‘Anh hùng’ trên mặt trận chống bệnh Lao

Hơn 30 năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy thời gian, ông luôn kiên định với nghề mà mình đã chọn. Dù có nhiều chông gai, nhiều thử thách, ông vẫn nguyện gắn bó cả đời mình với những bệnh nhân lao và bệnh phổi. Đã kinh qua nhiều vị trí công tác như: Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia; Giám đốc Bệnh viện Trung ương 74 – Bộ Y tế; Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương; Chủ nhiệm Bộ Môn Lao và Bệnh phổi – Đại học Y Hà Nội; Tổng biên tập Tạp chí Lao và Bệnh phổi, nhưng vị trí nào của ông cũng gắn bó với chuyên môn Lao và bệnh phổi. Hiện nay, tuy đã ở tuổi được hưởng chế độ nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Lao và bệnh Phổi Việt Nam, tiếp tục dùng kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết để phục vụ cho sự phát triển của y học trong công tác điều trị Lao và bệnh phổi.

PGS.TS. TTND Đinh Ngọc Sỹ khi đang là sinh viên Đại học Y Thái Nguyên khóa 2, ông đã đi theo tiếng gọi của tinh thần yêu nước, đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chàng sinh viên y khoa đã gác bút sách để lên đường đi chiến đấu, năm 1972. Ông đã tham gia các trận đánh lớn của các chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về tiếp tục học tập, công tác tại Học viên Đại học Quân y khóa 67. Năm 1978, tốt nghiệp thủ khoa, ông được giữ lại trường công tác. Trong 3 năm đầu tiên ông đảm nhiệm công tác bác sĩ nội trú lâm sàng, đây chính là cơ duyên đưa ông đến với chuyên ngành lao và bệnh phổi. Chính trong khoảng thời gian đó, được làm việc cùng với những thầy giáo, những bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực hô hấp, ông đã nhận thấy chuyên ngành lao phổi như cái nghiệp của mình. Từ năm 1980, ông vừa làm nghiên cứu sinh, vừa giảng dạy ở chuyên ngành lao và bệnh phổi, đồng thời là Phó trưởng khoa AM3 Bệnh viện 103 – Học viện Quân Y . Năm 1990, ông bảo vệ Luận án và là Phó Tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam bảo vệ về chuyên ngành hô hấp.

PGS.TS. TTND Đinh Ngọc Sỹ –  Chủ tịch Hội lao và Bệnh phổi Việt Nam

Qua những đóng góp của ông cho ngành y học nói chung và cho y học quân đội nói riêng. Năm 1997, ông được giao nhiệm vụ công tác và quản lý tại Bệnh viện Trung ương 74 – Bộ Y tế với cương vị giám đốc. Mặc dù, đứng trên công tác quản lý, nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi và nghiên cứu về chuyên ngành lao và bệnh phổi.

Trong nhiều năm giữ cương vị là Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương(2003-2013), PGS.TS.TTND Đinh Ngọc Sỹ là người có vai trò điều phối tất cả các hoạt động của bệnh viện để bệnh nhân được điều trị một cách hiệu quả nhất, các bác sĩ ở đây được làm việc trong môi trường thuận lợi nhất. Cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, ông đã đạt được nhiều thành quả trong công tác quản lý bệnh viện, chỉ đạo chương trình phòng chống lao quốc gia và công tác đào tạo. Bệnh viện là đơn vị tiêu biểu dẫn đầu toàn quốc về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống bệnh lao, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành Y tế và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Với cương vị, đã từng là Bí thư Đảng ủy bệnh viện trong ba nhiệm kỳ liên tục, ông đã luôn là tấm gương sáng trong mọi hoạt động của bệnh viện. Từ đó, giúp bệnh viên luôn là một tập thể đoàn kết, nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền, đoàn thể vững mạnh toàn diện, được chính quyền địa phương và nhân dân tín nhiệm

Bên cạnh việc điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân lao, ông còn có những nghiên cứu chuyên sâu về tỷ lệ mắc lao và nhiễm lao tại Việt Nam. Với vai trò là Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao Quốc gia, ông đã có nhiều đóng góp trong việc vận động sự ủng hộ của các đối tác và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, áp dụng một cách có hiệu quả các kỹ thuật mới, vắc xin, thuốc mới, nhằm phát hiện nhiều nhất và sớm nhất tất cả các thể lao ở cộng đồng, ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều trị khỏi với tỷ lệ cao nhất các trường hợp được phát hiện.

Bên cạnh đó, PGS.TS.TTND Đinh Ngọc Sỹ cũng đã có rất nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao. Ông đã chủ trì và tham gia hơn 15 đề tài cấp cơ sở với kết quả nghiệm thu được đánh giá cao. Ông cũng đã là chủ nhiệm của đề tài “Nghiên cứu tỷ lệ mắc lao và nhiễm lao ở Việt Nam” năm 2008-2009 . Kết quả nghiên cứu được đánh giá cao bởi Hội đồng khoa học Bộ Y tế , đạt loại xuất sắc. Năm 2009, với đề tài cấp Nhà nước về: “Nghiên cứu dịch tễ bệnh phổi mãn tính ở Việt nam (COPD), các yếu tố nguy cơ và biện pháp can thiệp”. Với cương vị là chủ nhiệm đề tài ông đã chỉ đạo lồng ghép phối hợp với đề tài cấp bộ thành đề tài mang tên VINCOTB-06 để tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo tính khoa học cao. Lần đầu tiên nghiên cứu đã công bố số liệu dịch tễ COPD toàn quốc của Việt nam, đóng góp cho số liệu dịch tễ toàn cầu và khu vực. Đề tài đã nghiệm thu đúng thời gian và xếp loại KHÁ năm 2009. Cùng với đó, ông được chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kĩ thuật tiên tiến trong sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị đích ung thư phế quản tại Việt Nam”, và cũng được đánh giá cao.
 
Vừa trực tiếp điều trị, vừa nghiên cứu thực tiễn và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những hội thảo quốc tế, ông đã đúc rút ra thực tế là chương trình phòng chống lao quốc gia Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ về nhân lực. Chính vì vậy, ông cũng dốc rất nhiều tâm huyết vào công tác giáo dục, truyền đạt kiến thức chuyên môn cũng như sự tâm huyết với nghề, với ngành lao phổi cho các thế hệ kế cận mình. Mong muốn sẽ có thêm nhiều bác sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có tâm đức với ngành y. Nhất là những bác sĩ trẻ đang công tác tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương sẽ có được điều kiện làm việc tốt nhất, gắn bó lâu dài nhất với bệnh viện và bệnh nhân lao. Vì vậy, bệnh viện luôn đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Dù đã rời cương vị lãnh đạo bệnh viện, nhưng bằng sự tâm huyết, nhiệt tình của mình, ông vẫn đang tiếp tục cống hiến sức lực cho Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam trên cương vị chủ tịch. Bằng những sự miệt mài trong công tác chuyên môn, quản lý và nghiên cứu, PGS.TS. TTND Đinh Ngọc Sỹ đã vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2010), Thấy thuốc Ưu tú (1999). Ông cũng rất xứng đáng được nhận Huân chương lao động hạng Nhì(2013); Huân chương lao động hạng Ba (2012); Bằng khen Thủ tướng (2000); Huân chương chiến công Hạng Nhất (2005); Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…Nhiều năm liền nhận Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của các UBND các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng lao động sáng tạo; Huy chương vì sự nghiệp công đoàn; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (2008)…

Huyền Thanh
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/