Tôi vẫn nợ ông một bài báo, mà tôi tự nhủ sẽ viết về ông, sau một buổi gặp gỡ chân tình ấm áp ông dành cho tôi, trong bộn bề công việc của một người Viện trưởng.
Trên 30 năm công tác trong ngành Y tế, GS.TS, Anh hùng lao động, Công dân ưu tú thủ đô Nguyễn Anh Trí đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu trong cả nước. Ông đã triển khai nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán và điều trị máu. Rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, nhờ vị giáo sư đầu ngành với nhiều sáng kiến mới được áp dụng trong điều kiện Việt Nam.
Các bệnh về máu như tan máu bẩm sinh, bệnh ưa chảy máu, kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu hiểm nghèo đã mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý huyết học ác tính, thậm chí là ở giai đoạn cuối.
Những ngày đầu xuân năm mới, người dân mọi miền Tổ quốc còn biết đến ông như một người khởi xướng phong trào hiến máu nhân đạo như “Lễ hội xuân hồng”, qua đó cải thiện tình trạng khan hiếm máu tại các bệnh viện, mang lại cơ hội sống và niềm vui cho hàng ngàn bệnh nhân, hàng ngàn gia đình.
GS.TS Nguyễn Anh Trí có nụ cười hiền hậu. Cách nói chuyện của ông nhẹ nhàng, tình cảm, dễ đi vào lòng người. Dù cho câu chuyện có mang tính quyết liệt đến đâu, kể cả khi ông nói về những quyết sách mạnh mẽ, việc ông phát triển các công nghệ mới nhằm áp dụng vào điều trị các căn bệnh hiểm nghèo về máu cứu sống nhiều bệnh nhân, ông vẫn nói bằng chất giọng pha một chút Quảng Bình quê hương ông, rất nhẹ, rất trìu mến.
Ông là một nhà khoa học lớn, một giáo sư đầu ngành về huyết học, một người có ảnh hưởng lớn lao trong lĩnh vực của mình, nhưng đồng thời cũng là một người có tâm hồn nghệ sĩ rất nhân văn. Khi nói về những trăn trở nghề nghiệp của mình, ông không chỉ dùng những cụm từ chuyên ngành y học khô khan, mà ông còn rất giỏi sử dụng các hình thức nghệ thuật thơ văn và âm nhạc.
Tôi đã không thể nhớ hết những câu chuyện liên quan đến ngành huyết học mà ông kể, nhưng những câu thơ, những bài hát ông viết về công việc của mình, thì còn dư âm mãi trong tôi. “Hành trình đỏ – kết nối dòng máu Việt/ Hành trình đỏ-kết nối những yêu thương/ Nào bạn ơi, chúng ta cùng lên đường/ Theo hành trình đỏ đến những miền quê hương…”.
“Hành trình đỏ” là tên gọi của phong trào hiến máu do GS.TS Nguyễn Anh Trí phát động và có hiệu ứng sâu rộng trong lòng nhân dân nhiều năm nay. Ông viết bài hát từ câu chuyện thực tế này để động viên mình, động viên toàn thể cán bộ y bác sĩ của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nói riêng và toàn ngành Y tế nói chung, cùng với đông đảo nhân dân cả nước chung tay chung sức chung lòng hiến máu cứu sống người bệnh hiểm nghèo. GS.TS Nguyễn Anh Trí là một nhà khoa học tài hoa hiếm thấy mà tôi từng gặp.
Năm 2004, tách ra từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương trở thành một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận nhiệm vụ Viện trưởng. Khó khăn chồng chất khó khăn từ khi trở thành một đơn vị độc lập, mà đầu tiên phải kể đến là khó khăn về nhân lực.
Lúc đó, các y bác sĩ giỏi phần lớn ở lại Bệnh viện Bạch Mai. GS Nguyễn Anh Trí nghĩ ngay đến vấn đề đào tạo nhân lực. Bởi vì trong bất kỳ ngành nghề nào, đặc biệt là y học, vấn đề chất lượng con người phải được đặt lên hàng đầu. Hơn 350 cán bộ chuyên khoa huyết học trong cả nước đã được GS Nguyễn Anh Trí ký quyết định cho đi học tập về cả chuyên môn lẫn quản lý ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Mỹ.
Những cá nhân ưu tú này, sau thời gian được đào tạo, tiếp xúc với công nghệ tiên tiến ở các nước, đã trở về và trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành huyết học và truyền máu tại thủ đô và các địa phương. Các trung tâm truyền máu trực thuộc Viện Huyết học và truyền máu trung ương hiện nay đã phủ sóng hầu khắp các tỉnh thành, có thể giải quyết cơ bản các vấn đề cấp bách về các bệnh liên quan đến máu cho bệnh nhân ở các địa phương. Mạng lưới của các trung tâm này được đánh giá là chuyên nghiệp và hoàn chỉnh nhất trong Bộ Y tế.
Có thể nói, trong hơn chục năm giữ cương vị là “kiến trúc sư trưởng” của ngành huyết học Việt Nam, GS Nguyễn Anh Trí đã giải quyết cơ bản được một câu chuyện vốn vô cùng bế tắc trong y tế từ xưa đến nay, đó là tình trạng thiếu máu. Giọng GS Nguyễn Anh Trí như chùng xuống, khi ông kể về những câu chuyện đau lòng mà hơn nửa cuộc đời làm y học ông đã chứng kiến.
Thiếu máu, bác sĩ chờ bệnh nhân chờ. Thiếu máu, bác sĩ bất lực nhìn cơ hội sống của bệnh nhân trôi qua. Thiếu máu, bao nhiêu người phải đầu hàng số phận. Và nước mắt của nhiều bác sĩ đã nhỏ xuống, xót xa vì không có cách nào cứu sống được bệnh nhân. Mùa thiếu máu nhất trong năm là mùa hè và dịp sau Tết Nguyên đán.
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, GS Nguyễn Anh Trí nhận thức rằng, chỉ có thể giải quyết được tình trạng khan máu, nếu như huy động được một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội về hiến máu. Và ông khởi xướng hai phong trào lớn, “Lễ hội xuân hồng” sau Tết Nguyên đán và “Hành trình đỏ” vào mùa hè.
Cho đến nay, vào mỗi mùa hiến máu, hàng chục nghìn đơn vị máu đã được cung cấp tới hầu khắp các cơ sở y tế trong cả nước, góp phần kịp thời cứu sống các bệnh nhân hiểm nghèo. Tình trạng thiếu máu đã giảm phần nhiều. “Lễ hội xuân hồng” hay “Hành trình đỏ” đã trở thành một biểu tượng đẹp về tình tương thân tương ái của người Việt. Một nghĩa cử nhân văn và là một hoạt động gắn liền với tên tuổi của GS Nguyễn Anh Trí, một nhà khoa học, một nhà quản lý, một thầy thuốc tài năng, tài hoa, hết lòng yêu thương con người.
Là một nhà quản lý, GS. Nguyễn Anh Trí luôn tâm niệm mình phải xây dựng một “văn hóa bệnh viện” kiểu mẫu, ở đó bênh nhân được đối xử bình đẳng và đội ngũ cán bộ y bác sĩ phải trở thành những người làm nghề văn minh, văn hóa, lịch sự và trách nhiệm nhất có thể.
Ông kể cho tôi nghe một câu chuyện về một đồng nghiệp người Nhật, đã xin xuống làm lao công quét dọn bệnh viện một thời gian, sau khi để xảy ra sai sót trong lúc làm xét nghiệm cho bệnh nhân.
GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, bệnh cửa quyền, thiếu lễ phép với bệnh nhân, hạch sách bệnh nhân cần phải được loại bỏ ra khỏi tư duy của những cán bộ y tế. Những người làm việc ở các cơ sở y tế cần phải quan niệm rằng, bệnh nhân là khách hàng của mình. Rằng chính bệnh nhân là người nuôi sống mình, vì vậy mình phải có trách nhiệm cung cấp cho bệnh nhân những dịch vụ hoàn hảo nhất, tốt nhất. Và luôn luôn phải biết ơn khách hàng.
Tôi đã trao đổi lại với ông, rằng, nghe hơi lạ tai, xưa nay người ta thường nói về lòng biết ơn của bệnh nhân đối với các bác sĩ, vì họ đã được các bác sĩ chữa bệnh, cứu sống, chứ bác sĩ biết ơn bệnh nhân thì… lạ quá.
GS Nguyễn Anh Trí phân tích lại ngay, ông nói, bác sĩ cũng cần phải biết ơn bệnh nhân, vì họ đã chọn mình mà đến lúc gặp vấn đề về sức khỏe, đã tin tưởng mình, thậm chí đã trả tiền cho mình. Văn hóa chào hỏi bệnh nhân trong thang máy, hay chuyện bật điều hòa cho bệnh nhân vào những ngày thời tiết nóng nực, chuyện đi nhẹ nói khẽ, lịch thiệp nói cười… đều là những câu chuyện quan trọng mà GS, Viện trưởng đề cập đến trong mỗi cuộc họp giao ban bệnh viện với cán bộ y bác sĩ. Ông đề cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy chuyên nghiệp và thái độ phục vụ văn minh, văn hóa của cán bộ y tế.
Bởi sinh ra ở vùng đất nắng gió Quảng Bình, với những làn điệu dân ca thiết tha tình yêu người, yêu quê hương, GS Nguyễn Anh Trí vô cùng yêu nghệ thuật. Dù cho bận rộn một đời với công việc của nhà khoa học, nhưng nghệ thuật vẫn là một mạch nguồn riêng chảy trong tâm hồn ông. Tôi đã đọc tập các tập thơ “Mẹ và những miền quê mẹ”, “Sống mãi với thu vàng” và “Tình ca cầu vồng” của ông, cũng đã nghe CD thâu âm các ca khúc do ông sáng tác có tên gọi “Ca khúc Nguyễn Anh Trí”.
Tôi tin rằng, một người chưa từng tiếp xúc với ông, chưa biết ông là nhà khoa học, sẽ chỉ hình dung đó là một nghệ sĩ, một nhà thơ, một nhạc sĩ với tâm hồn rung cảm, bao chứa một tình cảm thiết tha với cuộc sống, với con người và tình đời. Cũng bởi không định làm nghệ thuật, theo cách chuyên nghiệp như người ta thường nghĩ, GS Nguyễn Anh Trí viết những gì trong sâu thẳm tâm hồn ông một cách tự nhiên, chân thật, giản dị nhất, nhờ thế mà thơ và nhạc của ông chạm được vào trái tim của người đọc, người nghe.
Nói về sự đa tài của GS Nguyễn Anh Trí trong một bài báo thật khó, bởi ông là một con người với nhiều góc khác nhau, không dễ dàng để phân tích hết. Ngợi ca một người như ông cũng là một việc không cần thiết, bởi lẽ tên tuổi ông trong khoa học, gắn liền với hơn 200 công trình nghiên cứu, với các danh hiệu cao quý: Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp, GS.TS, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Công dân ưu tú thủ đô… đã tự nói lên tầm vóc của một con người. Còn trong nghệ thuật, không có lời ngợi ca nào tốt hơn là để chính những sáng tạo của người nghệ sĩ lên tiếng.
Và đây, tôi muốn khép lại bài báo nhỏ này, bằng những câu thơ, cũng là những ca từ trong một giai điệu rất đẹp của GS Nguyễn Anh Trí viết về lòng tự hào dân tộc, về quê hương, Tổ quốc tươi đẹp của chúng ta. Không có một tâm hồn nghệ sĩ lớn, thấu cảm những yêu thương sâu sắc từ cuộc đời, chắc hẳn nhà khoa học của chúng ta đã không thể viết những câu thơ tài hoa và trắc ẩn như vậy.
“Tôi nhìn trên mặt Trống Đồng/ Thấy miên man chiều sâu đất nước/ Những là con Hồng/ Những là cháu Lạc/ Tề tựu bên nhau/ Chung sống kết đoàn/ Tôi thấy từ trong xa thẳm hồng hoang/ Con gà cất tiếng gáy/ Giục bình minh sáng dậy/ Con hươu ăn đêm/ Dưới bầu trời trăng/ Lấp lánh ánh vàng/ Những mái nhà sàn/ Che chở dân làng qua mùa mùa mưa nắng/ Trong mênh mông tĩnh lặng/ Tôi thấy vòng quay của những tinh cầu/ Hạ chí, mưa ngâu…”.
Bình Nguyên Trang