Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp thất trận ở châu Âu. Tháng 9/1940, Nhật tràn vào Việt Nam nhưng vẫn sử dụng bộ máy cai trị của Pháp ở đây như một công cụ của chúng. Đặng Văn Ngữ được “chọn” sang Nhật để thực hiện chương trình “Trao đổi văn hóa” của Nhật với xứ Đông Dương. Chương trình này nằm trong âm mưu xây dựng hình ảnh nước Nhật như một người “anh cả da vàng” – không những về quân sự, chính trị mà cả về văn hóa – đứng đầu khối Đại Đông Á. Trong môi trường khoa học mới, nhà khoa học trẻ Đặng Văn Ngữ có thêm nhiều phương tiện để nghiên cứu và anh đã tìm ra được những chủng penicilinum có họat tính cao. Cái tên Đặng Văn Ngữ và các công trình nghiên cứu về kháng sinh của anh bắt đầu gây được sự chú ý trong giới khoa học. Tiền bạc và danh vọng và một cuộc sống thanh bình yên ổn đang chờ anh ở phía trước. Nhưng trước hết và trên hết, Đặng Văn Ngữ là một người yêu nước, yêu nhân dân.
Tháng 8/1945, nước Nhật bại trận. Làm việc tại một viện nghiên cứu của Mỹ trên đất Nhật, Đặng Văn Ngữ thấy rõ hơn nỗi nhục mất nước khi cổng chính của Viện ghi chữ “Dành cho người Mỹ”, những nhân viên khác đi cổng phụ nhỏ ở phía sau với dòng chữ “Dành cho người Châu Á”. Anh nói với tên lính gác: “Tôi là người Việt Nam” … nhưng nó không hiểu…
Sau tháng 9/1945, nhờ một sự may mắn, Đặng Văn Ngữ có trong tay bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” và “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” từ bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ đã thôi thúc Đặng Văn Ngữ trở về nước góp sức cho cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập mới giành lại được của nhân dân Việt Nam.
Được các kiều bào ở Nhật giúp đỡ, sau mấy tháng gian truân, Đặng Văn Ngữ về dến liên khu IV rồi lên Việt Bắc. Trình bày với Bác Hồ những dự định đang nung nấu của mình, được Bác động viên khuyến khích, Đặng Văn Ngữ càng thêm quyết tâm góp sức mình vào cuộc kháng chiến thiêng liêng của dân tộc.
Ông thường nói với các trợ thủ của mình: “Không sợ thiếu phương tiên, chỉ sợ không đủ quyết tâm…”. Phòng thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, và các sản phẩm nghiên cứu của ông ra đời trong kháng chiến theo phương châm đó giữa núi rừng Việt Bắc. Từ chiến dịch biên giới năm 1950, cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến năm 1954, tất cả các chiến sĩ, thương binh đều được điều trị có hiệu quả bằng penicillium, streptomicillium nuôi cấy từ nước ép thân cây ngô – một sản phẩm độc đáo made in Việt Minh… by Dang Van Ngu.
Hòa bình lập lại, bác sĩ Đặng Văn Ngữ là người nền móng cho ngành ký sinh trùng học ở Việt Nam. Công việc nặng nề đầu tiên là đẩy lùi bệnh sốt rét trên tòan miền Bắc – một việc tưởng chừng như không tưởng. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ như một đầu tàu kéo khỏe đưa công việc này vượt qua nhiều đèo dốc khó khăn… Công tác điều tra cơ bản được tiến hành mạnh mẽ, khoa học và chính xác; chương trình diệt muỗi diện rộng được đẩy mạnh; đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng như cán bộ y tế cộng đồng được đào tạo và tổ chức tốt. Đích thân bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng trèo đèo lội suối hàng ngàn km, ba lần vào hỏa tuyến khu IV, Vinh Linh để tìm bắt muỗi, thí nghiệm vắcxin diệt sốt rét.
Tháng 4/1967, Giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh giữa đợt công tác tại miền núi phía tây Quảng Bình. Ông hy sinh khi cuộc kháng chiến còn đang diễn ra ác liệt, giữa lúc nhân dân và chiến sĩ cần những cống hiến khoa học của ông. Bom Mỹ đã cắt ngang cuộc đời khoa học vì dân vì nước của giáo sư Đặng Văn Ngữ, ngăn trở nhiều công trình khoa học đang còn dang dở của ông, đặc biệt là công trình nghiên cứu một lọai vacxin ký sinh trùng đặc hiệu có tác dụng phòng bệnh…
Nhân dân nhớ về ông – một nhà khoa học xuất sắc, một trí thức cách mạng chân chính không ngừng đi sâu vào thực tiễn để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nhiều thế hệ học trò của ông vẫn nhớ lời người thày tận tụy Đặng Văn Ngữ căn dặn: “Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của cách mạng nước nhà”.
Tâm niệm đó xuất phát từ tình yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu độc lập tự do, hòa quyện với tình yêu khoa học của ông – nhà khoa học, vị bác sĩ, liệt sĩ đáng kính Đặng Văn Ngữ.
Ngô Nguyễn Thiên An