiến sĩToán – Lý tại Đại học Lomonoxop (Nga). Năm 1976, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Bách khoa Varsovie (Ba Lan). Ông được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc, Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba, Viện Hàn lâm khoa học Quốc gia Ukraina và Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu.

Ông từng là chủ nhiệm bộ môn cơ học lý thuyết, Đại học Bách khoa Hà Nội, phó viện trưởng kiêm tổng thư ký Viện Khoa học Việt Nam, viện trưởng đầu tiên của Viện Cơ học, giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ông mất ngày 11/12/2006 do tai nạn giao thông.

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1988/201102/anh-dao-van-dang-o-day-Toi-tin-nhu-the-1790540/